Sĩ tộc tức người đọc sách và làm quan là lực lượng chính để truyền thừa văn hoá. Thời kỳ ‘Ngũ Hồ loạn Hoa’, chiến tranh liên miên không dứt, sĩ tộc đã đem sách và một lượng lớn tiền ‘áo mũ về nam’, như thế văn hoá Trung Nguyên đã di chuyển về nam.

Còn những người Hán ở phương bắc thì sao? Họ luôn bị tộc Hồ uy hiếp, sống trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm. Vậy thì làm thế nào họ bảo tồn được văn hoá, thậm chí tộc Hồ ở phương bắc còn bị ‘Hán hoá’, rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?

Chính quyền Bắc triều: Bắc Tề và Bắc Chu

Lời bạch: Việc dời đô và ‘Hán hoá’ của Hiếu Văn Đế thời Bắc Nguỵ đã thúc đẩy đại dung hợp của dân tộc Trung Hoa, nhưng cũng vì thế mà dẫn khởi ‘Lục trấn phản loạn’ ở phương bắc. 

Trải qua một cuộc hỗn chiến và đồ sát, quân đội Bắc Nguỵ đã phân thành 2 nhà quân phiệt đông tây, Cao Hoan ở phía đông và Vũ Văn Thái ở phía tây. Mỗi người đều lập hậu duệ của Thác Bạt Đảo làm Hoàng đế. Chính quyền chia cắt này có thể tồn tại bao lâu?

Tranh vẽ Vũ Văn Thái và Cao Hoan. Bắc Nguỵ khi đó phân thành Tây Nguỵ và Đông Nguỵ do 2 nhà quân phiệt này làm chủ.

Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, hai chính quyền Đông Nguỵ và Tây Nguỵ trên danh nghĩa là hậu duệ của Thác Bạt Đảo, hoặc là người của gia tộc Thác Bạt, nhưng thực quyền lại nằm trong tay Cao Hoan và Vũ Văn Thái. Hai bên lấy Hoàng Hà làm giới tuyến, phía đông Hoàng Hà là Đông Nguỵ, phía tây Hoàng Hà là Tây Nguỵ.

Đến năm 550, con trai của Cao Hoan là Cao Dương đã soán đoạt chính quyền Đông Nguỵ kiến lập nên nhà Tề. Bởi vì chính quyền này nằm ở phía bắc sông Hoàng Hà cho nên gọi là chính quyền Bắc Tề. 

Năm 557, con trai nuôi của Vũ Văn Thái là Vũ Văn Giác đã soán đoạt chính quyền Tây Nguỵ để tự mình làm Hoàng đế. Chính quyền này gọi là Bắc Chu.

Cái gọi là ‘Bắc triều’, ban đầu là một Bắc Nguỵ thống nhất, sau đó chia cắt thành Đông Nguỵ và Tây Nguỵ. Đông Nguỵ bị Bắc Tề thay thế, Tây Nguỵ bị Bắc Chu thay thế, trên cơ bản là một quá trình như vậy.

Thời gian tồn tại của Bắc Chu và Bắc Tề rất ngắn trong khi Tây Nguỵ và Đông Nguỵ đồng tồn hơn 20 năm. 

Chính quyền Bắc Tề rất thú vị, mặc dù họ chiếm cứ địa khu Trung Nguyên, chính là địa phương Hàn – Triệu – Nguỵ – Tề – Lỗ thời Chiến Quốc, đây vốn dĩ là chính thống của văn hoá Trung Nguyên. Nhưng Cao Hoan thường ở cùng người tộc Tiên Ti, bởi vì ông ấy thuộc quân đội của Nhĩ Chu Vinh ở lục trấn phương bắc, cho nên văn hoá của Cao Hoan thiên về tộc Hồ. 

Còn vùng Bắc Chu, bởi vì đất đai của họ tương đối nhỏ hẹp, hơn nữa đi về tây là đến tỉnh Cam Túc toàn là sa mạc, cho nên đất đai của họ tương đối cằn cỗi. Vì để đối kháng với Bắc Tề, họ phải dùng sĩ tộc người Hán, quan hệ tốt với người Hán. Do đó, dù Bắc Chu được Vũ Văn Thái tộc Tiên Ti khai sáng, nhưng họ vô cùng chú trọng văn hoá Hán, thậm chí họ còn tự mình bồi đắp thành người kế thừa của văn hoá Hán.

Vì sao họ lại xưng mình là Chu? Bởi vì vốn dĩ đây là nơi định đô của nhà Chu với câu chuyện Khương Tử Nha phò tá Vũ Vương phạt Trụ, cho nên họ gọi mình là chính quyền Bắc Chu. Như thế, Tây Nguỵ và Bắc Chu có mức độ ‘Hán hoá’ rất cao, cuối cùng Tuỳ Văn Đế Dương Kiên soán đoạt chính quyền Bắc Chu để kiến lập triều Tuỳ. Lúc này về cơ bản Bắc Chu đã hoàn toàn ‘Hán hoá’.

Thay đổi văn hoá gắn liền với lưu động nhân khẩu

Giáo sư Chương giảng, văn hoá Trung Quốc có lực sinh mệnh vô cùng ngoan cường. Trong thời kỳ ‘Ngũ Hồ thập lục quốc’, gồm cả thời kỳ Bắc triều, thì phương bắc trường kỳ bị dân tộc thiểu số chiếm cứ, nhưng nếu dân tộc thiểu số không bị tiêu diệt trong chiến tranh thì họ sẽ bị văn hoá Trung Quốc đồng hoá.

Chúng ta biết rằng sự thay đổi của văn hoá không tách khỏi sự lưu động nhân khẩu. Dân tộc Hán đến đâu thì đem văn hoá lưu động  đến đó. Khi Giáo sư Chương giảng ‘y quan nam độ’ (衣冠南渡: áo mũ về nam, sĩ tộc Tấn thất về phương nam), cảm giác như đại bộ phận người Hán đã về phía nam sông Trường Giang, nhưng trên thực tế quá trình di chuyển này không phải bắt đầu từ thời ‘Vĩnh Gia chi loạn’; mà là vào những năm cuối thời Đông Hán, thời kỳ Tam quốc. Khi Hoàng cân quân (giặc khăn vàng) tác loạn năm 184, thì đã có một nhóm người Hán (vì để tị nạn) đã đến Giang Nam.

Giáo sư Chương nói rằng, gia tộc Gia Cát Lượng là tránh loạn ở Giang Nam. Vốn dĩ họ là người Sơn Đông, người Lang Da, phía bắc sông Trường Giang; sau này họ mới đến phía nam. Gia tộc Gia Cát Lượng định cư ở Kinh Châu, anh trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Cẩn còn đến vùng phía đông hơn nữa, chính là đến Đông Ngô.

Trong quá trình di chuyển, có sự di chuyển của gia tộc nhỏ như Gia Cát Lượng, còn có cả gia tộc lớn. Ví dụ khá điển hình là Lỗ Túc, khi đem nam nữ trong gia tộc qua sông, một lần đem 3 vạn người; sau đó trở thành thế lực to lớn của Đông Ngô.

Sự di chuyển của những gia tộc này có ảnh hưởng đến đối với toàn bộ chính trị quốc gia vùng sở tại. Ví như có một lưu dân (流民: dân lưu lạc) lưu lạc đến Kinh Châu, nhưng địa khu Kinh Châu thời ấy cũng là nơi có rất nhiều sĩ tộc tác loạn, những lưu dân này đã hình thành sự ủng hộ có hiệu quả đối với Lưu Biểu (Thứ sử Kinh Châu thời bấy giờ). Còn có lưu dân đến Tứ Xuyên, hình thành sự ủng hộ có hiệu quả đối với chính quyền cha con Lưu Yên, Lưu Chương.

Lương Châu trên con đường tơ lụa là nơi giao hội Nho – Thích – Đạo

Khi ấy, sự lưu động nhân khẩu ngoài đến phía nam Trường Giang, địa khu Hoa Trung, Tứ Xuyên… còn một bộ phận đến Cam Túc. Cam Túc thời cổ được gọi là Lương Châu, địa phương này là khởi điểm của con đường tơ lụa. 

Sĩ tộc ngoài di chuyển về phía nam sông Trường Giang, còn có một nhánh đi về hướng Cam Túc, tức Lương Châu ngày xưa.

Người Hán đem văn hoá Nho – Đạo của vùng đất Trung Nguyên hướng về tây đến Lương Châu. Đồng thời Phật giáo từ phía tây truyền đến thông qua con đường tơ lụa cũng đến Lương Châu. Do đó Lương Châu trở thành nơi giao hội và phát triển sôi động của 3 hình thái ý thức là Nho – Thích – Đạo.

Lương Châu là nơi giao hội của 3 hình thái ý thức Nho – Thích – Đạo.

Rất nhiều tăng nhân thời đó đến từ Tây Vực để truyền bá Phật Pháp đều lấy Lương Châu làm trạm đầu tiên, cho nên chúng ta thấy được rất nhiều di tích liên quan đến Phật giáo ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ví dụ khá điển hình là ‘Tứ đại thạch quật’ (四大石窟: bốn động đá lớn) của Phật giáo Trung Quốc, gồm có:

  • Hang Đôn Hoàng ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc.
  • Hang Mạch Tích Sơn ở Thiên Thuỷ, tỉnh Cam Túc.
  • Hang Vân Cương ở gần Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây.
  • Hang Long Môn ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam.
Vị trí ‘Tứ đại thạch quật’ (hang Đôn Hoàng, Mạch Tích, Vân Cương, Long Môn) trên bản đồ. Trong đó có 2 cái ở Lương Châu.

Trong 4 động đá lớn thì có 2 cái ở tỉnh Cam Túc, chính là Lương Châu thời cổ đại. 

Khi đó có rất nhiều tăng nhân đến từ Tây Vực để truyền Phật Pháp cũng học Hán ngữ ở Lương Châu, sau đó dần dần di chuyển vào nội địa. Ví dụ như ‘Đại dịch kinh sư’ (大譯經師: bậc đại sư phiên dịch kinh Phật) thời Trung Quốc cổ đại tên là Cưu Ma La Thập, ông đã ở Kinh Châu 17 năm để học tập Hán ngữ.

Vì địa phương Lương Châu là nơi giao hội của Nho – Thích – Đạo, nên những tư tưởng này đã gặp nhau, sau đó sinh trưởng, cuối cùng trở thành cơ sở văn hoá vô cùng quan trọng của ‘thượng thừa Tần Hán, hạ khải Tuỳ Đường’ (上乘秦漢, 下啟隋唐: trên thì kế thừa thời Tần Hán, dưới thì phát triển ở thời Tuỳ Đường). 

Sau này vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân lấy được thiên hạ, có một tập đoàn vô cùng quan trọng gọi là ‘Long Môn tập đoàn’, cái tên Long Môn chính là xuất hiện vào thời kỳ này. 

‘Ổ bảo’: thành trì bảo vệ văn hoá Trung Nguyên

Loại di chuyển dân tộc này cũng chính là di chuyển văn hoá, nhưng có một số người không có may mắn như vậy, họ không có nơi để đi, đành phải lưu lại nơi cũ. Trong thời đại ‘đao quang kiếm ảnh’ (gươm giáo sáng loà), trải qua lịch sử với máu và nước mắt đan xen, những người này vô cùng khổ. Phương bắc chiến loạn, khi đó rất nhiều quốc quân của các dân tộc thiểu số, hễ giết người Hán là giết luôn mấy vạn người, cho nên cuộc sống thời đó vô cùng nguy hiểm và khốn khổ.

Khi đó rất nhiều người Hán vì để đảm bảo an toàn của mình, họ đã kiến lập một cơ chế gọi là ‘ổ bảo’ (塢堡). Cái gọi là ‘ổ bảo’ chính là tập đoàn gia tộc vạch đất tự phòng thủ bảo vệ mình. Ví như nói người của một đại gia tộc thành lập vũ trang tư nhân, bình thường thì canh tác, khi chiến sự thì bảo vệ gia hương. 

Mô hình bằng gỗ của ‘ổ bảo’.

Khi xây dựng ‘ổ bảo’ thì giống như từng cái từng cái lâu đài nhỏ, ở địa khu Trung Nguyên có khoảng mấy ngàn ‘ổ bảo’ như vậy. Chủ nhân của ‘ổ bảo’ gọi là ‘ổ chủ’ (塢主), họ có quyền uy tối cao đối với vấn đề chính trị, kinh tế, pháp luật nội bộ của tập đoàn. 

Có một người mà chúng ta khá quen thuộc, đó là một thủ hạ đại tướng của Tào Tháo tên là Hứa Chử, ông chính là một ‘ổ chủ’ điển hình. Sau này ông đem người trong ‘ổ bảo’ để đầu quân cho Tào Tháo.

Thời đó số lượng ‘ổ bảo’ vô cùng lớn, cho nên quân chủ của Ngũ Hồ (5 tộc Hồ phương bắc) không đủ tinh lực dùng phương thức quân sự để tiêu diệt những ‘ổ bảo’, bởi vì khi tấn công ‘ổ bảo’ giống như công hạ một thành trì vậy, có tới mấy ngàn ‘ổ bảo’, tộc Hồ không đánh được.

Cho nên quân chủ của Ngũ Hồ thời đó dùng phương pháp tên là ‘chiêu phủ’ (招撫), tức là ‘tôi không đánh anh, anh cũng không đánh tôi’. Đương nhiên bản thân thực lực của ‘ổ bảo’ khá nhỏ yếu, không thể khuếch trương; vì thế giữa họ và chính phủ người Hồ đạt được một số thoả hiệp. Kết quả thoả hiệp là chính phủ người Hồ phong cho họ làm tướng quân hay danh hiệu tương tự như thế, mọi người ‘sống trong hoà bình’.

Những ‘ổ bảo’ này cũng trở thành thành luỹ bảo tồn văn hoá Trung Nguyên, họ lợi dụng việc bảo tồn văn hoá Trung Nguyên để hoàn thành ‘Hán hoá’ người Hồ.

Sự phát triển của Phật giáo ở phương nam 

Lời bạch: Vì để tránh chiến loạn hoặc sự xâm lược của tộc Hồ, sĩ tộc phương bắc di chuyển đến địa phương khác, có người tự thủ ở đất cũ bằng cách kiến lập ‘ổ bảo’. Những lưu dân này hoặc những người dân trong ‘ổ bảo’ trở thành người bảo tồn và truyền bá văn hoá Hán. Rất nhiều tộc duệ dân tộc thiểu số bị văn hoá Hán đồng hoá, dung hợp thành một bộ phận của dân tộc Trung Hoa. Vậy thì bản thân văn hoá Hán đã phát sinh những cải biến quan trọng gì?

Giáo sư Chương giảng, những người đọc thuộc thơ Đường đại khái sẽ biết thi nhân Đỗ Mục có một bài tên là ‘Giang Nam xuân’ (江南春: Xuân ở Giang Nam):

Thiên lý oanh đề lục ánh hồng
Thuỷ thôn sơn quách tửu kỳ phong.
Nam triều tứ bách bát thập tự
Đa thiểu lâu đài yên vũ trung?

Nguyên văn Hán tự: 

千里鶯啼綠映紅
水村山郭酒旗風。
南朝四百八十寺
多少樓臺煙雨中。

Tạm dịch:

Nghìn dặm oanh ca biếc lẫn hồng
Gió lay cờ rượu xóm bên sông
Bốn trăm tám chục chùa Nam quốc
Mưa khói che lầu biết mấy không?

Kỳ thực bài thơ này miêu tả sự hưng thịnh của Phật giáo trong thời kỳ Nam Bắc triều, đặc biệt là sự hưng thịnh của Phật giáo Nam triều. ‘Bốn trăm tám chục chùa Nam quốc’ là cách nói mang tính khái quát, kỳ thực căn cứ theo ghi chép của lịch sử, chỉ riêng vùng đô thành Kiến Khang của Nam triều, trong một thành thị đã có hơn 500 ngôi chùa. Cho nên chúng ta thử tưởng tượng xem, thành thị thời ấy không giống như Bắc Kinh, Thượng Hải hay New York bây giờ, mà là rất nhỏ, đi vài bước là đã gặp một ngôi chùa. Khi đó Phật giáo ở phương nam vô cùng hưng thịnh. 

Sự hưng thịnh của Phật giáo kỳ thực là bắt đầu từ phương bắc. Khi Phật giáo phương bắc truyền nhập vào Trung Quốc, từ thời kỳ ‘Ngũ Hồ thập lục quốc’ đã bắt đầu dần dần hưng thịnh. Khi đó có rất nhiều cao tăng nổi tiếng. 

Chúng ta biết rằng vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân có một danh tướng, Tể tướng tên là Phòng Huyền Linh. Phòng Huyền Linh là một nhà sử học chỉnh lý ‘Tấn thư’ (một trong ‘Nhị thập tứ sử’). Trong quyển 95 của ‘Tấn thư’ dành riêng một ‘truyện’ để kể về một cao tăng tên là Phật Đồ Trừng (佛圖澄).

Khi Phật Đồ Trừng đến Trung Nguyên đã triển hiện vô cùng nhiều thần thông. Khi đó trong thời kỳ ‘Ngũ Hồ thập lục quốc’ ở phương bắc có một chính quyền tên là Hậu Triệu, người sáng lập chính quyền này là Thạch Lặc. Con trai của Thạch Lặc là Thạch Bân bị bệnh chết, đã nằm trong quan tài. Khi đó Thạch Lặc nói: ‘Trước đây ta từng nghe có kỳ tích cải tử hoàn sinh, không biết có xảy ra hay không’. Lúc này Phật Đồ Trừng liền đến. 

Sau khi đến, Phật Đồ Trừng dùng thần thông hoàn hồn Thạch Bân. Thạch Bân sau khi phục sinh, thì bệnh trước đây của anh ta cũng khỏi. 

Đây chỉ là một ví dụ, thời đó Phật Đồ Trừng còn triển hiện rất thần thông, trong ‘Tấn thư’ có ghi chép lại. 

Thời ấy Hoàng đế Thạch Lặc và Lưu Diệu đã xảy ra một cuộc chiến tranh, Thạch Lặc là nhà Hậu Triệu, còn Lưu Diệu là nhà Tiền Triệu. Trước chiến tranh, Phật Đồ Trừng lấy phấn và tro bôi lên tay của mình, sau đó cho người khác xem. Lòng bàn tay của ông giống như cái gương, hiển thị kết quả của cuộc chiến. Người khác xem nói rằng: ‘Trong này dường như là người mặc y phục trắng bị bắt, là việc gì đây?’. Phật Đồ Trừng nói: ‘Người bị bắt chính là Lưu Diệu’. 

Phật Đồ Trừng cũng là ‘Dịch kinh sư’ (bậc thầy phiên dịch kinh Phật), ông có một người đệ tử tên là Đạo An, Đạo An cũng là một ‘Đại dịch kinh sư’. Đạo An có một người đệ tử tên là Huệ Viễn. Huệ Viễn sau này giảng Phật Pháp ở Đông Lâm tự (chùa Đông Lâm) ở Lư Sơn, ông cũng chính là nhà sáng lập pháp môn Tịnh Độ của Phật giáo. Điều này nghĩa là người sáng lập Tịnh Độ – Huệ Viễn có sư tổ là Phật Đồ Trừng. 

Khi đó còn có một số ‘Đại dịch kinh sư’ như Cưu Ma La Thập cũng đến Trung Nguyên trong thời kỳ ‘Ngũ Hồ thập lục quốc’.

Cưu Ma La Thập có trình độ Hán văn vô cùng thâm sâu. Những ‘Kinh Kim cương’, ‘Kinh Diệu pháp liên hoa’, ‘Kinh A Di Đà’… mà chúng ta thấy hiện nay đều là do Cưu Ma La Thập phiên dịch từ tiếng Phạn sang Hán ngữ.

Sự phát triển của Phật giáo phương nam phải đợi đến sau khi Đông Tấn diệt vong, tức thời đại Nam triều mới bắt đầu phát triển. Triều đại đầu tiên của Nam triều là chính quyền Lưu Tống, chính là triều Tống do Lưu Dụ kiến lập.

Tranh vẽ Lưu Dụ.

Chính quyền Lưu Tống đến năm 479 bị người tên là Tiêu Đạo Thành (chính quyền triều Tề) thay thế. Đến năm 502, chính quyền triều Tề (còn gọi là Nam Tề) của Tiêu Đạo Thành bị một người cùng tộc tên là Tiêu Diễn thay thế. 

Tiêu Diễn chính là Lương Vũ Đế nổi tiếng trong lịch sử. Ông tại vị 48 năm, ông là Hoàng đế trong khoảng ‘sau Hán Vũ Đế và trước Khang Hy’ có thời gian trị vì lâu nhất.

Phật giáo vào thời kỳ Ngũ Hồ đã bắt đầu khai đục hang Đôn Hoàng và hang Mạc Tích. Đến thời cháu của Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo, tức Văn Thành Đế Thác Bạt Tuấn của Bắc Nguỵ đã khai đục hang Vân Cương. Sau đó, sau khi Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoằng của Bắc Nguỵ dời đô về Lạc Dương thì khai đục hang Long Môn.

Do đó toàn bộ việc khai đục các hang Phật giáo là vào thời kỳ ‘Ngũ Hồ thập lục quốc’, đây là một sự nghiệp rất lớn. 

Tuy Giáo sư Chương giảng như vậy, nhưng sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc cũng không thuận buồm xuôi gió. Ở phương bắc của Trung Quốc, Phật giáo từng trải qua 2 lần pháp nạn cự đại, đây rốt cuộc là chuyện gì, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: Diệt Phật hưng Phật (滅佛興佛).

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 tập 3: Nam bắc đối trĩ.

(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 tập 3.