Một tâm lý bất thường ngày nay đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc là sự cảnh giác lẫn nhau và với tất cả. Tại sao ở đất nước từng đề cao Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của Khổng Tử lại bỗng chốc trở nên biến dị như vậy?

Tâm lý cảnh giác này đã tạo ra những tình trạng dở khóc dở cười trong xã hội Trung Quốc, khiến tiêu chuẩn đạo đức trong ứng xử giữa người với người ngày càng xuống dốc. Nếu có người lạ muốn làm quen, họ liền nghĩ rằng có thể họ không vô duyên vô cớ mà quan tâm đến mình, đoán xem liệu người ấy có định lợi dụng mình không? Kiểu tâm lý cảnh giác này không chỉ giới hạn với những người lạ, mà giữa cấp trên với cấp dưới, hàng xóm, đồng nghiệp, thậm chí là giữa bạn bè thân thiết với nhau, cũng thường có tâm lý phòng bị này. Ngay cả khi người ta đang chén chú chén anh, dốc hết tâm tình với nhau trên bàn tiệc thì họ vẫn không quên tâm lý cảnh giác, tự bảo vệ lấy mình, đề phòng người khác thay lòng đổi dạ.

Năm 2013, cô Vương Lan ở tỉnh Liêu Ninh sau khi giúp đỡ đưa một bà cụ vào viện vì ngã khỏi xe buýt, còn trả giúp 200 tệ viện phí. Sau đó cô bị bà cụ kia kiện vì cho rằng “nếu không đẩy tôi ngã sao cô lại đưa tôi đến bệnh viện?”. Vụ việc này được biết tới rộng rãi trên truyền thông, kết quả là sau đó nhiều vụ tai nạn thương tâm không có người dám giúp đỡ. Thậm chí một thẩm phán trong một vụ việc tương tự cũng kết án người giúp đỡ bằng lập luận: “Nếu cô không gây ra tai nạn thì sao lại đưa người ta đến bệnh viện?”. Những vụ việc như vậy ngày càng củng cố thêm tâm lý cảnh giác, nghi ngờ lẫn nhau trong xã hội.

Tình trạng này dẫn đến cuộc sống giữa người với người tại Trung Quốc trở nên nặng nề và mệt mỏi. Giống như khi xem chiếu phim, mọi người đều đứng kiễng chân, kết quả là ai cũng mệt mỏi nhưng nếu ngồi xuống thì không thể xem được. Ngay từ trong tư tưởng, người Trung Quốc hôm nay đã được đặt định một lối nghĩ nghi ngờ người khác. Sự cảnh giác không đến từ tín hiệu bất thường của người khác, mà người ta tự đặt định rằng người khác có âm mưu. Do vậy, người Trung Quốc ngày nay không thể cảm thụ được tâm lý bình yên của cuộc sống do sự tin tưởng mang lại.

Trong sách Liệt Tử từ xưa đã có giáo huấn về tâm lý không đáng có này bằng một câu chuyện như thế này. Có một người đánh mất rìu, anh ta nghi ngờ đứa con của nhà hàng xóm lấy trộm. Do đó anh ta quan sát kỹ lưỡng đứa trẻ, cảm thấy cậu ấy khi đi đường, nói năng đều có dáng vẻ giống như kẻ lấy trộm rìu, nét mặt, cử chỉ không có chỗ nào là không giống kẻ lấy trộm rìu của anh ta. Chỉ đến khi anh ta tìm lại được rìu của mình, lúc đó mới nhìn lại đứa con nhà hàng xóm, cảm thấy cậu ấy đi đường, nói chuyện, thái độ biểu đạt đều không giống kẻ lấy trộm rìu một chút nào.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc vốn luôn đề cao Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Ngày nay, người ta vẫn còn thấy chữ Tín ấy còn được lưu giữ ở mức tương đối cao trong các xã hội Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vậy tại sao người Trung Quốc lại không giữ được văn hóa của chính cha ông họ? Bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lực lượng nắm quyền bính tại Trung Quốc cho rằng lịch sử của thế giới là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp. Nó tự cho mình là “giai cấp tiến bộ”, cần “lãnh đạo nhân dân” lật đổ giai cấp thống trị lạc hậu.

Cảnh ĐCSTQ hành quyết các nạn nhân trong lịch sử.

Như đã nêu ở phần 1 của loạt bài, tất cả những tầng lớp có vai trò trong xã hội như giới trí thức, những người có tài sản, những người theo tín ngưỡng… đều bị tấn công. Trong các cuộc vận động đấu tranh đó, ĐCSTQ đã xúi giục người đấu người một cách khốc liệt, vượt qua mọi ranh giới đạo đức thông thường. Nơi đặt sự tin tưởng cuối cùng của con người là Thần Phật cũng bị tấn công bằng cái mũ “mê tín” và “phong kiến lạc hậu”.

Con người đều đã từng chất phác, từng tin tưởng, chân thành với nhau. Nhưng trải qua các cuộc vận động chính trị đầy phong ba bão táp, bản thân người ta hoặc đã đấu tố người khác, hoặc bị người khác đấu tố, hoặc hôm nay đấu tố người khác ngày mai lại bị người khác đấu tố, hoặc đã nhìn thấy người này đấu tố người kia, hoặc hôm qua bị người khác đấu tố hôm nay lại đấu tố lại chính người đó…

Dân chúng tận mắt chứng kiến những điều trớ trêu, tai ngược như vậy năm này qua năm khác, dần dần hình thành cảm giác bất an, cảnh giác trước tất cả. Ngày nay, thế hệ cha mẹ mang theo tâm lý đó lưu truyền cho con cháu. Cha mẹ hay bạn bè thân thiết cũng thường nhắc nhở “phải cẩn thận với người này, với điều kia”. Song song với đó, các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống bị phá hủy làm cho nhiều người thực sự sẵn sàng vì danh lợi của bản thân mà phản bội người khác. Do vậy tâm lý cảnh giác kia lại càng được củng cố và mở rộng. Sau các cuộc “đấu tranh giai cấp” đó, sự tranh đấu đã thay cho lòng bao dung, thù địch thay cho thân thiện, cảnh giác thay cho tin tưởng.

Mở rộng tư tưởng cảnh giác đó ra lĩnh vực chính trị, ĐCSTQ dễ dàng tuyên truyền về nhưng cái gọi là “âm mưu của các thế lực thù địch”, của “các lực lượng phản động”. Do nắm độc quyền chính trị, truyền thông, giáo dục và cả các tài sản thiết yếu, ĐCSTQ tự cho mình cái vị trí phán quyết về đạo đức, đúng sai trong xã hội. Ví dụ về truyền thông, Mao Trạch Đông đã từng nói không tránh né: “Chính là phải tước đoạt quyền phát ngôn của phái phản động, chỉ để nhân dân có quyền phát ngôn”. Nhưng ai là nhân dân, ai là phản động, chỉ ĐCSTQ mới là người quyết định.

Tất nhiên, ngày nay người dân Trung Quốc cũng không còn mấy tin tưởng vào ĐCSTQ nữa. Nhưng tâm lý cảnh giác bị nhồi nhét kia khiến họ khi tiếp xúc với thông tin sự thật về sự tàn ác của ĐCSTQ, hay những ai lên tiếng cho họ thì họ cũng nghi ngờ hoặc phản đối. Bởi vì họ đã được trang bị tầng tầng lớp lớp các tư tưởng cảnh giác đề phòng, đều cho rằng những ai lên tiếng phản đối ĐCSTQ, bênh vực cho các quyền cơ bản của người dân Trung Quốc thì đều vì có âm mưu gì đó. Người Trung Quốc bị phong bế, khống chế và điều khiển bởi ĐCSTQ mà không thể thoát ra được.

Tâm lý tranh đấu và cảnh giác lẫn nhau của người Trung Quốc lại càng củng cố thêm quyền lực tuyệt đối của ĐCSTQ. Bởi vì họ rất khó để tập hợp lại dù chỉ để cùng lên tiếng, mọi người như một mâm cát nên càng dễ dàng bị chia rẽ. Chứng kiến hậu quả thảm khốc của những nhóm nạn nhân bị bức hại, thậm chí người ta thà giả vờ tin vào những tuyên truyền giả dối của ĐCSTQ hơn là tin vào sự thật mà ai đó nêu ra.

Văn hóa của nhân loại dù là xuất phát từ nhân tính tự nhiên hay được truyền ra từ các tín ngưỡng tu luyện thì đều lấy Chân thành, Thiện lương và sự bao dung Nhẫn nhường làm gốc rễ. Do vậy, chỉ có tìm lại từ văn hóa truyền thống đích thực mới là con đường tương lai của người dân Trung Quốc. Tất nhiên, văn hóa truyền thống ấy không phải là thứ văn hóa biến dị nhưng có vẻ bề ngoài truyền thống mà ĐCSTQ đã dựng lập. Mà nội hàm cốt lõi của nó chính là tín ngưỡng thực sự vào Thần Phật, sự tu dưỡng đức hạnh thay vì vô Thần và truy cầu danh lợi.