Mục lục bài viết
Quách Phác nói: “Ông có tai họa bị sét đánh, ông có thể lái xe đi mấy chục dặm về phía tây, tìm một cây bách, chặt lấy một đoạn dài bằng người mình, đặt cạnh chỗ nằm, họa này có thể tiêu trừ”. Vương Đạo làm đúng như vậy. Hôm sau quả nhiên có sét đánh, thân cây bách đó bị đánh đến nát vụn.
Quách Phác (276-324), tự Cảnh Thuần, người huyện Văn Hỷ, quận Hà Đông (huyện Văn Hỷ, tỉnh Sơn Tây ngày nay), là con trai của Quách Viện – Thái thú vùng Kiến Bình thời Tây Tấn; ông là một học giả nổi tiếng thời Đông Tấn, vừa là nhà văn và chuyên gia chú giải nghĩa từ trong sách cổ, lại là bậc thầy phương thuật và là tổ sư của “Du Tiên thi”, một loại hình thi ca của Trung Quốc cổ đại.

Sư phụ của Quách Phác là Quách Công, tạm sống ở Hà Đông, rất thạo thuật bói toán. Quách Phác theo Quách Công học thuật bói toán, Quách Công truyền thụ cho ông 9 quyển “Thanh Nang Trung Thư”. Trước đó Trương Tử Phòng (tức Trương Lương, tự Tử Phòng, một trong những khai quốc công thần của nhà Hán) và Khổng Minh (tức Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, Thừa tướng nước Thục thời Tam Quốc) nhận được 6 quyển của bộ sách này, sư phụ của Lưu Bá Ôn nhận được 8 quyển, còn Lưu Bá Ôn chỉ nhận được 4 quyển.
Tài tiên tri của Quách Phác
Đạo lý bác đại tinh thâm được đàm luận trong sách là huyền cơ của trời đất, là cái lý cùng cực của tạo hóa, do vậy Quách Phác am hiểu sâu sắc về bói Dịch và Ngũ Hành, thông đạt huyền cơ của đất trời, chuyển họa tránh tai, thông biến vô cùng, đến cả những cao nhân như Kinh Phòng, Quản Lộ cũng không so được với ông.
Thời Tấn Huệ Đế, Tấn Hoài Đế, vùng đất Hà Đông lần đầu tiên bị quấy nhiễu. Quách Phác bói một quẻ, ông buông tập sách xuống thở dài than rằng: “Hỡi ôi! Bách tính sắp phải chịu sự thống trị của dị tộc, vùng đất quê hương sắp phải chịu sự chà đạp của bọn Hung Nô”. Ông bèn bí mật liên lạc với hàng chục người thân và bè bạn, chuẩn bị di cư về phía đông nam để tránh nạn.
Đến vùng Lư Giang, Thái thú Hồ Mạnh Khang được Thừa tướng triệu đến mở tiệc rượu khao quân. Khi đó vùng Giang Hoài vẫn bình an vô sự, Hồ Mạnh Khang trong lòng cảm thấy yên tâm, không muốn đến Giang Nam. Quách đã bói quẻ cho Hồ, kết quả là “bại trận”, nhưng Hồ không tin. Sau khi Quách Phác thu dọn hành trang rời đi, chỉ vài tuần sau đó, vùng Lư Giang đã bị quân giặc chiếm đóng.
Thời Tấn Nguyên Đế, Quách Phác được thăng làm Trước tác Tả lang (chức quan chuyên sưu tập và biên soạn tư liệu lịch sử), sau đến chức Thượng thư lang, rồi lại nhậm chức Ký thất Tham quân dưới trướng tướng quân Vương Đôn.
Vương Đạo – đại thần, tể tướng dưới thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc – rất coi trọng Quách Phác và mời Quách đầu quân cho mình. Vương Đạo từng nhờ ông bói quẻ, Quách Phác nói: “Ông có tai họa bị sét đánh, ông có thể lái xe đi mấy chục dặm về phía tây, tìm một cây bách, chặt lấy một đoạn dài bằng người mình, đặt cạnh chỗ nằm, họa này có thể tiêu trừ”. Vương Đạo làm đúng như vậy. Hôm sau quả nhiên có sét đánh, thân cây bách đó bị đánh đến nát vụn.
Không lâu sau, Quách Phác thăng lên chức Thượng thư lang. Quách nhiều lần dâng thư, ý kiến của ông thường mang lại lợi ích to lớn cho dân chúng và triều đình. Khi Minh Đế ở Đông cung, Quách Phác có quan hệ mật thiết với Ôn Kiều và Dữu Lượng, là bố y chi giao (tình bạn giữa quan to và người không có địa vị) với nhau. Quách Phác cũng bởi tài học mà được Minh Đế coi trọng, có địa vị ngang hàng với Ôn – Dữu, nhận được khen ngợi của mọi người.
Kỳ tài xem phong thuỷ, chọn nơi đặt mộ
Khi mẫu thân mất, Quách Phác đã từ quan chịu tang, ông chọn một mảnh đất rất bình thường an táng cho mẹ. Mảnh đất này nằm các rất gần nguồn nước, do vậy mỗi khi tới mùa, trời mưa là ngôi mộ lại bị chìm trong nước.
Khi đó, các thầy phong thủy đều nói rằng, phong thủy của mảnh đất mà Quách chọn quá dở, nơi an táng không nên gần nguồn nước. Tuy nhiên, Quách Phác không hề để ý, tiếp tục kiên trì ý kiến của mình.
Rất kỳ là là chỉ vài năm sau, do phù sa bồi đắp, nơi đặt mộ của mẹ Quách không những không bị nước nhấn chìm, mà xung quanh ngôi mộ còn hình thành một ruộng dâu tươi tốt. Sự kiện này sau đó đã khiến tên tuổi Quách Phác trở nên nổi tiếng. Nhiều người từ những nơi rất xa cũng lặn lội tới tìm Quách nhờ xem mộ.
Lúc bấy giờ Tấn Nguyên Đế cũng là người thích phong thủy, nghe tiếng Quách Phác có biệt tài tìm đất đặt mộ đặc biệt linh nghiệm, do vậy, Tấn Nguyên Đế liền tự mình đi xem những mộ huyệt mà Quách Phác đã chọn.
Một lần, trên một sườn núi, Tấn Nguyên Đế gặp một người nông dân đang đào mộ ở một mảnh đất có địa thế rất đẹp, đương thời gọi là long giác, vì vậy mới tới chỗ của người nông dân hỏi: “Vì sao ông lại tìm được mảnh đất này để đặt mộ?”.
Người nông dân trả lời: “Đây là do Quách Phác tiên sinh chỉ cho tôi. Ông ấy nói, nếu như chôn ở chỗ này thì không tới 3 năm tôi sẽ có thể gặp được thiên tử”.
Tấn Nguyên Đế nghĩ tên nông dân này to gan mới hỏi: “Ngươi định chôn ở đây để trong nhà sinh ra một thiên tử phải không?” Người nông dân cười nói: “Không phải là nhà tôi sinh ra thiên tử mà là có thể thiên tử sẽ tới đây mà thôi”.
Vậy là rõ, chính Tấn Nguyên Đế là thiên tử và ông ta đang đứng ở ngay trước mặt người nông dân chứ ai. Nghĩ vậy, Tấn Nguyên Đế rất lấy làm khâm phục Quách Phác và quyết định gặp mặt cho bằng được thầy phong thủy họ Quách này để nhờ ông ta tìm cho mình một ngôi mộ những mong đế vị có thể truyền tới vạn đời.
Việc Quách Phác có tìm được đất đặt mộ như ý muốn của Tấn Nguyên Đế hay không thì không thấy sử sách nào ghi chép. Tuy nhiên, sử sách cũng có ghi lại một câu chuyện về việc Quách Phác tìm mộ cho một viên quan họ Trương, tên Dụ.
Trong sách “Nam Sử” phần Trương Dụ chuyện có kể rằng, khi cố nội Trương Dụ qua đời, người ta có mời Quách Phác xem phong thủy và chọn nơi đặt mộ.
Quách Phác tìm kiếm một hồi thì tìm được hai vị trí tốt để Trương Dụ lựa chọn và nói: “Nếu như chôn ở huyệt mộ thứ nhất thì ông có thể sống tới trăm tuổi, làm quan tới tam tư (tức các chức Đại Tư Mã, Tư Đồ, Tư Không, các chức quan hàng đầu trong triều đình phong kiến thời Hán) nhưng con cháu lại không hưng vượng.
Nếu như chôn ở vị trí thứ hai thì tuổi thọ của ông sẽ giảm đi một nửa, quan vị cũng thấp hơn song tôn tử lại sẽ rất hưng vượng, giàu sang, phú quý”.
Trương Dụ nghe xong, chẳng cần phải suy nghĩ, lựa chọn huyệt mộ thứ hai vì cho rằng, con cháu được giàu sang phú quý vẫn là điều quan trọng hơn cả. Sự thực sau đó diễn ra đúng như Quách Phác đã nói. Trương Dụ chết khi tuổi mới quá 40, thế nhưng con cháu Trương Dụ thì lại làm quan rất to và vô cùng giàu có.
Một câu chuyện khác lại kể rằng, lúc bấy giờ ở Dương Châu có một viên quan tên là Cố Cầu. Chị của Cầu bị bệnh đã hơn 40 năm mà vẫn nằm trên giường không khỏi. Khi nghe tiếng của Quách, Cố Cầu đã tìm tới nhờ Quách bốc cho mình một quẻ xem vì sao bệnh tình của chị mình lâu thế vẫn chưa khỏi.
Quách đồng ý bốc cho Cầu một quẻ. Sau khi bốc quẻ, Quách nói: “Tổ tiên nhà họ Cố trước đây từng giết một con rắn thần, do vậy phần mộ tổ tiên không được yên nên mới sinh bệnh tật ở con cháu”.
Cố Cầu sau đó về tra cứu lại gia phả thì quả thực có chuyện đó từng xảy ra. Sau đó, Cố Cầu đã vội làm lễ tạ tội với linh xà thì bệnh của người chị lập tức khỏi ngay.
Dự đoán chính xác ngày chết của mình
Chưa đầy một năm, Vương Đôn đã dùng Quách Phách làm Ký thất Tham quân. Không lâu sau thì Vương Đôn làm phản, Ôn Kiều và Dữu Lượng nhờ Quách bói quẻ, Quách trả lời không thể nói chắc được. Ôn – Dữu lại nhờ Quách bói quẻ cát hung cho mình, Quách nói: “Rất may mắn”. Sau khi Quách rời đi, Ôn Kiều và Dữu Lượng bàn luận với nhau, nói rằng: “Quách Phác nói không rõ ràng, là vì ông ta không dám nói rõ, có lẽ ông trời muốn lấy mạng Vương Đôn. Hôm nay chúng ta mưu tính chuyện lớn cho đất nước, Quách Phác nói may mắn, là nói rõ sự việc nhất định sẽ thành công”. Bèn khuyên Tấn Đế thảo phạt Vương Đôn.

Vương Đôn mưu phản, nhờ Quách Phác bói cho một quẻ, Quách trả lời: “Không thành công”. Vương Đôn nghi ngờ ông từng mách nước cho Ôn Kiều và Dữu Lượng, giờ lại nhận phải quẻ hung, liền nói với ông: “Hãy bói cho ta một quẻ nữa, xem thọ mệnh ta dài ngắn thế nào”. Quách đáp: “Theo quẻ vừa rồi, nếu ông khởi binh, chẳng bao lâu sẽ gặp phải họa lớn. Còn nếu sống ở Vũ Xương, ông sẽ sống rất thọ”. Vương Đôn tức giận nói: “Thế nhà ngươi có biết được tuổi thọ của mình không?”. Quách đáp: “Tôi sẽ chết vào ngay trưa hôm nay”. Vương Đôn tức giận cho người bắt ông lại, ra lệnh giải đến Nam Cương hành quyết.
Năm xưa, khi Quách Phác vừa mới đến Kiến Khang (Nam Kinh, Giang Tô ngày nay), khi đi qua Việt Thành có gặp một người. Quách Phác gọi to họ tên người đó, và tặng một bộ quần áo cho anh ta. Nhưng người này lại không quen biết Quách Phác, nhất quyết không nhận. Quách Phác nói: “Ông cứ nhận đi, sau này sẽ hiểu”. Người đó nhận lấy và rời đi. Lúc này quả nhiên người đó phụ trách hành hình. Trước khi bị giết, Quách Phác nói với đao phủ: “Năm ta mười ba tuổi, có cởi áo chiếc áo choàng đưa cho ông, khi đó ta đã biết rằng mạng sống của ta sẽ kết thúc trong tay ông, chỉ là ta xin ông hãy giết ta bằng chính cây đao của ta”. Tên đao phủ cảm niệm ơn chiếu cố ngày xưa của Quách đối với mình, nước mắt lưng tròng mà hành quyết. Năm đó Quách Phác 49 tuổi.
Sau khi triều đình dẹp yên phản loạn do Vương Đôn cầm đầu, Quách Phác được truy phong là “Thái thú quận Hoằng Nông”. Trước đó Quách Phác còn bói ra được người hãm hại sau lưng mình trong tương lai chính là “Sơn Đông” (山宗). Sau này, quả nhiên là một người mang họ Sùng (崇) đã đến chỗ Vương Đôn vu cáo hãm hại ông.
Dự ngôn sau 300 năm Trung Quốc thống nhất
Quách Phác không chỉ bói ra được ngày bị giết mà còn đoán trước rằng Trung Quốc vẫn bị chia cắt sau thời Đông Tấn, vùng Giang Đông có 300 năm “vương khí”, sau đó sẽ thống nhất trở lại. Theo ghi chép trong “Tư Trị Thông Giám – Trần Kỷ Thập” (quyển 176), năm thứ 9 niên hiệu Khai Hoàng nhà Tùy (năm 589), quân đội nhà Tùy tấn công nhà Nam Trần, khi quân đến bờ sông, Tể tướng Cao Quýnh theo Tấn Vương Dương Quảng nam chinh đã hỏi Nội sử Thị lang Tiết Đạo Hằng như vậy:
Cao: “Khởi binh lúc này, có thể thu được vùng Giang Đông không?”.
Tiết: “Thu được, ta thường nghe Quách Phác có nói rằng, vùng Giang Đông chia cắt 300 năm, sẽ hợp nhất với Trung Quốc”.
Từ thời Đông Tấn, Tấn Nguyên Đế Tư Mã Duệ nhà Đông Tấn thành lập ở Giang Đông (nay là Nam Kinh, Giang Tô) vào năm 317, trải qua 4 triều đại Tống, Tề, Lương và Trần cho đến khi nhà Tùy tiêu diệt nhà Nam Trần vào năm 589 và thống nhất cả nước, thời gian trải qua là 272 năm. Trung Quốc bị chia cắt thời gian dài chưa đến 300 năm đã được thống nhất, sớm hơn 28 năm so với dự ngôn của Quách Phác.
Ba ngày sau khi Quách Phác được chôn cất, có người ở phố Nam Châu nhìn thấy ông bán đi quần áo mình mặc trước đây và chuyện trò cùng người quen, mà không chỉ một người nhìn thấy Quách Phác. Vương Đôn nghe xong cũng không tin, mở quan tài của Quách ra xem thử thì thấy không có thi thể trong đó. Đây là vì Quách Phác đã mượn hình thức Thi giải (một hình thức viên mãn của Đạo giáo) để thành Tiên.
Theo ghi chép trong cuốn “Dung Am Bút Ký” của Tiết Phúc Thành, một học giả thời nhà Thanh, Mỗ sinh ở Giang Nam sau khi xuất thần du ngoạn thiên cung Đâu Suất đã nhìn thấy Quách Phác, nói rằng Quách đã đắc đạo thành Tiên, mà việc ông bị giết hại ở cõi người chỉ là một loại hình thức viên mãn mà thôi.