Là quân sư nổi tiếng bậc nhất lịch sử Á Đông, có tài ngồi trong màn trướng biết chuyện xa ngoài nghìn dặm, Gia Cát Lượng còn là một trung thần lẫm liệt, trở thành tấm gương hiền năng cho hậu thế nghìn năm. Cả nhà ông 3 đời đều là hiền thần khuông phò đại nghiệp… 

Gia Cát Lượng ôm chí lớn phục hưng Hán thất

Bắc phạt Tào Ngụy, thống nhất Trung Quốc là phương hướng sách lược phục hưng nhà Hán mà Gia Cát Lượng đề xuất khi còn ở Long Trung phân tích hình thế thiên hạ cho Lưu Bị.

Tháng 2 mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 12 (năm 234), Gia Cát Lượng dẫn đại quân 10 vạn binh sỹ, dùng “ngựa gỗ” mới thiết kế chế tạo ra để vận chuyển lương thảo và quân nhu, xuyên qua Tà Cốc, bắt đầu chiến tranh Bắc phạt lần thứ 5, cũng là lần cuối cùng của ông.

Lần Bắc phạt thứ 4 cách đó ba năm trước, Gia Cát Lượng dẫn đại quân tấn công vào đất Ngụy, dùng một loại xe một bánh gọi là “trâu gỗ” vận chuyển vật tư quân dụng. Ông cùng thống soái quân Ngụy là Tư Mã Ý giằng co hơn một tháng, nhưng vì nguồn cung cấp lương thảo quân nhu vẫn luôn thiếu hụt về số lượng nên đành phải rút quân về nghỉ ngơi.

Nuôi dưỡng tinh thần và nhuệ khí, 3 năm chuẩn bị cho chiến tranh, trước khi hành quân còn có giao ước với nước Ngô đồng thời cất quân xuất chinh, đông – tây hai lộ giáp công Tào Ngụy, Gia Cát Lượng đặt nhiều hy vọng vào lần xuất quân này. Mười vạn binh mã trên con đường chinh chiến trắc trở, hiểm trở, dọc đường băng rừng vượt núi, chặt gai góc mở đường, trải qua 2 tháng hành quân đã đến được huyện My.

Tư Mã Ý dẫn quân vượt qua Vị Hà, dựa lưng vào sông lập doanh trại xây lũy chống cự Gia Cát Lượng. Tư Mã Ý khéo giấu mình nuôi dưỡng tài năng, có thể nói là nhà tâm lý học ứng dụng chiến tranh phi phàm. Ông ta biết rõ tình hình khi ấy: quân đội Thục Hán có chuẩn bị tiến đánh, Gia Cát Lượng giỏi dẫn quân dụng binh, chỉ huy trầm tĩnh, ổn định, quân đội của mình khó tránh khỏi tâm lý sợ hãi. Do đó ông ta đã nói với các tướng lĩnh rằng: “Gia Cát Lượng nếu xuất binh từ Võ Công, dựa vào núi hiểm mà tiến về phía đông thì thực sự khiến mọi người lo lắng. Nhưng nếu ông ta dẫn quân về phía tây, đồn trú ở cao nguyên Ngũ Trượng, thì các vị không có gì phải lo lắng cả”. Tư Mã Ý dự liệu quả là xuất quỷ nhập Thần, nhưng ông ta có ý đánh giả mà thật, để giải tỏa tâm lý căng thẳng lo sợ của tướng sỹ.

Gia Cát Lượng quả nhiên đóng quân ở cao nguyên Ngũ Trượng.

Thiên hạ đại loạn, thời cuộc hỗn loạn, chính là lúc võ sỹ dốc sức, anh hùng đấu trí. Gia Cát Lượng thực sự có tài xuất chúng, có khí chất anh hùng. Còn bộ tướng của Tư Mã Ý cũng không phải dạng tầm thường.

Thứ sử Ung Châu Quách Hoài quan sát hình thế hai bên dàn trận đã chỉ ra rằng, Gia Cát Lượng khẳng định sẽ tiến quân tranh đoạt Bắc Nguyên, ông ta đề xuất với Tư Mã Ý phái một phần binh lực đến trước đóng quân trấn giữ. Không ít người bàn tán xôn xao, cho rằng chưa chắc đã như thế.

Gia Cát Lượng tổng kết bài học kinh nghiệm mấy lần bắc phạt trước, lương thảo quân nhu cung ứng không kịp thời chính là mấu chốt khiến ông phải bỏ cuộc giữa chừng. Thế là ông chia một bộ phận binh lực khai triển đồn điền, phát triển sản xuất nông nghiệp, để tác chiến lâu dài, chuẩn bị đầy đủ.

Trong những lần Bắc phạt trước, Quân Thục đánh thắng nhiều trận và tiêu diệt được nhiều quân địch nhưng trước sau đều phải lui binh khi chưa đạt mục tiêu cuối cùng vì nhiều lý do. (Ảnh minh họa: dkn)

Tháng 6, Ngụy Minh Đế tăng thêm quân, sai Chinh Thục hộ quân Tần Lãng thống soái 2 vạn quân bộ binh và kỵ binh hỗn hợp viện trợ cho tiền tuyến, lệnh cho Tư Mã Ý rằng: “Chỉ cần gia cố phòng tuyến, cố thủ kháng cự, không được giao chiến với quân địch là có thể làm suy tổn nhuệ khí của chúng. Để quân địch tiến công không giành được gì, rút lui cũng không được, kéo dài thời gian, giằng co lâu lương thảo sẽ hết, cướp đoạt cũng không thể thu hoạch được cái gì, như thế chúng nhất định phải rút quân. Lúc đó quân ta nổi dậy truy kích, thượng sách giành thắng lợi lớn chính là như vậy”.

Vua tôi nhà Tào Ngụy không bàn mà kế sách giống nhau.

Tư Mã Ý hiểu rất rõ rằng Gia Cát Lượng chỉnh đốn quân đội, chuẩn bị cho cuộc chiến trong 3 năm, lần này xuất chinh ắt sẽ có bố trí chu đáo. Nhưng quân Thục đơn độc tiến sâu, tướng sĩ từ xa tới, tuy Gia Cát Lượng phát minh ra xe 4 bánh gọi là “ngựa gỗ”, nhưng đường đi đất Thục hiểm trở, vận chuyển quân nhu không phải chuyện dễ dàng. Quân Ngụy chỉ cần giữ thành lũy kiên cố, không giao tranh, dùng quân an nhàn chống quân mệt mỏi thì ắt sẽ giành thắng lợi.

Tháng 8, mùa thu tới, trong chớp mắt, đối đầu với quân Tào Ngụy đã hơn 100 ngày rồi. Gia Cát Lượng biết rõ ưu nhược điểm hoàn cảnh mình đang ở. Ông nghĩ, cứ giằng co kéo dài tiếp thì lại đi vào vết xe đổ những lần bắc phạt trước. Gia Cát Lượng lệnh cho bộ tướng dùng mọi cách khiêu chiến, chỉ mong đọ sức với Tư Mã Ý chốn sa trường. Tư Mã Ý mặc kệ đối phương dùng mọi cách khiêu chiến, chỉ một mực dựng thành lũy kiên cố cố thủ.

Cuối cùng có một hôm, Tư Mã Ý nhận được một bộ y phục phụ nữ, lược và trâm cài đầu, phấn son do Gia Cát Lượng sai người đưa đến. Tư Mã Ý thấy những đồ trang sức phụ nữ, không nén nổi giận dữ, chỉ muốn lập tức xuất quân, đạp nát quân Thục. Nhưng ông sao có thể không hiểu rõ dụng ý Gia Cát Lượng? Vì vậy ông gọi tướng lĩnh dưới trướng đến, đem những trang phục này cho họ xem, đồng thời nói với họ rằng: “Tên giặc nước Thục Gia Cát lại sỉ nhục ta như thế này. Ta vốn muốn lập tức xuất kích, đạp tan quân Thục, nhưng quân vương có lệnh ở đây, ta không tiện đưa ra chủ trương bừa bãi. Bây giờ ta lập tức dâng tấu lên hoàng thượng, xin cho phép xuất kích, bắt sống Gia Cát”. 

Ngụy Minh Đế hiểu ý ra một bản hồi đáp, không cho phép xuất quân, đồng thời sai Tân Tỳ cầm phù tiết hoàng đế đảm nhiệm quân sư, tiết chế hành động quân sự của Tư Mã Ý.

Tướng Thục Khương Duy nói với Gia Cát Lượng rằng: “Tân Tỳ cầm phù tiết đến, quân giặc sẽ không xuất quân.” Việc này quả nhiên như dự liệu của Gia Cát Lượng: “Tư Mã Ý vốn không có lòng tác chiến, sở dĩ vẫn nhất định thỉnh cầu xuất kích chẳng qua là hiển thị với tướng sĩ rằng ông ta dũng cảm dám dùng vũ lực cất quân mà thôi. Tướng ở ngoài, mệnh vua có thể không tiếp nhận. Nếu ông ta có thể chiến thắng được quân ta thì đâu có sai người đi ngàn dặm xa xôi xin xuất kích làm gì”. 

Để dò xét tình hình quân địch, Gia Cát Lượng sai sứ giả đến quân Ngụy. Tư Mã Ý tiếp kiến sứ giả, ông ta cũng giống Gia Cát Lượng, muốn biết thực hư đối phương. Tư Mã Ý hỏi thăm tình hình công việc, ăn uống sinh hoạt hàng này của Gia Cát Lượng, duy chỉ chuyện về phương diện quân sự thì không hỏi.

“Gia Cát Lượng sáng dậy sớm, tối ngủ muộn, việc công nhiều và bận rộn. Ngay cả việc như phạt 20 trượng trở lên, không việc gì là không hỏi ông. Công văn đến, đi, đều đích thân tự xem xét phê duyệt. Nhưng ăn thì không ổn, mỗi ngày chỉ ăn vài ba thưng,” sứ giả trả lời. 

Nghe được những lời này, Tư Mã Ý trong lòng nhẹ nhõm hẳn lên. Ông nói với các bộ tướng rằng: “Khổng Minh ăn ít mà công việc nhiều, như thế này thì đại hạn của ông ta sẽ rất mau đến”. 

Tư Mã Ý trên phim ảnh. (Ảnh: youtube)

Tiên vương phó thác ấu chúa, sự vụ nhà Thục Hán không kể lớn nhỏ, Gia Cát Lượng đều đích thân xử lý. Năm lần bắc phạt, khiến ông tích tụ mệt nhọc thành bệnh. Lúc này Tôn Ngô hẹn ước cùng bắc chinh xuất quân không có lợi nên đã lui binh về Giang Nam. Gia Cát Lượng lo nghĩ trùng trùng. Ông đã cảm thấy mình sức lực không gắng gượng được nữa. Không lâu sau liền bị bệnh không dậy được. Hậu chủ Lưu Thiện sai thượng thư bộc xạ Lý Phúc đến thăm hỏi, đồng thời hỏi chuyện quốc gia đại sự. Gia Cát Lượng nói chuyện xong, Lý Phúc cáo biệt ra về. Mấy ngày sau, Lý Phúc lại quay trở lại tiền tuyến đến doanh trại của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng nói: “Tôi biết ông sẽ quay lại. Mấy hôm nay, tuy đã nói hết mấy ngày rồi, nhưng ý vẫn chưa hết. Có một số chuyện vẫn chưa nói. Điều ông muốn hỏi, tôi thấy Tưởng Uyển là người thích hợp”. 

Lý Phúc xin lỗi đáp tạ: “Mấy hôm trước, thực sự đã thất vấn, sau khi ngài trăm tuổi, ai có thể đảm nhiệm trọng trách, là người kế thừa sau này? Lần này trở lại chính là muốn thỉnh giáo ngài lần nữa”. 

Gia Cát Lượng lúc lâm chung vẫn lo chuyện quốc gia đại sự, chỉ sợ không chu toàn. Lý Phúc chưa nói ra mà trong lòng Gia Cát Lượng đã hiểu rõ cả rồi, và chủ động nói cho ông ta biết.

“Vậy sau Tưởng Uyển thì ai có thể kế nhiệm?” Lý Phúc lại hỏi.

“Phí Y có thể làm được người kế nhiệm”. 

Lý Phúc lại hỏi: “Sau đó thì ai có thể gánh vác trọng trách?”.

Gia Cát Lượng nghĩ đến tiền đồ nhà Thục Hán, trong lòng rầu rĩ đau xót. Ông trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, cũng đã không còn sức để thổ lộ tiếng lòng nữa.

Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. Hôm đó, Gia Cát Lượng ở tuổi 54, đã qua đời do trọng bệnh khi ở trong quân ngũ trên cao nguyên Ngũ Trượng.

Bộ tướng là Dương Nghi căn cứ theo sắp đặt của Gia Cát Lượng lúc còn sống, dẫn quân rút lui. Tư Mã Ý dẫn quân đuổi gấp theo. Khương Duy lệnh cho Dương Nghi điều chuyển quân đội, cờ chiến bày về hướng quân Ngụy, trống trận nổi thùng thùng, bày ra thế tấn công quân Ngụy.

Tư Mã Ý thấy quân Thục bày thế trận, trong lòng nghĩ, đây ắt là mưu kế của Gia Cát Lượng rồi. Mọi người nói với ta là ông ta đã chết, chẳng phải là kế lừa người của Gia Cát Lượng đó sao?

Tư Mã Ý vội vàng thu quân rút lui. Dương Nghi thu trận thế rời đi. Thế là dân chúng truyền nhau câu ngạn ngữ: “Gia Cát chết còn lừa đuổi được Trọng Đạt sống (tức Tư Mã Ý)”.

Tư Mã Ý nghe được câu ngạn ngữ đó, buồn rầu và bất lực cười nói rằng: “Ta có thể dự liệu được hành vi tiết độ của Gia Cát Lượng đang sống, nhưng không thể dự tính được mưu lược kỳ tài vĩ đại của Gia Cát Lượng sau khi chết”.

Tư Mã Ý tuần sát bố cục doanh trại chiến lũy của Gia Cát Lượng, trong lòng cảm phục vị đối thủ này của mình rằng: “Quả là bậc kỳ tài trong thiên hạ”.

Đến khi Tư Mã Ý lại dẫn quân truy đuổi gấp thì đã không thấy bóng dáng quân Thục đâu nữa. Đuổi đến Xích Ngạn đành phải trở về.

Gia Cát Lượng lúc còn sống đã dâng biểu bẩm tấu Hậu chủ Lưu Thiện rằng:

“Nhà hạ thần ở Thành Đô có 800 cây dâu, 15 mẫu ruộng bạc màu, đủ ăn mặc cho anh em, con cháu. Còn hạ thần làm quan ở ngoài, không có thu nhập nào khác, việc ăn mặc của bản thân hạ thần đều theo chế độ cung cấp, ngoài lương ra, không có thu nhập nào khác, không có mưu sinh khác. Đến khi hạ thần chết, vẫn sẽ đảm bảo ở nhà không có lụa dư, ở ngoài không có tài sản, không để phụ lòng bệ hạ.”

Gia Cát Lượng thanh liêm như thế đó.

Gia Cát Lượng để lại cho hậu nhân tấm gương sáng về một thừa tướng “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. (Ảnh: kknews.cc)

Con nối nghiệp cha, giữ gìn cương thổ

Gia Cát Lượng khi tuổi cao mới có một con trai, tên là Gia Cát Chiêm. Khi cha chết, cậu mới 8 tuổi.

Năm Viêm Hưng thứ nhất (năm 263), Tào Ngụy Chinh tây tướng quân là Đặng Ngải, xuất quân từ Âm Bình thảo phạt Thục Hán. Đặng Ngải hành quân 700 dặm giữa những đỉnh núi non của vùng Tung Sơn hiểm trở, gặp núi hiểm thì phá núi mở đường, gặp suối khe thì chặt cây bắc cầu, suốt dọc đường gian khổ, lương thảo sắp cạn, đã ở bờ vực tuyệt cảnh. Đặng Ngải chẳng để ý đến sống chết, trên đường hành quân sống sót giữa hiểm nguy, ông dùng chăn dạ quấn quanh người, từ trên đỉnh núi thuận theo dốc mà lăn mình xuống. Tướng sỹ cảm phục, bám dây leo, cây cối ở vách núi, người này kéo người kia, nối nhau tiến bước. Quân đội của Đặng Ngải đến Giang Du, tướng trấn thủ của Thục Hán thất kinh, cho rằng Đặng Ngải là thiên binh giáng trần, thế là không đánh mà đầu hàng.

Con trai Gia Cát Lượng là Gia Cát Chiêm thống soái các tướng lĩnh dũng cảm chống cự Đặng Ngải. Quân đội đến Phù Thành hạ trại. Có người kiến nghị với ông, nên rời khỏi Phù Thành, mau chóng hành quân tìm nơi hiểm yếu trấn thủ, chặn yết hầu đường tiến quân của quân địch xâm chiếm bình nguyên. Nhưng Gia Cát Chiêm do dự không quyết, không tiếp nhận. Người can gián khuyên can mấy lần, đến mức khóc lóc đau đớn, Gia Cát Chiêm vẫn không nghe theo.

Đặng Ngải tiến quân thọc sâu, quân tiên phong Thục Hán vừa đánh đã tan vỡ.

Gia Cát Chiêm lui quân về trấn giữ Miên Trúc. Đặng Ngải gửi thư dụ hàng Gia Cát Chiêm rằng: “Nếu đầu hàng, nhất định sẽ dâng biểu xin phong ngài làm Lang Gia vương”. 

Lang Gia là cố hương của Gia Cát Lượng. Gia Cát Chiêm đọc xong thư vô cùng tủi hổ về sự bất tài của mình, đã làm tủi nhục sự tôn nghiêm của cha ông. Ông nổi giận chém sứ giả. 

Gia Cát Chiêm dàn trận đợi Đặng Ngải, muốn quyết sống chết. Đặng Ngải sai con trai là Đặng Trung chia quân làm hai lộ tả hữu, vây chặt Gia Cát Chiêm. Hai bên giao chiến, thi thể phơi đầy cánh đồng, tối tăm cả trời đất. 

Đặng Trung thua trận rút quân về trại báo cáo rằng: “Giặc Thục không thể phá được”. 

Đặng Ngải nổi giận ngút trời: “Sống chết tồn vong là ở trận này, sao được phép nói không thể chiến thắng”. Nói rồi nghiêm giọng quát muốn đem 2 tướng của Đặng Trung ra lập tức chém đầu để nghiêm quân pháp. 

Hai tướng Đặng Trung vội vàng phi ngựa quay lại tiền tuyến, lại lần nữa giao chiến với Gia Cát Chiêm. Quân Ngụy liều chết đánh giáp lá cà. Gia Cát Chiêm thề chết chống cự. Bởi tương quan hai bên quá lớn, Gia Cát Chiêm quân ít dốc sức chiến đấu, cuối cùng binh bại tử vong. 

Gia Cát Chiêm và các quân sĩ dù tử chiến nhưng không chống nổi quân Ngụy, ải Miên Trúc bị mất, Hậu chủ Lưu Thiện đầu hàng. (Ảnh minh họa: youtube)

Con trai Gia Cát Chiêm là Gia Cát Thượng lúc đó mới 10 tuổi. Vị tiểu tướng Gia Cát Thượng này là cháu nội Gia Cát Lượng, nghe tin cha mình là Gia Cát Chiêm tử trận, đau buồn vô cùng, thét lên một tiếng, lập tức phóng ngựa múa kiếm xông thẳng vào quân Ngụy, khảng khái lao vào chỗ chết.

Đặng Ngải thừa thắng tiến quân, thẳng tới đất Lạc cách Thành Đô 80 dặm. Hậu chủ Lưu Thiện triệu tập quần thần bàn đối sách hoặc hàng hoặc chiến. Cuối cùng Lưu Thiện tham sống sợ chết nghe theo lời Quang lộc đại phu Tiều Chu quyết định đầu hàng Đặng Ngải.

Sau khi Lưu Thiện đầu hàng, lập tức lệnh cho Khương Duy đang giao chiến với Chung Hội khoanh tay hàng địch. Binh sỹ Khương Duy nghĩa khí đầy lòng, nhất loạt rút gươm đao, bất lực chém vào vách đá.

Nhà Thục Hán đã kết thúc trong tiếng gươm chém vách đá của binh sỹ Khương Duy. Nhưng ba đời Gia Cát Lượng trung liệt vẫn mãi lưu truyền hậu thế.

Quả đúng là:

Gia Cát danh cao toàn vũ trụ
Trung nghĩa truyền gia thế vô song
Con cháu ba đời đều tuẫn tiết
Đất trời nhỏ lệ ánh mây sầu
Cúc cung tận tụy cao khí tiết
Một nhà trung liệt sáng muôn đời
Khí vút cầu vồng anh linh mãi
Vạn cổ ngàn thu ngát trời xanh…

(Theo “Tam Quốc chí”)

Minh Huệ Net

Bạn đang đọc bài viết: “Gia Cát Lượng một nhà ba đời trung nghĩa, lưu tấm lòng son với sử xanh” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||9983cd854__