Dưới sự kiến nghị Trương Lương, Lưu Bang đã quyết định trọng dụng Anh Bố, Bành Việt và Hàn Tín. Chiến sự từ Hàm Cốc quan trở về đông, Lưu Bang đã giao cho 3 đại tướng này xử lý.
Đầu tiên Lưu Bang phái Hàn Tín tấn công 3 nước làm phản là Nguỵ, Đại và Triệu. Từ đây, Hàn Tín có cơ hội thi triển tài năng quân sự của mình. Lưu Bang đưa cho Hàn Tín quân đội già yếu, vậy thì Hàn Tín đã xuất kỳ mưu diệu kế nào để giành thắng lợi?
- Loạt bài Tần Hoàng Hán Vũ
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, vào tháng 8 năm 205 TCN, Hàn Tín lãnh binh xuất Hàm Cốc quan, bắt đầu chinh phạt nước Đại và nước Nguỵ. Trận này Hàn Tín đánh vô cùng đẹp mắt.
Chúng ta biết rằng nước Nguỵ là một quốc gia vô cùng lớn thời kỳ Chiến Quốc, là một trong ‘Chiến Quốc Thất Hùng’, đặc biệt là vào những năm đầu thời Chiến Quốc, nước Nguỵ là một cường quốc ở địa khu Trung Nguyên. Nhưng Hàn Tín trong vòng một tháng đã đánh hạ được nước Nguỵ. Hàn Tín làm thế nào diệt được Nguỵ Báo?
Khi Hàn Tín xuất binh, bởi vì phải vượt Hoàng Hà mới đánh được nước Nguỵ. Ở phía tây của Hoàng Hà, Hàn Tín đã tập kết rất nhiều thuyền, làm ra vẻ như muốn qua Hoàng Hà nơi đây mà đánh Nguỵ. Nguỵ Báo thấy thuyền của quân Hán tập trung toàn bộ ở phía tây Hoàng Hà, Nguỵ Báo liền tập trung thuyền của mình lại, dàn thành hàng phòng thủ ở phía đông Hoàng Hà, chờ Hàn Tín đến tấn công.
Kết quả đây là chiến thuật ‘giương đông kích tây’ của Hàn Tín. Hàn Tín đã phái quân đội chủ lực của mình đi nhanh về phía bắc 80 dặm (40km) để đến một nơi là Hạ Dương, sau đó dùng thùng gỗ to và vại nước, để quân sĩ ngồi trong, sau đó len lén vượt sông. Vừa qua Hoàng Hà là đến đô thành An Ấp của nước Nguỵ thời kỳ Chiến Quốc.
Khi ấy, vốn dĩ Nguỵ Báo đang chờ đối mặt với quân đội Hàn Tín ở Hoàng Hà, ngờ đâu đột nhiên lại có một nhánh quân Hán ở phía sau, Nguỵ Báo lập tức thu binh nghênh chiến. Kết quả bị Hàn Tín đánh bại trong chốc lát. Sau khi đánh bại Nguỵ Báo, trong vòng 1 tháng đã bình định được nước Nguỵ.
Sau khi bình định nước Nguỵ, địa phương tiếp theo là nước Triệu ở phía bắc của của nước Nguỵ.
Chúng ta biết rằng vào thời đầu Chiến Quốc là ‘Tam gia phân Tấn’, tức nước Tấn bị phân làm 3 quốc gia là Hàn – Triệu – Nguỵ, cho nên sau khi diệt nước Nguỵ, thì tiếp theo sẽ là nước Triệu.
Về nước Triệu, vào cuối thời Chiến Quốc, thì ngoài nước Tần – quốc gia cường đại nhất, thì Triệu không thua kém bất cứ quốc gia nào. Giữa Triệu và Tần từng đánh nhau, có thắng có bại.
Quốc vương nước Triệu khi ấy là Triệu Hiết, tướng quân thủ hạ lãnh binh cho Triệu Hiết là Trần Dư (người đã giết Trương Nhĩ năm đó). Trần Dư vốn dĩ muốn để Lưu Bang giết Trương Nhĩ, sau đó muốn xuất binh đánh Hạng Vũ. Kết quả Lưu Bang tìm một người giống Trương Nhĩ rồi giết đi. Việc này sau đó bị Trần Dư biết được, ông vô cùng tức giận. Trần Dư cũng trở thành kẻ địch của Lưu Bang. Cho nên Hàn Tín muốn thống nhất thiên hạ, sau khi diệt nước Nguỵ, phải tiêu diệt nước Triệu ở phía bắc nước Nguỵ.
Binh lực của nước Triệu khi đó rất cường đại, 20 vạn quân, còn binh lực khi đó của Hàn Tín khoảng 1 vạn, tức tỷ lệ 20 chọi 1. Thủ hạ của Triệu Hiết là Trần Dư khi đó có một ‘túi khôn’ (người cố vấn cho Trần Dư), còn bản thân Triệu Hiết cũng có một quân sự gia tên là Lý Tả Xa.

Khi đó Lý Tả Xa đưa chủ ý cho Triệu Hiết rằng: ‘Đại vương à, Hàn Tín đến đánh chúng ta, tập kích ngàn dặm, đi được một đoạn đường rất dài, binh sĩ khẳng định là rất mệt, lương thảo nhất định cung cấp không đủ, cho nên Hàn Tín quyết đánh nhanh. Nếu Hàn Tín đánh quân đội chúng ta, ông ấy nhất định phải đi qua địa phương Tỉnh Hình – 井陘 (hiện nay là huyện Tỉnh Hình, tỉnh Hà Bắc)’.
Cái gì gọi là Hình (陘)? Chính là dãy núi, đến một chỗ nào đó thì đột nhiên bị gián đoạn, ở giữa xuất hiện một con đường vừa nhỏ vừa hẹp, đây gọi là Hình (陘).

Dãy Thái Hành Sơn có tổng cộng 8 chỗ hổng, tức 8 Hình như thế, Tỉnh Hình là một trong số đó, tức là dãy Thái Hành Sơn đến địa phương đó thì đột nhiên gián đoạn, xuất hiện một chỗ trống có thể cho quân đội thông qua. Nơi hẹp nhất chỉ có thể cho 1 người dắt một ngựa song hành đi qua. Đây chính là nơi đất hiểm như thế.
Lý Tả Xa đưa ra chủ ý rằng: ‘Đại vương không cần đánh họ (quân Hàn Tín), chúng ta chỉ cần đắp một thành luỹ kiên cố ở bên ngoài Tỉnh Hình, để Hàn Tín không có cách nào đánh chúng ta. Đợi đến khi Hàn Tín đến được Tỉnh Hình, chúng ta cắt đứt đường vận lương của họ. Một nơi mà chỉ có thể cho qua 1 người 1 ngựa, thì cắt đứt đường vận lương là điều vô cùng dễ dàng. Đến lúc đó, Hàn Tín phía trước tấn công không được chúng ta, phía sau thì đường vận lương bị cắt đứt. Không tới 10 ngày, cái đầu của Hàn Tín và Trương Nhĩ sẽ đưa đến trướng đại vương’.
Đây là một chủ ý vô cùng tốt, đây là ‘không chiến mà khuất được binh người’.
Hàn Tín xuất kỳ mưu diệu kế ‘thùng gỗ vượt sông’, chỉ trong vòng một tháng mà tiêu diệt được nước Nguỵ, tiếp đó tiêu diệt được nước Đại. Hiện nay Hàn Tín thừa thắng bắc tiến tấn công nước Triệu, nhưng phải thông qua được Tỉnh Hình đầy hiểm trở.
Lúc đó quân của Hàn Tín đã mỏi mệt rồi, lương thảo không đủ, tập kích ngàn dặm, không nắm được chắc thắng.
Lý Tả Xa của nước Triệu hiến diệu kế cho Triệu Vương Hiết, có thể ‘không chiến mà vẫn đưa Hàn Tín vào tử địa’. Vậy thì vận mệnh của Hàn Tín sẽ như thế nào? Hàn Tín chỉ có 1 vạn quân mỏi mệt, mà phải công hạ 20 vạn tinh binh của nước Triệu, Hàn Tín làm thế nào tạo ra được kỳ tích quân sự đây, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 14: Công cái thiên hạ (Công trùm thiên hạ).
(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 14.