Mục lục bài viết
Nhà lãnh đạo của ĐCSTQ Mao Trạch Đông có một câu nói nổi tiếng: “Cách mạng dựa vào ‘nòng súng’ và ‘cây bút’.” “Nòng súng” là chỉ quân đội, và “cây bút” là chỉ cơ quan tuyên truyền ngôn luận. Mao Trạch Đông đã sử dụng rất nhiều “cây bút”, nhưng đối với những người này, kết cục như thế nào?
Quý vị khán giả, xin chào mọi người, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“! Hôm nay, chúng tôi sẽ nói chuyện với quý vị về kết cục bi thảm của tám “cây bút” của Mao Trạch Đông.
Trần Bá Đạt bị kết án 18 năm tù
Trần Bá Đạt là thư ký phục vụ lâu nhất của Mao Trạch Đông, với tổng cộng 31 năm, và từng chiếm được tín nhiệm của Mao. Trong những ngày đầu của Cách mạng Văn hóa, thủ tướng ĐCSTQ Chu Ân Lai đã ca ngợi Trần Bá Đạt là “nhà lý luận giỏi nhất của đảng chúng ta” khi ông ta tiếp kiến hơn 7.000 giáo viên và sinh viên từ nhiều trường cao đẳng và đại học ở Bắc Kinh.
Vào tháng 5/1966, khi Mao phát động Cách mạng Văn hóa, Trần Bá Đạt được bổ nhiệm làm lãnh đạo Tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, và được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ vào tháng 8 cùng năm. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của ĐCSTQ năm 1969, ông được “bầu” làm Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, đứng thứ tư trong đảng.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm rưỡi sau khi Trần Bá Đạt đạt đến đỉnh cao cuộc đời, ông đã bị Mao Trạch Đông nghi ngờ. Sau Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ IX vào tháng 9/1970, ông bị cách ly thẩm tra.
Ngày 13/9/1971, Lâm Bưu, nhân vật số hai của ĐCSTQ đương thời, bỏ trốn bằng máy bay đã bị rơi ở Mông Cổ. Cùng ngày, Trần Bá Đạt bị giam trong nhà tù Tần Thành.
Lý do quan trọng nhất khiến Mao Trạch Đông đả đảo Trần Bá Đạt là trước và sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của ĐCSTQ, Trần Bá Đạt dần trở nên khá gần gũi thân thiết với Lâm Bưu, phản đối Trương Xuân Kiều, một cây bút mới được Mao đề bạt thời Cách mạng Văn hóa.
Theo lịch sử ĐCSTQ, năm 1970, sau khi trở mặt, Mao Trạch Đông đã nói: “Tôi đã cộng sự với Trần Bá Đạt, một ‘nhà lý luận thiên tài’ hơn 30 năm, nhưng trong một số vấn đề trọng đại xưa nay [ông ta] chưa có sự phối hợp, càng không thể nói là phối hợp rất tốt.”
Vào tháng 3/1971, Mao viết trong một chỉ thị khác: “Trần Bá Đạt là một phần tử chống cộng của Quốc Dân đảng trong thời kỳ đầu. Sau khi hỗn nhập đảng (ĐCSTQ), năm 1931 ông ta bị bắt và phản bội, trở thành gián điệp, nhất quán theo Vương Minh, Lưu Thiếu Kỳ chống cộng. Vấn đề cơ bản của ông ta là thế.”
Năm 1981 sau Cách mạng Văn hóa, Trần Bá Đạt bị coi là một trong những tội phạm chính của “Tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu và Giang Thanh”, và bị kết án 18 năm tù.
Điền Gia Anh treo cổ tự sát
Điền Gia Anh là người gốc Tứ Xuyên, mới học hết tiểu học nhưng thông minh, cần cù, giỏi nghiên cứu lịch sử, đã viết nhiều sách lịch sử tương đối cao cấp. Năm 1948, ông được Mao Trạch Đông chọn làm thư ký hàng ngày và công tác bên cạnh Mao trong 18 năm. Ông từng chiếm được tín nhiệm của Mao, sổ tiết kiệm, lệ phí bản thảo, con dấu, v.v. của Mao đều được giao cho ông bảo quản.
Sau khi ĐCSTQ soán chính quyền vào năm 1949, Điền Gia Anh đã tham gia biên tập và hoàn thiện từ tập 1 đến tập 4 cuốn “Tuyển tập Mao Trạch Đông”. Ông đã soạn thảo bài phát biểu khai mạc của Mao tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của ĐCSTQ. Ông cũng từng là phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước ĐCSTQ, chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Trung ương và phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương v.v.
Tuy nhiên, sau Hội nghị Lư Sơn năm 1959, Mao dần dần xa lánh ông, không trọng dụng ông. Lý do là vào năm 1959, sau khi Mao thôi giữ chức chủ tịch nước và Lưu Thiếu Kỳ lên làm chủ tịch nước, Điền Gia Anh vẫn kiêm nhiệm chức phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Vì mối quan hệ công việc này, ông đã tiếp xúc nhiều hơn với Lưu Thiếu Kỳ, và có quan điểm gần gũi với Lưu Thiếu Kỳ về một số vấn đề trọng đại. Mà kẻ thù chính trị lớn nhất mà Mao muốn đánh bại trong Cách mạng Văn hóa là Lưu Thiếu Kỳ, nhưng Điền Gia Anh lại thân cận với Lưu, điều này khiến Mao sinh tâm hiềm khích.
Vào ngày 23/5/1966, Điền Gia Anh treo cổ tự sát trong thư phòng của Mao Trạch Đông, ở tuổi 44.
Tại sao Điền Gia Anh muốn tự sát?
Cựu thư ký của Giang Thanh là Diêm Trường Quý đã viết một bài báo tiết lộ rằng ông đã hỏi Lý Duệ, bạn của Điền Gia Anh và là cựu thư ký của Mao Trạch Đông về vấn đề này. Kết quả là Lý Duệ không chút do dự thốt ra: “Mao chủ tịch không muốn ông ấy nữa!”
Ngày 30/10/2004, con gái của Điền Gia Anh đã nói về nguyên nhân cái chết của cha mình trên một chương trình truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng: “Tôi cảm thấy rằng cha tôi có một sự thất vọng cực đại đối với sự nghiệp mà ông ấy theo đuổi, và nhiệt ái mà ông ấy cả đời dành trọn cho chủ tịch, cảm thấy chủ tịch cuối cùng đã phủ định ông. Tôi nghĩ đây là lý do chủ yếu nhất khiến ông ấy tự kết liễu mình.”
Trương Xuân Kiều bị kết án tử hình
Trương Xuân Kiều là một “cây bút” tuyệt vời mà Mao Trạch Đông đã phát hiện và đánh giá cao trước khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ. Tháng 6/1966, Trương được bổ nhiệm làm tổ phó tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, sau năm 1967, ông kiêm nhiệm chủ nhiệm Ủy ban Cách mạng Thành phố Thượng Hải, và Bí thư thứ nhất Thành ủy Thượng Hải. Sau đó chính thức là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị Quân đội.
Trương Xuân Kiều rất giỏi trong việc suy đoán tâm tư của Mao, và hiểu rõ suy nghĩ của Mao đối với đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa cực tả, vì vậy đã trở thành một nhà lý luận và thực tiễn cực tả mà Mao đặc biệt khen ngợi. Tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa IX, Mao Trạch Đông thậm chí còn cho rằng, ai phản đối Trương Xuân Kiều, là phản đối chính Mao.
Nhưng sau khi Mao qua đời vào ngày 9/9/1976, người hậu thuẫn lớn nhất của Trương Xuân Kiều đã biến mất. Vào ngày 6/10 cùng năm, Trương Xuân Kiều cùng Giang Thanh, vợ của Mao, và nhóm “Tứ nhân bang” đã bị bắt.
Vào ngày 23/1/1981, Trương Xuân Kiều bị coi là tội phạm chính của “Tập đoàn phản cách mạng Giang Khánh”, và bị tòa án đặc biệt của Pháp viện tối cao của ĐCSTQ kết án tử hình, với hai năm hoãn chấp hành.
Diêu Văn Nguyên bị kết án 20 năm tù
“Bình luận về bộ phim lịch sử cải biên Hải Thụy bãi quan” do Diêu Văn Nguyên chấp bút và Mao Trạch Đông chỉ đạo là bom tấn đầu tiên của Mao khi phát động Cách mạng Văn hóa.
Tác giả của bộ phim lịch sử tân biên “Hải Thụy bãi quan” là Ngô Hàm, khi đó là phó thị trưởng Bắc Kinh và là một chuyên gia về lịch sử triều Minh. Mục đích thực sự của việc Mao chỉ đạo Diêu viết bài này là để đả đảo Bành Chân, bí thư thứ nhất Thành ủy Bắc Kinh, người đứng sau Ngô Hàm, cũng như những người đứng sau Bành Chân là chủ tịch nước ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ và Tổng Bí thư Trung ương ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đương thời.
Theo sách “Lịch sử tại đây trầm tư”, Giang Thanh sau đó đã “khen ngợi” Diêu Văn Nguyên về bài viết này, và nói: “Sau khi quật Ngô Hàm ra, sẽ [quật] lên một đống!” Bắt đầu từ việc “quật” Ngô Hàm, “quật” cả “Thị ủy Bắc Kinh của ĐCSTQ”, “quật ra” một tập đoàn phản đảng “Bành Chân, La Thụy Anh, Lục Định Nhất, Dương Thương Côn”, Diêu Văn Nguyên đã lập “công đầu” cho Cách mạng Văn hóa.
Năm 1966, Diêu Văn Nguyên được đề bạt trọng dụng làm thành viên của tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương vì “lập công đầu”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Diêu trở thành ủy viên trẻ nhất của Bộ Chính trị ĐCSTQ. Sau sự sụp đổ của Trần Bá Đạt vào tháng 8/1970, Diêu trở thành tổng quản hình thái ý thức của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, vào ngày 6/10/1976, Diêu Văn Nguyên cũng bị bắt với tư cách là thành viên của “Tứ nhân bang” và bị kết án 20 năm tù vào ngày 25/1/1981.
Vương Lực bị giam trong nhà tù Tần Thành 14 năm
Vương Lực đã từng là “cây bút” quan trọng nhất trong cuộc tranh luận giữa ĐCSTQ và ĐCS Liên Xô.
Theo cuốn sách “Những suy ngẫm về Vương Lập”, từ năm 1963 đến năm 1964, ĐCSTQ đã xuất bản “Cửu bình về đảng Cộng sản Liên Xô”. Vương Lập đã tham gia tám bài báo, trong đó có năm bài do chính ông viết một mình. “Cửu bình về đảng Cộng sản Liên Xô” thể hiện những tư tưởng cực tả của Mao Trạch Đông về tiến hành đấu tranh giai cấp trong và ngoài nước, và chính Vương Lực là người đã đóng góp nhiều nhất vào việc lý luận hóa và hệ thống hóa những tư tưởng cực tả này .
Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, Vương Lực trở thành thành viên của tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương. Trong 15 tháng đầu tiên, công tác chính của ông, theo cách nói của chính ông, là truyền đạt “chỉ thị tối cao” của Mao một cách nhanh chóng và chuẩn xác nhất có thể.
Nhưng 15 tháng sau, Mao Trạch Đông nói: “Vương, Quan, Thích không phải là người tốt, đã phá hoại đại Cách mạng Văn hóa Vô sản”. Vương là Vương Lực, Quan là Quan Phong, và Thích là Thích Bản Vũ. Vì câu nói này, Vương Lực đã bị đả đảo và bị giam ngục Tần Thành.
Mao cũng đặc biệt phát ngôn rằng không được thẩm tra ông. Vì vậy, Vương Lực không được thẩm tra, cũng không được thẩm phán, nhưng bị giam cầm ở Tần Thành trong 14 năm.
Tại sao ông ta đột nhiên thất sủng?
Nguyên nhân chân thực có liên quan đến hai sự kiện: Thứ nhất, sự kiện “ngày 20 tháng 7” xảy ra ở Vũ Hán năm 1967. Tư lệnh viên của Quân khu Vũ Hán Trần Tại Đạo và những người khác đã ủng hộ một số hành vi cực đoan của một bộ phận quần chúng chống lại Cách mạng Văn hóa. Đây là một hành động phản kháng của hệ thống quân đội kể từ khi nổ ra Cách mạng Văn hóa. Thứ hai, vào ngày 22/8/1967, hồng vệ binh phóng hỏa Văn phòng đại diện của Anh ở Bắc Kinh, tạo ra sự cố ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ khi ĐCSTQ tiếm quyền, và gây ra phản đối kịch liệt trên toàn thế giới.
Để xoa dịu sự tức giận của các tướng lĩnh quân đội cấp cao trong nước và cộng đồng quốc tế bên ngoài, Mao không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lôi Vương, Quan và Thích ra làm con dê thế tội.
Quan Phong bị giam trong ngục Tần Thành 14 năm
Quan Phong cũng là thành viên của tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ông ta là tạo dư luận cho Cách mạng Văn hóa, và ông ta đã đăng nhiều bài báo đầy mùi thuốc súng trên các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ. Mỗi bài báo được gọi là “bom tấn” mà ông ta đăng tải đều tạo ra một cơn sóng ác dữ dội trên toàn quốc, và một nhóm người, thậm chí một lượng lớn người sẽ vì nó mà bị “chỉnh”, bị “đấu”.
Mười lăm tháng sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Quan Phong bị đả đảo cùng với Vương Lực và Thích Bản Vũ vì lý do tương tự như chúng ta vừa nói về Vương Lực.
Thích Bản Vũ bị kết án 18 năm tù
Vào tháng 5/1966, với tư cách là thư ký của Mao Trạch Đông và Giang Thanh, Thích Bản Vũ trở thành thành viên của tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương.
Lúc đó ông ta mới 35 tuổi nhưng đã là “lãnh đạo trung ương”, dưới hai người, trên tỷ người, có thể nói là tuổi trẻ đắc chí, phong quang vô hạn.
Thích Bản Vũ sau đó hồi ức lại, nói: “Vào thời điểm đó, tôi phải nói chuyện điện thoại với Giang Thanh hầu như mỗi ngày, đôi khi vài lần một ngày, để báo cáo với bà ấy những tình huống chúng tôi đã học được, và sau đó bà ấy sẽ báo cáo với Mao chủ tịch.”
Vì được sự ủng hộ của Mao Trạch Đông và Giang Thanh, Thích Bản Vũ còn được gọi là “Thích đại soái” trong Cách mạng Văn hóa, đến đâu cũng thổi bùng ngọn lửa, khuấy động ô yên chướng khí, khắp nơi mưa máu gió tanh.
Vào tháng 8/1967, Mao đột ngột trở mặt, Thích Bản Vũ bị đả đảo cùng với Vương Lực và Quan Phong, đồng thời bị giam trong nhà tù Tần Thành.
Trong số ba người, Vương Lực và Quan Phong chủ yếu tuân theo lệnh của Mao để viết bài, còn Thích Bản Vũ không chỉ viết bài mà còn dựa vào sự hậu thuẫn của Mao và Giang để trực tiếp thanh trừng rất nhiều người. Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, năm 1983, ông ta bị kết án 18 năm tù.
Tiêu Hướng Vinh bị bức hại đến chết
Tiêu Hướng Vinh là “trung tướng khai quốc” của ĐCSTQ, và là “cây bút” lớn do chính Mao Trạch Đông điểm danh, nhưng ông lại trở thành vị tướng đầu tiên bị đả đảo trước Cách mạng Văn hóa.
Tiêu Hướng Vinh đã tham gia vào công tác bí thư và tuyên truyền trong một thời gian dài, các chức vụ quan trọng nhất là bí thư trưởng và bộ trưởng tuyên truyền. Sau năm 1952, ông lần lượt làm chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương, chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, phó tổng thư ký Quân ủy Trung ương, là cơ quan ngôn luận số một của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Trong Cách mạng Văn hóa, người đầu tiên mà Mao muốn đả đảo là La Thụy Anh, tham mưu trưởng kiêm bí thư trưởng Quân ủy Trung ương. Tiêu Hướng Vinh được coi là thân tín của La, và trước La, Tiêu là người đầu tiên bị đả đảo.
Vào ngày 15/11/1965, ông bị tuyên bố phạm tội “sai lầm nghiêm trọng phản đối Mao chủ tịch, phản đối tư tưởng Mao Trạch Đông, phản đối đột xuất chính trị, và ‘hát trên sân khấu’ với phó chủ tịch Lâm Bưu”, bị đình chức thẩm tra. Ba ngày sau, ông bị miễn mọi chức vụ, và bị giam trong một thời gian dài sau đó.
Năm 1975, Tiêu Hướng Vinh phục xuất công tác trong một thời gian, nhưng ngay sau đó, ông lại bị đả đảo trong cuộc “phản kích hữu khuynh lật ngược bản án” của Mao. Cuối tháng 11 cùng năm, ông bị cảm nặng chuyển sang viêm phổi phải nhập viện, trong thời gian đó ông vẫn bị công kích phê đấu. Ngày 19/3/1976, ông bị nhồi máu cơ tim nặng do bị phê đấu liên tục, và qua đời vào ngày 23/3 sau nỗ lực cứu chữa không thành công.
- Tràn lan gián điệp ĐCSTQ bên cạnh Tưởng Giới Thạch
- Từ vua vùng Đông Bắc đến phần tử phản đảng, bí ẩn về cái chết của Cao Cương
Một thời ngông nghênh như vậy, nhưng tại sao 8 “cây bút lớn” của ĐCSTQ không đạt được kết cục tốt? Bởi vì trong thể chế của ĐCSTQ, họ chẳng qua chỉ là công cụ để đảng chiếm đoạt quyền lực và duy hộ sự cai trị, khi lãnh đạo đảng cho rằng họ có vấn đề, thì bất cứ lúc nào cũng có thể tìm cớ để đả đảo họ, hoặc lợi dụng họ như những con dê thế tội mà thôi.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch