Mục lục bài viết
Từ bị bắt cho đến khi bị hại chết, Chu Ân Lai, lúc đó là Thủ tướng ĐCSTQ, người mà Diêm Bảo Hàng tin tưởng nhất, đã không hề xuất diện nói một lời cho ông.
Xin chào quý vị, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
Diêm Bảo Hàng vì điều kiện thuận lợi “có một không hai” của mình, đã từng được ĐCSTQ chiêu mộ làm đặc vụ, thu thập được rất nhiều thông tin tình báo chiến lược quan trọng từ các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc.
Sau năm 1949, Diêm Bảo Hàng luôn cúi thấp đầu để làm việc cho ĐCSTQ, không bao giờ dám khoa trương những công lao trong quá khứ của mình. Nhưng trong cuộc “Cách mạng Văn hóa” kéo dài 10 năm, ông ta đã bị ĐCSTQ tra tấn đến chết, cả gia đình ông gặp đại nạn.
Hôm nay, chúng tôi sẽ kể cho quý vị nghe về quá khứ bi thảm của đặc vụ đỏ Diêm Bảo Hàng, dựa trên cuốn hồi ký: “Sự nghiệp tình báo của cha tôi Diêm Bảo Hàng” và các tài liệu khác do Diêm Minh Phúc viết.
Bị ĐCSTQ tra tấn đến chết
Vào tối ngày 7 tháng 11 năm 1967, Diêm Bảo Hàng, 72 tuổi, lúc đó là thường ủy Chính hiệp toàn quốc ĐCSTQ, thành viên Ủy ban Tài liệu Lịch sử Văn hóa Chính hiệp toàn quốc, vừa tan làm trở về nhà. Bát mì đã được đặt sẵn trên bàn ăn, ông còn chưa kịp ăn, thì đã bị mấy người bất ngờ xông vào phòng bắt đi.
Vợ ông, Cao Tố, vội vã chạy theo và gọi tên ông, ông quay đầu lại và nói nhỏ một câu: “Mau báo cáo với Thủ tướng Chu [Ân Lai]” trước khi biến mất trong màn đêm.
Sau đó, Diêm Bảo Hàng bị giam trong nhà tù Tần Thành, có mật danh là “Tội phạm phản cách mạng số 67100”, có nghĩa là tên tội phạm thứ 100 bị bắt tại nhà tù Tần Thành năm 1967.
Vào nửa đêm ngày 22 tháng 5 năm 1968, Diêm Bảo Hàng hôn mê sau khi bị thẩm tra bằng đấm và đá. Theo hồi ức của một công nhân, khi Diêm Bảo Hàng được khiêng vào, ông bị đặt trên một chiếc ghế dài trong phòng chờ ở sảnh, không có ai đến sơ cứu cho ông trong một thời gian dài. Đêm đó, Diêm Bảo Hàng đã qua đời mà không có một người thân nào bên cạnh.
Trong báo cáo về cái chết, Giang Thanh, tổ phó tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương và là vợ của Mao Trạch Đông, tuyên bố: “Diêm Bảo Hàng là một phần tử phản cách mạng hiện hành, không thông báo cho gia thuộc, không lưu lại tro cốt, không lưu lại di vật.” Năm 1973, Tổ chuyên án Trung ương báo cáo với Ủy ban Trung ương rằng: “Diêm Bảo Hàng là đặc vụ của Quốc dân đảng với bằng chứng chắc chắn.”
Điều kiện “độc nhất vô nhị” khiến Diêm Bảo Hàng trở thành đặc vụ cho ĐCSTQ
Từ bị bắt cho đến khi bị hại chết, Chu Ân Lai, lúc đó là Thủ tướng ĐCSTQ, người mà Diêm Bảo Hàng tin tưởng nhất, đã không hề xuất diện nói một lời cho ông.
Diêm Bảo Hàng được Chu Ân Lai phát triển thành một đảng viên bí mật vào năm 1937. Vào mùa xuân năm 1941, Chu Ân Lai đến tìm ông nói chuyện, rằng Quốc tế Cộng sản và ĐCS Liên Xô hy vọng rằng ĐCSTQ có thể giới thiệu đảng viên, giúp họ thu thập thông tin tình báo. Diêm Bảo Hàng được họ lựa chọn vì những điều kiện “độc nhất vô nhị” của ông.
Điều kiện “độc nhất vô nhị” này là gì?
Diêm Bảo Hàng sinh ra ở Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh, từng lưu học tại Đại học Edinburgh ở Vương quốc Anh. Thời trẻ ông theo đạo Cơ đốc và từng là tổng cán sự của Hội thanh niên Cơ đốc giáo Phụng Thiên (Thẩm Dương). Sau đó, ông trở thành bạn thân và là nhân viên cấp cao của tướng Trương Học Lương, và mối quan hệ của ông với Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh cũng khá thân mật.
Ông trước sau được bổ nhiệm làm: giám đốc “Hội Tư duy”, một tổ chức bí mật do Tưởng Giới Thạch và Trương Học Lương thành lập và lãnh đạo; tổng cán sự của “Tổng hội vận động cuộc sống mới” do Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh chủ trì; và ủy viên trưởng Ủy ban Quân sự của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc.
Sau khi kháng chiến chống Nhật bùng nổ, Diêm Bảo Hàng được bổ nhiệm làm ủy viên thiết kế Ban Chính trị của Ủy ban Quân sự Quốc dân đảng, thành viên thiết kế của Ủy ban Động viên Trùng Khánh, cố vấn của Ủy ban Cứu tế Trung ương của Chính phủ Quốc gia, chủ nhiệm cán sự vận động khuyến mộ công trái Bồi Đô, tổ trưởng Tổ cứu tế của Ủy ban cứu hộ không kích Trùng Khánh. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong Ngân hàng Đại Đồng và Công ty Đại Minh, đồng thời là giám đốc của các tổ chức phi chính phủ như Hiệp hội Hữu nghị Trung-Xô v.v.
Vì giỏi quảng giao, Diêm Bảo Hàng cũng giành được hảo cảm của các nguyên lão Quốc dân đảng như Vu Thạch Nhậm, Tôn Khoa, v.v., và thường giao du với các thành viên quan trọng của đảng, chính phủ, quân đội và tình báo của Quốc dân đảng.
Người có quan hệ cá nhân rộng như vậy, ĐCSTQ sao có thể bỏ qua?
Chu Ân Lai đã đích thân truyền đạt mệnh lệnh cho Diêm Bảo Hàng thu thập thông tin tình báo quốc tế; La Thân, tùy viên quân sự của đại sứ quán Liên Xô, cũng giải thích phạm vi nhiệm vụ và các yêu cầu cụ thể cho ông. Phạm vi thu thập thông tin tình báo bao gồm tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa và các tình huống phương diện khác của bản thân Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng.
Vào thời điểm đó, ĐCSTQ đã giao cho Diêm Bảo Hàng điện đài Bắc Bối ở Trùng Khánh, và dịch điện viên chính là con gái lớn của Diêm Bảo Hàng, Diêm Minh Thi.
Thu được ba thông tin tình báo chiến lược cho ĐCSTQ
Từ năm 1941 đến năm 1945, đó là thời kỳ kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. Theo chỉ thị của ĐCSTQ, Diêm Bảo Hàng đã thu thập một lượng lớn thông tin tình báo ở cấp cao nhất của Trung Hoa Dân Quốc, trong đó có ba thông tin quan trọng nhất.
Thông tin tình báo chiến lược thứ nhất: Đức Quốc xã tấn công Liên Xô.
Một ngày đầu tháng 5 năm 1941, Diêm Bảo Hàng, bề ngoài là thành viên ủy ban thiết kế thiếu tướng của Ban Chính trị Ủy ban Quân sự của Chính phủ Quốc gia, đã tham dự một bữa tiệc nhỏ do các quan chức cấp cao của Quốc dân đảng tổ chức, không khí bữa tiệc rất sôi nổi.
Diêm Bảo Hàng đã gặp Vu Hữu Nhậm, một nguyên lão Quốc dân đảng, hỏi ông ấy tại sao mọi người lại vui vẻ như vậy. Vu Hữu Nhậm ghé vào tai Diêm thì thầm: Đức sắp tấn công Liên Xô, khoảng một tuần trước hoặc sau ngày 20 tháng Sáu.
Sau khi biết được tin tức quan trọng, Diêm Bảo Hàng trong tâm rất kích động, nhưng ngoài mặt vẫn giữ vẻ bình tĩnh, liền hỏi con trai của Tôn Trung Sơn, Tôn Khoa, liệu tin tức đó có xác thực không, Tôn Khoa trả lời: “Chính Ủy viên trưởng (Tưởng Giới Thạch) đã đích thân nói với tôi.”
Sau khi xác nhận tin tức, Diêm Bảo Hàng xin phép về sớm, và sau khi trở về nhà, ông đã gửi thông tin tình báo tuyệt mật này, thông qua nhân viên giao thông của ĐCSTQ Lý Chính Văn, cho Diên An ngay lập tức.
Vào ngày 16 tháng 6 năm 1941, Mao Trạch Đông đã báo cáo thông tin này với Quốc tế Cộng sản và chuyển nó tới Stalin, Tổng Bí thư của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.
Vào ngày 30 tháng 6 cùng năm, ĐCS Liên Xô đã gọi điện cho ĐCSTQ để cảm ơn đã cung cấp thông tin về cuộc tấn công của Hitler vào Liên Xô. “Nhờ thông tin chính xác của bạn, chúng tôi đã có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho Liên Xô trước cuộc tấn công của Đức”, bức điện viết.
Thông tin quan trọng thứ hai mà Diêm Bảo Hàng thu thập được là toàn bộ tài liệu cơ mật của Quân đội Quan Đông Nhật Bản đóng ở Đông Bắc Trung Quốc.
Năm 1944, Trần Thành, Bộ trưởng Bộ Quân sự và Chính trị của Quốc dân đảng, giao cho Diêm Bảo Hàng một nhiệm vụ, yêu cầu ông ta lý giải liệu Nhật Bản có tấn công Liên Xô hay không. Đối với Diêm Bảo Hàng, đây đơn giản là báu vật trên trời rơi xuống, nó cho ông lý do chính đáng để điều tra.
Vào thời điểm đó, Phòng III của Quân ủy Quốc dân đảng chủ quản hệ thống tác chiến, các thông tin tình báo quân sự Nhật Bản do các bộ phận khác nhau thu được đều được thu thập vào Phòng III. Và Nữu Tiên Minh, anh rể của Ninh Ân Thừa, bạn cũ của Diêm Bảo Hàng, lại là phó trưởng Phòng III. Vì vậy, Diêm Bảo Hàng đã yêu cầu Nữu Tiên Minh cho xem các tài liệu liên quan đến quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc.
Nữu Tiên Minh vui vẻ đưa nó cho Diêm Bảo Hàng, nhưng yêu cầu ông ta trả lại trong vòng ba ngày. Những tài liệu này bao gồm việc triển khai Quân đội Quan Đông ở Đông Bắc Trung Quốc, kế hoạch củng cố, địa chỉ của pháo đài, vũ khí và binh chủng, thẩm hiệu nhân số, danh tính của các tướng lĩnh, v.v., toàn bộ đều cơ mật.
Sau khi Diêm Bảo Hàng nhận được nó, đã ngay lập tức báo cáo thông tin cho đoàn đại biểu ĐCSTQ trụ tại Trùng Khánh. Sau khi Chu Ân Lai nhìn thấy nó, ông ta lập tức ra lệnh cho Văn phòng phía Nam của ĐCSTQ tại Trùng Khánh chụp ảnh các tài liệu và gửi chúng đến Diên An, và Diên An nhanh chóng thông báo cho Liên Xô.
Vào ngày 9 tháng 8 năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô mở cuộc tấn công vào Quân đội Quan Đông của Nhật Bản ở Đông Bắc Trung Quốc, chỉ huy các cấp của Quân đội Liên Xô đã có thông tin chi tiết về toàn bộ Quân đội Quan Đông. Chỉ trong một tuần, Quân đội Quan Đông đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Thông tin tình báo chiến lược quan trọng thứ ba mà Diêm Bảo Hàng thu thập có liên quan đến cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng ở Mỹ.
Vào cuối tháng 11 năm 1941, Diêm Bảo Hàng nhận được thông tin tình báo từ cơ quan phá mã chỉ huy quân sự Quốc dân đảng, rằng quân đội Nhật Bản sẽ tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn trên đảo Huwa ở Hawaii và việc điều động quân đội Nhật Bản, ông ta lập tức thông báo cho Chu Ân Lai và tùy viên quân sự Liên Xô La Thân đóng tại Trùng Khánh.
Thông tin quan trọng này cho thấy Nhật Bản đã quyết định tuyên chiến với Mỹ. Sau khi làm chủ được động thái này, Liên Xô đã có thể huy động quân đội hạng nặng từ Viễn Đông để tăng cường cho mặt trận phía Tây và chống lại cuộc tấn công của quân đội Hitler.
Ngày 7 tháng 12 năm 1941, quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ.
Bị ĐCSTQ “ăn cháo đá bát”
Những thông tin tình báo mà Diêm Bảo Hàng mang đến hiện được ĐCSTQ thừa nhận trong sử đảng là “tối mật”, “then chốt” và “phát huy tác dụng trọng yếu”. Về phần Diêm Bảo Hàng, ông ta đối nhân cũng rất khiêm tốn. Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, ông hiếm khi đề cập rằng mình đã từng giúp ĐCSTQ làm tình báo, mà chỉ công tác đúng chức trách.
Sau năm 1949, Diêm Bảo Hàng giữ chức phó chủ nhiệm Văn phòng Tổng hợp Bộ Ngoại giao kiêm trưởng Ban Truyền thông. Năm 1959, ở tuổi 64, ông cảm thấy mình quá yếu để đảm đương trọng trách của Bộ Ngoại giao nên đã chủ động từ chức, công tác tại Ban Tư liệu Văn hóa Lịch sử Chính hiệp Toàn quốc. Trước khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra, ông đã sưu tầm, chỉnh lý gần 2.000 tư liệu văn hóa lịch sử, với hơn 15 triệu chữ.
Nhưng trong cuộc “Cách mạng Văn hóa” kéo dài mười năm, Diêm Bảo Hàng vẫn không thoát khỏi kiếp nạn, bị bức hại đến chết.
Sau khi ông bị bắt đi, vợ của Diêm Bảo Hàng, Cao Tố, người được Chu Ân Lai nhiều lần ca ngợi là “chị dâu tốt của chúng tôi, người mẹ tốt của cách mạng”, chỉ trong một đêm đã trở thành “thành viên gia đình phản cách mạng”. Sau khi tiền lương của Diêm Bảo Hàng bị đóng băng, Cao Tố bị cắt nguồn sống, cuộc sống vô cùng gian nan. Cao Tố chết vì ung thư phổi vào năm 1971.
Từ năm 1938, Diêm Bảo Hàng gửi bốn người con của mình đến Diên An, đại bản doanh của ĐCSTQ. Trong Cách mạng Văn hóa, bốn đứa con này đều bị chỉnh đốn: cô con gái lớn Diêm Minh Thi bị tố là “phần tử đặc vụ tối đại thành Yên Sơn”, bị đánh chết đi sống lại, sau đó bị đưa về nông thôn cải tạo lao động. Con trai cả, Diêm Minh Tân, bị tố là “đặc vụ chiến lược” do Diêm Bảo Hàng cử đến Diên An, bị cách ly thẩm tra, khai trừ quân tịch, đưa vào trại lao động cải tạo núi Hạ Lan.
Con trai thứ Diêm Minh Trí là một trong những chuyên gia tiếng Nga hàng đầu sau khi ĐCSTQ kiến chính năm 1949, ông đã dịch nhiều tài liệu quan trọng của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ liên quan đến Liên Xô. Trong Cách mạng Văn hóa, sau khi bị cách ly thẩm tra, ông bị chuyển đến vùng nông thôn Hồ Nam để cải tạo lao động. Trong một hội nghị phê đấu vào một đêm, ông đột phát đau tim và chết vì bệnh ngay sau đó.
Con trai út Diêm Minh Phục từng là trưởng nhóm dịch thuật của Văn phòng Tổng hợp Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, và từng là phiên dịch viên tiếng Nga cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và các nhà lãnh đạo khác của ĐCSTQ. Vào ngày 17 tháng 11 năm 1967, Diêm Minh Phục bị chụp mũ “gián điệp liên kết với nước ngoài”, bị tống ngục Tần Thành và bị cầm tù bảy năm rưỡi.
Diêm Minh Phục những năm cuối đời đã viết:
“Mười năm hạo kiếp đã mang đến tai họa cực đại cho gia đình chúng tôi, gia phá nhân vong, lưu ly thất tán. Cha, mẹ và anh hai của tôi lần lượt qua đời. Các anh chị em còn sống sau cái chết và những người thân của họ cũng phải chịu những tổn thương không thể diễn tả bằng lời.”
- Dẫn sói vào nhà, gia tộc họ Lưu chịu kết cục bi thảm – “Ăn cháo đá bát” lộ diện phường bội nghĩa vong ân
- Chu Ân Lai, hung thủ chính trong vụ đại án giết người phi tang xác
Diêm Bảo Hàng, người đã dùng cả gia đình mình toàn tâm toàn ý giúp đỡ ĐCSTQ, cuối đời lại bị ĐCSTQ coi là phản đồ, đặc vụ, phản cách mạng, chỉnh đốn chết đi sống lại, cả gia đình của ông đều phải chịu nạn. Bi kịch của ông là một ví dụ điển hình khác về sự vong ân phụ nghĩa, qua sông phá cầu, ăn cháo đái bát của ĐCSTQ.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch