Khổng Tử đáp: “Người thể có chia làm năm đẳng cấp, gồm: Dung nhân (hạng người tầm thường), sĩ nhân, quân tử, hiền nhân và thánh nhân. Nếu phân rõ được năm loại người này, thế thì phương pháp điều hành đất nước đều có đủ cả”.
Như đã đề cập ở tập trước, Lỗ Ai Công thỉnh giáo Khổng Tử, đối với quốc gia vì sao lễ nghi lại quan trọng đến vậy, tu minh lễ giáo có thể mang lại trật tự cho đất nước.
Một hôm, Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: “Quả nhân muốn đàm luận một chút về nhân tài của nước Lỗ, cùng họ điều hành đất nước. Xin hỏi tiên sinh làm thế nào để chọn được nhân tài đây?”.
Khổng Tử đáp: “Sống ở thời đại ngày nay, cảm mến đạo đức lễ nghi của thời xưa. Sống theo tập tục ngày nay, mặc Nho phục thời xưa, người có hành vi như vậy mà làm xằng làm bậy không phải là hiếm hay sao?”.
Lỗ Ai Công lại hỏi: “Thế thì người mà đầu đội mũ đời nhà Ân, chân đi giày có trang trí ở phần mũi, ngang lưng đeo cái đai to, và cắm cái hốt bản bên trong đai, đây đều không phải là hiền nhân sao?”.
Khổng Tử nói: “Thế thì không nhất định. Lời hạ thần vừa mới nói, vốn không phải là ý này. Những người thân mặc lễ phục, đầu đội lễ mão, ngồi xe mà đi cử hành lễ tế, chí hướng của họ không nằm ở việc ăn mặn. Người mặc đồ tang làm bằng vải thô, chân đi giày cỏ, tay chống gậy tang uống nước cháo đến cử hành tang lễ, chí hướng của họ không ở chỗ rượu thịt. Hạ thần nói là về kiểu người sống trong thời đại ngày nay, nhưng lại ngưỡng mộ đạo đức và lễ nghi của thời xưa; và kiểu người sống theo phong tục hiện đại, nhưng lại mặc Nho phục thời xưa”.
Ai Công nói: “Tiên sinh nói đúng lắm! Nhưng có phải chỉ những điều này thôi không?”.
Khổng Tử đáp: “Người thể có chia làm năm đẳng cấp, gồm: Dung nhân (hạng người tầm thường), sĩ nhân, quân tử, hiền nhân và thánh nhân. Nếu phân rõ được năm loại người này, thế thì phương pháp điều hành đất nước đều có đủ cả”.

Lỗ Ai Công hỏi: “Xin hỏi loại người nào được gọi là dung nhân?”.
Khổng Tử đáp: “Người được gọi là dung nhân, trong tâm họ không có nguyên tắc hành sự cẩn trọng, không có trước có sau, miệng thì không nói ra được những lời đạo lý. Họ không chọn hiền nhân thiện sĩ làm chỗ dựa cho mình, không chăm chỉ làm việc để bản thân có được cuộc sống an định. Họ thường là ‘chuyện nhỏ thì biết rõ, chuyện lớn lại hồ đồ’, không biết bản thân đang bận những gì; mọi chuyện đều mặc cho nước chảy bèo trôi, không biết bản thân theo đuổi điều gì. Người như vậy chính là dung nhân”.
Lỗ Ai Công hỏi: “Xin hỏi thế nào là sĩ nhân?”.
Khổng Tử trả lời: “Những người được gọi là sĩ nhân này, trong tâm họ đều có nguyên tắc vững chắc và kế hoạch rõ ràng. Họ dù không thể tận hết bổn phận lấy đạo trị quốc, thì cũng có phép tắc tuân theo; dẫu không thể hội tụ trăm điều hay, thì cũng có phẩm đức của tự mình. Bởi vậy tri thức của họ không nhất định sâu rộng, nhưng sẽ xét xem tri thức của mình có chuẩn xác hay không; họ không nhất định nói nhiều, nhưng sẽ xét xem lời mình nói có chính xác không; đường không nhất định đi được xa, nhưng cần phải biết được rằng đường mình đi có đúng hay không. Với họ, những nguyên tắc đúng đắn này không thể thay đổi giống như tính mệnh đối với thân thể này vậy. Cái giàu không có ích gì với họ, cái nghèo không tổn hại đến họ được. Người như vậy chính là sĩ nhân”.
Lỗ Ai Công hỏi: “Xin hỏi quân tử là như thế nào?”.
Khổng Tử đáp: “Người được gọi là quân tử, lời nói ra nhất định phải trung tín mà lòng không chút oán giận, trong người có mỹ đức nhân nghĩa mà không khoe khoang, suy nghĩ vấn đề sáng suốt thông tỏ mà lời lẽ khéo léo. Tuân theo cái đạo nhân nghĩa mà nỗ lực thực hiện lý tưởng của bản thân, không ngừng cố gắng vươn lên. Phong thái điềm đạm của anh ta thấy như rất dễ vượt qua, nhưng trước sau vẫn không thể đạt tới cảnh giới đó của anh ta. Người như vậy chính là quân tử”.
Lỗ Ai Công hỏi: “Người như thế nào được gọi là hiền nhân?”.
Khổng Tử đáp: “Người được gọi là hiền nhân, phẩm đức của họ không vượt quá quy phạm, hành vi phù hợp với phép tắc. Lời của họ có thể khiến người trong thiên hạ học theo mà không dẫn đến tai họa, đạo đức của họ đủ để cảm hóa người dân mà không mang đến nguy hại cho bản thân. Dù giàu sang, người trong thiên hạ cũng không oán giận họ; mà nếu họ ban ân, người trong thiên hạ đều không nghèo khó nữa. Người như vậy chính là hiền nhân”.
Ai Công lại hỏi: “Còn người như thế nào được gọi là thánh nhân?”.
Khổng Tử trả lời rằng: “Người được gọi là thánh nhân, phẩm đức của họ phù hợp với đạo của trời đất, linh thông tự do như ý, có thể tham cứu ngọn ngành của vạn sự vạn vật, khiến cho vạn vật thuận theo quy luật tự nhiên, án chiếu quy luật tự nhiên mà thành tựu chúng. Bậc thánh nhân sáng chói như Mặt trời, Mặt trăng, giáo hóa như Thần linh. Người tầng dưới không biết được đức hạnh của ông, người nhìn thấy ông không biết rằng ông đang ở ngay bên cạnh. Người như vậy chính là thánh nhân”.
Ai Công nói: “Rất hay! Nếu không phải tiên sinh tài đức sáng suốt, thì quả nhân sẽ không bao giờ nghe được những lời này. Dù là như vậy, nhưng quả nhân từ nhỏ sống trong thâm cung, do nữ nhân nuôi nấng trưởng thành, cũng không biết đau buồn là gì, khổ cực là sao, sợ hãi là như thế nào, càng không biết đến nguy hiểm, e không đủ thực hành giáo hóa đối với năm kiểu người này. Quả nhân phải làm sao đây?”.
Khổng Tử trả lời rằng: “Từ lời nói của ngài có thể nghe ra, ngài đã hiểu được những đạo lý này, hạ thần cũng không có gì để nói với ngài nữa”.
Ai Công nói: “Nếu không phải tiên sinh, tâm trí quả nhân sẽ không được mở mang. Tiên sinh hãy nói nữa đi!”.

Khổng Tử nói: “Ngài vào đền miếu làm lễ cúng tế, đi lên bậc thang bên phải, ngẩng đầu nhìn lên thấy xà nhà, nhìn xuống sẽ thấy bàn tiệc, tất cả đồ dùng người thân sử dụng đều ở đó, nhưng lại không thấy bóng dáng họ đâu. Vì điều này, ngài sẽ cảm thấy đau thương, như vậy thì biết được đau buồn là gì rồi. Trời còn chưa sáng đã thức dậy, mặc quần áo, mũ nón ngay ngắn, sáng sớm vào triều nghe chính sự, xem xét đất nước có lâm nguy không. Nếu một việc không được xử lý đúng cách, thường sẽ trở thành khởi đầu cho sự hỗn loạn và suy vong của quốc gia. Vì điều này mà ngài lo lắng cho vận mệnh quốc gia, thế thì sẽ biết được thế nào là phiền muộn rồi. Mặt trời vừa ló dạng đã xử lý quốc gia đại sự, mãi đến sau giờ ngọ, tiếp đón chư hầu và hoàng thân các nước, còn có khách khứa ra vào, vái chào hành lễ, cẩn thận dựa theo lễ pháp hiển thị dáng vẻ uy nghiêm của bản thân. Quân vương vì vậy cảm thấy thật vất vả mệt nhọc, thế thì ngài sẽ biết được vất vả mệt nhọc là gì rồi.
Nhớ về thời xa xưa, đi ra khỏi kinh đô, chu du thưởng ngoạn, nhìn về phía xa, trông thấy tàn tích của các nước đã bị tiêu diệt, mà quốc gia đã diệt vong đó không chỉ có một mà thôi. Quân vương vì điều này mà cảm thấy rùng mình ớn lạnh, thế thì biết được cảm giác sợ hãi là thế nào rồi. Người cai trị là thuyền, người dân chính là nước. Nước có thể chở thuyền, và cũng có thể lật thuyền. Quân vương từ đây nghĩ đến hiểm nguy, thế thì cũng biết được nguy hiểm là gì. Quân vương biết được năm phương diện này, lại thầm để ý năm hạng người trong nước, thế thì điều hành đất nước còn gì sai sót nữa đây?”.
Lỗ Ai Công nói: “Nếu không phải quả nhân thô lậu, đã không thể nghe được lời dạy này của tiên sinh”.
- Xem trọn bộ Khổng Tử Gia Ngữ
Theo Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch