Người xưa có câu: “Ngựa quen đường cũ”. Tuy nguyên ý và gốc tích câu nói này không có dụng ý mỉa mai thói đời, song lại phù hợp khi dùng để nói đến tâm tính hay thói quen xấu của một người lâu ngày không thay đổi…

Thói quen khi đã dưỡng thành thì thường khó bỏ, hoặc có thay đổi thì chỉ được một giai đoạn thời gian rồi lại “chứng nào tật nấy”, tái phát như một chứng bệnh trầm kha. Cũng từ những câu chuyện mà người ta có thể đúc kết ra thành câu nói, và từ những câu nói ta lại đi tìm đến câu chuyện, từ đó mà chiêm nghiệm về cuộc sống thường hằng…

Có câu chuyện kể về loài đười ươi như sau:

Ở ngọn núi nọ có giống đười ươi, mặt như mặt người, biết cười, biết nói, lại thích uống rượu, thích đi guốc mộc. Người ta biết thế nên thường lừa bắt nó bằng cách đem rượu và guốc mộc ra bày la liệt ở ngoài ruộng, rồi tìm một nơi ẩn nấp đợi chúng ra.

Đười ươi ngửi thấy mùi rượu liền kéo nhau ra, thấy có rượu ngon, guốc mộc bày la liệt. Chúng biết rằng có người lập mưu hòng bắt mình, trong lòng nguyền rủa kẻ đặt bẫy… Đoạn chúng kéo nhau đi, con bụng bảo dạ, con miệng lẩm nhẩm khuyên ngăn lẫn nhau chớ có mắc mưu những kẻ chực hại mình. Tuy đã quay đi nhưng một số con vẫn cố ngoảnh lại nhìn, rồi lại bảo nhau:

– Ta cứ nếm thử một chút xíu xem chắc không hại gì!

Thế rồi cả bọn lại kéo nhau đến chỗ cạm bẫy, tay chấm, miệng mút, bén mùi làm mãi…

Cứ thế, con nếm qua, con nếm lại thành thử say xỉn mù mịt lúc nào chẳng hay. Đến khi mất hết cả khôn, lẽ phải cũng bỏ, chúng quên cả đạo lý mà chuếnh choáng nghiêng ngả, nói nói, cười cười, chân đưa vào guốc mộc thất thểu đi.

Một thú vui nhỏ nhoi của loài đười ươi mà dẫn dụ cả đàn vào bẫy, cũng chỉ vì chủ quan không thấy nguy hại từ việc nhỏ đó mà dẫn đến mất mạng. (Ảnh: Barcroft Images)

Người đặt bẫy nấp trong bụi rậm, bấy giờ đổ ra toan đánh bắt thì đười ươi lảo đảo chạy, đổ nghiêng đổ ngả, bên xiên, bên thẹo… rồi bị người ta bắt cả cho vào cũi.

***

Xem qua câu chuyện về giống đười ươi này, ta không khỏi chạnh lòng trước tình cảnh xã hội hiện nay. Nếu nói vui thì cũng do “hoàn cảnh xô đẩy”. Song làm người có nên sống buông thả phóng túng như vậy hay không?

Có người biết rõ mình bị lừa mà vẫn tham lam mê muội, để đến nỗi mắc lừa người ta. Đúng là: “Quen môi, bắt mồi ăn mãi!”.

Cái tấn trò đời vừa “yêu” lại vừa “hận”. Rượu chè, thuốc phiện, cờ bạc, sống thử, tình một đêm, chơi trò đổi vợ, massage kích thích… Tuy ai ai cũng biết là phương hại đến thân, nhưng khốn cho cái tính ngây, cái máu mê cứ như thể có ma lực xui khiến người ta tìm đến, mà say đắm lúc nào không hay. Phải chăng thứ văn hóa lố bịch ấy đã góp phần “đẩy thuyền theo dòng nước”, muốn trừ bỏ đi thì phải “bơi ngược dòng”, như thế mới không khỏi đắm chìm thật sâu vào trong cõi ấy.

Dục vọng như ma lực xui khiến người ta tìm đến, mà say đắm lúc nào không hay. (Ảnh: cawb.info)

Khi cảm thụ cuộc sống hiện đại, điều đau lòng nhất chính là khi đạo đức xã hội trượt dốc đem đến một loạt các vấn đề xã hội, con người cứ thế tiến đến bờ vực thẳm mà vẫn không hay biết.

Cổ nhân nói: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận, Tái hồi đầu thị bách niên thân” (Lỡ bước một phen nghìn đời ân hận, Quay đầu nhìn lại chín suối ngậm ngùi). Khi đã biết đam mê có thể tai hại, thì nên tự chủ mà kiềm chế bản thân, chớ để nhân dục đối chọi với thiên lý thì uổng cả một kiếp người.

Thái Bảo