Tiếp theo Nạn lớn triển hiện tiết tháo người quân tử – Khổng Tử Gia Ngữ (Quyển 5 P.20)
Một lần, Tử Trương hỏi Khổng Tử về đạo làm quan. Khổng Tử nói: “Rất khó để đạt được quan vị vững chắc và lại có danh tiếng tốt”. Tử Trương nói: “Thưa thầy, vậy cần làm thế nào?”.
Khổng Tử nói: “Đừng tự sở hữu ưu điểm của mình, đừng buông lơi việc dạy người khác học tập, đừng lặp lại những sai lầm đã phạm phải, nói sai lời thì đừng biện hộ, việc xấu chớ tiếp tục làm, việc đang làm thì đừng trì hoãn. Quân tử làm quan mà có thể làm được sáu điểm này thì có thể có được địa vị vững vàng và danh tiếng tốt, việc chính sự cũng theo đó mà suôn sẻ. Hơn nữa, oán hận nhiều rồi, thì sẽ xảy ra nạn tù tội; từ chối lời khuyên can thì tư duy sẽ bị ngăn trở; hành vi không nghiêm trang thận trọng thì sẽ thất lễ; làm việc lỏng lẻo lười nhác thì sẽ lỡ mất thời cơ; làm những việc tốn kém, tài vật sẽ không sung túc; chuyên quyền độc đoán, sự việc sẽ không làm thành. Người quân tử làm quan, nếu loại bỏ được sáu thiếu sót này, thì sẽ có được địa vị vững vàng, danh tiếng tốt, chính sự cũng theo đó mà hanh thông.
Do vậy, người quân tử một khi làm quan, cai quản một vùng rộng lớn, thì nên cai quản bằng công tâm, suy tính kỹ lưỡng và thực hiện một cách đơn giản, cộng với sáu phẩm đức trung tín nêu trên, cân nhắc cái nào là tiêu chuẩn cao nhất của luân lý đạo đức, xem xét điều tốt và điều xấu, phổ biến cái có lợi, loại bỏ cái có hại, không truy cầu báo đáp của người khác, có như vậy mới có được tình cảm của người dân. Cai quản người dân không có hành vi tà ác làm trái ý trời và ngược đãi dân chúng, bản thân có lý cũng không nói những điều xúc phạm người dân, xử lý chính sự không có những lời xảo quyệt dối gạt người dân, cho dân an cư lạc nghiệp, lao dịch không làm trái thời vụ, dù quý trọng người dân nhưng cũng không thể khoan dung hơn luật hình sự. Nếu làm được vậy, thì có thể khiến địa vị vững chắc, danh tiếng tốt đẹp, chính sự cũng sẽ theo đó mà trôi chảy”.

Người quân tử làm quan, nếu nhìn rõ mọi việc xung quanh thì sáng mắt sáng lòng, không dễ bị lừa gạt. Trước tiên, hãy tìm kiếm những thứ mình cần ở ngay bên cạnh, như vậy sẽ có được mà không phải tốn nhiều công sức. Sửa sang việc nước nắm được vấn đề chính, không cần vận động mọi người, được vậy có thể có được danh tiếng tốt. Phàm trong tâm có nhiều chuẩn tắc, hình mẫu, thế thì chuẩn tắc, hình mẫu cách bản thân không xa, giống như nguồn nước sẽ không bao giờ cạn, bởi vậy người thiên hạ mới quy tụ mà không thiếu nhân tài. Tùy theo tài năng khác nhau đều được bổ nhiệm, nhân tài đều có chỗ dùng, chính trị mới không hỗn loạn. Đức hạnh tốt đẹp xuyên suốt ở nội tâm, hiển lộ trên nét mặt, thể hiện trong lời ăn tiếng nói, có như vậy thì địa vị mới vững vàng, danh tiếng tốt theo đó mà đến, dân chúng tự nhiên sẽ được cai quản.
Từ đây có thể thấy, thân là quan chức mà không giỏi quản trị thì sẽ xảy ra hỗn loạn, hỗn loạn phát sinh thì theo đó cũng xuất hiện kẻ tranh giành. Khi cạnh tranh xảy ra thì chính trị sẽ càng hỗn loạn. Quân chủ anh minh cần phải khoan dung mà đối đãi với người dân, dùng tâm từ ái mà trấn an người dân, tự nhiên sẽ có được ủng hộ của dân chúng. Dốc sức mà làm, là tiền đề quản lý tốt việc chính sự; để người dân vui vẻ, cảm xúc của họ có thể được khơi thông. Phương sách chính trị tốt đẹp dễ dàng chấp hành thì người dân cũng sẽ không có lời oán trách, thuyết pháp ngôn luận hợp với lòng dân thì dân chúng sẽ không có hai lòng. Tự lấy mình làm gương tuân theo pháp luật thì dân sẽ noi gương; tự mình quang minh chính đại thì dân sẽ khen ngợi.
Nếu bản thân ham muốn hưởng thụ và không tiết kiệm, thì những người làm ra của cải sẽ không chăm chỉ sản xuất; nếu tham lam của cải và tiêu xài hoang phí, thế thì phương sách chính trị tốt sẽ bị đơn giản hóa, không còn hữu dụng nữa. Chính trị có sự hỗn loạn, ắt sẽ không nghe được những ý kiến hay; thận trọng tiếp thu lời khuyên của người khác, như thế mỗi ngày đều sẽ có người đưa ra những lời khuyên can. Có thể nói ra những lời tốt đẹp, nằm ở việc mỗi ngày có thể lắng nghe ý kiến của người khác; có thể có được hành vi tốt đẹp, nằm ở chỗ có thể đích thân đi làm. Vậy nên nói quân vương quản lý người dân, là hình mẫu cho dân chúng; quan viên triều đình các cấp, là tấm gương cho dân chúng; các quan thị ngự bên cạnh nhà vua, là tấm gương cho bầy tôi. Vậy nên nói hình mẫu không ngay chính, thì người dân sẽ lạc mất phương hướng; tấm gương không ngay chính, thì người dân sẽ rối loạn; đại thần cạnh vua không ngay chính, thì quần thần sẽ trở nên xấu tệ. Vì vậy, người cai trị đất nước không thể không thận trọng tuân theo đạo đức và luân lý khác nhau.
Người quân tử tuân theo Đạo để tu thân, cần cẩn thận phân rõ đâu là đạo lý đúng đắn để hành sự, thì địa vị có thể củng cố, danh vọng cũng theo đó mà đến, cả đời thọ dụng vô cùng. Bởi vậy, phụ nữ dệt vải nhất định phải tự mình chọn lấy sợi đay, người thợ xuất sắc phải đích thân chọn lấy vật liệu, quân vương sáng suốt nhất định phải đích thân lựa chọn bề tôi quanh mình. Việc tuyển chọn nhân tài vất vả một chút, nhưng khi trị lý chính sự lại nhẹ nhàng hơn nhiều. Người quân tử muốn đạt được danh tiếng tốt, cũng phải thận trọng lựa chọn người để kết giao. Người ở ngôi cao giống như trèo cây vậy, càng leo cao càng sợ té ngã. Sáu con ngựa kéo xe chạy tán loạn, nhất định là ở chỗ giao lộ thông suốt bốn phương; dân chúng nổi loạn ắt vì phương sách chính trị sai lầm của bậc đế vương. Người ở ngôi cao tuy tôn quý nhưng lại có nguy hiểm, người dân tuy thấp kém nhưng lại có sức mạnh ghê gớm. Lòng dân yêu mến thì mới có thể tồn tại, người dân chán ghét thì chỉ có nước diệt vong.
Người cai trị dân chúng cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của nguyên tắc này. Bởi vậy làm quan ở trên, địa vị tuy cao quý cũng không nên ngạo mạn hống hách, giàu có rồi cũng nên cung kính thận trọng, có được gốc rễ thì còn phải xem xét các nhánh các cành, làm xong việc rồi còn phải tạo dựng sự nghiệp, có được cục diện an định trong thời gian dài thì vẫn phải nỗ lực không ngừng, gắn kết được tình cảm ở chỗ gần rồi thì còn phải thông suốt đến nơi xa, quan sát một sự vật còn phải có thể liên tưởng nhiều sự vật khác nữa. Trị lý một việc mà vạn việc đều có thể không rối loạn, là bởi nguyên nhân có thể lấy mình làm gương.
Người quân tử cai trị người dân thì không thể không liễu giải tính tình của người dân, tiếp tiến là liễu giải được tình cảm của người dân. Đã biết được lòng dân rồi, lại thông thuộc lòng dân thì dân chúng mới phục tùng chính sách quản lý. Bởi vậy quốc gia an định thì dân chúng sẽ yêu mến quân vương, chính sách công bằng hợp lý, dân chúng sẽ không có lời oán thán. Bởi vậy, người quân tử trị nước, không thể chỉ ngồi tít trên cao, không nên làm những việc xa tầm tay với, không bắt người dân làm những việc không muốn làm, cũng không nên bắt người dân làm những việc không thể hoàn thành.
Vì để mở mang công lao sự nghiệp giống như bậc quân vương tài đức sáng suốt mà không màng đến lòng dân, như thế thì ngoài mặt thì dân chúng kính nể nhưng trên thực tế lại không muốn tuân theo. Vì để tăng thêm công lao sự nghiệp hiện có mà không màng đến sức dân, thế thì dân chúng sẽ bỏ chạy chứ không phục tùng. Nếu cưỡng ép người dân phải làm những việc mà họ không muốn làm, buộc họ phải làm những việc mà họ không thể hoàn thành, người dân sẽ sinh tâm thống hận, thống hận rồi sẽ làm ra những việc không thỏa đáng. Vương miện của quân vương thánh minh thời xưa, có dây ngọc treo phía trước là dùng để che lấp ánh sáng; ngọc chấn treo hai bên có thể nhét vào lỗ tai, là dùng để che đậy âm thanh.

Nước trong quá thì không có cá, người quá xét nét thì không có ai theo cùng. Người dân làm sai cần phải sửa sai, cần khiến người dân tự mình có được nhận thức; độ lượng ôn hòa đối đãi người dân để họ tự thấy được lỗi lầm của mình; đo lường tình huống của người dân để giáo dục họ, khiến họ tự minh bạch đúng sai. Khi người dân phạm tội nhỏ thì phải tìm ra ưu điểm của họ để xá miễn cho lỗi lầm của họ; người dân phạm tội lớn thì phải tìm ra nguyên nhân phạm tội và dùng tư tưởng nhân ái để giáo dục họ, khiến họ sửa sai hướng thiện; nếu phạm phải tội chết, sau khi trừng phạt khiến họ được tái sinh, thế sẽ tốt hơn. Như vậy vua – tôi và người dân trên dưới hòa thuận với nhau thì không xảy ra chuyện nội bộ lục đục, các biện pháp điều hành đất nước có thể được thúc đẩy mà không ùn tách. Vậy nên nói đạo đức của người cai trị là tiền đề của nền chính trị tốt hay dở.
Nếu các sắc lệnh không phù hợp thực tế thì dân chúng sẽ không tuân theo lời dạy, dân chúng mà không tuân theo lời dạy thì càng không quen tuân theo pháp luật và các quy định; không quen tuân theo pháp luật và các quy định thì không dễ sai khiến và cai trị họ. Người quân tử muốn khiến lời của mình được người khác tin tưởng, cách tốt nhất là khiêm tốn lắng nghe ý kiến; nếu muốn thực hiện các phương sách chính trị được phổ biến mau chóng, cách tốt nhất là tự mình dốc sức mà làm; nếu muốn khiến người dân mau chóng phục tùng , cách tốt nhất là điều hành đất nước bằng đạo lý chính xác. Không cai quản bằng đạo lý chính xác thì dù dân có phục tùng cũng là miễn cưỡng. Không dựa vào lòng trung tín, thì không thể có được sự gần gũi và tín nhiệm của người dân. Triều đình và dân chúng không thể câu thông liễu giải, thì không thể có được lòng tin của dân chúng, đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong việc cai trị dân chúng, cũng là cương lĩnh quan trọng nhất đối với người làm quan”.
Tử Trương nghe những lời này, liền trở về ghi chép lại của của Khổng Tử.
Theo Huệ Minh, Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch