Trước khi chết Gia Cát Lượng để lại di chúc căn dặn rằng: “Hãy mai táng ông tại núi Định Quân, Hán Trung. Lấy núi làm mộ, đào đất đủ chứa quan tài là được, tiết kiệm trang phục, không cần vật tùy táng”… Đọc những dòng này, không khỏi khiến hậu nhân ngậm ngùi tán thán!

Từ sau khi được Lưu Bị phó thác cơ nghiệp đại sự và chuyện con cái tại thành Bạch Đế, Gia Cát Lượng dùng thân phận Thừa tướng ‘cúc cung tận tụy’ phò tá hậu chủ của Thục Hán là Lưu Thiền, quản lý quốc gia đại sự…

Lưu Thiền tuân thủ di ngôn của cha mình, đem hết toàn bộ công việc quân sự, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ đều giao cho Thừa tướng Gia Cát Lượng quyết định. Còn đối với Lưu Thiền, Gia Cát Lượng cũng tuân thủ lời hứa của mình với Lưu Bị, thực sự thực hiện được lời hứa của bản thân “làm tròn chức trách phò tá vua của một đại thần, noi theo tấm gương trung thành của người xưa, cho đến lúc chết mới thôi”. Vì vậy mà nước Thục được yên ổn thái bình.

Nhân sĩ Ích Châu muốn có minh quân

Trước khi Lưu Bị đi vào đất Thục, vùng đất này do Lưu Chương quản lý. Lưu Chương, tự Quý Ngọc, thừa kế vị trí Ích Châu Mục của cha mình là Lưu Yên. “Tam Quốc Chí” nói Lưu Chương “thiếu phán đoán sáng suốt”, “tài không xuất chúng, nhưng sống trong loạn thế, tài không xứng với vị trí thì dẫn đến tai họa, đây là đạo lý tự nhiên, ông muốn tranh đoạt, cũng không phải điều không tốt”. “Long Trung đối sách” của Gia Cát Lượng chỉ ra rằng: “Lưu Chương nhu nhược, Trương Lỗ ở phía bắc, dân giàu nước mạnh mà không biết cứu tế, nhân sĩ tài giỏi muốn có một minh quân”.

Lưu Chương không có đủ sức mạnh để áp chế các vị tướng kiêu căng, cũng không có năng lực tuyển chọn hoặc trọng dụng nhân tài kiệt xuất, các quan viên có tài cán dưới trướng ông như Trương Tùng, Pháp Chính đều lên kế hoạch nghênh đón Lưu Bị vào Thục, đúng như “Long Trung đối sách” của Gia Cát Lượng nói: “Nhân sĩ tài giỏi ở Ích Châu muốn có một minh quân”.

Sau khi Lưu Bị giành được Ích Châu, sắp xếp cho thuộc hạ cũ của Lưu Chương rất thỏa đáng, rất được lòng người. “Tam Quốc Chí” ghi chép: “Đổng Hòa, Hoàng Quyền, Lý Nghiêm vốn được Chương yêu mến trọng dụng,  Ngô Ý, Phí Quan lại còn là họ hàng của Chương, Bành Dạng là người bị Chương bài trừ, Lưu Ba luôn là người mà Chương căm hận, tất cả họ đều được đảm nhận vị trí quan trọng, nhân sĩ có tài, nhân sĩ có chí lớn, không ai là không được khích lệ”.

Đoạn viết trên có nghĩa là trước đây bất luận là người được Lưu Chương trọng dụng, người thân cận với Lưu Chương, người bị Lưu Chương bài trừ hay là người mà ông luôn đố kỵ căm hận, thì Lưu Bị đều ủy thác chức vụ quan trọng cho họ, những người có nhiều tài năng và chí hướng lớn thì đều được khích lệ. Điều này không chỉ xoa dịu sự mâu thuẫn không thể giải quyết trong thời kỳ của Lưu Chương, mà còn giúp cho nền tảng của Lưu Bị ở Ích Châu được vững chắc hơn,

Gia Cát Lượng (Wikipedia)

Trọng dụng nhân tài địa phương

Sau khi Gia Cát Lượng chấp chính, ông có ý tận dụng nhân tài địa phương ở Ích Châu. Trong Đỗ Vi truyện của “Tam Quốc Chí” có ghi chép: “Năm Kiến Hưng thứ hai (năm 224), thừa tướng Gia Cát Lượng đảm nhận Ích Châu Mục, tuyển chọn những nhân tài đức cao vọng trọng, chọn Tần Mật làm Biệt giá, Ngũ Lương làm Công tào, Đỗ Vi làm Chủ bạ”.

Tần Mật tự Tử Sắc, là người Cẩm Trúc, Quảng Hán (nay thuộc Đức Dương Bắc, Tứ Xuyên) học rộng hiểu nhiều, rất giỏi tranh biện. Đỗ Vi là một người già cả bị điếc, sau khi Lưu Bị bình định đất Thục, Đỗ Vi đóng cửa không ra khỏi nhà. Khi Gia Cát Lượng lên nắm quyền, ra lệnh cho Đỗ Vi làm Chủ bạ Ích Châu, Đỗ Vi từ chối, Gia Cát Lượng liền sai người đưa xe đến nhà Đỗ Vi nghênh đón. Sau khi hai người gặp mặt, Gia Cát Lượng liên tiếp viết hai ra bài văn chương để khuyên Đỗ Vi, hy vọng Đỗ Vi có thể phò tá hậu chủ (tức Lưu Thiền), nhưng vì ông già cả tai điếc, cuối cùng Gia Cát Lượng lệnh cho Đỗ Vi làm Gián nghị đại phu.

Theo “Hoa Dương Quốc Chí” ghi chép, sau khi Lưu Bị vào Thục, ông rất xem trọng đội quân cũ của Kinh Sở. Nhưng mà, Gia Cát Lượng nhìn thấy chính quyền Thục Hán cần phải đứng vững tại Ích Châu, cần phải tuyển chọn nhân tài địa phương.

Từ ghi chép trong các truyện của “Thục Ký” cho thấy, nhân tài địa phương Ích Châu như Trương Duệ, Dương Hồng, Mã Trung, Vương Bình, Câu Phù, Trương Dực, Trương Nghi, Lý Khôi đều được đảm nhận chức vị quan trọng, chỉ thấp hơn Thừa tướng hoặc Đại tướng quân một chút mà thôi, cho nên “người dân Tây Thổ đều rất bội phục Gia Cát Lượng có thể tận dụng nhân tài của thời bấy giờ”. Hán Thục chỉ với một vùng đất Ích Châu, mà có thể đối kháng cân bằng với Tào Ngụy, một trong những nguyên nhân chủ yếu chính là nhờ giỏi dùng người.

Từ sau nhà Hán, nhân tài bản địa Ích Châu luôn bị xem thường, Gia Cát Lượng có thành ý trọng dụng họ, họ đương nhiên là vui vẻ ủng hộ Gia Cát Lượng. Vì vậy, Gia Cát Lượng nhiều năm Bắc phạt, yêu cầu Ích Châu giao nộp binh và cung cấp lương thực, chưa từng thấy có quan viên quyền quý nào phản đối, họ còn tích cực tham gia vào tiền tuyến quân sự.

Xem xét thời thế để thi hành chính sách, ân đức và hình phạt bổ trợ cho nhau

Bên trong Vũ Hầu Từ ở Thành Đô có một câu đối liễn, trên ở chính giữa phía trước Gia Cát Lượng Điện, do Triệu Phan viết vào năm Quang Tự thứ 28 của nhà Thanh (năm 1902). Nguyên văn là: “Năng công tâm tắc phản trắc tự tiêu, tòng cổ tri binh phi hiếu binh; bất thẩm thế tức khoan nghiêm giai ngộ, hậu lai trị thục yếu thâm tư”. Đây là tổng kết kinh nghiệm sai lầm trong việc cai trị nước Thục. (Đại ý của hai câu liễn là: có thể sử dụng chiến thuật tấn công tâm lý tức công tâm trong chiến đấu thì sau này kẻ địch sẽ khiếp sợ mà không dám làm phản. Từ xưa người am hiểu binh pháp sẽ không hiếu chiến. Không tra xét rõ thời thế thì chính sách khoan nhượng hay nghiêm khắc đều là sai lầm, người trị vì đất Thục sau này cần phải suy nghĩ kỹ càng).

Trong thời Lưu Chương, ông ta không cách nào khống chế được những quý tộc cường quyền ở Ích Châu, đành phải khoan dung thả lỏng. Gia Cát Lượng cho rằng, muốn cai trị tốt đất nước, đầu tiên cần phải dựa vào nhân đức để cảm hóa và giáo dục, đồng thời bổ sung thêm “chế định pháp luật và thưởng phạt rõ ràng”. Ông nói trong bài văn “Trị quốc” rằng: “Chính sách cai trị đất nước, giống như quản lý gia đình, người quản lý gia đình cần phải xây dựng căn bản trước, xây dựng được căn bản rồi thì những cái về sau sẽ phát triển thuận lợi”. “Cái gọi là căn bản – căn bản trị quốc, chính là khuôn phép thông thường, cái trọng yếu của quy định”.

Trong “đáp pháp chính thư” Gia Cát Lượng chỉ ra khuyết điểm cai trị đất Thục của Lưu Chương, trong đó có đề cập đến: Ích Châu trải qua sự thống trị trong hai đời Lưu Yên và Lưu Chương, Lưu Chương tính tình nhu nhược, pháp luật lỏng lẻo, chỉ làm hình thức bên ngoài, quan viên tâng bốc lẫn nhau, không thực thi chính trị nhân đức, cũng không có uy nghiêm trong lòng bá tánh. Đám cường hào ở Ích Châu mới dám tùy tiện làm càn, đạo nghĩa quân thần mới ngày một đi xuống. Vì vậy cần phải có pháp lệnh nghiêm minh, làm thiện phải thưởng, làm ác phải phạt, vinh quang và ân sủng thực thi cùng một lúc, trên dưới đều phải chấp hành.

Chính sách pháp lệnh nghiêm minh của Gia Cát Lượng không chỉ hạn chế được đám cường hào mà còn khích lệ họ, vì vậy, chính trị của đất Thục trở nên rất rõ ràng.

Vì để chỉnh đốn tác phong và cách cai quản của quan địa phương, sửa đổi hiện tượng hủ bại trong quan trường, Gia Cát Lượng ra lệnh cho Lý Nghiêm, Pháp Chính, Lưu Ba, Y Tịch lập  ra “Thục Khoa”, và đích thân chế định quy tắc kiểm tra giám sát quan viên. Theo “Ngụy Thị Xuân Thu” ghi chép: “Lượng lập ra ‘bát vụ’, ‘thất giới’, ‘lục khủng’, ‘ngũ cụ’, tất cả đều có quy định điều luật, để giáo huấn thần tử”.

Trong bài văn “giáo lệnh” ông thể hiện rõ ràng rằng: “giáo lệnh vi tiên, tru phạt vi hậu”, ý của câu này có nghĩa là cai trị đất nước đầu tiên phải thực thi chính sách giáo hóa nhân nghĩa, ban bố pháp luật để bá tánh và bá quan biết chừng mực, hiểu ra cái gì được làm, cái gì không được làm, sau đó mới tiến hành xử phạt những người phạm vào pháp luật, cuối cùng đạt đến trạng thái không cần mệnh lệnh mà áp chế được, chính trị có trật tự, khiến mọi người tâm phục khẩu phục.

Gia Cát Lượng diệt Lưu Phong, giết Bành Dạng, chém Mã Tốc, cắt chức Hàn Mẫn, bãi chức Liêu Lập, phế Lý Nghiêm, không câu nệ hoàng thân quốc thích, thuộc hạ thân cận, con cái trọng thần. Còn những người bị xử phạt, tội ác hoặc sai lầm của họ đều là có bằng chứng đầy đủ, không thể nào chối cãi được.

Như Trường Thủy hiệu úy Liêu Lập từng được Gia Cát Lượng xem là nhân tài có thể sánh ngang với Bàng Thống, nhưng sau này Liêu Lập vì tranh giành danh lợi và rút đao giết người mà bị lưu đày đến Vấn Sơn. Tuy nhiên, khi Liêu Lập nghe tin Gia Cát Lượng qua đời thì lại đau buồn đến nỗi khóc thương thảm thiết.

Lý Nghiêm là trọng thần của Thục Hán, ông cũng giống Gia Cát Lượng, đều là đại thần được Lưu Bị phó thác con cái trước lúc chết, sau này đổi tên thành Lý Bình, tự Chính Phương. Mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 9 (năm 231), Gia Cát Lượng cho quân đi đánh Hán Trung, lệnh Lý Bình giám sát vận chuyển lương thảo, gặp đúng lúc mùa mưa kéo dài nhiều ngày, vận chuyển lương thảo bị chậm trễ, ông viết thư kêu Gia Cát Lượng lui binh, lui binh hết rồi, ông lại sợ gánh vác trách nhiệm, liền dùng thủ đoạn hai mặt, bị Gia Cát Lượng vạch trận ngay tại chỗ, Lý Bình đuối lý không chối cãi được. Cuối cùng Lý Bình bị xử theo quân pháp, bị phế làm thứ dân, lưu đày đến quận Từ Đồng.

Sau khi trị tội Lý Bình, Gia Cát Lượng viết thư cho con trai Lý Bình là Lý Phong lúc đó đang giữ chức vụ Trung lang tướng tham quân, kêu Lý Phong khuyên cha mình, tự kiểm điểm lại lỗi lầm xưa, chỉ cần một lòng vì đất nước thì vẫn có đường ra. Năm Kiến Hưng thứ 12, nghe tin Gia Cát Lượng mất, Lý Bình biết rằng không thể quay trở lại làm quan, đau buồn mà chết.

 Tập Tạc Xỉ của nhà Tấn bình luận về “Hán Tấn Xuân Thu” như sau: “Năm xưa Quản Trọng dựa theo pháp chế, tước đoạt đi thái ấp (tức lãnh địa) ba trăm hộ ở Biền Ấp của Bá Thị, cả đời Bá Thị đều không một lời oán trách, Thánh nhân cho rằng làm được như vậy là rất khó. Gia Cát Lượng có thể khiến Liêu Lập khóc than cho cái chết của ông, khiến Lý Nghiêm vì cái chết của ông mà đau buồn đến chết, đây không phải là không một lời oán trách hay sao? Nước bằng phẳng nhất nên người nghiêng ngả tự nhìn mình trong nước không thể không phục. Gương sáng rõ nhất nên người xấu xí soi mình trong gương cũng không lời oán trách. Nước và gương có thể hiển thị bộ mặt vốn có của con người, nhưng lại không làm người ta oán hận, nguyên nhân là vì chúng không có tâm vị kỷ, nước và gương không có tâm vị kỷ, còn có thể tránh được bị phỉ báng, huống hồ người quân tử có tấm lòng muốn người dân an cư lạc nghiệp, có đức hạnh khoan dung thương người, trong tình huống bất đắc dĩ mới phải thi hành luật pháp và hình phạt lên trên người của những kẻ phạm tội, phong tước vị cho người khác tuyệt đối không phải xuất phát từ lòng vị kỷ, xử tội chết mà không oán trách, trong thiên hạ có ai không tâm phục khẩu phục chứ! Vì vậy có thể nói Gia Cát Lượng rất khéo léo trong việc sử dụng hình phạt, từ nhà Tấn, Hán đến nay đều chưa có người nào như vậy”.

Lấy thân làm gương, một đời thanh liêm chính trực và mỹ đức

Thành tựu cai trị nước Thục của Gia Cát Lượng cũng có liên quan đến việc ông có thể lấy thân mình làm gương. Phẩm chất đạo đức và trí tuệ của Gia Cát Lượng đều được mọi người tôn trọng và kính ngưỡng.

Bất luận là việc lớn hay việc nhỏ Gia Cát Lượng đều đích thân xử lý, theo “Ngụy Thị Xuân Thu” ghi chép: “Gia Cát công thức khuya dậy sớm, phạt trên 12 trượng, đều đích thân tra xét”. Trong “Tương Dương Ký” ghi chép, Chủ bạ của Gia Cát Lượng là Dương Ngung nói rằng, Gia Cát Lượng đích thân kiểm tra lại sổ sách, nóng đến cả ngày chảy mồ hôi không dừng.

Bắt đầu từ Gia Cát Phong trở đi tác phong truyền thống của gia đình Gia Cát Lượng đã nổi tiếng là “độc lập cương trực”, bản thân Gia Cát Lượng cũng là một người cao thượng xem phú quý là phù du.

Năm Kiến Hưng thứ 12 (năm 234), Gia Cát Lượng thống lĩnh mười vạn đại quân, tiến hành cuộc chinh phạt phương bắc lần thứ năm. Trước khi ra trận, ông đưa một bản tấu biểu cho hậu chủ Lưu Bị: Lượng tự mình nói rõ với hậu chủ rằng: “Kinh đô có tám trăm cây dâu tằm, có 15 khoảnh ruộng không quá màu mỡ, cơm ăn áo mặc của con trai và anh em, họ đều có dư giả. Còn thần nhậm chức ở bên ngoài, không có chi tiêu nào khác, cơm ăn áo mặc của bản thân, đều nhờ vào bổng lộc của chức quan, không kinh doanh nghề khác để kiếm thêm thu nhập cho bản thân. Nếu đến ngày thần chết, sẽ không có tình trạng bên trong dư thừa lụa là gấm vóc, bên ngoài dư thừa tiền của, làm phụ lòng của bệ hạ”.

Toàn bộ gia sản của Gia Cát Lượng chỉ có 15 khoảnh ruộng, trong đó bao gồm ruộng dâu tằm trồng 800 cây. Theo như cách tính của nhà Hán thì một khoảnh là 100 mẫu (một mẫu thời đó tương đương với 0,69 mẫu của thời nay), Gia Cát Lượng sở hữu tương đương hơn một ngàn mẫu ruộng theo cách tính thời nay.

Theo “Tấn Thư Thực Hóa Chí” ghi chép, vào những năm đầu thời kỳ Tây tấn có quy định rõ ràng về số lượng ruộng đất mà quan viên được sở hữu: “Quan nhất phẩm chiếm 50 khoảnh, quan nhị phẩm chiến 45 khoảnh, quan tam phẩm chiếm 40 khoảnh…. Quan bát phẩm chiếm 15 khoảnh, quan cửu phẩm chiếm 10 khoảnh”. Từ đó cho thấy, tuy Gia Cát Lượng là quan nhất phẩm, địa vị rất cao, nhưng ruộng đất của ông chỉ tương đương với số ruộng mà một quan bát phẩm nhỏ nhoi sở hữu.

Gia Cát Lượng cho rằng, dựa vào chút ít ruộng vườn đó để trồng dâu tằm, người nhà chăm chỉ là đủ lo cơm ăn áo mặc cho con cháu, bản thân ông dẫn binh đi đánh trận ở bên ngoài, quần áo và lương thực mang theo bên mình thường ngày đều là dựa vào bổng lộc, ông không có suy nghĩ và ham muốn không đúng với bổn phận.

Gia Cát Lượng nói rõ là ông nhậm chức ở bên ngoài “không có chi tiêu nào khác”, nghĩa là không lợi dụng chức vụ đưa quân đi đánh trận ở bên ngoài để khéo lập ra một số danh mục, để kiếm thêm tiền của cho bản thân, không để triều đình hoàn trả những chi phí bổ sung, không kêu gọi hoặc ám chỉ người khác tặng tiền tặng lễ vật cho mình. Ngoài ra, cả đời ông “bất biệt trị sinh, dĩ trưởng xích thốn”, tức là trước giờ không kinh doanh nghề khác để tăng thêm bất cứ một tài sản riêng nào cho gia đình, hơn nữa “bất sử nội hữu dư bạch, ngoại hữu doanh tài”, có nghĩa là ông sẽ không để trong gia đình có vải vóc dưa thừa, bên ngoài có nhiều tài sản dư thừa, cho dù là một tất đất một nén vàng cũng không tích lũy. Trong “Tư trị thông giám” viết: “chết giống như ông đã nói” – nghĩa là lúc Gia Cát Lượng qua đời, tình trạng gia đình giống như những gì ông đã từng nói, trong nhà và ngoài nhà đều có không tiền của dư thừa, không giàu sang phú quý.

Gia Cát Lượng tác phong công bằng chính trực, không nghe lời nịnh hót, khiêm tốn lắng nghe, “ban thưởng không bỏ sót những người xa lạ, xử phạt không khoan dung những người thân cận, không có công thì không được được chức tước, phú quý quyền thế không được miễn hình phạt, đây là nguyên nhân mà nhân tài có đức đều có thể quên thân mình vì đất nước”.

Trước khi chết Gia Cát Lượng để lại di biểu, di chúc, khiến cho người đời sau đọc xong đều không khỏi nảy sinh lòng kính trọng ông, nội dung như sau: “Thần mong bệ hạ có thể tâm cảnh thuần khiết thanh tịnh, tiết chế bản thân và yêu thương dân chúng”. Cũng trong bản di chúc, Gia Cát Lượng để lại lời căn dặn rằng hãy “mai táng ông tại núi Định Quân, Hán Trung, lấy núi làm mộ, đào đất đủ chứa quan tài là được, tiết kiệm trang phục, không cần vật tùy táng”.

Dưới sự cai trị của Gia Cát Lượng, chính trị Thục Hán có thay đổi tích cực hơn thời của Lưu Chương, và chính trị của Thục Hán cũng tốt hơn hai nước Ngụy và Ngô của thời bấy giờ.

Sau khi sứ thần của nước Ngô là Trương Ôn đi sứ nước Thục quay về, từng khen ngợi chính trị nước Thục. Khi đó đại thần có tài năng và mưu trí của nước Ngụy như: Lưu Diệp, Giả Hủ cũng nói rằng Gia Cát Lượng rất giỏi cai trị đất nước. Trần Thọ liên tục ca tụng thành quả cai trị nước Thục của Gia Cát Lượng trong “Gia Cát Lượng Truyện”, còn đối với hai quân chủ của nước Ngụy và Ngô chưa từng diễn tả khen ngợi như vậy.

Sau khi Gia Cát Lượng chết, nỗi nhớ của bá tánh Thục Hán dành cho Gia Cát Lượng suốt mấy chục năm đều chưa từng suy giảm, Trần Thọ và Viên Chuẩn đều nói là bá tánh tưởng nhớ Khổng Minh giống như người dân Tây Chu tưởng nhớ Thiệu Công (tức Thiệu Công Thích). Có thể thấy Gia Cát Lượng được người đương thời yêu mến ca tụng như thế nào.

Gia Cát Lượng cai trị đất nước rất chú trọng kinh tế, ra sức phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm, vì vậy, tơ tằm nước Thục trở thành sản vật nổi tiếng Trung Quốc. Tạ Tư nói trong “Thục Đô Phú” rằng: “Của cải chất đống như núi, vải vóc lộng lẫy như sao trên trời… Trăm hộ gia đình rời khỏi nhà, máy dệt thoăn thoắt hài hòa. Màu sắc họa tiết tuyệt đẹp trên vải được hoàn tất, vẫn phải cho xuống sông để loại bỏ những màu không cần thiết”. Đây chính là bức tranh chân thực về nghề sản xuất gấm của Thục thời bấy giờ. Gia Cát Lượng cho rằng: “Nay dân nghèo nước yếu, thiếu của cải để giao chiến với địch, chỉ có thể dựa vào nghề bán gấm Thục mà thôi”.

Gia Cát Lượng khuyến khích người dân làm ruộng trồng lúa, phát triển ngành nông nghiệp, để dân không bỏ lỡ vụ mùa trồng trọt, chỉ có giảm nhẹ thuế cho dân, không lấy hết toàn bộ tài sản của dân. Giúp hơn một ngàn tám trăm người có cuộc sống yên ổn, bảo vệ được Giang Đô Yển.

Gia Cát Lượng còn tận dụng thiên nhiên, phát triển ngành muối, hạn chế ủ rượu, nâng cao kỹ thuật nấu luyện kim khí, thiết lập các chức: Yển quan, Cẩm quan, Tư kim trung lang tướng, Điển nông hiệu úy, Diêm phủ hiệu úy… nhằm giúp triều đình đôn đốc việc phát triển các ngành nghề kinh tế trọng yếu, thúc đẩy dân sinh quốc gia, giúp chính quyền của Thục Hán xuất hiện cảnh tượng phồn vinh “ruộng đất phát triển, kho lương đầy đủ, binh khí sắc bén, tích góp dư thừa”.

Đất nước thái bình, mạnh không hiếp yếu; văn hóa phong tục thuần chính, rạng rỡ…

Sau khi Gia Cát Lượng chết, Tưởng Uyển, Phí Huy thay phiên nhau lên nắm quyền, “dựa theo quy định mà Gia Cát Lượng lập ra, kéo dài mà không cải cách”, câu này nghĩa là phần lớn chế độ chính trị của Thục Hán đều là do Gia Cát Lượng chế định ra, và được đời sau tiếp tục thừa kế chứ không thay đổi.

Trần Thọ cho rằng, Gia Cát Lượng đảm nhận chức vụ Thừa tướng, lo nghĩ cho bá tánh, sử dụng quy tắc lễ nghi để trói buộc bá quan, tùy cơ ứng biến, thành tâm đối đãi mọi người, công bằng vô tư. Có công thì được thưởng, gây họa thì phải chịu phạt. Cuối cùng có được sự kính nể và yêu mến của bá tánh, mặc dù luật pháp rất nghiêm minh, nhưng lại không có ai sinh lòng oán hận. Gia Cát Khổng Minh rất công bằng, khuyên giải rõ ràng, là nhân tài trị quốc sánh ngang Quản Trọng, Tiêu Hà.

Trong “Tiến Gia Cát Lượng Tập Biểu”, Trần Thọ đánh giá thành tích chính trị trong giai đoạn Gia Cát Lượng cai trị nước Thục như sau: Sau khi Lưu Bị chết, hậu chủ Lưu Thiền còn yếu kém: “Chuyện dù lớn nhỏ, để Lượng cai quản. Vì thế bên ngoài liên kết Đông Ngô, bên trọng bình định Nam Việt, thiết lập chế độ luật pháp, chỉnh đốn quân sự, nâng cao kỹ thuật máy móc, tạo ra sản phẩm tinh xảo, dạy dỗ nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng, không có tội ác nào không bị trừng trị, không có việc thiện nào không được khen ngợi, khiến cho quan viên không dám gian trá, người người tự khích lệ bản thân, đất nước thái bình, kẻ mạnh không hiếp đáp kẻ yếu, văn hóa phong tục nghiêm chỉnh và tốt đẹp”.

Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch