DKN.TV

Đừng như Lã Bố, hãy làm Triệu Vân: Vượt qua ải mỹ nhân mới đáng gọi là anh hùng

Tạo hình nàng Điêu Thuyền trong phim Tam quốc diễn nghĩa 1996.

Người xưa gọi sắc đẹp chim sa cá lặn của người con gái là “nghiêng nước nghiêng thành”, bởi trong lịch sử đã có biết bao trang hào kiệt vì nữ sắc mà mất thành vong quốc. 

“Anh hùng nan quá mỹ nhân quan” (Anh hùng khó qua ải mỹ nhân) dường như đã trở thành một lời nguyền khó giải. Thế nhưng trong bộ tiểu thuyết bất hủ “Tam quốc diễn nghĩa”, hai chữ “anh hùng” được sử dụng tinh tế: Đối với kẻ háo sắc thấy lợi quên nghĩa như Lã Bố thì dù có tài giỏi xuất chúng đến đâu cũng bị người đời chê cười, còn bậc trượng phu trung nghĩa, không động tà tâm trước nữ sắc như Triệu Tử Long thì được ca tụng là “anh hùng” hết lần này đến lần khác.

Lã Bố – hổ lang đội lốt anh hùng

Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Lã Bố có thể nói là vị tướng dũng mãnh nhất, vũ dũng hơn cả các nhân vật Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi, Hứa Chử, Mã Siêu. Lã Bố đã từng một mình chiến đấu với Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Lã Bố ra trận đầu búi tóc, đội kim quan, ngoài phủ giáp đường nghê, thắt bảo đới ti loan, mình mặc chiến bào đỏ thêu trăm hoa, ngoài khoác áo giáp thú diện liên hoàn, lưng đeo một bộ cung tên bạc, tay cầm phương thiên hoạ kích, cưỡi ngựa Xích Thố, dũng mãnh vô cùng. 

Lã Bố nổi danh kiêu dũng, thiện chiến, nhưng lại là kẻ hay trở mặt lật lọng, thấy lợi quên nghĩa. Trước vì vàng bạc chức tước mà giết nghĩa phụ Đinh Nguyên, qua hầu Đổng Trác; sau lại vì tranh nàng Điêu Thuyền mà giết “nghĩa phụ” họ Đổng. Cuộc đời chinh chiến của Lã Bố có không ít thắng lợi, nhưng vần thơ ca ngợi Lã Bố anh hùng thì gần như không có. 

Nếu trên chiến trận Lã Bố uy dũng hơn người, thì trước nữ sắc, Lã Bố lại không còn giữ được phong thái của chính nhân quân tử. Hồi 8 “Tam quốc diễn nghĩa” có đoạn:

“Hôm sau Doãn sai người đem ngọc minh châu, xưa nay vẫn cất kỹ một nơi, gọi thợ khéo, làm một cỗ mũ vàng, mật sai người đem biếu Lã Bố.

Bố mừng rỡ, thân đến nhà Doãn tạ ơn.

Doãn làm sẵn của ngon vật lạ đợi Bố đến. Doãn ra cửa đón rước vào hậu đường, mời ngồi lên trên.

Bố nói:

– Tôi là một tiểu tướng ở trong phủ, tư đồ là một vị đại thần trong triều, sao lại quá tôn kính như vậy?

Doãn nói:

– Nay thiên hạ không có ai là anh hùng, tôi chỉ thấy duy có tướng quân mà thôi. Tôi tỏ lòng tôn kính, không phải là tôn kính cái chức của tướng quân mà là tôn kính cái tài của tướng quân đó.

Bố mừng lắm, Doãn khẩn khoản mời rượu, khen lấy khen để mãi cái đức Đổng thái sư và cái tài Lã Bố.

Bố cười vang và uống rượu thoả thích. Bấy giờ Doãn mới đuổi đầy tớ lùi ra, chỉ để vài người tỳ thiếp đứng hầu rượu. Khi Bố ngà ngà say, Doãn nói truyền rằng:

– Gọi con em nó ra đây!

Một lát hai thị tỳ đỡ Điêu Thuyền trang điểm thật lộng lẫy bước ra. Lã Bố trông thấy giật mình, hỏi:

– Người nào vậy?

Doãn nói:

– Đó là con gái nhỏ lão, tên là Điêu Thuyền. Lão nay được ơn tướng quân có lòng hạ cố mà coi như chỗ chí thân, nên lão sai nó ra để chào tướng quân.

Liền sai Điêu Thuyền bưng chén rượu mời.

Thuyền nâng chén rượu mời Bố. Hai bên nhìn nhau, đầu mày cuối mắt…

Vương Doãn giả tảng say, nói:

– Con cố mời tướng quân uống vài chén con nhé! Cả nhà ta đều trông nhờ vào tướng quân đấy.

Bố mời Thuyền ngồi. Thuyền giả cách thẹn thùng, muốn lui vào, Doãn nói:

– Tướng quân là bạn chí thân với ta, con cứ ngồi đừng ngại.

Thuyền khép nép, ngồi bên cạnh Doãn.

Lã Bố nhìn Thuyền chòng chọc, không chớp mắt, lại uống thêm vài chén.

Cảnh phim Tam quốc diễn nghĩa 1996: Lã Bố bị sắc đẹp của Điêu Thuyền làm xiêu lạc.

Doãn mới trỏ tay vào Thuyền mà bảo Lã Bố rằng:

– Lão vẫn có ý cho nó hầu hạ tướng quân làm tỳ thiếp, chưa biết tướng quân có bụng hạ cố thương đến không?

Bố nghe nói vội vàng đứng dậy, ra ngoài chiếu, tạ mà nói rằng:

– Nếu được như thế, tôi xin một đời làm khuyển mã để báo đáp ơn sâu.

Doãn nói:

– Nay mai xin chọn ngày lành tháng tốt, đưa nó đến phủ tướng quân.

Lã Bố mừng hớn hở, đưa mắt nhìn Điêu Thuyền. Điêu Thuyền cũng liếc mắt đưa tình đáp lại”.

Trong cảnh này, quan tư đồ Vương Doãn gọi Lã Bố là “anh hùng” chẳng qua là lời phỉnh phờ tâng bốc mà thôi, còn cái thái độ “đầu mày cuối mắt”, “nhìn Thuyền chòng chọc, không chớp mắt” của Lã Bố đã lộ rõ tà tâm của kẻ phàm phu tục tử rồi.

Quả nhiên sau này, Lã Bố căm hận và giết chết Đổng Trác, ngoài thì nói là vì muốn làm tôi trung của nhà Hán, mà trong thì rõ là để cướp lại Điêu Thuyền. Suốt cuộc đời của Lã Bố, chỉ thấy y vì danh vì lợi, vì sắc tình mà thay đổi lập trường xoành xoạch. Người quân tử anh hùng có ai như thế!

Triệu Tử Long – vị anh hùng đúng nghĩa

“Hổ uy tướng quân” Triệu Tử Long thì khác. Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, ông hết lần này tới lần khác được ca ngợi là anh hùng, khi thì ở Đương Dương “cứu chúa xông trăm trận”, khi thì “Bốn tướng một tay khua sạch nhẵn” ở tuổi bảy mươi. Xét về vũ dũng, Tử Long không hơn được Lã Phụng Tiên, nhưng ông lại là người có trung có nghĩa, trước mê hoặc của nữ sắc vẫn giữ tâm đoan chính, quang minh lỗi lạc.

Hồi 52 “Tam quốc diễn nghĩa”, ở trận Quế Dương, Triệu Vân chỉ với 3000 quân đã đánh bại Trần Ứng. Thái thú Triệu Phạm mang ấn tín và dẫn vài mươi tên kỵ đến tận trại Triệu Vân xin hàng. “Vân ra trại tiếp vào, mở tiệc thết đãi, tiếp nhận ấn tín. Rượu được vài tuần, Phạm nói:

– Tướng quân họ Triệu, tôi cũng họ Triệu, năm trăm năm trước đây dễ thường là một nhà với nhau. Tướng quân quê ở Chân Định, tôi cũng quê ở Chân Định, lại cùng làng. Nếu tướng quân không chê, cho tôi được kết làm anh em, thực là vạn hạnh.

Vân mừng lắm, cùng hỏi tuổi nhau. Vân đẻ trước Phạm bốn tháng. Phạm nhận Vân làm anh. Hai người cùng làng, cùng tuổi, lại cùng họ, mười phần tương đắc với nhau cả mười. Mãi đến chiều mới tan tiệc, Phạm từ giã trở về thành.

Hôm sau, Phạm mời Vân vào thành yên dân. Vân dặn quân sĩ cứ ở ngoài trại, chỉ đem năm chục lính kỵ mã vào thành. Cư dân đốt hương bày đồ bái vọng đứng đặc dọc đường nghênh tiếp. Vân phủ dụ đâu đấy, Phạm mời Vân vào dinh ăn tiệc. Khi rượu đã ngà ngà say. Phạm lại mời Vân vào nhà sau uống tiệc nữa. Vân bấy giờ đã say, Phạm bỗng nhiên gọi một người đàn bà ra nâng chén mời Triệu Vân. Vân trông thấy người ấy ăn mặc đồ trắng, nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành mới hỏi Phạm:

– Người này là ai?

Phạm thưa:

– Đó là Phàn thị, chị dâu tôi.

Tử Long dịu sắc mặt lại, tỏ vẻ kính trọng. Phàn thị chuốc rượu xong, Phạm mời ngồi xuống. Vân cảm tạ. Phàn thị lui vào nhà trong.

Vân bảo Phạm rằng:

– Hiền đệ sao dám phiền đến lệnh tẩu mời rượu vậy?

Phạm cười, đáp:

– Cũng vì có chút duyên cớ, xin anh chớ ngại. Anh ruột tôi đã quá cố cách đây ba năm, chị tôi ở goá một mình, chưa trót đời được. Tôi đã khuyên chị tôi cải giá. Chị tôi nói: “Hễ được người nào đủ ba điều kiện thì mới lấy: một là văn võ kiêm toàn, tiếng đồn khắp cả thiên hạ; hai là tướng mạo đường vệ, uy nghi khác người; ba là phải cùng một họ với anh tôi!”. Anh thử nghĩ xem thiên hạ có mấy người lại hợp được cả ba điều kiện ấy không? Thế mà tôn huynh đường đường bậc anh hào, tiếng vang bốn bể, lại đồng họ với anh tôi, thật hợp với lời ước của chị tôi lắm. Nếu không hiềm chị tôi xấu xa, xin tướng quân cho được nâng khăn sửa túi, để kết thân mãi mãi với nhau, tướng quân nghĩ sao?

Vân nghe nói, nổi giận, vùng dậy thét lớn:

– Ta với ngươi đã kết làm anh em, thì chị dâu ngươi cũng như chị dâu ta, lẽ đâu làm việc loạn luân như thế!”.

Cảnh phim Tam quốc diễn nghĩa 1996: Triệu Tử Long nhận lấy A Đẩu từ tay My phu nhân, liều mình xông pha trong vạn quân Tào để bảo vệ ấu chúa.

Về sau, khi Khổng Minh biết chuyện bảo Tử Long rằng:

“ Đó là việc tốt lành, tướng quân sao gàn thế?

Vân thưa:

– Triệu Phạm đã cùng với tôi kết nghĩa anh em, nếu lấy chị dâu hắn, thì miệng đời chê cười là một. Người goá chồng bước đi bước nữa là thất tiết, là hai. Triệu Phạm mới hàng, chưa biết bụng dạ thế nào là ba, Chúa công mới dẹp yên được Giang Hán, ngủ còn chưa yên, Vân tôi đâu dám vì một người đàn bà mà bỏ việc lớn của chúa công?”.

Nếu Triệu Vân cũng như Lã Bố, thì có lẽ đã nhận ngay chẳng nghĩ, thế rồi chưa biết chừng mắc mưu Triệu Phạm, thành Quế Dương cũng tuột khỏi tay.

Sau khi Triệu Vân qua đời, Đại tướng quân Khương Duy bàn rằng:

“Triệu Vân trước theo Tiên đế (Lưu Bị), trải nhiều lao khó, sửa sang thiên hạ, tuân thủ phép tắc, công trạng đáng ghi vào sách sử. Trận chiến Đương Dương, nghĩa như vàng đá, tận trung với chúa, vua tưởng nhớ ban thưởng, lễ nghĩa đủ đầy đến kẻ bầy tôi đã quên cả thân mình. Chết vẫn biết rằng, thân danh chẳng nát; sống cảm ân đức, danh chẳng phai mờ. Kính cẩn theo khuôn phép mà xét thụy, nhu thuận hiền hậu ấy là Thuận, làm việc thuận ngôi thứ, khắc chế được tai hoạ, ấy là Bình, ứng theo phép đặt cho thuỵ là Thuận Bình hầu”.

Vượt qua chữ sắc mới đáng mặt anh hùng

Người xưa nói, “Tửu là xuyên trường dược, sắc là dao cạo xương”. Trên đầu chữ Sắc (色), vốn đã chứa đao (刀). Những đấng nam nhi không nề chi đao kiếm trên chiến trường, nhưng lại quỵ ngã trước đao kiếm của sắc dục, thì rốt cuộc vẫn là một bại tướng mà thôi. 

Không động lòng trước nữ sắc, ở đây không có ý rằng không che chở phụ nữ, không thương yêu vợ con, mà muốn nói rằng đấng trượng phu ở đời không thể vì sắc mà quên nghĩa, vì ham dục mà làm chuyện bại hoại nhân luân. Trong “Tam quốc diễn nghĩa” có không ít khách má hồng hào kiệt, phận nhi nữ nhưng vẫn được ngợi ca vì khí tiết lẫm liệt trung trinh. Vậy đủ thấy hai chữ “anh hùng” đâu chỉ dành riêng cho nam giới, ai có nghĩa khí, ai vì nghĩa quên mình đều đáng gọi là “anh hùng” vậy.

Cổ nhân có câu: “Vạn ác dâm vi thủ” (Trong vạn cái ác thì tà dâm đứng đầu). Nếu một người không thể buông bỏ lòng dâm, ắt sẽ rơi vào đường ác. Thời hiện đại, lại có người lại hồ đồ cho rằng ham luyến nữ sắc là biểu hiện của “nam tính”, dâm dục là “bản lĩnh đàn ông”, chẳng còn kể gì đến lễ nghĩa. Đấy chẳng phải là trắng đen lẫn lộn, coi cái xấu thành cái tốt sao? Ôn cố tri tân, các đấng nam nhi hãy noi gương Triệu Tử Long, đừng chuốc vết nhơ ngàn đời như Lã Bố.

Video: Một niệm sắc dục khởi lên, lập tức chiêu mời yêu ma đến

Exit mobile version