Sinh thời, đại y học gia Tôn Tư Mạc từng viết trong tác phẩm “Thiên kim yếu phương” rằng: “Đức hạnh không ước thúc thì dẫu uống kim đan ngọc dịch cũng không thể sống lâu”; “Đạo đức một ngày nào đó đủ đầy thì không cầu thiện mà tự có phúc, không cầu thọ mà tự sống lâu vậy”…
Ý nghĩa của đoạn lời trên là, nếu đạo đức con người bất hảo thì dẫu có uống Tiên đan diệu dược cũng không thể kéo dài tuổi thọ được. Nếu đạo đức cao thượng hoàn mỹ, thì dẫu không cần cầu nguyện cũng có được đa phúc đa thọ.
Vậy người xưa dưỡng đức như thế nào?
Nếu muốn dưỡng đức thì trước tiên phải dưỡng tính. Tính ở Trời thì gọi là mệnh, ở con người thì gọi là tính. Chữ Tính (性) bên trái là bộ Tâm, bên phải là chữ Sinh, biểu thị con người từ khi sinh ra đã có cái lý tồn tại trong tâm, gọi là Tính, thực ra là Lý. Tâm thuận theo lý thì sống, trái với lý thì chết. Dưỡng tính thì trước tiên cần trừ bỏ Ngũ nạn: Danh lợi, Hỷ nộ, Thanh sắc, Mùi vị, Suy tư.
Bỏ danh lợi, công thành thân thoái – Phạm Lãi hiển vinh tặng gia tài
Thời Xuân thu, có hai đại mưu sỹ nước Sở là Phạm Lãi và Văn Chủng cùng phò tá Việt Vương Câu Tiễn 20 năm, giúp Việt Vương diệt Ngô phục quốc, thành tựu bá nghiệp. Sau này Phạm Lãi làm quan đến chức Tướng quân, nổi danh thiên hạ. Phạm Lãi cho rằng danh lớn thì khó mà lâu dài, huống hồ Câu Tiễn là người có thể chung hoạn nạn nhưng khó mà cùng hưởng an lạc. Thế là ông viết thư cáo biệt Câu Tiễn.

Phạm Lãi có huệ nhãn, từ tướng mặt của Việt Vương Câu Tiễn ông có thể nhìn ra bẩm tính của Việt Vương là người không thể cùng hưởng an lạc phú quý với bề tôi. Ông viết một phong thư khuyên Văn Chủng rằng: “Việt Vương là người cổ dài miệng chim, có thể chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng an lạc. Ông sao không đi?” Văn Chủng không tin, cuối cùng bị Câu Tiễn ban cho cái chết.
Phạm Lãi rời khỏi nước Việt, đến nước Tề. Ông đổi họ đổi tên, dẫn con trai dốc sức khai hoang, cày cấy bên bờ biển và theo nghề kinh doanh, gây dựng được gia sản vài chục vạn lạng bạc. Tề Vương nghe nói Phạm Lãi là một bậc hiền giả, trọng dụng ông làm Tướng quốc phò tá chính sự.
Rất nhanh chóng, Phạm Lãi làm quan đến khanh tướng, việc kinh doanh gia đình có được tài sản hàng ngàn lạng vàng, công danh phú quý đạt đến cực điểm. Ông cho rằng đây là dấu hiệu không lành, vì chiểu theo quan niệm truyền thống là: “doanh cực tắc khuy”, ý nghĩa là hễ đạt đến cực điểm thì phải đi về hướng suy bại.
3 năm sau, Phạm Lãi từ chức Tướng quốc, ông mang hết ra tài của mình ra chia cho bá tánh, rồi rời khỏi nước Tề, đến định cư ở Định Đào (Sơn Đông ngày nay), lấy tự hiệu là Đào Chu Công. Ở huyện Định Đào, cha con đồng tâm hiệp lực, cần cù làm nông nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh buôn bán. Chỉ vài năm, Phạm Lãi lại lần nữa tích lũy được gia tài lớn hàng vạn lạng bạc. Ông thường chu cấp tiếp tế cho bách tính nghèo khổ. Người dân địa phương tôn xưng Đào Chu Công là Thần Tài.
Phạm Lãi vì có đức mà giàu có, danh lợi tiền bạc, quan cao hậu lộc đều nhờ có đức mà sinh ra, giàu có rồi lại cho đi hết gia tài, có mất thì mới có được.
Ngày nay ở đường phố Perth, Tây Úc, mọi người thường trông thấy một vị học viên Pháp Luân Đại Pháp [Pháp Luân Công] và là một doanh nhân anh tuấn phóng khoáng, anh tên Mark Hutchison, đang phát truyền đơn chân tướng. Anh nói, trước khi học Đại Pháp anh kinh doanh với mục đích “mưu lợi”, trong quá trình theo đuổi lợi ích, không ngừng phóng đại tự ngã. Sau khi học Pháp, anh chiểu theo Chân Thiện Nhẫn kinh doanh, việc kinh doanh không những không bị kém đi mà lại ngày càng phát triển lớn mạnh, nghiệp vụ công ty không ngừng tăng trưởng, công ty mới thành lập đạt được giải thưởng Triển lãm tốt nhất trong năm trên toàn nước Úc.
Hỉ nộ sủng nhục không kinh sợ
Trong tác phẩm “Phạm Tiến trúng cử” của Ngô Kính Tử, Phạm Tiến vì quá vui mừng phát cuồng, sau bị anh đồ tể đánh cho mới tỉnh ra. Đại thư pháp gia Vương Hi Chi vì tranh cao thấp với đồng môn là Tiêu Kỵ tướng quân Vương Thuật mà mất đi sinh mạng. Vui mừng vì đắc được, đau buồn vì mất đi, tâm bị mệt mỏi, bị trói buộc, bị mê bởi những vật ngoại thân. Con người sống một cuộc đời cũng giống như cỏ cây sống một mùa, được mất vinh nhục chỉ giống như khói mây bay qua trước mắt mà thôi.
Trong tác phẩm “U song tiểu ký” có một câu đối nói lên tình cảm chí hướng rằng: “Sủng nhục bất kinh, khán đình tiền hoa khai hoa lạc; Khứ lưu vô ý, vọng thiên không vân quyển vân thư”. Đại ý là: Coi việc vinh nhục được mất trong cuộc đời như hoa nở hoa tàn, coi công danh lợi lộc là mộng ảo như mây cuộn mây tan.
Thời kỳ hoàng đế Đường Thái Tông chấp chính, quan viên Lư Thừa Khánh do có tiếng là xử lý các sự việc công chính nghiêm minh nên được Đường Thái Tông bổ nhiệm làm Khảo công Viên ngoại lang, chuyên trách quản lý việc khảo sát thành tích của các quan lại đương triều. Một lần, trong quá trình Lư Thừa Khánh đánh giá các quan lại, có một viên quan quản lý vận tải thủy vì thuyền chở lương thực bị chìm mà mất thành tích. Lư Thừa Khánh viết lời đánh giá cho viên quan này là: “Đánh mất đồ chuyên chở, đánh giá dưới mức đạt”.
Điều khiến ông bất ngờ là sau khi viên quan đó nghe được tin nhưng không có bất kỳ lời giải thích nào, cũng không biểu lộ bất kỳ sự nghi ngại e sợ nào, và cũng không hề tức giận chút nào, vô cùng bình thản đón nhận. Lư Thừa Khánh sau đó nghĩ, thuyền lương thực bị chìm không phải là trách nhiệm cá nhân của ông ấy, cũng không phải là việc mà cá nhân ông ấy có thể cứu vãn được, thế là sửa thành “đạt mức dưới trung bình”. Nhưng viên quan đó vẫn không có ý kiến gì, không nói một lời cảm kích, cũng không có dáng vẻ xúc động gì, chỉ cười một cái mà thôi. Lư Thừa Khánh rất tán thưởng thái độ xử sự của ông ta, khen rằng: “Sủng nhục không kinh, hiếm có, hiếm có”. Cuối cùng ông sửa đánh giá thành “sủng nhục không kinh, đạt mức trên trung bình”.
Thời Bắc Tống, Phạm Trọng Yêm kiên trì “Khánh Lịch tân chính”. Khi ông bị giáng đày đến Đặng Châu, ông vẫn có thể có được cảnh giới an nhiên khoáng đạt “tâm rộng mở, tinh thần vui vẻ, sủng nhục đều quên hết, nâng chén rượu đón gió mát, niềm vui dạt dào”; “Không vui buồn vì được mất cá nhân”; “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ” đây chính là phong thái của bậc chính nhân hiền đức vậy.
(Còn tiếp)
Theo Lưu Nhất Thuần/ Minh Huệ Net