Tấm gương sáng ngời có thể phản chiếu ra hình mạo, sự tình thời xưa có thể dùng để liễu giải sự tình thời nay.
Một hôm, Khổng Tử nói với Nam Cung Kính Thúc, học trò của ông, rằng: “Ta nghe nói Lão Tử là người bác cổ thông kim, biết cội nguồn của lễ nhạc, hiểu rõ mấu chốt của đạo đức, vậy thì ông ấy chính là thầy của ta. Nay ta muốn sang nước Chu thỉnh giáo ông ấy, trò có muốn đi cùng không?”. Nam Cung Kính Thúc vui vẻ đồng ý.
Nam Cung Kính Thúc thưa với vua Lỗ rằng: “Hạ thần tiếp nhận lời dạy của phụ thân, rằng: Khổng Tử là hậu duệ của bậc thánh nhân, tổ tiên ông ấy đã mất ở nước Tống. Tổ tiên Khổng Tử là Phất Phụ Hà, mới đầu làm vua nước Tống, sau truyền lại cho em trai mình là Tống Lịch Công. Đến thời Chính Khảo Phụ, ông (Phất Phụ Hà) phò tá ba vị quân vương là Đới Công, Võ Công và Tuyên Công, ba lần sắc phong, ông đều lần sau cung kính hơn lần trước. Cho nên, dòng chữ khắc trên cái đỉnh nhà ông ghi lại: ‘Lần bổ nhiệm thứ nhất, ông khom lưng; lần bổ nhiệm thứ hai, ông cúi người; lần bổ nhiệm thứ ba, ông lạy sụp xuống đất. Ông dựa vào chân tường mà đi, cũng không ai dám bắt nạt. Trong cái đỉnh này có nấu cháo đặc, cháo loãng, dùng để sống tạm bợ qua ngày’. Ông ấy cung kính và tiết kiệm như vậy đó.“

Tang Tôn Hột từng nói: ‘Hậu duệ của thánh nhân, nếu không thể nắm giữ thiên hạ, thì cần phải có quân chủ thánh minh giúp ông đạt được điều này. Khổng Tử từ nhỏ đã thích lễ nghi, đại khái ông chính là người này chăng’. Phụ thân hạ thần lại dặn thêm rằng: ‘Con phải tôn thờ Khổng Tử như thầy của con vậy’. Giờ Khổng Tử chuẩn bị đi sang nước Chu, tìm hiểu chế độ tiên vương để lại, xem xét đỉnh cao lễ nhạc đạt đến được. Đây đúng thật là sự nghiệp to lớn! Không biết ngài có thể tài trợ cho ông ấy một cỗ xe không? Hạ thần xin được đi cùng”.
Vua nước Lỗ nói: “Được”. Vua Lỗ tặng cho Khổng Tử một cỗ xe, hai con ngựa, cử một người theo hầu và đánh xe cho Khổng Tử. Nam Cung Kính Thúc và Khổng Tử cùng đến nước Chu. Khổng Tử thỉnh giáo Lão Tử về lễ, thỉnh giáo Trường Hoằng về nhạc, ông đã đi khắp các nơi tế lễ trời đất, khảo sát quy tắc của minh đường, xem xét chế độ của triều đình tông miếu. Khổng Tử cảm thán rằng: “Bây giờ ta mới biết sự thánh minh của Chu Công, và lý do tại sao nhà Chu xưng vương thiên hạ”.
Khi ông rời nước Chu, Lão Tử đến tiễn ông và nói: “Tôi nghe nói, kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa tặng người lời nói. Tôi không phú cũng chẳng quý, không có của cải tặng ông, muốn tặng ông vài lời. Thời nay, kẻ thông minh mà sâu sắc, sở dĩ gặp nạn, thậm chí dẫn đến cái chết, là do hay chê cái sai của người; kẻ giỏi hùng biện lại thông hiểu sự việc, sở dĩ gặp họa liên miên, là do hay vạch ra cái xấu của người. Là bậc làm con, đừng cho mình là cao; là bậc bề tôi, đừng cho mình là hơn. Mong ông nhớ kỹ”. Khổng Tử bái lạy nói: “Học trò nhất định ghi nhớ trong lòng!”
Sau khi từ nước Chu trở về nước Lỗ, đạo của Khổng Tử càng được người đời tôn sùng. Có khoảng 3.000 nghìn từ nơi xa tìm đến xin được làm môn đệ của ông.
Khổng Tử tham quan minh đường, thấy trên tường của bốn cổng có chân dung của Nghiêu, Thuấn, Kiệt, Trụ, vẽ ra dung mạo thiện ác của mỗi người, và có lời răn về sự hưng vong của quốc gia. Ngoài ra còn có chân dung Chu Công phò tá Thành Vương, ôm Thành Vương quay lưng vào bình phong và quay mặt về hướng nam tiếp đón chư hầu đến triều kiến thiên tử nhà Chu.
Khổng Tử dạo quanh xem xét, rồi nói với những người đi theo ông rằng: “Đây là nguyên nhân khiến nhà Chu hưng thịnh. Tấm gương sáng ngời có thể phản chiếu ra hình mạo, sự tình thời xưa có thể dùng để liễu giải sự tình thời nay. Quân vương không cố gắng đi trên con đường giúp quốc gia an định, bỏ qua nguyên nhân khiến quốc gia nguy vong, thì cũng giống như việc chạy lùi về sau nhưng cố đuổi kịp người đi đằng trước, không phải quá hồ đồ sao?”.

Khổng Tử thăm viếng nước Chu, bước vào trong miếu của Chu Thái Tổ là Hậu Tắc. Trước bậc thềm bên phải miếu đường có tượng người được đúc bằng đồng, miệng của bức tượng bị phong ba lớp, sau lưng bức tượng có khắc minh văn: “Đây là người ăn nói thận trọng thời xưa. Hãy nhớ lấy! Đừng nói nhiều, nói nhiều thì thất bại nhiều; đừng nhiều chuyện (làm việc không nên làm), nhiều chuyện thì tai họa lắm. Khi đang an vui thì cần cảnh giác, đừng làm chuyện khiến mình phải hối hận về sau. Đừng cho rằng lời nhiều không có nguy hại gì, mà tai họa sẽ về dài về lâu; đừng cho rằng lời nhiều không có chỗ nguy hại, mà tai họa sẽ rất lớn lao; đừng cho rằng người khác không nghe thấy, chư Thần đều đang dõi theo anh cả đấy. Đốm lửa mới bùng mà không dập đi, khi trở thành biển lửa lan rộng thì khó xử lý; dòng chảy tí teo mà không ngăn lại, cuối cùng sẽ tụ thành con suối con sông; dây leo dài ngoằng mà không chặt đứt, sau sẽ chằng chịt âm u như tấm lưới dày; nhánh cây còn nhỏ mà không tỉa tót, sau sẽ phải dùng rìu để chặt. Thận trọng, ấy là nguồn cội của phúc lành. Cái miệng gây hại được gì? Đó là cửa lớn của tai họa.
Kẻ ngang ngược không được chết yên, kẻ tranh cường hiếu thắng ắt có người trị. Đạo tặc thù ghét vật chủ, dân chúng oán hận quan trên. Người quân tử biết rằng việc trong thiên hạ không thể tranh đứng trước, vậy nên cam nguyện làm kẻ đứng sau. Ôn hòa khiêm cung, thận trọng tu đức, sẽ khiến người ta ngưỡng mộ; giữ lấy mềm yếu, bảo trì thấp hèn, không ai có thể siêu việt được. Mọi người đều tranh nhau chạy đến chỗ đó, chỉ riêng mình ta thủ tại chỗ này; mọi người đều đang thay đổi, chỉ riêng ta bất di bất dịch. Trí huệ giấu ở trong tìm, không phô trương tài nghệ, dù mình có cao sang quyền quý, người khác cũng sẽ không hại đến ta. Ai có thể làm được vậy đây? Sông biển tuy ở hạ du, nhưng lại có thể dung nạp trăm sông, bởi thế đất của nó nằm ở chỗ thấp. Trời cao tuy không gần gũi người, nhưng lại có thể khiến mọi người đều ở dưới ông. Hãy lấy đó làm điều răn!”.
Sau khi Khổng Tử đọc bài khắc này xong, ông quay lại nói với các học trò rằng: “Các trò hãy nhớ lấy, những lời này thực tế và đúng trọng tâm, hợp tình hợp lý và rất đáng tin tưởng. Trong “Kinh Thi” có nói: Phải nơm nớp chăm chăm, như đi xuống vực sâu, như đi trên lớp băng mỏng. Lập thân hành xử mà được như vậy, sao còn có thể bởi lời nói mà rước lấy tai họa đây?”.
Chú thích:
*Minh đường: là nơi hoàng đế tổ chức các cuộc họp triều đình và tế lễ.
- Xem trọn bộ Khổng Tử Gia Ngữ
Tác giả: Tuệ Minh, Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch