“Bạch mã hoàng tử” là hình mẫu ý trung nhân lý tưởng của biết bao người con gái. Chàng hoàng tử phong thái nhẹ nhàng, cưỡi con tuấn mã màu trắng, trong lịch sử thật sự có vị hoàng tử như vậy.

Vị hoàng tử xuất thân cao quý này thích mặc y phục màu trắng và cưỡi con tuấn mã màu trắng, chàng không chỉ có phong thái nhẹ nhàng điềm tĩnh, ga lăng phóng khoáng, mà còn đức hạnh giỏi giang, khí tiết hơn người. Trong thời đại vô cùng gian nan đó, ông đã thuận theo đạo trời, đưa ra lựa chọn tốt nhất cho người dân và gia tộc, và cuối cùng trở thành thủy tổ khai quốc của nước Tống thời Xuân Thu, đặt nền móng cho cơ nghiệp kéo dài 750 năm của nước Tống.

Người này là ai? Ông chính là Vi Tử Khải – người anh ruột của bạo quân Trụ Vương cuối triều Thương.

Người đời đều đã biết nhiều về Trụ Vương – vị vua cuối cùng của nhà Thương với bản tính hoang dâm bạo ngược, thực tế thì Trụ Vương vốn không phải là con trưởng trong hoàng tộc, mà chỉ là con thứ. Phụ thân của Trụ Vương là Đế Ất, con trai cả của Đế Ất chính là Vi Tử, tên là Khải, vì được phong tước ở đất Vi, nên được gọi là Vi Tử.

Một người con trai khác của Đế Ất là Thụ Đức, còn được gọi là Thụ, do Thụ tàn ác nên dù được ban thuỵ là Đế Tân, nhưng nhà Chu còn đặt thêm thuỵ là Trụ (chính là Trụ Vương sau này). Hai anh em họ đều cùng một mẹ sinh ra. Điểm khác biệt là khi sinh Vi Tử, thân mẫu vẫn là thứ phi (vợ lẽ). Chỉ sau khi sinh được hai người con trai là Vi Tử và Trọng Diễn, thân mẫu ông mới được lập làm chính thất (vợ cả), sau đó mới hạ sinh Thụ Đức.

Vi Tử là người nhân hậu và đức độ. Đế Ất và Vương hậu ban đầu muốn lập Vi Tử kế vị, nhưng vào cuối triều đại nhà Thương, chế độ kế thừa vương vị là chế độ đích tử kế vị (con trai do vợ cả sinh ra), các quan cho rằng không thể làm trái lễ pháp, kịch liệt phản đối lập Vi Tử làm vua, từ đó mới có Trụ Vương sau này. Chức quan của Vi Tử là “Khanh sĩ”, tức là người đứng đầu triều đình thời nhà Thương, tương đương với chức Tể tướng sau này.

Vi Tử – công tử có phong thái siêu phàm

Vi Tử là một công tử có phong thái siêu phàm. Hoàng tộc nhà Thương coi màu trắng là biểu tượng của cái đẹp, Vi Tử kế thừa truyền thống nhà Thương, vẫn luôn tôn sùng màu trắng. Một lần, ông khoác lên mình áo mũ màu trắng, cưỡi ngựa trắng đi làm khách, để lộ phong thái phong lưu phóng khoáng. Hãy xem trong Kinh Thi, mục Chu Tụng có bài như vậy: “Hữu khách hữu khách, diệc bạch kỳ mã. Hữu thê hữu thả, đôn trác kỳ lữ. Hữu khách túc túc, hữu khách tín tín. Ngôn thụ chi trập, dĩ trập kỳ mã. Bạc ngôn truy chi, tả hữu tuy chi. Ký hữu dâm uy, giáng phúc khổng di”.

Tạm dịch là: Có khách từ xa đến chơi nhà, tuấn mã màu trắng cưỡi ngang qua, một nhóm tùy tùng theo chân bước, áo quần trang trọng đứng hai bên. Người khách đêm đầu nghỉ nhà khách, hai đêm ba đêm vẫn nơi đây. Thật muốn lấy ra sợi dây thừng, cột lấy đàn ngựa níu chân anh. Người khách từ giã tôi đưa tiễn, bá quan cùng nhau đến hỏi thăm. Người khách nay nhận được hậu đãi, trời xanh sẽ ban phúc lớn hơn.

Rời bỏ Trụ Vương vô đạo, sống ẩn dật trong rừng núi

Vua Trụ nhà Thương về sau sủng ái Đát Kỷ, không màng việc triều chính, sống cuộc sống hoang dâm vô độ với “tửu trì nhục lâm” (ao rượu rừng thịt). Vi Tử nhiều lần khuyên can vua Trụ Vương, Trụ Vương đều bỏ ngoài tai. Vi Tử đã sớm đoán biết trước nhà Thương đang bên bờ diệt vong, quyết định tự lo liệu cho bản thân. Nhưng ông lại không nỡ buông bỏ triều đình nhà Thương, một dạo không biết phải làm sao, rất lấy làm đau đớn.

Vi Tử rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và vô cùng đau đớn. (Ảnh: tranh của Chen Shilu triều Thanh)

Khi đó, Vi Tử, Cơ Tử, Tỷ Can được sử sách gọi là “Tam hiền Ân Mạt” (3 người hiền đức cuối triều Ân Thương), cả 3 người đều thuộc hoàng tộc nhà Ân. Vi Tử tìm Cơ Tử và Tỷ Can cùng thương nghị: “Ân Thương không chăm lo việc triều chính, chư hầu bốn phương không phục. Trụ Vương chỉ đắm chìm tửu sắc, nghe lời đàn bà, bại hoại đức hạnh của Thành Thang. Thứ dân lớn nhỏ của Ân Thương tranh nhau cướp giật, làm điều phi pháp, các quan cũng bắt chước học theo, làm trái kỷ cương. Kẻ phạm tội không bị trừng trị, mọi người kéo bè kết cánh, coi nhau như kẻ thù. Sách luật Ân Thương sa đọa đến bước này, nào khác chi tự mình lội qua con sông nhưng lại không thấy bến bờ, e rằng Ân Thương sắp diệt vong đến nơi. Tôi phải đi đâu về đâu đây? Lấy cái chết để bảo toàn giang sơn ư? Các ông bây giờ mà không chỉ điểm cho tôi, tôi suy sụp mất, giờ biết làm sao cho phải?”.

Cơ Tử đã bày tỏ ý như vậy: Thượng thiên nhất định sẽ giáng tai họa tiêu diệt Ân Thương, vậy mà vua quan vẫn không biết sợ. Giờ đây, thần dân của Ân Thương còn dám mạo phạm thần linh, ngang nhiên lấy trộm đồ cúng tế. Nếu quốc gia thật sự vẫn còn có thể chỉnh sửa được, dù phải trả giá bằng tính mạng cũng không có gì phải hối tiếc, nhưng nếu phải trả giá bằng cả mạng sống mà lại không khiến đất nước phục hồi, thì chi bằng hãy sớm rời đi.

Thân là con trai cả vương thất, Vi Tử nắm giữ các món đồ rất quan trọng – đồ dùng cúng tế của gia tộc. Đồ dùng cúng tế là khí cụ chuyên dùng trong những lúc cử hành cúng tế, là thánh vật của gia tộc. Do vậy, Vi Tử hạ quyết tâm, mang theo những thánh vật này, cùng một người em trai khác là Trọng Diễn rời khỏi Trụ Vương, ẩn thân đến đất phong ở vùng Vi Sơn tỉnh Sơn Đông, cũng bằng như mang theo gia tộc họ Tử (vương thất nhà Thương họ Tử) đến nơi đây.

Thuận theo thiên ý, gia tộc và tông thất được bảo toàn, kiến lập nước Tống

Khi Tây Bá Cơ Phát và liên quân của mình công phá đô thành Triều Ca, Trụ Vương đã tự thiêu bỏ mình.

Vi Tử thân là người hiểu đạo lý, đương nhiên biết thiên ý không thể làm trái, thiên thượng sẽ chọn người tài đức thay thế Trụ Vương vô đạo. Thân là bề tôi mà không thể khuyên can quốc vương trở về chính đạo, cũng coi như là một tội trạng. Vi Tử bèn mang theo bảo vật cúng tế đến trước quân doanh, ông để trần thân trên, trói hai tay ra sau, lệnh người bên trái dắt dê, bên phải mang theo cỏ tranh, quỳ gối đi đến trước mặt Võ Vương (cách thức thỉnh tội biểu thị thần phục của người xưa, ví như Liêm Pha sau khi biết được đức độ khoan hồng đại lượng của Lạn Tương Như, đã cởi trần đội gai, đến trước cửa nhà Lạn Tương Như thỉnh tội). Vi Tử trịnh trọng đầu hàng Võ Vương. Võ Vương rất lấy làm cảm động, tuyên bố khôi phục tước vị vốn có của ông, đối đãi ông như một công thần.

Sau khi nhà Chu được thành lập, trong lần phân đất phong hầu lần thứ hai, Vi Tử được phong tước ở nước Tống (phía đông của Thương Khâu ngày nay), cũng là đất Ân cũ. Vi Tử vẫn tuân theo các quy tắc cũ của nhà Thương và giữ tròn tế lễ của gia tộc. Phạm vi địa lý của nước Tống đại thể bao gồm phần phía đông của Hà Nam ngày nay, và một vài địa khu của tỉnh Sơn Đông, An Huy và Giang Tô giáp với Hà Nam. Kể từ đó, sử sách gọi Vi Tử Khải là “Tống Vi Tử”. Vương thất nhà Chu cũng rất kính trọng ông.

Vi Tử lấy “Đạo” làm chuẩn tắc, không trao đổi ý kiến với những người không có đạo trong tâm. “Bang vô Đạo tắc ẩn, bang hữu Đạo tắc hiện”, ông đã chọn tuân theo Đạo Trời, do đó bảo tồn được hương hỏa nhà Ân.

Sau này không rõ Vi Tử Khải mất năm nào. Em ông là Trọng Diễn lên nối ngôi, tức là Tống Vi Trọng.

Nước Tống trước sau đã lập quốc hơn 750 năm, từng trở thành một trong “Ngũ Bá thời Xuân Thu”. Cuốn “Tiềm Phu Luận – Chí Tính Thị” của tác giả Vương Phù thời Đông Hán chép rằng: Người dân còn lại của Ân Thương về sau cơ bản đều sống ở nước Tống. Gia tộc họ Tử sau này phái sinh ra 51 họ khác như họ Hoa, họ Hoàn, họ Đới, họ Tôn, họ Sa, họ Tư Mã, họ Mục Di, họ Hướng, v.v., thật sự rất ngoạn mục.

Tư Mã Thiên trong cuốn “Sử ký – Tống Vi Tử Thế Gia” đã đánh giá rất cao về Tống Quốc Công Tống Vi Tử, “Vi Tử hiền đức giỏi giang”, “vậy nên người dân Ân Thương rất yêu mến ông”. Tư Mã Thiên đánh giá ông vừa là một vị quan tài đức vẹn toàn, vừa quan tâm đến đất nước và nhân dân vào cuối thời nhà Thương, vừa là một vị quân chủ nhân từ và sáng suốt của nước Tống vào thời Tây Chu.

Theo Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch