Ngô Sĩ Liên của những năm cuối thế kỉ 15, đã không thể dùng nhân sinh quan của ông để giải thích nổi một số lượng rất lớn các thần tích của chính dân tộc mình, xuyên suốt gần 2600 năm từ thời Hồng Bàng cho tới Âu Lạc. Cũng phải thôi, nếu người ta không thể giải thích một cách minh triết tại sao lại trăm trứng nở trăm con, 50 xuống biển 50 lên non; tại sao chỉ 18 đời vua Hùng lại kéo dài hơn 2000 năm; thì cũng không thể hiểu nổi, tại sao nếu như trước đó, các vua Hùng còn « đóng khố », mà vị vua kế tiếp Hùng Vương thứ 18, An Dương Vương, lại có thể đánh bại nửa triệu quân Tần lẫn danh tướng Đồ Thư đại diện cho những tinh hoa quân sự bậc nhất Trung Quốc thời bấy giờ.

Bình luận của Ngô Sĩ Liên về nguyên nhân mất nước của An Dương Vương

Ngô Sĩ Liên vốn không tin cho lắm vào các thần tích từ thời Hùng Vương cho tới thần tích Rùa vàng thời An Dương Vương. Khi bình luận về sự kiện Sơn Tinh Thủy Tinh trong Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (ĐVSKTT) [1], ông trần tình rằng chẳng qua « tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi ». Ông không phản đối thần tích Rùa vàng trong phần bình luận của mình bên lề ĐVSKTT, vốn chỉ là trong số rất nhiều thần tích từ thời Hồng Bàng mà ông vẫn phải ghi lại khi kế thừa công việc chép sử của người đời trước. Tuy vậy, Ngô Sĩ Liên cố gắng giải thích nguyên nhân mất nước của An Dương Vương cùng những thần tích liên quan dựa vào thế giới quan Nho giáo của ông, mà trong đó, đạo lý mà ông đề cập đến chính là Đạo của Trời Đất theo Kinh Dịch.

Quả vậy, mặc dù Ngô Sĩ Liên thốt lên « còn như việc Sơn Tinh, Thủy Tinh thì rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách », và nghi vấn « nói 50 con theo mẹ về núi, làm sao biết không phải là như thế? » ; nhưng ông lại khẳng định đạo Trời [2] theo Kinh Dịch với một lòng tin sắt đá : « Kinh Dịch nói: “Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh” . Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi. Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương , giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu , đều là ghi sự thực như thế. »

Phù điêu “Tổ mẫu Âu Cơ”, tại Đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. (Nguồn: Wikipedia)

Các thần tích Sơn Tinh Thủy Tinh và « trăm bọc trăm trứng » nằm ngoài khả năng diễn giải của một nhà Nho học rộng tài cao như Ngô Sĩ Liên. Nhưng các thần tích khởi nguồn của các triều đại Thương, Chu với ông lại là « sự thực như thế ». Nghĩa là, các thần tích với Ngô Sĩ Liên chỉ có tính khả tín khi mà đó là những sự kiện hợp với Đạo Lý Trời Đất được định nghĩa trong Kinh Dịch.

Theo cách đó, ông giải thích rằng chẳng qua An Dương Vương mất nước vì xa rời Đạo Lý. Vua « hưng công đắp thành có phần không dè đặt sức dân, cho nên thần thác vào rùa vàng để răn bảo, chẳng phải là vì lời oán trách động dân mà thành ra như thế ư? ». Đã như thế, việc cầu xin Rùa vàng trao phép màu giữ nước, chẳng qua là « lòng riêng đã nảy. Lòng riêng một khi nảy mầm thì lẽ trời theo đó mà mất, sao thần lại chẳng gieo cho tai họa! Rùa vàng trút móng thiêng trao cho, bảo là có thể đánh lui được quân địch, đó là mầm họa chăng? » Do vậy, Ngô Sĩ Liên kết luận, « An Dương Vương bại vong là do nỏ thần bị đỗi lẫy. (…) Đại phàm việc giữ nước chống giặc tự có đạo lý của nó, đúng đạo lý thì được nhiều người giúp mà nước hưng, mất đạo lý thì ít người giúp mà nước mất, không phải vì những thứ ấy ».

Văn thề Lũng Nhai của nghĩa quân Lam Sơn

Theo bản dịch của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn [2], sau khi « kính cẩn đem lễ-vật, sanh-huyết mà thành-khẩn dâng lời tâu, cáo cùng Vua Trời, Hậu Đất và các thần linh bậc thượng, trung, hạ », thì các vị anh hùng lập nên triều Hậu Lê kết thúc vài văn tế bằng một lời thề ; rằng « ví bằng Lê-Lợi với 18 người từ Lê-Lai đến Trương-Chiến lại ra ý đổi đường, tìm sướng hiện-thời, mập-mờ sao-lãng, không chịu đồng tâm, bỏ quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh phát xuống trăm tai, cho từ thân đến nhà, dòng-dõi, con cháu đều chịu giết sạch, đúng với luật Trời ».

Không hiểu trong tâm thức của anh hùng lịch sử như Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến « luật Trời » hay là đạo Trời có một vị thế thiêng liêng đến như thế nào, mà trong suốt mười năm kháng chiến những lúc cực khổ vất vả nhất, tuyệt không có một ai đem lòng phản trắc, bội ước với những người đồng chí hướng, đầu hàng quân giặc mà vinh thân phì gia?

Tượng Lê Lợi trước Hội trường tỉnh Thanh Hóa , nơi sinh của ông (Nguồn: Wikipedia)

Lê Lợi khi khởi binh bất quá chỉ là một hào trưởng nhỏ một vùng hẻo lánh nơi rừng hoang núi vắng. Các nghĩa sĩ dưới trường Lê Lợi khi đó phần lớn đều vô danh, mà chẳng nhẽ chưa bao giờ đầu não của giặc Minh nghĩ ra rằng việc mua chuộc chiêu hàng bằng một chức tổng trấn một xứ nào đó vừa vừa cũng đủ làm xiêu lòng một trong số các ông ? Vậy mà Trịnh Khả giữa đêm khuya bơi sang sông cướp lại thi hài thân phụ của thủ lĩnh, Lê Lai nhận cái chết về phía mình để có ngày kháng chiến thành công, giang sơn sạch bóng quân thù và Lê Lợi trở thành vị Thái Tổ của một triều Lê trải dài hơn 300 năm. 

Hịch Tướng Sỹ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Trần Hưng Đạo viết « Hịch Tướng sĩ » nhắm đến các tướng lĩnh dưới quyền trước một cuộc chiến tranh một sống một còn, nên lời ông viết ra đề cao tính hiệu quả, đi thẳng vào lòng người. Nào là phê bình « các ngươi thấy chủ bị nhục chẳng lấy làm lo, gặp nước bị dơ chẳng lấy làm thẹn, làm tướng nhà nước phải hầu mấy đứa chum mường, mà không có lòng căm hờn, nghe khúc nhạc thờ đem thết một tên ngụy sứ, mà không có vẻ tức giận ». Nào là chỉ rõ « có người chỉ mến vợ con, lấy mình làm trọng; cũng có kẻ chỉ lo làm giàu làm có, (…) hoặc là đam mùi rượu ngọt, hoặc là mê tiếng hát hay » [3].

Tranh vẽ Trần Hưng Đạo, thời Nguyễn (Nguồn: Wikipedia)

Ông đi thẳng vào vấn đề thế nào là mất nước với những lời cảnh báo đanh thép như « chẳng những xã tắc của tổ tông ta sẽ bị dày xéo, mà đến mồ mả của cha mẹ ngươi cũng sẽ bị kẻ khác đào lên, chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, và trăm kiếp khác tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu vẫn còn, mà gia thanh của các ngươi cũng chẵng khỏi mang tiếng là nhà bại tướng. Đã đến khi đó các ngươi muốn chơi bời cho thỏa, được chăng? »

Tuy nhiên, tất cả những lập luận ở trên, mạnh mẽ đanh thép và đi thẳng vào vấn đề đến như thế, dường như với Trần Hưng Đạo vẫn chưa hội tụ đủ chính nghĩa để khơi dậy tinh chiến đấu. Một chân lý khác, còn quan trọng hơn thế nữa, được ông đặt lên hàng đầu bài hịch dành cho những người mà chính ông gọi là « đời đời là con nhà võ, không biết chữ nghĩa » – vốn phải đặt sự hiệu quả tính thực tế lên hàng đầu – bằng những lời, bất ngờ thay, lại mang đậm phong thái Nho gia :

« Ta thường nghe: Kỷ Tín lấy thân chết thay, cứu thoát được vua Cao-đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo che chở được vua Chiêu-vương; Dự Nhượng nuốt than để trả thù cho thầy; Thân Khoái chặt tay để gánh nạn cho nước; Uất Trì Cung một viên tướng nhỏ, còn biết che đỡ Đường-chủ, ra khỏi vòng vây của Thế Sung; Nhan Cảo-Khanh là bầy tôi xa, còn biết mắng chửi Lộc Sơn, không nghe lời dụ của nghịch-tặc. Từ xưa, những bậc trung-thần nghĩa-sĩ, lấy thân theo nước, đời nào là không có đâu? Nếu mấy người kia, chăm chăm học thói dút-dát của con gái trẻ con, chẳng qua cũng đến chết dũ ở dưới cửa sổ, đâu được ghi tên vào trong thẻ tre lụa trắng, danh tiếng cùng trời đất cùng lâu bền? ».

Vị Quốc công Tiết chế của quân đội vĩ đại nhà Trần đặt những viện dẫn cho đạo lý làm người được truyền lại từ xa xưa lên trên và là trước nhất trong bài Hịch tướng sĩ của mình. Dường như, với Trần Hưng Đạo, những nguy cơ như nước mất nhà tan hay mồ mả cha ông bị quân sài lang xâm phạm kia, vẫn không đáng sợ bằng việc lỗi đạo làm người.

Có người giảng, trung quân, dưới góc nhìn của Đạo gia là trung thành với đạo lý làm người giữa Đất Trời. Đã là Đạo Trời, ắt sẽ không có biên giới. Hưng Đạo Vương mở đầu bản hùng văn Hịch tướng sĩ để chống giữ nước Nam bằng chính những ví dụ về đạo lý được truyền dạy bắt đầu từ phương Bắc!  Không những thế, dường như, đối với ông, đã là Đạo Trời, cũng sẽ chẳng có thời gian.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn quả là đã kết thúc bài Hịch bằng một khái niệm vượt thời gian, và còn mang đậm bản sắc của Phật Pháp – đó là duyên kiếp. Theo bản dịch của Ngô Tất Tố, ông truyền dạy binh sĩ rằng « nếu các ngươi biết chuyên-tập sách ấy [Binh thư yếu lược], nghe lời dạy-bảo của ta, ấy là duyên thầy trò kiếp xưa; Nếu các ngươi bỏ bê sách ấy, trái lời dạy-bảo của ta, ấy là mối cựu thù kiếp xưa ».

Lời bàn

Nếu chỉ dựa vào phân tích mang tính bề mặt các tư liệu chính sử, thì có vẻ như, theo thời gian, con người nước Nam ngày càng rời xa Đạo Trời trong quan niệm của người Việt cổ.

Hơn 1000 năm trước, những Lê Hoàn hay Lý Thường Kiệt, đã làm chấn động nhân tâm cả hai bên chiến tuyến chỉ qua đúng một câu « Tuyệt nhiên định phận tại Thiên Thư ». Nói như vậy, vì trong số 4 câu thơ của bài « Nam quốc sơn hà », chỉ có câu đã dẫn là có thể khiến cho quân giặc sợ hãi – nếu ta còn tin rằng người của hơn 1000 năm trước là những người còn biết sợ hậu quả của việc lỗi Đạo Trời. Khi đó, chỉ nhắc đến hai chữ « Đạo Trời » là đủ. Vậy mà, chỉ mới 300 năm sau, để khắc họa một cách thống nhất trong toàn quân thế nào là Đạo Trời, Trần Hưng Đạo đã phải dùng đến rất nhiều ví dụ cụ thể.

Ngô Sĩ Liên của những năm cuối thế kỉ 15, đã không thể dùng nhân sinh quan của ông để giải thích nổi một số lượng rất lớn các thần tích của chính dân tộc mình, xuyên suốt gần 2600 năm từ thời Hồng Bàng cho tới Âu Lạc. Cũng phải thôi, nếu người ta không thể giải thích một cách minh triết tại sao lại trăm trứng nở trăm con, 50 xuống biển 50 lên non; tại sao chỉ 18 đời vua Hùng lại kéo dài hơn 2000 năm; thì cũng không thể hiểu nổi, tại sao nếu như trước đó, các vua Hùng còn « đóng khố », mà vị vua kế tiếp Hùng Vương thứ 18, An Dương Vương, lại có thể đánh bại nửa triệu quân Tần lẫn danh tướng Đồ Thư đại diện cho những tinh hoa quân sự bậc nhất Trung Quốc thời bấy giờ.

Nếu như Hịch tướng sĩ, hay Văn thề Lũng nhai, đều gián tiếp hoặc trực tiếp trân trọng đề cập đến luật Trời và đạo lý, thì chỉ mấy trăm năm sau, bản tuyên ngôn hùng hồn của vua Quang Trung trước khi thảo phạt quân Thanh xâm lược đã vắng bóng của Trời Đất. Quả vậy, tư tưởng của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ khi đó đã hết sức hiện đại. Ngoài việc khiến cho giặc phương Bắc phải biết rằng đất phương Nam anh hùng là có chủ, ông tuyên bố đánh giặc là để bảo vệ một quyền tự do nào đó của con người : « Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng ».

Theo đó, có vẻ như những thần tích của người Việt cổ xưa dần dần trở nên huyễn hoặc trong tâm thức người Việt Nam hiện đại. Âu cũng là qui luật tuần hoàn của Trời Đất. Theo lời dạy của người xưa, thì tuần hoàn là một vòng tròn. Nhưng đánh mất truyền thống thì dễ, giữ vững truyền thống thật khó, mà quay lại truyền thống lại càng khó hơn. Vậy muốn trở về với truyền thống, liệu có cách nào khác hơn là con người ta phải phù hợp với qui luật vốn là bất biến theo thời gian vẫn luôn dẫn dắt tất thảy biến động của vòng tuần hoàn kia?

Tiến sĩ Phạm Cao Tùng
Hiện sinh sống tại Paris

Tư liệu tham khảo:

[1] Đại việt sử kí toàn thư: https://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/index.html

[2] Văn thề Lũng Nhai, bản dịch của Hoàng Xuân Hãn : http://chimviet.free.fr/lichsu/hoangxuanhan/HXH_LoiTheLungNhai_057.htm

[3] Hịch tướng sĩ, bản dịch của Ngô Tất Tố : Việt Nam Văn Học: Văn Học Đời Trần, Ngô Tất Tố, Nhà xuất bản Đại Nam, Sài gòn, 1961