Khi đại dịch ập đến, làm thế nào để bảo toàn tính mệnh? Thời cổ đại khi nhân loại chưa biết đến y học hiện đại và vắc-xin phòng bệnh, vì sao con người có thể vượt qua đại nạn một cách thần kỳ?

Dịch bệnh cuối thời nhà Hán

Từ cuối thời Đông Hán cho đến đầu thời nhà Tấn, mảnh đất Trung Hoa đã trải qua hàng chục lần đại ôn dịch nghiêm trọng. Trong suốt 20 năm tại vị của Hán Hoàn Đế, tần suất ôn dịch xuất hiện rất cao với 12 lần, thời Hán Linh Đế xảy ra một lần, thời Hán Hiến Đế xảy ra hai lần, trong kinh thành Lạc Dương có tới 16 lần ôn dịch. Trong “Khao Lý Hành”, Tào Tháo viết: 

“Áo giáp sinh chấy rận,
Muôn dân chịu tử vong. 
Ðồng nội đầy xương trắng,
Nghìn dặm tiếng gà không.
Trăm người còn sống một,
Nghĩ đến đớn đau lòng”.

Theo ghi chép chính thức, từ năm thứ ba Vĩnh Thọ thời Hán Hoàn Đế (năm 157) đến năm Thái Khang nguyên niên thời Tấn Vũ Đế (năm 280), dân số từ 56,5 triệu nhân khẩu giảm xuống chỉ còn hơn 16 triệu. Tống Thư – Ngũ Hành Chí chép rằng, vào tháng Giêng mùa xuân năm Hàm Ninh thứ hai, đại dịch ở Lạc Dương khiến 100.000 người tử vong, cơ cấu nhà nước không thể hoạt động bình thường, buộc Hoàng đế phải hạ chiếu hủy bỏ tất cả các nghi lễ, lễ tiết. 

Bệnh dịch cuối thời Đông Hán cũng có ảnh hưởng lớn đến sức chiến đấu của binh sĩ trong quân đội. Theo ghi chép trong Tư Trị Thông Giám, mùa xuân tháng Ba năm Diên Hi thứ năm thời Hán Hoàn Đế, trong trận Hoàng Phủ quy phạt dân tộc Khương, quân đội đã xảy ra đại ôn dịch khiến 30 – 40% binh sĩ tử vong. Trong trận Xích Bích nổi tiếng, ảnh hưởng của ôn dịch đã làm thay đổi tình hình chiến sự. Sách Tam Quốc Chí – Ngụy Thư – Võ Đế kỷ chép: “Tào Công tới Xích Bích cùng với Lưu Bị đại chiến, bất ngờ gặp đại dịch, quân sĩ chết nhiều, phải rút quân trở về”.

Vào cuối triều nhà Hán, ôn dịch được gọi chung là ‘thương hàn’. Các học giả sau này cho rằng đó là bệnh sốt phát ban và dịch hạch. Bệnh nhân thường bị sốt cao, thở dốc, hụt hơi rồi sau đó qua đời. Khi bệnh khởi phát cấp tính, trên thân xuất hiện ban đỏ, tỷ lệ tử vong cao. Trong Thương Hàn Luận, Thánh y Trương Trọng Cảnh viết rằng khi dịch bệnh xảy ra dưới thời Hán Hiến Đế, gia tộc của ông vốn có hơn 200 người thì tử vong hai phần ba, trong đó bảy phần chết vì bệnh thương hàn. 

Năm Kiến An thứ 22, sách Hậu Hán Thư – Hiến Đế ký có ghi chép về một năm đại dịch. Trong phần dẫn “Ngụy Thư” của Tam Quốc Chí – Ngụy thư – Vũ Đế ký viết rằng, mùa đông năm 217 trời giáng bệnh dịch ác tính, khiến cho bách tính tử vong, tàn héo. Bốn nhân sĩ là Từ Can, Trần Lâm, Ứng Sướng, Lưu Tinh nổi tiếng trong “thất tử Kiến An” (7 người tài giỏi thời Kiến An) cũng qua đời trong trận đại dịch này. 

Sám hối thoát khỏi bệnh dịch 

Trương Thiên Sư tên là Trương Lăng, sau đổi thành Trương Đạo Lăng, là người huyện Phong nước Bái (nay là huyện Phong tỉnh Giang Tô), ông cũng đồng thời là người sáng lập Đạo giáo. Tương truyền vào năm 142 thời Hán Thuận Đế, ông gặp Lão Tử giáng trần và truyền thụ Thái Bình động cực kinh, đặt tên là Thiên Sư. Hậu thế sau này gọi ông là một trong ba sư tổ sáng lập Đạo giáo, sống thọ tới 123 tuổi, sau đó bạch nhật phi thăng ở núi Cừ Đình tỉnh Tứ Xuyên. 

Sau khi tu Đạo, Trương Đạo Lăng có khả năng trị bệnh cứu người. Tại đất Thục nơi người dân sống giản dị, mộc mạc và thuần phác, ông đã thu nhận hàng chục nghìn đệ tử. Ông luôn dùng đạo đức và lễ nghĩa để dẫn dắt và điều chỉnh hành vi của học trò, từ đó nâng cao cảnh giới tư tưởng cho họ. Khi đó cũng đúng vào thời điểm ôn dịch hoành hành, Trương Đạo Lăng giúp người trị bệnh, phương pháp vô cùng độc đáo đặc biệt. 

Trương Đạo Lăng yêu cầu người nhiễm bệnh nhớ lại tất cả những lỗi lầm đã phạm trong cuộc đời, dùng bút viết hết ra và hướng tới Thần Linh mà thề nguyện, rằng từ nay về sau sẽ không làm những điều sai trái và tồi tệ đó nữa. Nếu còn tiếp tục phạm lỗi, họ hứa với bản thân rằng sẽ tự kết thúc cuộc đời mình. Mọi người đều làm theo cách của ông, quả nhiên ôn dịch biến mất, bách tính một đồn mười, mười đồn trăm, làm bệnh tình nhanh chóng biến mất. 

Phương pháp này không chỉ giúp loại bỏ bệnh dịch mà còn khiến bách tính càng tôn kính Thần Phật, coi trọng tu dưỡng đạo đức và hướng thiện. Trên thực tế, Trương Đạo Lăng đã dùng phương pháp tế thế cứu dân để lưu lại Đạo pháp của mình.

Cổ nhân dạy: “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri”, nghĩa là trong tâm sinh ra một niệm thì cả Trời và đất đều biết hết. Trên đầu ba thước có Thần linh, khi con người thành tâm hối cải thì Thần Phật sẽ nhìn thấy, giúp xua đuổi tà khí và những ác quỷ đằng sau thân họ, khi đó ôn dịch cũng đột nhiên biến mất và mọi người được bình an. 

Nhiều đại y học gia nổi tiếng thời cổ đại kỳ thực đều là người tu Đạo có công phu cao thâm. Hoa Đà, danh y nổi tiếng thời Tam Quốc là người có công năng đặc dị mà người thường không có. Phương pháp trị bệnh của ông cũng rất độc đáo:

Có một quận hầu ở tỉnh nọ lâm trọng bệnh, phải nhờ đến Hoa Đà trị bệnh. Sau khi thăm khám, ông chỉ lẳng lặng bước ra ngoài nói với con trai quận hầu: “Bệnh của cha cậu khác với những bệnh thông thường, có ứ huyết ở trong bụng, cần phải khiến ông ấy tức giận mà thổ huyết ứ đó ra mới có thể khỏi bệnh, nếu không sẽ mất mạng”.

Người con trai cũng rất lo lắng, hỏi danh y nên làm gì. Hoa Đà nói: “Cậu có thể nói cho tôi biết những điều sai trái và tồi tệ mà cha cậu từng làm không? Tôi sẽ viết một bức thư phê bình và chỉ trích ông ấy”.

Người con trai quận hầu nói: “Nếu có thể trị khỏi bệnh cho cha, không việc gì là không thể”. Sau đó anh ta kể với Hoa Đà tất cả những việc làm sai trái mà cha từng làm trong thời gian dài vừa qua. Hoa Đà viết một bức thư khiển trách quận hầu và rời đi. Sau khi nhận được thư, quận hầu tức giận liền phái quan chức lùng bắt Hoa Đà, nhưng vì ông đã sớm rời đi nên không thể bắt được. Quận hầu sau đó lại càng giận dữ hơn, thổ ra rất nhiều máu đen, sau đó bệnh cũng hoàn toàn biến mất. 

***

Nhờ sám hối với Thần Phật mà thoát khỏi ôn dịch, uống đan dược có thể cải tử hoàn sinh… đây đều là những việc mà người hiện đại không muốn tin, thậm chí coi là “mê tín”. Kỳ thực, tiêu chuẩn đạo đức của người cổ đại rất cao, điều nói ra không hề hàm hồ tùy tiện, cũng không tùy ý ghi chép những điều vô căn cứ vào sách sử.

Cổ nhân dạy: “Tiền sự chi bất vong, hậu sự chi sư nghĩa”, tức là việc đời trước không quên, là tấm gương cho việc đời sau. Đối diện với tai nạn trước mặt, nếu chúng ta có thể tuân theo giáo huấn của cổ nhân, tôn kính Thần Phật, tự vấn bản thân, có lẽ chúng ta có thể tìm lại được ký ức thâm sâu về ý nghĩa của sinh mệnh khi tới thế gian này. Tín tâm ấy sẽ giúp con người được Thần minh bảo hộ, bình an trải qua kiếp nạn.

Theo Tôn Gia Tú, Epochtimes
Kiên Định biên dịch

Video: Con đường sáng cho một sinh mệnh lạc lối

videoinfo__video3.dkn.tv||23ecf54f2__