Trong Tây Du Ký, sau khi đại náo thiên cung, Tôn Ngộ Không bị thiêu 49 ngày trong lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân, nhưng Mỹ Hầu Vương không những không chết, mà còn luyện được ‘hoả nhãn kim tinh’ (mắt lửa ngươi vàng) có thể phân biệt được yêu quái giả dạng…

Mẩu chuyện trên có ý nghĩa gì trong thời đại hiện nay? Chính là: trong một thế giới hỗn loạn như thế này, thì việc trang bị cho mình ‘hoả nhãn kim tinh’ để phân biệt là đúng – sai, thiện – ác là một trong những điều giá trị nhất, và tôi cho rằng: việc có hiểu biết về lịch sử chính là trang bị cho mình ‘mắt lửa ngươi vàng’.

Vậy thì lịch sử có đặc điểm gì mà giúp cho người ta luyện được ‘hoả nhãn kim tinh’?

Nói về lịch sử không thể không nhắc đến Thái sử công Tư Mã Thiên thời Hán Vũ Đế với bộ ‘Sử ký’ thể hiện thế giới quan về lịch sử của ông. Tư Mã Thiên viết ‘Sử ký’ có 3 mục đích: 

+ Thứ nhất là “cứu thiên nhân chi tế”, tức nghiên cứu mối quan hệ giữa Trời và người.

+ Thứ hai là “thông cổ kim chi biến”, tức thông tỏ biến hoá cổ kim.

+ Thứ ba là “thành nhất gia chi ngôn”, tức là từ những điều trên mà hợp thành một bộ ‘sử quan’ (góc nhìn lịch sử) của riêng ông. 

Vì “nghiên cứu mối quan hệ giữa Trời và người” liên quan đến một khái niệm gọi là ‘thiên nhân cảm ứng’, quan sát tinh tú, thiên văn… nên trong phạm vi bài viết này không đề cập đến, chỉ tập trung lấy những ví dụ thực tế để làm rõ hơn mục đích thứ hai và thứ ba của Tư Mã Thiên khi viết ‘Sử ký’, từ đó thấy được giá trị của lịch sử. 

Dự đoán chính xác nhiều lần có phải là ngẫu nhiên?

Nếu ai đó dự đoán đúng 1-2 lần thì người ta có thể cho đó là ngẫu nhiên, nhưng nếu dự đoán đúng nhiều lần thì có 2 khả năng xảy ra, một là người đó có… công năng đặc dị, hai là họ phải có một cơ sơ rất vững chắc để có thể phán đoán chuẩn xác như vậy. 

Trong chương trình Chính luận thiên hạ đăng ngày 15/9/2021, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã kể câu chuyện trong chốn quan trường của ĐCSTQ như sau. 

Lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ thường hạ bệ một số phần tử tham nhũng hủ bại cấp Phó Quốc gia để thể hiện rằng mình đang nắm quyền. Cấp Quốc gia gồm những chức vụ như: Thường Uỷ, Tổng bí thư; còn cấp Phó Quốc gia gồm những chức vụ như: Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch Quân ủy, Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân… 

Trước khi Giang Trạch Dân tái đắc cử ở Đại hội 15 năm 1997, ông ta đã hạ bệ Uỷ viên Bộ Chính trị là Trần Hy Đồng. Năm 2000, Giang Trạch Dân xử tử Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc là Thành Khắc Kiệt để ‘lập uy’. 

Trước Đại hội 17 năm 2007, Hồ Cẩm Đào đã hạ bệ Bí thư Thành uỷ Thượng Hải là Trần Lương Vũ. Đây cũng là biểu hiện của ‘lập uy’. 

Vì để mở đường cho Tập Cận Bình kế nhiệm, đồng thời đảm bảo an toàn cho mình sau khi mãn nhiệm, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã hạ bệ Uỷ viên Bộ Chính trị – Bạc Hy Lai trước Đại hội 18 năm 2012. 

Nhìn thông lệ chốn quan trường ĐCSTQ, thì việc quan chức cấp Phó Quốc gia ngã ngựa trước Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã hình thành từ năm 1997. Do đó Giáo sư Chương dự đoán rằng, trước Đại hội 20 diễn ra vào năm sau 2022, sẽ có ít nhất một quan chức cấp Phó Quốc gia ngã ngựa.

Đối với sự việc kiểu như vậy, Giáo sư Chương đã từng có lần dự đoán chính xác trước đó.

Ngày 15/4/2012, trên tờ Epoch Times, Giáo sư Chương đã đăng bài viết với tiêu đề: ‘Chương Thiên Lượng: 20 lần dự đoán chính xác về bí ẩn cục diện chính trị (phần thượng)’, trong đó chủ yếu là bảng biểu thể hiện 20 lần dự đoán chính xác của Giáo sư Chương trước Đại hội 18.

Năm đó, Vương Lập Quân đã đến lãnh sự quán của Mỹ ở Thành Đô vào ngày 6/2/2012, thì ngày 8/2/2012, Giáo sư Chương đã nói rằng: Bạc Hy Lai sẽ gặp chuyện chẳng lành. Đến ngày 15/3, Bạc Hy Lai thực sự ngã ngựa.

Đến ngày 13/2/2012 (đúng một tuần sau vụ Vương Lập Quân), Giáo sư Chương đã viết một bài báo nói rằng: Hiệu ứng Domino của Vương Lập Quân sẽ đánh vào Chu Vĩnh Khang. 

Đến ngày 16/2/2012, Giáo sư Chương đã đề cập đến vấn đề: Lưỡng Hội là thời cơ tốt để bắt Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang vì lo sợ nên sẽ phát động đảo chính. Sau đó, ngày 19/3, Chu Vĩnh Khang thực sự đã làm chính biến ở Trung Nam Hải.

Chúng ta thấy được rằng, những dự đoán của Giáo sư Chương vào lúc đó rất chuẩn xác. 

Ảnh chụp màn hình nội dung 3 dự đoán của Giáo sư Chương vào ngày 8, 13 và 16 tháng 2 năm 2012.

Đây không phải là lần đầu Giáo sư Chương dự đoán đúng. Vào tháng 7/2021, khi Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ là bà Wendy Sherman thăm Trung Quốc, Giáo sư Chương đã đưa ra dự đoán rằng Tập Cận Bình không dám gặp Biden trực tiếp. Kết quả đúng như vậy, Tập Cận Bình chỉ dám gặp Biden qua video trực tuyến hôm 16/11/2021.

Ngày 14/1/2021, trước khi Tổng thống Biden nhậm chức, Giáo sư Chương đã dự đoán (trong tit phụ cuối cùng) rằng: Khi Biden nắm quyền, nội bộ cánh tả có thể phát sinh một số sự việc

Trong Thiên Lượng luận chính đăng ngày 21/12/2021, từ thông tin tờ Fox News đăng bài viết nói về việc lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell sẵn sàng cho Thượng nghị sĩ Joe Manchin thuộc Đảng Dân chủ gia nhập Đảng Cộng hoà, Giáo sư Chương đã phân tích rằng: nội bộ Đảng Dân chủ đang có rất nhiều tranh đấu, bởi vì trong đó có các phần tử chủ nghĩa cực đoan dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc.

Sự chính xác trong dự đoán tình hình chính trị của Giáo sư Chương đến từ đâu? Cá nhân tôi cho rằng nó đến từ việc Giáo sư Chương nghiên cứu lịch sử. 

“Thông cổ kim chi biến”: thông tỏ… cơ sở dữ liệu khổng lồ

Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 2/11, nhân nói về học giả nổi tiếng ở Trung Quốc là Dịch Trung Thiên đóng cửa Studio ‘Truyền bá văn hoá’ ở Thượng Hải, Giáo sư Chương đã chia sẻ một chút về vì sao mình lại phân tích rất chuẩn về tình hình chính trị của Trung Quốc như sau.

Người Trung Quốc có câu: “Dưới ánh mặt trời, không có chuyện gì tươi mới”. Rất nhiều âm mưu quỷ kế, rất nhiều phương pháp thống trị của ĐCSTQ đều đã từng có người trong lịch sử sử dụng rồi; chỉ là thời đại, trình độ phát triển khác nhau nên các phương pháp sử dụng có chỗ khác nhau, nhưng điều quan trọng ở đây là nhân tính (tính cách con người) không thay đổi.

Là người có am hiểu sâu sắc về lịch sử, Giáo sư Chương chia sẻ, Trung Quốc cổ đại từ thời Tần Thuỷ Hoàng đến nay trải qua hơn 400 vị Hoàng đế, kèm theo đó là không biết bao nhiêu nhân vật lịch sử, các chủng các dạng tính cách đều có, do đó người đọc hiểu lịch sử có thể dễ dàng đối chiếu tính cách của lãnh đạo độc tài/người bình thường hiện nay với nhân vật nào đó trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. Sau khi đối chiếu, người ấy có rất nhiều thông tin lịch sử để tham khảo.

Giáo sư Chương chia sẻ rằng, bản thân mình dự đoán cục diện chính trị Trung Quốc rất chuẩn xác, nguyên nhân rất lớn nằm ở việc phân tích tâm lý, tính cách con người. Để có được loại phân tích tâm lý này, Giáo sư Chương kể rằng mình đã đọc rất nhiều rất nhiều sách sử, biết được rất nhiều người và sự việc, đồng thời ‘người và sự việc’ đều có thể làm gương tham chiếu.

Ví như nói về thông lệ chốn quan trường ĐCSTQ: mỗi lần đến Đại hội là có quan chức cấp Phó Quốc gia ngã ngựa, đây chính là hành động ‘lập uy’ để chứng minh quyền lực nằm trong tay lãnh đạo tối cao. Vì sao như vậy? Trong bài viết ‘Pháp gia mạn đàm (6, cuối): Pháp gia và ĐCSTQ khác nhau thế nào?‘ có đề cập đến vấn đề: muốn hiểu ĐCSTQ phải hiểu Pháp gia. Pháp gia có 3 đại diện là: Thương Ưởng, Lý Tư và Hàn Phi Tử. 

Khi Thương Ưởng cải cách, ông đã làm 3 việc:

+ ‘Chuyển cây lập tín’ để xác lập sự tín nhiệm, đồng thời truyền đi thông điệp: công dân tốt là công dân nghe lời, và lời của Thương Ưởng mới được tính.

+ ‘Khoá kín miệng dân’ để tước đoạt năng lực suy nghĩ và quyền tự do ngôn luận của người dân.

+ Và ‘giết người lập uy’ để gieo rắc nỗi sợ hãi khiến người dân phục tùng.

Ta thấy việc ‘giết người thị uy’ của Thương Ưởng năm xưa với hạ bệ quan chức cấp Phó Quốc gia để ‘lập uy’ của lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ có gì khác nhau? Do đó lịch sử là tấm gương để tham khảo, chính là ‘ôn cổ minh kim’ (ôn xưa biết nay).

Giáo sư Chương việc đánh giá này giống như phân tích dữ liệu lớn, càng có được nhiều thông tin, bạn càng phân tích chuẩn xác.

“Thành nhất gia chi ngôn”: ‘hoả nhãn kim tinh’ thời loạn thế

Góc nhìn lịch sử: ôn cố tri tân (ôn cũ biết mới)

“Thông cổ kim chi biến” là thông tỏ biến hoá cổ kim, vậy thông tỏ điều ấy để làm gì? Chính là để “thành nhất gia chi ngôn”, có được một góc nhìn lịch sử cho riêng mình.

Trong loạt bài ‘Trung Hoa văn minh sử‘ tập 1, Giáo sư Chương chia sẻ rằng: “Nếu một người thật sự có thể học lịch sử hoàn chỉnh, sau đó có thể phát hiện chủ tuyến của quá trình phát triển trong lịch sử, người ấy sẽ hình thành một bộ ‘lịch sử quan’ (góc nhìn lịch sử) của mình”.

Khi một cá nhân có được bộ ‘lịch sử quan’, họ sẽ phát hiện được một số điều bất thường trong thế giới hiện nay. 

Ví dụ, trong lịch sử Trung Hoa hay thế giới, khi một chính quyền mới thành lập, nó phải chứng minh được tính hợp pháp của nó là dựa vào điều gì để chấp chính? Trung Quốc cổ đại là ‘quân quyền Thần thụ’ (quyền vua Trời trao) được đề xuất bởi Đại Nho Đổng Trọng Thư thời Hán Vũ Đế, còn ở xã hội phương Tây, tính hợp pháp của chính phủ đến từ bầu cử của dân chúng.

Nhưng nếu ai đó hỏi ĐCSTQ dựa vào điều gì để chấp chính, nó không thể nói ‘quân quyền Thần thụ’ vì nó giảng Vô Thần luận, nó cũng không có văn hoá bầu cử dân chủ, do đó ngay từ những ngày đầu thành lập, ĐCSTQ đã không có tính hợp pháp. Hay như một bộ âm mưu quỷ kế của ĐCSTQ là chính là học từ Pháp gia. 

Khi nhìn vào lịch sử, chúng ta sẽ có câu trả lời cho hiện tại, đồng thời tự sự việc hiện có thể dự đoán được tương lai. Bởi vì lịch sử cho ta một khung tham chiếu đủ rộng, trong đó có nguyên nhân có kết quả, có input và output, nói một cách thông tục là ‘chạy ra kết quả’, do đó đọc hiểu lịch sử sẽ cho chúng ta một chiếc ‘gương chiếu yêu’ để phân biệt thật – giả, chính – tà, nói cách khác là trang bị một cặp ‘hoả nhãn kim tinh’ giống Tôn Ngộ Không để phân biệt yêu quái giả dạng.

Ở phần trên có giới thiệu về ‘Sử ký’ của Tư Mã Thiên thời Hán Vũ Đế, nhân tiện cũng nói về một bộ sử rất nổi tiếng nữa, đó là bộ ‘Tư trị thông giám’ của Tư Mã Quang thời nhà Tống. Tại sao lại giới thiệu bộ sử này, bởi vì bản thân cái tên ‘Tư trị thông giám’ đã hàm chứa một bộ góc nhìn lịch sử trong đó. 

Tranh vẽ Tư Mã Quang (ảnh Wikipedia).

‘Tư trị thông giám’ là bộ sử sách biên niên thể dài nhất của Trung Quốc. Khi viết ‘Tư trị thông giám’, Tư Mã Quang đã trải qua hai triều Hoàng đế là Anh Tông và Thần Tông thời Bắc Tống. Sau khi ông dâng lên quyển sách này, hoàng đế đã miệt mài đọc đêm ngày, quyển sách có ý nghĩa trợ giúp rất to lớn trong việc trị lý quốc gia, vậy nên được hoàng đế ban cho cái tên ‘Tư trị thông giám’ (資治通鑑).

Tư (資) nghĩa là cho (ví như Thiên tư là Trời cho), Trị (治) là trị lý, Thông (通) có nghĩa là có tính lịch sử thông suốt, còn Giám (鑑) nghĩa là tấm gương cũng tức là ‘mượn gương soi mình’. Vậy cả cuốn ‘Tư trị thông giám’ có nghĩa là: chiếc gương thông suốt giúp đỡ việc trị lý.

Ở đây mọi người sẽ nhận ra, ‘Tư trị thông giám’ có tính ‘thông suốt’ và là ‘chiếc gương’ soi chiếu quá khứ để giải quyết những vấn đề hiện tại. Tính ‘thông suốt’ của ‘Tư trị thông giám’ giống với 2 mục đích đầu tiên của Tư Mã Thiên khi viết ‘Sử ký’ là: “nghiên cứu mối quan hệ giữa Trời và người”, “thông tỏ biến hoá cổ kim”. Còn việc soi chiếu việc để giải quyết vấn đề ngày nay của ‘Tư trị thông giám’ giống với “hình thành một bộ ‘lịch sử quan'” để đánh giá vấn đề.

Tục ngữ có câu: “Vàng thật không sợ lửa”. Muốn thử ‘hoả nhãn kim tinh’ phân biệt thật – giả lợi hại đến đâu, thì hãy dùng những câu chuyện mang 2 luồng ý kiến để thử nghiệm. Dưới đây là 2 câu chuyện như vậy.

2 lần khảo nghiệm ‘hoả nhãn kim tinh’

Đầu tháng 6/2021, RedState đưa tin có quan to nhất của ĐCSTQ đào tẩu sang Mỹ, quan chức ấy là Đổng Kinh Vĩ. Thậm chí Thành viên cấp cao trong Uỷ ban Quốc gia Đảng Cộng hoà là Dư Hoài Tùng còn đặt cược cả sự nghiệp chính trị để cam đoan người ấy là Đổng Kinh Vĩ.

Thời điểm đó vẫn có một số người tin rằng Đổng Kinh Vĩ đào tẩu sang Mỹ, nhưng Giáo sư Chương vẫn bảo lưu quan điểm của mình rằng: thông tin trên là sai sự thật.

Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 26/6, Giáo sư Chương đã phân tích thông tin Đổng Kinh Vĩ đào tẩu trái với logic thông thường. 

Bởi vì nếu Đổng Kinh Vĩ thật sự ở Mỹ và có trong tay thông tin tình báo rằng: 1/3 du học sinh là gián điệp do quân đội ĐCSTQ phái đến, đồng thời một lượng lớn gián điệp trong kế hoạch ‘Ngàn nhân tài’ của ĐCSTQ có trong chính phủ và Cục Tình báo Hoa Kỳ, thì chúng ta nhất định phải thấy 2 hiện tượng như sau.

Thứ nhất là nước Mỹ sẽ trục xuất một lượng lớn du học sinh Trung Quốc, bắt giữ rất nhiều nhân viên trong kế hoạch ‘Ngàn nhân tài’. Quan chức đào tẩu được cho là đến Mỹ từ tháng 2, tính đến tháng 6 đã là 4 tháng, nhưng vẫn không thấy Cục Tình báo xảy ra bất cứ đợt ‘thanh lọc’ nào.

Bài viết của Reuters dẫn nguồn từ New York Times có nội dung như sau: ĐCSTQ từ năm 2010 đến 2012 đã giết 18-20 người (Trung Quốc) cung cấp thông tin cho CIA. Cũng chính là nói ĐCSTQ đột nhiên phát hiện nhân viên Cục An ninh Quốc gia của họ… phục vụ cho CIA, thế là ĐCSTQ bắt đầu ‘thanh lý môn hộ’.

Thứ hai, nếu việc ‘thanh lọc’ này diễn ra, chúng ta phải thấy Giám đốc CIA, quan chức cấp cao trong tổ chức phản gián… sẽ nhận trách nhiệm và từ chức, vì họ đã để ‘lọt’ gián điệp, nhưng việc này vẫn không thấy xảy ra.

Đây là khảo nghiệm ‘hoả nhãn kim tinh’ lần thứ nhất. 

Lần thứ hai cũng về việc quan to đào tẩu. 

Ngày 27/7/2021, Đại sứ quán mới của ĐCSTQ tại Mỹ là Trần Cương nhậm chức. Cũng trong khoảng thời gian này lại rộ lên một thông tin một cựu quan chức ngoại giao là Thôi Thiên Khải đào tẩu sang Mỹ. 

Thôi Thiên Khải. Ảnh chụp màn hình Youtube và Twitter.

Lúc đó có một vài kênh truyền thông cho rằng thông tin này là sự thật, nhưng Giáo sư Chương cho rằng thông tin này là không chính xác.

Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 31/7/2021, Giáo sư Chương đã phân tích thông tin Thôi Thiên Khải đào tẩu là không chính xác, khả năng đào tẩu còn thấp hơn rất rất nhiều so với Đổng Kinh Vĩ.

Bởi vì ông là cán bộ cấp Thứ trưởng, trong khi quan hệ Trung – Mỹ lại mẫn cảm như thế, do đó ông nhất định biết rất nhiều thông tin tuyệt mật. Những điều ấy bao gồm: đàm phán thương chiến Mỹ – Trung, cơ cấu đặc vụ thâm nhập vào nước Mỹ v.v.

Thôi Thiên Khải nắm rất rõ những điều nêu trên. Nói cách khác, nếu ông lưu lại Mỹ hoặc thật sự đào tẩu, thì đây sẽ là đòn đánh chí mạng đối với ĐCSTQ. Hơn nữa, nếu phía Mỹ thật sự đồng ý để Thôi Thiên Khải ở lại nước Mỹ, chỉ cần cho ông ta tị nạn chính trị, thì đây sẽ là phen sóng gió trong quan hệ Mỹ – Trung.

Giáo sư Chương làm rõ luận điểm trên bằng câu chuyện xảy ra vào năm 2005. Ngày 7/6/2005, tờ VOA đưa tin rằng: thư ký cấp cao nhất trong lãnh sự quán tại Sydney là Trần Dụng Lâm “đã chạy trốn khỏi lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney vào ngày 26/5”. Trần Dụng Lâm đã phát hiện ĐCSTQ là một tổ chức tà ác, không muốn làm việc cho nó nữa. Sau đó ông nộp đơn tị nạn chính trị tại Úc nhưng chưa đầy 24 giờ đã bị từ chối.

Việc một quan chức ngoại giao được ‘xin ở lại’ là một điều cực kỳ khó, phải trải qua mấy phen gian khổ. Bản thân Trần Dụng Lâm còn trực tiếp thỉnh cầu Bộ trưởng Ngoại giao Úc khi ấy là Downer và Thủ tướng Howard để xin tị nạn chính trị. Trên cơ bản, anh đã trải qua hơn một tháng như thế, sau đó phía Úc mới chấp nhận cho anh tị nạn chính trị, được định cư vĩnh viễn.

Sự việc Trần Dụng Lâm có thể xin được tị nạn chính trị đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các kênh truyền thông, nhưng sự kiện Thôi Thiên Khải vẫn rất im ắng…

Khoảng một vài tuần sau (tức cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2021) mới xác nhận thông tin Thôi Thiên Khải đào tẩu là không đúng sự thật.

Đây là lần khảo nhiệm ‘hoả nhãn kim tinh’ thứ hai.

ĐCSTQ thường tung ra một số tin tức sai sự thật, sau đó nó sẽ ngồi chờ xem ai… cắn câu. Nếu kênh truyền thông cắn người ta sẽ biết năng lực phân tích của kênh truyền thông người ấy không được. Mọi người sẽ nghĩ rằng, lời của kênh truyền thông ấy không đáng tin, từ đó người ta không muốn xem kênh của bạn nữa. Còn nếu bạn là cá nhân thì bạn đã bị dính bẫy của ĐCSTQ từ đó đưa ra phán đoán sai lầm.

Trong một thế giới hỗn loạn, những thông tin kiểu như thế này thì nhiều lắm, phân biệt ở đâu? Chính là hãy trang bị cho mình ‘hoả nhãn kim tinh’ để nhìn ra được thủ đoạn của ‘yêu quái’.

Tôn Ngộ Không luyện được ‘hoả nhãn kim tinh’ ở trong lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân, còn hiện nay có thể luyện được ‘mắt lửa ngươi vàng’ bằng cách gì? Chính là thông qua việc đọc hiểu lịch sử, từ đó có được ‘lịch sử quan’ đúng đắn để nhận định vấn đề. 

Vậy thì học lịch sử như thế nào để có thể thông hiểu, lịch sử còn có nhiệm vụ cao hơn cao hơn hay không… kính mời quý độc giả đón xem bài viết tiếp theo.

Mạn Vũ

(*) Tôi tạm ghi một số dự đoán của Giáo sư Chương ở đây, sau này nếu thiên tượng không biến hoá quá lớn, chúng ta sẽ cùng nhau đào lại để phân tích:

+ Từ đây đến Đại hội 20 diễn ra năm 2022 sẽ có ít nhất một quan chức cấp Phó Quốc gia ngã ngựa.

+ Sau khi Evergrande tái cơ cấu, Chủ tịch Evergrande – Hứa Gia Ấn khả năng cao sẽ ngồi tù giống như Trần Phong – Chủ tịch của Hải Nam Airlines (HNA).