“Thê tử là chủ thể trong việc nối dòng tế tự, con cái là người nối dõi tông đường, người quân tử có thể không kính trọng thê tử sao? Vậy nên không có người quân tử nào là không kính trọng thê tử cả” (Khổng Tử).
Tập trước nói về Khổng Tử đàm luận cùng học trò của mình cách quân vương quản lý tốt quốc gia mà không cần phải bước chân ra khỏi cửa, muốn thế thì phải làm được nhân từ với người dân, quản lý dựa theo lễ pháp thì có thể khiến quốc gia hưng vượng, người dân có nơi quy thuận.
- Khổng Tử Gia Ngữ (Quyển 1, P.1): Làm tướng quốc nước Lỗ
- Khổng Tử Gia Ngữ (Quyển 1, P.2): Thực thi hình phạt thế nào cho phải Đạo?
- Khổng Tử Gia Ngữ (Quyển 1, P.3): Đạo làm vua có ‘Thất giáo’ và ‘Tam chí’, đó là gì?
Một hôm, Khổng Tử ngồi nói chuyện với vua Ai Công nước Lỗ.
Ai Công hỏi rằng: “Xin hỏi ngài trong phương sách quản lý dân chúng, điều gì là quan trọng nhất?”.
Vẻ mặt Khổng Tử lập tức trở nên nghiêm túc, đáp rằng: “Có thể cùng người đàm luận vấn đề này, thật là phúc của muôn dân, do vậy vi thần không dám từ chối trả lời vấn đề này. Trong phương sách quản lý người dân, chính sự (政事 – việc quốc gia) là quan trọng nhất. Cái gọi là chính (政 – chính sự), chính là ngay chính (正) vậy. Quân vương mà làm được ngay chính, thì người dân cũng sẽ theo đó mà làm được ngay chính. Mọi hành động của quân vương, người dân đều sẽ học theo. Hành vi của quân vương mà không ngay chính, thế thì người dân sẽ học được gì từ quân vương đây?”.
Ai Công hỏi: “Quả nhân dù bất tài thật, nhưng vẫn mong biết được phương pháp thực hành ba việc này, ngài có thể giảng cho quả nhân nghe thử được không?”.
Khổng Tử trả lời rằng: “Người xưa sửa sang việc triều chính, yêu quý người là điều quan trọng nhất; làm được yêu quý người rồi, thì thi hành lễ nghi là điều quan trọng nhất; mà muốn thi hành lễ nghi, thì cung kính là điều quan trọng nhất; về cung kính nhất, thì hôn nhân của thiên tử chư hầu là quan trọng nhất. Lúc kết hôn, thiên tử chư hầu đều phải mặc Miện phục đích thân đi nghênh đón tân nương. Đích thân đi nghênh đón, ấy là biểu thị tình cảm kính yêu ngưỡng mộ. Vậy nên, người quân tử phải lấy tình cảm kính yêu ngưỡng mộ mà tương thân tương ái với thê tử của mình. Nếu không có sự tôn kính, thì chính là vứt bỏ tình cảm tương thân tương ái. Không gần gũi không kính yêu, cả hai sẽ không thể tôn trọng lẫn nhau. Yêu thương và trân trọng, đại khái là cái gốc của đạo trị quốc!”.

Ai Công nói: “Quả nhân còn muốn hỏi Ngài, thiên tử chư hầu đều mặc Miện phục đích thân nghênh đón, thế không phải là quá long trọng rồi sao?”.
Vẻ mặt Khổng Tử càng thêm nghiêm nghị, đáp rằng: “Hôn nhân là sự giao hảo của hai họ khác nhau, để tiếp diễn hậu duệ của tổ tông, con cháu đời sau sẽ thành chủ nhân của việc cúng tế trời đất, tông miếu, xã tắc. Sao ngài có thể nói nó là quá long trọng đây?”.
Ai Công nói: “Con người quả nhân thật sự rất nông cạn, nếu không nông cạn, làm sao quả nhân có thể nghe được những lời này của tiên sinh? Quả nhân muốn hỏi, nhưng lại không tìm được lời lẽ thích hợp, xin ngài hãy từ từ nói cho quả nhân được rõ”.
Khổng Tử nói: “Ngày trước, các vị vua thánh minh của ba nhà Hạ, Thương, Chu trị lý chính sự, họ đều kính trọng thê tử của họ, đây đều có đạo lý trong đó cả. Thê tử là chủ thể trong việc nối dòng tế tự, con cái là người nối dõi tông đường, người quân tử có thể không kính trọng thê tử sao? Vậy nên không có người quân tử nào là không kính trọng thê tử cả.
Nói về kính trọng này, thì kính trọng tự thân (bản thân) là quan trọng nhất. Tự thân, là đời sau của người thân, có thể không kính trọng được sao? Không kính trọng tự thân, chính là làm tổn thương người thân; làm tổn thương người thân, chính là tổn thương cái gốc rễ; một khi gốc rễ bị tổn thương, thì thân thuộc cũng sẽ theo đó mà diệt tuyệt. Ba người là tự thân, thê tử, con cái này, cũng như quân vương người dân cũng đều có cả.
Từ thân mình nghĩ đến thân của bách tính, từ con cái của mình mà nghĩ đến con cái của bách tính, từ thê tử của mình mà nghĩ đến thê tử của bách tính, thì quân vương có thể làm được kính trọng cả ba phương diện này, thế thì giáo hóa sẽ được thiên hạ noi theo, đây là phương pháp trị quốc mà Thái Vương ngày trước đã thực hành. Làm được như vậy, quốc gia sẽ không có trở ngại chi nữa”.
Ai Công hỏi: “Quả nhân xin hỏi thế nào là kính trọng tự thân?”.
Khổng Tử trả lời rằng: “Quân vương mà nói lời sai thì người dân cũng sẽ theo đó mà nói lời sai, quân vương mà làm việc sai thì người dân sẽ thi nhau bắt chước. Quân vương không nói sai, không làm điều sai trái, dân chúng sẽ hết sức kính cẩn phục tùng mệnh lệnh của quân vương. Nếu làm được điểm này, thì có thể nói là có thể kính trọng tự thân, như vậy thì có thể thành tựu thân nhân của anh ta rồi!”.
Ai Công hỏi: “Thế nào là thành tựu thân nhân của anh ta?”.
Khổng Tử đáp: “Người được gọi là quân tử, chính là người có danh vọng. Người dân trao tặng anh ta danh xưng này, gọi là quân tử, chính là thân thân của anh ta là người có danh vọng, còn anh ta là con của người có danh vọng”.
Khổng Tử nói tiếp: “Nếu chỉ chú tâm vào chính trị mà không thể chăm lo cho dân chúng, thì không thể thành tựu tự thân; nếu không thể thành tựu tự thân, thì không thể khiến quốc gia được an định; nếu không thể khiến quốc gia được an định, thì không thể vô ưu vô lo. Nếu không thể vô ưu vô lo, thì không thể thành tựu tự thân được”.
Ai Công hỏi: “Xin hỏi làm thế nào mới có thể thành tựu tự thân?”.
Khổng Tử trả lời: “Bản thân làm bất cứ việc gì đều phù hợp với lẽ thường, không đi quá giới hạn, vậy có thể nói đã thành tựu tự thân rồi. Không vượt ra ngoài lẽ thường, chính là đã hòa hợp Đạo Trời”.
Ai Công hỏi: “Xin hỏi người quân tử vì sao phải tôn trọng Đạo Trời đây?”.
Khổng Tử trả lời: “Tôn kính Ông, ấy là bởi Ông vận hành không ngừng, giống như Mặt trời và Mặt trăng ‘mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây’ mỗi ngày, đây chính là Đạo Trời; vận hành không chướng ngại mà có thể tồn tại lâu dài, đây cũng là Đạo Trời; thấy không làm gì cả mà khiến vạn vật sinh sôi nảy nở, đây cũng là Đạo Trời; thành tựu được bản thân mà công lao sự nghiệp cũng được hiển dương, đây cũng là Đạo Trời”.
Ai Công nói: “Quả nhân thật quá ngu muội, may được ngài kiên nhẫn giảng cho tôi những đạo lý này”.
Khổng Tử kính cẩn rời khỏi chỗ ngồi, trả lời rằng: “Người nhân từ không thể vượt quá phép tắc tự nhiên của sự vật, người con hiếu thảo không thể vượt quá quy phạm của tình thân. Vì vậy, người nhân từ phụng dưỡng cha mẹ mình như phụng sự Trời vậy; phụng sự Trời như thể phụng dưỡng cha mẹ mình. Đây là cái gọi là người con hiếu thảo thành tựu chính mình”.
Ai Công nói: “Quả nhân dù đã nghe được những đạo lý này, nếu tương lai vẫn phạm sai lầm thì làm thế nào?”.
Khổng Tử đáp: “Người có thể nói ra những lời như vậy, đây đúng thật là phúc phận của hạ thần rồi!”.
- Xem trọn bộ Khổng Tử Gia Ngữ
Chú thích:
– Cổn Miện (袞冕), hay Miện phục (冕服) là lễ phục cao cấp nhất dành cho nam giới ở Đông Á cổ đại. Nó chủ yếu bao gồm “quan”(冠, vương miện), “thượng y”(上衣, áo khoác, thường là màu đen), “hạ thường”(下裳, váy dưới, màu đỏ nhạt), cũng như các thành phần pha phụ kiện khác. Trong lịch sử, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và các quốc gia khác đã sử dụng Cổn Miện làm lễ phục cấp cao nhất cho vua, hoàng tử và những người khác.
– Thái Vương, nghĩa là Vị vua vĩ đại nhất trong tất cả các vị vua.
Theo Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch