Mục lục bài viết
Ở cuối phần 4 đã đề cập đến câu chuyện Ngũ Tử Tư phải trải qua 16 năm ròng rã mới trả được thù nhà (522 TCN – 506 TCN). Nhưng sau đó còn có một người phải trải qua hơn 20 năm mới trả được thù. Người đó là ai vậy?…
Trong ‘Bình Ngô đại cáo’, khi Nguyễn Trãi tả về Lê Lợi có viết như thế này:
“Ta đây:
Núi Lam sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối…”
Ở đây, điển cố ‘nếm mật nằm gai’ là nhắc tới câu chuyện Việt Vương Câu Tiễn phải nhẫn chịu 21 năm mới trả được thù (494 TCN – 473 TCN), trong đó có 15 năm ‘nếm mật nằm gai’ (491 TCN – 476 TCN). Nếu so sánh một chút về mặt thời gian cho dễ hình dung thì 15 năm là một khoảng thời gian để một đứa trẻ từ lúc mới sinh ra đến khi học hết lớp 9, còn 21 năm thì đứa trẻ đó học hết năm 3 đại học, chính là khoảng thời gian dài như thế!
Việt Vương Câu Tiễn là người như thế nào, bối cảnh của câu chuyện lịch sử trên diễn biến ra sao? Dưới đây là nội dung điển cố ‘nếm mật nằm gai’.
Khởi nguyên của câu chuyện: Lần thứ hai đánh Sở, nước Ngô muốn trưng binh nước Việt
Lần thứ hai đánh Sở, Ngô Vương Hạp Lư tính trưng binh ở nước Việt nhưng nước Việt không phái binh khiến Hạp Lư rất tức giận muốn khởi binh phạt Việt, trận này thì thắng.
Ngô diệt được Sở sau 5 trận chiến, nhưng Sở vẫn phục quốc được nhờ công của Thân Bao Tư khi nhờ vả được nước Tần.
Ngô Vương Hạp Lư từ nước Sở trở về nước Ngô là năm 506 TCN, sau đó không động binh gần 10 năm. Nhưng Ngô Vương Hạp Lư nhớ mãi không quên việc tấn công nước Việt. Vì năm đó tấn công Sở lần 2 (511 TCN), nước Ngô muốn trưng binh nước Việt nhưng nước Việt không đồng ý. Sau này Phu Khái tạo phản và nước Việt lại giúp đỡ Phu Khái, vậy nên Hạp Lư vẫn luôn nuôi ý định tấn công nước Việt.
10 năm sau, tức năm 496 TCN, Việt Vương Doãn Thường mắc bệnh qua đời, Ngô Vương Hạp Lư nhân lúc Việt quốc có tang sự bèn dự định đem quân phạt Việt, kết quả Ngô Vương Hạp Lư bị thương rồi mất trong trận chiến đó.
Lúc này Phù Sai kế vị Ngô vương, còn Câu Tiễn kế vị Việt vương. Phù Sai để tang 3 năm (496 TCN – 494 TCN), đến năm 494 TCN thì Phù Sai lại phát binh tấn công nước Việt. Việt Vương Câu Tiễn thất bại, hết đường xoay sở, Đại phu Văn Chủng của nước Việt đảm nhận đi nước Ngô cầu hòa.
Văn Chủng liên tiếp dùng ‘uy hiếp’ và ‘lợi lộc’ để đe doạ và mua chuộc Bá Bĩ của nước Ngô, kết quả Bá Bĩ trúng kế rồi khuyên Phù Sai giảng hoà. Phù Sai đồng ý giảng hoà nhưng Việt Vương Câu Tiễn phải đến nước Ngô làm nô bộc, lúc này là năm 494 TCN.
- Xem thêm đoạn đối thoại giữa Văn Chủng và Bá Bĩ: Phong vân mạn đàm (Kỳ 21): Sai lầm tai hại của Phù Sai, chấp thuận cho Câu Tiễn cầu hòa
Phù Sai tước bỏ vương vị của Câu Tiễn, đồng thời đày ông cùng thê tử và Phạm Lãi đến Thạch Thất (nhà đá) – nơi đặt mộ phần của Hạp Lư. Ngô Vương Phù Sai không biết liệu Việt Vương Câu Tiễn có quyết tâm báo thù rửa nhục không, bèn phái người thường xuyên xem xét Việt Vương làm gì.
Mỗi sáng sớm Việt Vương thức dậy, chải đầu xong thì bắt đầu cắt cỏ cho ngựa trong sân, vợ ông thì vẩy nước quét sân, hót phân ngựa. Buổi sáng mỗi ngày, Phạm Lãi đốn củi ở ngoài, sau đó trở về nấu cơm, hình dáng tiều tụy. Ba người họ làm quần quật từ sáng sớm đến tối khuya, không nói với nhau một lời nào, hơn nữa vào ban đêm cũng không nghe thấy tiếng than thở, uất ức. Thế là sau 3 năm (494 TCN – 491 TCN), Phù Sai thả Câu Tiễn về nước.
“Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối”
Năm 491 TCN, Việt Vương Câu Tiễn về nước, từ đây bắt đầu điển cố ‘nếm mật nằm gai’ (1).
Trở về nước Việt, Câu Tiễn vẫn nhớ về nỗi nhục Cối Kê – nơi ông bị Phù Sai vây đánh. Từ đây, Câu Tiễn bắt đầu công việc chuẩn bị của mình kéo dài trong 15 năm.
Năm xưa Câu Tiễn đánh trận, rất nhiều binh sĩ tráng niên đã tử vong, cho nên ông áp dụng kế sách nghỉ ngơi lấy sức. Đồng thời ông khuyến khích người dân sinh con nhiều hơn để trong tương lai nước Việt có nhiều binh sĩ chiến đấu.
Đến mùa vụ, ông tự mình mang nông cụ cùng với người dân trồng trọt, thê tử tự tay dệt vải may áo cho ông. Câu Tiễn ‘ăn không trọng thịt, mặc không trọng màu’, ăn cơm không ăn hai món, y phục không mặc hai màu.
Trong 7 năm (491 TCN – 484 TCN), Việt Vương Câu Tiễn không tăng thuế, nhưng tháng nào cũng phái sứ thần đến nước Ngô tặng rất nhiều tiền và thứ tốt. Vì sao? Chính là để tránh sự nghi ngờ của Ngô Vương Phù Sai.
Đồng thời, để không quên nỗi nhục Cối Kê, giường ngủ của Câu Tiễn chỉ ‘chất cỏ mà nằm’, tức ngủ trong đám cỏ. Nơi ông ở còn treo một túi mật đắng, mỗi ngày ông dùng lưỡi mà nếm để biểu thị mình không quên nỗi nhục ‘thạch ốc dưỡng mã’ (nhà đá chăn ngựa) năm xưa.
Câu Tiễn ngủ trong đám cỏ, mỗi ngày nếm mật, do đó thành ngữ ‘nếm mật nằm gai’ cũng từ đây mà ra. Ông không phải ‘nếm mật nằm gai’ một ngày hai ngày, mà là làm việc ấy đến tận 15 năm (491 TCN – 476 TCN).
Trong thời gian chuẩn bị lực lượng để diệt Ngô, đại thần Văn Chủng hiến ‘7 kế diệt Ngô’, trong đó bao gồm:
+ Để lại người giỏi thủ công, làm cung điện, khiến họ khánh kiệt tiền tài.
+ Để lại mỹ nữ, làm mê hoặc tâm trí.
+ Tích tiền luyện binh, chờ họ sơ sẩy.
+ Coi trọng mua gạo của địch, làm suy yếu tích lũy.
+ Góp tiền tài, làm quân thần họ vui.
+ Để lại nịnh thần, làm loạn mưu tính.
+ Ép bề tôi can gián tự sát, làm suy yếu trợ giúp.
Việt Vương Câu Tiễn đã dùng 3 kế đầu để từng bước làm suy yếu rồi tiêu diệt nước Ngô.
Câu Tiễn cho người tìm được cây cao 80m đưa cho Phù Sai xây cung điện nguy nga tráng lệ. Sau khi cung điện xây xong lại hiến 2 mỹ nữ là Tây Thi và Trịnh Đán cho Ngô Vương.

Nước Việt còn bắt đầu tìm kiếm cao thủ võ lâm để huấn luyện binh sĩ. Khi đó họ tìm được 2 người, một người là Xử Nữ, một người là Trần Âm, một người là bậc thầy kiếm thuật, một người là cao thủ cung tiễn. Nước Việt bắt đầu huấn luyện binh sĩ ‘kiếm pháp’ và ‘bắn tên’.
Trong 15 ‘nếm mật nằm gai’ đã xuất hiện một bước ngoặc làm thay đổi cục diện ‘Ngô Việt tranh bá’, đó là việc 1 trong 72 cao đồ của Khổng Tử đi… du thuyết.
Bước ngoặt trong 15 năm ‘nếm mật nằm gai’: Tử Cống một lần du thuyết thay đổi cục diện 5 nước trong 10 năm
Việc Câu Tiễn huấn luyện quân đội đã làm Ngô Vương nghi ngờ, nhưng khi Phù Sai chuẩn bị đốc binh phạt Việt thì đã xảy ra một chuyện ngoài dự liệu…
Ba nước Tề, Lỗ, Ngô nằm ở vị trí giống như tam giác đều, với Tề ở phía bắc (đỉnh trên), Lỗ ở phía tây nam của Tề (góc trái), còn Ngô ở đông nam nước Tề (góc phải).
Năm 485 TCN, liên quân Ngô – Lỗ lãnh binh phạt Tề, do đó năm 484 TCN, Tề chuẩn bị phát binh đánh Lỗ vì Lỗ yếu hơn Ngô. Nhưng trả thù 2 nước Ngô – Lỗ chỉ là một cái cớ. Nguyên nhân chủ yếu là ở nước Tề có một Đại phu tên Điền Thường muốn làm suy yếu các nhà còn lại.
Nước Lỗ là quê hương của Khổng Tử, thấy mẫu quốc bị đánh, ông nhất định muốn cứu. Khổng Tử bèn hỏi các đệ tử đang ngồi dưới ông có ai muốn đi sứ nước Tề nhằm ngăn chặn cuộc chiến này. Khi ấy Tử Lộ, Tử Trương, Tử Thạch đều đứng lên thỉnh cầu xin đi nhưng Khổng Tử không cho. Đến khi Tử Cống hỏi đi sứ nước Tề, Khổng Tử mới đồng ý, bởi vì Khổng Tử nhìn nhận rằng: Tử Cống là một người cực kỳ am hiểu tâm lý nhân vật.

Thế là Tử Cống đi đến nước Tề thuyết phục nước Tề đánh nước Ngô. Tử Cống phân tích, Lỗ yếu mà Ngô mạnh, đánh Lỗ thắng thì các nhà còn lại sẽ mạnh, từ đó uy hiếp đến Đại phu Điền Thường; còn nếu đánh Ngô, thì dù thắng hay không thì lực lượng các nhà kia đều bị sứt mẻ, như thế Điền Thường sẽ được lợi.
Điền Thường hiểu ra vấn đề nhưng không tìm được cớ đánh Ngô, Tử Cống bèn đến Ngô để du thuyết.
Tử Cống lợi dụng cái tâm tranh bá của Phù Sai từ đó thuyết phục Ngô Vương đánh Tề, rằng: Tề đánh Lỗ sẽ rất nhanh thắng, sau đó sẽ hướng về đông mà đánh Ngô, chi bằng nhân lúc Tề chưa phát binh, Phù Sai hãy đánh Tề trước. Như thế Ngô Vương vừa đả bại được 100 vạn quân nước Tề, lại thu phục được 10 vạn dân nước Lỗ, ngay cả nước Tấn rộng lớn cũng không sánh bằng, Phù Sai có thể xưng bá Trung Nguyên thôi.
Nghe vậy, Phù Sai cũng muốn đánh nước Tề nhưng lại sợ nước Việt tập kích hậu phương. Tử Cống nói sẽ đến nước Việt du thuyết.
Sau đó Tử Cống lại rời Ngô đến Việt để phân tích cho Câu Tiễn rằng: Việt Vương có dã tâm tấn công Ngô đã bị Ngô Vương biết, dù thế nào cũng nguy hiểm đến nước Việt. Hiện nay Phù Sai muốn đánh Tề nhưng lại sợ Câu Tiễn đánh úp, cho nên Tử Cống đã kiến nghị hãy để quân nước Việt làm tiên phong. Thế là Việt Vương Câu Tiễn đồng ý trích một phần quân đội cho nước Ngô, còn mình vẫn thủ ở nước Việt.
Tiếp đó Tử Cống rời Ngô đến Tấn. Ông nói với Tấn Vương: Hiện tại sẽ nhanh chóng xảy ra cuộc chiến Tề – Ngô. Ngô Vương hễ đánh thắng Tề ắt muốn tranh bá Tấn, hy vọng nước Tấn có sự chuẩn bị. Sau đó Tử Cống lại quay về nước Lỗ. Lúc này vào năm 484 TCN.
Lần du thuyết này, Tử Cống đã khiến cho hình thế chính trị và thực lực quân sự của 5 nước phát sinh biến hóa trong 10 năm (484 TCN – 474 TCN)
+ Tồn Lỗ: bảo vệ Lỗ.
+ Loạn Tề: ban đầu Tề muốn đánh Lỗ, sau chuyển sang đánh Ngô.
+ Diệt Ngô: Ngô hợp Lỗ đánh Tề, cho Việt làm quân tiên phong, nhưng cuối cùng Ngô lại vong quốc.
+ Cường Việt: khuyên Việt làm tiên phong cho Ngô.
+ Cường Tấn: khuyên Tấn phòng bị.
Giáo sư Chương Thiên Lượng khi bình giá sự kiện này đã nói rằng, tài du thuyết của Tử Cống giống 2 câu thơ trong hồi 38 của ‘Tam quốc diễn nghĩa’ là: “Lời đầu lưỡi khua cơn sấm gió / Mẹo trong lòng sáng tỏ trăng cao”.
Phù Sai tranh bá gặp bại vong
2 năm sau, tức năm 482 TCN, quả nhiên như lời Tử Cống nói, sau khi đánh bại nước Tề, Phù Sai đem quân tinh nhuệ đến Hoàng Trì để tranh bá với nước Tấn.
Khi đó binh nước Việt đã huấn luyện thành thục rồi, chỉ chờ có vậy Câu Tiễn xuất đại binh tấn công nước Ngô.
Lúc Phù Sai tranh bá với nước Tấn cũng không giành được vị trí bá chủ. Trong quá trình rút quân lại nghe tin nước nhà bị đánh úp, Ngô Vương bỗng ruột đau như cắt… giờ đây mới biết nước Việt là mối họa thật sự.
Việt Vương Câu Tiễn nhắm không diệt được nước Ngô trong một lần bèn rút quân về.
4 năm sau tức năm 478 TCN, nước Việt lại tấn công nước Ngô, sau khi nước Ngô thất bại, nước Việt lại thoái binh.
Năm 476 TCN, tức 15 năm sau khi Câu Tiễn được thả khỏi nước Ngô, ông lại đốc binh phạt Ngô. Trận chiến này kéo dài 3 năm từ năm 476 TCN đến 473 TCN.
Cuối cùng quân Việt đã chiếm được thành Tô Châu, Phù Sai chạy đến ngọn núi gần đó, rồi bị Câu Tiễn bao vây, sau đó Phù Sai tự sát. Lúc này là năm 473 TCN, cũng là thời điểm kết thúc Ngô – Việt tranh bá, kết thúc thời Xuân Thu.
Tựu trung lại, có thể tóm tắt điển cố ‘nếm mật nằm gai’ bằng một số mốc thời gian như sau:
+ Năm 496 TCN: Hạp Lư phạt Việt gặp bại vong.
+ Năm 494 TCN: Sau 3 năm lập thệ (496 TCN – 494 TCN, tính luôn năm 496 TCN), Phù Sai hạ Câu Tiễn và Câu Tiễn phải đến Ngô làm nô lệ.
+ Năm 491 TCN: Câu Tiễn trở về Việt sau 3 năm nuôi ngựa ở nhà đá (494 TCN – 491 TCN).
+ Năm 484 TCN: Một lần du thuyết, Tử Cống thay đổi cục diện 5 nước trong 10 năm.
+ Năm 476 TCN: Việt tấn công Ngô sau 15 năm Câu Tiễn ‘nếm mật nằm gai’ (491 TCN – 476 TCN).
+ Năm 473 TCN: Việt diệt được Ngô, Phù Sai tự sát.
Câu Tiễn mất 3 năm nuôi ngựa, 15 năm ‘nếm mật nằm gai’ và 3 năm phản công, tổng cộng là 21 năm (494 TCN – 473 TCN) mới tiêu diệt được nước Ngô.
Điển cố ‘Điểu tận cung tàng’: Câu Tiễn không muốn giữ công thần Văn Chủng
Bình thường chúng ta thường nghe nói câu thành ngữ ‘Điểu tận cung tàng’ gắn liền với nỗi oan thiên cổ của danh tướng Hàn Tín, nhưng tích này đã xuất hiện từ trước đó nữa, tức là cuối ‘Ngô Việt tranh bá’, cũng tức là cuối thời Xuân Thu.
Chuyện kể rằng, năm 473 TCN, khi Việt diệt được Ngô, Phù Sai muốn giảng hoà với Câu Tiễn giống như năm xưa, ông gửi sứ giả đến gặp Việt Vương. Khi đó Việt Vương Câu Tiễn tính đáp ứng thỉnh cầu của sứ giả, nhưng Phạm Lãi và Văn Chủng đuổi sứ giả đi.
Phù Sai biết Phạm Lãi và Văn Chủng không muốn Việt Vương Câu Tiễn giảng hòa, thế là ông viết một phong thư, sai người dùng tên bắn gửi vào doanh trại Phạm Lãi, sau đó tự sát.
Phạm Lãi mở bức thư ra xem, trên đó viết mấy chữ như thế này: “Thỏ khôn chết, chó bị nấu; chim bay hết, cất cung đi; quân địch bại, mưu thần vong” (Nguyên gốc là: Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; phi điểu tận, lương cung tàng; địch quốc phá, mưu thần vong).

Sau khi đại thắng, Câu Tiễn bày tiệc rượu thết đãi quần thần, ai nấy đều vui vẻ nhưng bản thân ông lại… không nở một nụ cười. Phạm Lãi thấy điều đó mới nhớ lại bức thư mà Phù Sai gửi trước khi tự sát. Phạm Lãi thấy nguy hiểm đến gần nên muốn rủ Văn Chủng cùng nhau ‘công thành thân thoái’. Kết quả Văn Chủng không nghe, Phạm Lãi đành phải ‘thân thoái’ một mình.
Ít lâu sau, quả nhiên Câu Tiễn đến thăm Văn Chủng rồi nói rằng: “Năm đó ông từng hiến ta ‘7 kế diệt Ngô’, nhưng ta chỉ dùng 3 kế là diệt được, 4 kế còn lại phải làm thế nào?”. Lúc đó Văn Chủng trố mắt không biết đối đáp thế nào. Câu Tiễn lại nói tiếp: “Vì sao không dùng 4 kế đó với tổ tiên nước Ngô ở âm gian?”.
Văn Chủng không biết rốt cuộc Việt vương có ý gì nhưng cảm thấy nguy hiểm đang đến rất gần. Câu Tiễn đứng dậy rời đi, Văn Chủng tiễn Việt vương và quay vào nhà thì phát hiện một thanh kiếm. Văn Chủng biết rằng Việt vương không muốn lưu mình lại, bèn rút kiếm tự sát.
Điển cố ‘điểu tận cung tàng’ (nói về Câu Tiễn không muốn giữ Văn Chủng sau khi giành thắng lợi) cũng từ đây mà ra.
***
Câu chuyện ‘Ngô Việt tranh bá’ đã kết thúc thời Xuân Thu, lịch sử liền tiến sang thời Chiến Quốc.
Chiến Quốc là thời đại ‘cá lớn nuốt cá bé’, thôn tính đất đai, nhân khẩu và tài phú của đối phương. Thời kỳ này bắt đầu từ sự kiện ‘Tam gia phân Tấn’ (Ba nhà chia Tấn). Tác giả của cuốn sử nổi tiếng ‘Tư trị thông giám’ – Tư Mã Quang đã nhận định rằng: sự kiện trên đã mở ra thời kỳ Chiến Quốc đầy biến động là do Thiên tử thừa nhận… ‘thất Lễ’ (mất Lễ).
Nhân nói về chuyện ‘thất Lễ’, tháng 11/2021, một học giả nọ ở Việt Nam muốn bỏ ‘Tiên học Lễ, Hậu học Văn’ khiến cho nhiều người trong đó có các bậc phụ huynh xôn xao. Tại sao lại như vậy, rốt cuộc Lễ là gì, có tác dụng như thế nào, hậu quả của việc ‘không học Lễ, chỉ học Văn’ sẽ ra sao… kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(1) Nếm mật nằm gai: Nguyên gốc là Ngoạ tân thường đảm – 臥薪嚐膽.