Trong thời đại hưởng thụ vật chất ngày nay, trí tuệ siêu phàm mà Khổng Tử cùng các đệ tử thể hiện có thể mang lại cho bạn niềm vui như dòng suối tưới mát tâm hồn, gợi mở suy nghĩ của bạn về vũ trụ, thời không và sinh mệnh.
Câu chuyện tập trước nói rằng, Đức Khổng Tử không sợ thế mạnh của nước Tề, ông đã thuyết phục quân vương nước Tề trả lại đất đai cho nước Lỗ, đồng thời giành được tôn nghiêm cho Lỗ Định Công trước mặt tất cả chư hầu và quần thần mà không hề đánh mất lễ nghi.
Trong năm này, Khổng Tử đảm nhiệm chức Tư khấu nước Lỗ, thay việc của Quốc tướng, nên có tỏ vẻ vui mừng.
Một học trò của Khổng Tử là Trọng Do, hỏi: “Con nghe nói người quân tử khi tai họa ập đến thì không chút sợ hãi, khi vận may đến cũng không tỏ vẻ vui mừng. Bây giờ, thầy có địa vị cao mà tỏ vẻ vui mừng, nguyên do bởi vì sao?”.
Khổng Tử trả lời rằng: “Đúng vậy, quả thật có cách nói như vậy. Nhưng, chẳng phải cũng có câu nói ‘dù hiển quý vẫn lấy việc đối đãi với người bằng thái độ khiêm nhường làm điều vui’ đó sao?”.
Khổng Tử làm quan được 7 ngày đã xử chết Đại phu Thiếu Chính Mão nhiễu loạn triều chính, phơi thây thị chúng tại triều 3 ngày.

Học trò của Khổng Tử là Tử Cống nói với Khổng Tử: “Thiếu Chính Mão là người nổi tiếng của nước Lỗ, thầy vừa mới chấp chính đã giết ông ta, e là có chút không thoả đáng chăng?”.
Khổng Tử bảo rằng: “Ngồi xuống đi, thầy nói rõ nguyên nhân vì sao phải giết hắn. Có 5 loại tội ác lớn nhất trong thiên hạ, mà không bao gồm trộm cắp trong đó:
– Một là thông tỏ lý lẽ, nhưng trong lòng lại ấp ủ điều phản nghịch, bụng dạ hiểm ác.
– Hai là hành vi tà ác mà cố chấp không chịu sửa đổi.
– Ba là lời lẽ gian dối nhưng lại có tài hùng biện.
– Bốn là biết quá nhiều chuyện quái dị, tâm lý cũng theo đó mà trở nên quái dị.
– Năm là chuyên ăn nói bậy bạ nhưng vẫn gắng sức biện giải cho mình.
Với 5 điều ác này, chỉ cần là người mắc phải một trong năm, tất sẽ bị bậc chính nhân quân tử khép vào tội chết. Vậy mà Thiếu Chính Mão lại có đủ hết cả 5 điều ác này.
Ông ta nắm giữ quyền vị nhất định đủ để tập hợp thế lực của mình, kéo bè kết đảng làm điều xấu xa. Lời lẽ của ông ta cũng đủ để mê hoặc nhiều người để ngụy trang cho ông ta, nhờ đó mà có được sự nổi tiếng. Ông ta đã tích lũy đủ sức mạnh để nổi dậy chống lại lễ chế, trở thành một kẻ dị giáo. Đây là kẻ gian hùng đó! Nên cần phải loại trừ càng sớm càng tốt.
Trong lịch sử, Ân Thang giết Doãn Hài, Văn Vương xử chết Phan Chính, Chu Công xử chết Quản Thúc, Sái Thúc, Khương Thái Công xử chết Hoa Sĩ, Quản Trọng xử chết Phó Ất, Tử Sản xử chết Sử Hà. Bảy người này sống ở thời đại khác nhau, nhưng đều bị chặt đầu, nguyên nhân là bảy người này dù sống khác thời đại, nhưng ác hạnh lại như nhau, nên không thể tha cho họ được. Trong Kinh Thi có nói: “Ưu tâm thiểu thiểu, uẩn vụ quần tiểu” (ý là lòng hoang mang lo lắng như lửa đốt, bị bọn tiểu nhân căm ghét). Nếu kẻ tiểu nhân mà kéo bè kết cánh, điều đó thật khiến người ta không khỏi lo lắng”.
Một lần, có hai cha con nhà nọ nộp đơn kiện tụng nhau, Khổng Tử liền cho tống giam hai cha con họ ở cùng một buồng giam, ba tháng trôi qua cũng không đăng đàn xét xử. Cuối cùng người cha xin rút đơn kiện. Khổng Tử liền trả tự do cho cả hai người.

Quý Tôn thị nghe được việc này, lòng rất không vui, nói rằng: “Đại Tư khấu đã dối gạt tôi. Ngày trước, ông ấy từng nói với tôi: ‘Điều hành đất nước nhất định phải đặt hiếu đạo lên hàng đầu’. Bây giờ tôi muốn giết một kẻ bất hiếu để răn dạy dân chúng tuân thủ hiếu đạo, vậy không được sao? Khổng Tử lại tha tội cho họ, đây là tại vì sao?”.
Nhiễm Hữu đem lời của Quý Tôn thị nói lại với Khổng Tử. Khổng Tử thở dài, nói: “Than ôi! Thân ở ngôi cao không hành sự theo đạo nghĩa mà giết người bừa bãi, ấy là làm trái lẽ thường. Không dùng đạo hiếu để giáo hóa người dân mà tùy ý phán quyết vụ kiện, đây là lạm sát người vô tội. Nếu ba quân bị bại trận, thì không thể lấy việc giết chết binh sĩ để giải quyết vấn đề.
Khi mà các vụ kiện hình sự không ngừng phát sinh, thì không thể dùng hình phạt nghiêm khắc để ngăn chặn. Vì sao vậy? Giáo hóa của người cai trị không khởi tác dụng, thì lỗi ấy không chỉ ở phía người dân thôi.
Nếu pháp luật không công bố rõ ràng các quy định sẽ mang đến rắc rối cho xã hội, từ đó dẫn đến việc quan phủ lạm dụng cực hình, ấy là hành vi giết hại người dân. Còn như tùy tiện tăng thêm các khoản sưu thuế lao dịch, ấy là chính quyền tà ác bạo ngược. Còn như không tăng cường giáo dục mà lại bắt buộc người dân tuân thủ lễ nghi và pháp luật, đây là hành vi tàn bạo. Cầm quyền trị nước mà không có ba điều tệ hại này, thì mới tính chuyện sử dụng hình phạt được. Sách cổ có nói: ‘Hình phạt phải đúng với lẽ phải, không thể bắt buộc đều phải thuận theo ý mình, xử án nào phải chuyện suôn sẻ như vậy’”.
Ở đây là nói trước tiên cần thực thi giáo hóa, sau đó mới dùng đến hình phạt, trước hết cần phải giảng rõ đạo lý để người dân hiểu và cung kính tuân theo. Nếu không hiệu quả thì hãy dùng tấm gương của người hiền đức làm mẫu dẫn dắt khuyến khích họ. Nếu vẫn không hiệu quả, mới từ bỏ các loại thuyết giáo, và dùng đến quyền uy để chấn nhiếp họ.
Làm vậy trong ba năm, sau đó dân chúng sẽ đi trên con đường đúng đắn. Trong tiến trình đó ắt có kẻ xấu xa không tuân theo giáo hóa, thế thì có thể sử dụng hình phạt đối với những kẻ xấu ác này. Bằng cách này, người dân sẽ biết thế nào là phạm tội rồi.
Trong ‘Kinh Thi’ có nói: ‘Phò tá thiên tử, khiến người dân không bị lầm lạc’. Nếu làm được vậy, thì không cần phải dùng đến những hình phạt nghiêm khắc nữa, và luật hình sự có thể sẽ được gác lại mà không dùng đến nữa.
Nhưng, xã hội ngày nay lại không như thế, giáo dục rối ren, luật pháp quá nhiều khiến người dân hoang mang và có thể ‘phạm pháp’ bất cứ lúc nào. Quan lại lại dùng nhiều luật hình sự khác để kiểm soát ước thúc người dân, thế nên hình phạt càng lắm thì giặc cướp càng nhiều. Bầu không khí xã hội hiện nay vốn đã băng hoại từ lâu, dù có hình phạt nghiêm khắc, người dân vẫn làm trái pháp luật cả thôi”.
- Xem trọn bộ Khổng Tử Gia Ngữ
Theo Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch