Người xưa từ thuở nhỏ đã thuận theo sáu con đường lớn này mà tiến bước, một mạch cho đến khi đạt đến cảnh giới cao thiên nhân hợp nhất. Mà giáo dục trong học đường ngày nay chỉ chú trọng những kiến thức và kỹ năng trên sách vở, bỏ qua phương diện thực chất nhất, cốt yếu nhất rồi…
- Tiếp theo Phần 1
3. Lục Nhạc
Từ “nhạc” là chỉ âm nhạc. Lục nhạc là chỉ 6 loại nhạc vũ trứ danh gồm: Vân Môn của Hoàng Đế, Đại Hàm của vua Đường Nghiêu, Đại Thiều của vua Ngu Thuấn, Đại Hạ của vua Hạ Vũ, Đại Hoạch của Thương Thang và Đại Vũ của Vũ Vương.

Nhã nhạc là phương cách giáo hoá văn hoá đạo đức chủ yếu nhất thời cổ đại. Trong Nhạc ký – Lễ Ký có viết rằng: “Đại nhạc dữ thiên địa đồng hòa, đại lễ dữ thiên địa đồng tiết” (đại nhạc hòa đồng cùng Trời Đất, đại lễ cùng khánh tiết với Trời Đất). Lục nhạc, tức 6 loại nhạc vũ trứ danh đều là những nhạc khúc thượng thừa được sáng tác khi con người cảm ứng được thiên đạo. Mà thiên đạo và bản tính con người vốn có sự tương thông mật thiết. Vì thế những nhạc khúc thượng thừa ấy đều có tác dụng giáo hoá tẩy tịnh tâm linh, đánh thức bản tính thiện lương phù hợp với thiên đạo vốn tồn tại trong mỗi con người. Thời xưa việc giáo dục âm nhạc của học sinh tiểu học chính là thông qua việc tập luyện nhã nhạc mà dần dần đề cao được đạo đức của mình, cuối cùng đạt đến cảnh giới thiên nhân hợp nhất.
Người xưa rất chú trọng tác dụng giáo hoá đạo đức của nhã nhạc, không chỉ là học sinh cần học tập nhã nhạc mà trong việc tề gia trị quốc bình thiên hạ cũng đều được tin dùng. Có rất nhiều ví dụ điển hình về việc này. Trong sách Thượng thư có ghi chép rằng vào thời vua Thuấn trị có tộc Hữu Miêu không phục, vua Thuấn không dùng võ lực để trị mà dùng đức giáo hoá 3 năm, chỉ để binh sĩ cầm thuẫn và rìu nhảy múa, khiến tộc Hữu Miêu nể phục. Năm ấy khi Khổng Tử dẫn dắt các đệ tử đi chu du, giữa đường bị bao vây, Khổng Tử đã đánh đàn còn Tử Lộ thì cùng các đệ tử hát xướng, chẳng bao lâu vòng vây được giải.
Dục vọng của con người là trái ngược với thiên đạo, khi con người phóng túng dục vọng, ai ai cũng hành sự dựa trên tự tư tự lợi của cá nhân thì thiên hạ ắt sẽ loạn. Người xưa khắc chế dục vọng là không dựa trên pháp luật áp chế từ bên ngoài mà khắc chế từ bên trong, dùng nhã nhạc giáo hoá nhân tâm, hoán tỉnh bản tính từ trong tâm rồi mới đến hành xử bên ngoài, từ đó khiến nhân tâm quay về với thiên đạo. Người xưa gọi phương pháp giáo hoá này là lấy đức chế dục, tức là dẫn dắt lòng người hướng về thiên đạo, dùng thiên đạo mà khắc chế dục vọng. Khi người dân trăm họ đều quy chân hướng thiện thì tự họ sẽ làm mọi việc dựa theo thiên đạo, lúc ấy tự nhiên sẽ khiến gia đạo được hoà thuận, đất nước yên ổn, thiên hạ thái bình. Những điển tích như Ngu Thuấn chuyển thù thành bạn, Khổng Tử dùng đàn ca hát xướng để giải vây đã giúp chúng ta thấy được hiệu quả của phương pháp lấy đức chế dục.
Trong sách Luận Ngữ có viết một câu chuyện như thế này. Khi Khổng Tử đến nước Tề nghe được nhạc vũ Đại Thiều của vua Ngu Thuấn xong thì ba tháng ròng ăn thịt mà không thấy mùi vị. Thời cổ đại thịt rất hiếm, khi người trên 70 tuổi có thịt để ăn thì đã được tính đó là biểu hiện của thời thái bình thịnh thế. Còn Khổng Tử nghe nhạc Thiều xong 3 tháng ăn thịt không cảm nhận được mùi vị của thịt. Nhã nhạc có tác dụng giáo hoá đạo đức rất lớn, từ câu chuyện trên chúng ta có thể cảm nhận được nhã nhạc có sức mạnh giáo hoá to lớn đến nhường nào.
Do đó thời xưa khi có việc đại sự hay việc trọng đại người ta đều dùng đến lễ nhạc. Người đắc Đạo sẽ chơi những nhạc khúc phù hợp với thiên đạo, đạo đức của người chơi nhạc càng cao thì tác dụng giáo hoá tâm linh của nhạc khúc phát ra càng lớn.
Tiếng nhạc phát ra chính là biểu hiện của cảnh giới đạo đức của người chơi nhạc. Thời Tam quốc, khi Gia Cát Lượng thực hiện “không thành kế”, đại quân của Tư Mã Ý đã áp sát thành nhưng vẫn không dám tiến vào thành. Vì sao vậy? Vì từ âm thanh trầm tĩnh bình hoà của tiếng đàn mà Gia Cát Lượng đánh ra có thể nhìn ra được tâm thái của ông, và Tư Mã Ý đoán rằng có quân mai phục bên trong nên đã lui binh. Nhìn bề mặt thì Gia Cát Lượng đã dùng tiếng đàn áp chế được thiên binh vạn mã của Tư Mã Ý nhưng thực chất chính là nhờ cảnh giới đạo đức của ông, tiếng đàn chỉ là biểu hiện bên ngoài của cái đức bên trong mà thôi.
Ngược lại, các loại nhạc rock, nhạc disco hiện đại lại khiến con người dâng trào dục vọng, tâm không bình, khí không hoà, gặp chuyện là nổi cơn tam bành, dễ dàng gây sự với người khác. Khi lòng người không tĩnh thì xã hội làm sao có thể an định được đây? Còn âm nhạc và vũ đạo của đoàn nghệ thuật Thần Vận (Shen Yun) biểu diễn trở thành những tác phẩm nghệ thuật hàng đầu thế giới chính là do họ thực hành tu luyện đạo đức chiểu theo đặc tính tối cao của vũ trụ Chân Thiện Nhẫn; vậy nên âm nhạc và vũ đạo của Thần Vận khiến người xem chấn động tâm linh, có tác dụng đưa đạo đức thăng hoa, đây cũng chính là phản ánh tác dụng của nhã nhạc trong giáo hoá đạo đức, giúp con người hợp với thiên đạo ở mức cao nhất thời nay.
Video: Âm nhạc mỹ diệu của Thần Vận (Shen Yun)
4. Ngũ Lễ
Từ “lễ” ở đây ý chỉ những quy phạm về hành vi của con người. Người xưa phân chia ra lễ tế tự gọi là: “cát lễ”, lễ cưới hỏi gọi là: “gia lễ”, lễ tiếp đón khách gọi là: “tân lễ”, các lễ nghi dùng trong hoạt động quân sự gọi là: “quân lễ”, các lễ liên quan đến tang lễ, chôn cất gọi là: “hung lễ”, 5 loại lễ tiết này hợp lại gọi là ngũ lễ.
Người xưa không có phân biệt việc lớn hay nhỏ, tất cả đều cần phải tuân thủ theo những quy định, quy phạm nghi thức hoặc phép tắc về hành vi, các quy định đó cũng tương ứng với thân phận con người trong xã hội. Người xưa gọi những người không biết lễ nghi là man di, còn với những người thông hiểu lễ nghĩa, lại dốc sức thực hành theo thì được gọi là thánh nhân. Năm ấy Khổng Tử nhờ việc biết lễ nghi mà nổi danh trong các nước chư hầu. Sau này khi trẻ em đi học thì phải học lễ, đặc biệt là đi đứng tiến lùi, nhận hay trao vật gì cũng phải phù hợp với những lễ tiết nhất định.
Từ ngoài mà nhìn thì dường như lễ tiết chỉ là những nghi thức mang tính hệ thống, là những thứ thuộc về hình thức, kỳ thực không phải như vậy. Đối với tất cả hành vi, người xưa đều coi việc hợp với thiên đạo là chuẩn tắc, và tất cả các nghi thức về lễ tiết lớn nhỏ cũng không phải ngoại lệ.
Trong Nhạc ký – Lễ ký có viết: “Đại nhạc dữ thiên địa đồng hòa, đại lễ dữ thiên địa đồng tiết” (Đại nhạc hòa đồng cùng Trời Đất, đại lễ cùng tiết [tấu] với Trời Đất). Trong “Tang phục tứ chế – Lễ ký” có viết rằng: “Phàm lễ chi đại thể, thể thiên địa, pháp tứ thời, tắc âm dương, thuận nhân tình. Cố vị chi lễ’’. Có nghĩa là, những phép tắc quy định lễ nghi thời xưa tuyệt không phải là muốn gì liền làm nấy, mà là phải phù hợp với Thiên Địa, bốn mùa, âm dương, lòng người. Vì thế trong quá trình trẻ con học tập lễ nghi, trên bề mặt mà nhìn thì là vì để tuân theo những lễ tiết như hiếu, đễ, trung, thuận mà người làm con, người làm em, người làm bề tôi, và người ở vị trí ít tuổi hơn cần tuân theo, nhưng trên thực chất là để họ hiểu được quy luật vận hành của thiên địa, sự luân chuyển của bốn mùa, biến hoá của âm dương và quá trình hình thành bản tính thường tình của con người. Rồi từ đó mà cuối cùng đạt đến một cảnh giới cao là tự giác hành sự chiểu theo quy luật biến hoá phát triển của thiên địa, bốn mùa, âm dương và lòng người.
Thế thì “Lễ” của nhân gian như thế nào mới phù hợp với quy luật của thiên địa?
Chúng ta có thể phân tích ví dụ về quy luật thiên tôn địa ti. Thiên cao địa thấp (trời cao đất thấp), trời là chủ tể, đất chỉ thuận theo trời, trời sinh ra vạn vật, đất nuôi dưỡng vạn vật, trời vĩnh viễn cao hơn đất, bổn phận của đất là nỗ lực để hoàn thành sứ mệnh của trời. Thân phận và vị trí trong quy luật thiên tôn địa ti vĩnh viễn không thể cải biến, nếu không thì sẽ đảo lộn trời đất, hết thảy đều không thể ổn định được.
Trong “Nhạc ký – Lễ ký” viết rằng: “Lễ giả, thiên địa chi tự dã” (Lễ, là điều đảm bảo trật tự trong trời đất). Lễ tiết thời cổ đại đều là chiểu theo, học theo Trời Đất, “Lễ” chính là thể hiện cho sự khác biệt của thiên địa ở nhân gian. Lấy mối quan hệ quân-thần (vua-tôi) làm ví dụ. Quân phải thuần chính hoà ái như trời, thần phải tòng thuận trung thành như đất, toàn lực giúp quân chủ hoàn thành sứ mệnh. Thân phận và vị trí trong mối quan hệ quân-thần không thể tuỳ ý thay đổi. Xạ lễ thời cổ đại quy định rằng khi vua và quan tỉ thí bắn cung, các quan phải đứng lùi về sau nhường vua một thước, không thể đứng ngang hàng với vua. Vì sao? Bởi vì vua và các thần tử có sự khác biệt. Thời Xuân Thu Chiến Quốc vua nước Yên và Yến Tương Tử đổi chỗ cho nhau, vua Yên xuống làm bề tôi còn Yến Tương Tử lên làm vua, kết quả nước Yên đại loạn 3 năm, suýt chút nữa thì vong quốc.

Ví dụ kế tiếp là mối quan hệ phu-phụ (vợ-chồng). Chồng làm chủ các việc, vợ thuận theo, khi đối nội thì vợ chồng tương kính như tân, khi đối ngoại thì phu xướng phụ tuỳ, dân gian Trung Quốc từ xưa đã có câu “gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó” (1) không phải là không có đạo lý.
Lấy ví dụ về quan hệ phụ-tử (cha-con). Cha mẹ cần yêu thương nuôi dạy con cái, con cái phải hiếu thuận chăm sóc cho cha mẹ, ấy là đạo lý phụ từ tử hiếu.
Ví dụ về mối quan hệ huynh-đệ (anh-em). Anh cần yêu thương em, em phải kính trọng anh, ấy là huynh hữu đệ cung.
Bàn về mối quan hệ sư-sinh (thầy-trò). Một ngày làm thầy (sư) cả đời làm cha (phụ), nên gọi là sư phụ. Phải đối xử với thầy như đối xử với cha. Năm xưa khi Khổng Phu Tử qua đời các học trò của ông đã tập hợp lại cùng nhau để tang 3 năm, riêng Tử Cống một mình chịu tang thêm 3 năm, tổng cộng Tử Cống chịu tang 6 năm.
Lễ tiết thời xưa hết sức nhiều và nội dung cũng rất chi tiết, phức tạp. Nhưng cho dù lễ tiết có chi tiết tỉ mỉ đến bao nhiêu cũng đều lấy quy luật phát triển cũng như sự khác biệt giữa thiên địa làm chuẩn tắc. Đây là điều cơ bản để con người có thể làm người, cũng chính là điều căn bản để con người lập thân, cũng là cơ sở của việc tề gia trị quốc bình thiên hạ. Do đó thời xưa khi học sinh đi học thì phải học lễ trước tiên, học tập lễ tiết hiếu, đễ, trung, thuận, sắp xếp vị trí bản thân cho phù hợp với các hoàn cảnh xã hội, giữ vững bổn phận của bản thân trong các hoàn cảnh để tránh gây kết oán và hối hận về sau. Trong Quan Nghĩa – Lễ Ký viết: “Hiếu đễ trung thuận hành chi, nhi hậu khả dĩ vi nhân; khả dĩ vi nhân, nhi hậu khả dĩ trị nhân dã. Cố thánh vương trọng lễ” (Tạm dịch: Chiểu theo hiếu đễ trung thuận mà xử sự thì sau đó mới có thể làm người, có thể làm người, rồi mới có thể cai trị người. Thế nên thánh vương xưa nay đều coi trọng lễ).
Ngày nay những lễ tiết xưa đều đã bị lãng quên. Con cháu trong nhà đã trở thành những ông vua nhỏ, cả nhà đều xúm lại quanh chúng, chúng trở thành những kẻ không chức không vị lại có đặc quyền, có thể hô mưa gọi gió, chỉ huy, yêu cầu hết thảy. Nền nghệ thuật hội hoạ thanh cao nhã nhặn của truyền thống bị lạnh nhạt bỏ rơi, bị bài xích, còn cái gọi là phái hiện đại hỗn loạn hồ đồ lại chiếm cứ những nơi trưng bày nghệ thuật. Văn hoá thần truyền chính thống, những đạo lý phổ quát lại bị phê phán đàn áp, còn các loại tà thuyết lại chiếm thế thượng phong, vân vân và vân vân. Lý niệm về chính-tà, quý-tiện đã bị đảo lộn cả lên như thế, thử hỏi xã hội có thể không loạn được sao?
(còn tiếp)
Theo Chánh Kiến
Thanh Ngọc tổng hợp
Chú thích:
(1) Người Việt thường có câu là: thuyền theo lái gái theo chồng