Muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc chúng ta cần phải nắm được 5 nguyên tắc vàng, mà bất kì ai trước khi quyết định kết hôn cũng nên đọc qua một lần.

Nói về hôn nhân mọi người thường truyền tai nhau rằng: “Trong chán ngoài thèm!”. Ấy vậy mà những đôi tình nhân vẫn luôn mơ tưởng về chiếc váy cưới tinh khôi, những miếng trầu cay, pháo hoa bừng sáng và những ly rượu vang bốc khói mơ màng trong ngày hôn lễ. Nói những lời yêu đương mật ngọt thì dễ, có thể nắm chặt tay nhau đi đến cuối con đường đời mới là niềm mong mỏi của mỗi người.  

Tìm thấy một nửa trong đời và đi đến hôn nhân là để mình trở nên hoàn chỉnh hơn, như nửa trắng và nửa đen đi tìm nhau để âm dương cân bằng. Muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc chúng ta cần phải nắm được 5 nguyên tắc vàng sau đây:

Nguyên tắc thứ nhất: Không yêu cầu người ấy phải thay đổi mà chỉ tìm bên trong bản thân mình

Vấn đề lớn nhất của trong cuộc đời mỗi người, là không nhìn thấy khiếm khuyết của bản thân mình. Hiện tượng “quáng gà” này rất dễ hiểu bởi lẽ chúng ta không nhìn nhưng không thấy. Nên khi vấn đề xuất hiện chúng ta lại thường trỏ ngón tay vào người khác, mà quên đi nhìn vào bản thân mình.

Vì sao anh ấy lại nói với bạn những lời như vậy, đó là vấn đề của anh ấy. Vì sao anh ấy có thái độ đó, đó là chuyện của anh ấy, ai muốn làm gì thì làm nấy. Nhưng vì sao bạn lại để ý? Vì sao bạn lại cảm thấy bị tổn thương? Vì sao bạn lại tức giận? Vấn đề này ắt hẳn đã động chạm đến điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn bạn nên bạn mới bị động tâm.

Hãy khép đôi mi lại nhìn sâu vào trong nội tâm mình. Hãy quên đi người chỉ trích bạn, đừng nghĩ ngợi làm gì. Dẫu người khác làm gì thì cũng hãy quên nó đi, chỉ cần đi sâu hơn vào trái tim mình, bạn sẽ phát hiện ra vết thương thực sự bên trong mình đến từ đâu.

Dẫu người khác làm gì thì cũng hãy quên nó đi, chỉ cần đi sâu hơn vào trái tim mình, bạn sẽ phát hiện ra vết thương thực sự bên trong mình đến từ đâu. (Ảnh: 2sao.vn)

Bạn lê bước trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi ở cơ quan. Bạn chỉ muốn được nghỉ ngơi một chút, nhưng bạn còn phải đi đón con và bận rộn với mâm cơm cho bữa tối. Nhưng lại chẳng thấy bóng dáng anh ấy đâu. Bạn giận dữ khi biết rằng anh ấy đang uống vài ly trà đá với mấy người đồng nghiệp, hay đang say sưa với trái bóng tròn cùng đám bạn.

Nên hễ thấy mặt anh ấy bạn đã sẵn sàng bốc hỏa và có hàng tá lý do để nổi giận và trách mắng anh ấy. Anh ấy hứa hẹn thay đổi và được vài hôm đâu lại vào đấy. Bạn cảm thấy kiệt sức và muốn làm mình làm mẩy.

Có thể xét trên bề mặt bạn không sai, nhưng có ích gì khi không khí gia đình trở nên căng thẳng. Nếu có thể tâm sự để anh ấy hiểu ra được và đỡ đần bạn là điều tốt nhất. Nhưng nếu bản tính anh ấy không thay đổi thì cứ coi như kiếp trước bạn nợ anh ấy, kiếp này bạn đến chăm sóc để báo đáp lại ân tình xưa.

Nếu đã chẳng thể thay đổi người khác và cuộc sống thì hãy thay đổi góc nhìn và quan niệm trong nội tâm mình, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng, hạnh phúc hơn. Bạn cũng không phải lo lắng mình sẽ phải chịu thiệt thòi vì cuộc sống luôn công bằng, chịu khổ là đang tích đức. Chỉ cần bạn tận tụy làm những gì mình nên làm thì những món quà may mắn sẽ đến với bạn theo cách này hay cách khác.

Cuộc hôn nhân này vĩnh viễn cần sự nỗ lực của bạn. Nếu chỉ muốn người khác chịu trách nhiệm thay bạn cũng đồng nghĩa với việc bạn đang “cầu ở người khác”. Bạn sẽ trở thành nô lệ, như vậy sớm muộn gì cũng sẽ bị cảm xúc xỏ mũi dắt đi mà thôi.

Nếu muốn trở thành chủ nhân của chính mình thì cần phải hiểu được rằng: “Dẫu chuyện gì xảy ra với mình, mình cũng cần phải chịu trách nhiệm vô điều kiện”. Ban đầu bạn sẽ cảm thấy ủ dột, bởi lẽ bạn sẽ không thể tìm được đáp án ở người khác.

Nhưng nếu bạn có thể tiếp tục kiên trì thì những ngón tay trỏ vào người khác sẽ quay trở lại chỉ vào chính bạn. Hãy chuyển việc yêu cầu người khác sang yêu cầu bản thân mình, rất nhanh chóng bạn sẽ có thể sống là chính mình.

Nguyên tắc thứ 2: Không phải thay đổi người ấy mà là chấp nhận họ

Mục đích của tình yêu chính là học hỏi lẫn nhau để trở thành một người “lý tưởng” và “hoàn thiện” hơn. Nhưng vấn đề cũng tồn tại ở đây. Khi con người bước vào ngưỡng cửa của tình yêu, thường họ sẽ đắm đuối trong niềm hạnh phúc ngất ngây và lâu đài mộng tưởng.

Dường như cuộc sống đều là một màu hồng và trên đời chỉ có hai người là chàng và nàng. Dường như cuộc sống sẽ mãi êm ái như khi hai người đang trong men say tình yêu. Dường như buổi hôn lễ ngập trong sắc hoa và tiếng nhạc, tiếng hát là chặng dừng chân cuối cùng.

Vậy nên những người yêu nhau thường rất hồ đồ.

Mục đích của tình yêu chính là học hỏi lẫn nhau để trở thành một người “lý tưởng” và “hoàn thiện” hơn. (Ảnh: viki.com)

Nhưng khi thực sự bước vào hôn nhân bạn sẽ nhận thấy người ấy thật khác. Anh ấy không chỉ lịch lãm hào hoa và thích nói những lời có cánh như ngày nào. Dần dần bạn sẽ phát hiện thấy anh ấy có những lời cộc cằn khó nghe, có những khi tức giận mặt đỏ tía tai, hoặc quần áo bừa bộn mỗi nơi một chiếc.

Cô ấy cũng không còn luôn dịu dàng, chải chuốt và sức nước hoa thơm lừng. Đặc biệt là sau khi có con, cô ấy dường như trở thành một người rất lạ: Đầu tóc bù xù, quần áo xộc xệch, mặt mày nhợt nhạt và luôn thèm ngủ.

Thế giới cũng không chỉ là của hai ta, mà còn có cha mẹ, anh em, họ hàng hai bên. Họ cũng gắn rất chặt và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hai người. Biết bao trách nhiệm và nghĩa vụ đột nhiên đặt lên vai đôi tình nhân khi xưa.

Đa phần chúng ta không muốn biến mình trở thành một người hoàn thiện mà là nỗ lực để thay đổi người ấy cho phù hợp với lý tưởng của mình. Chúng ta không khiến mình trở nên tuyệt vời hơn mà lại kỳ vọng người ấy sẽ bù đắp cho cảm giác tiếc nuối và thiếu hụt của mình.

Đến khi gánh nặng cuộc sống oằn xuống, khi sự đời chẳng được như ý, chúng ta lại thường quen hướng ánh mắt của mình vào khuyết điểm của nhau. Những lời trách móc, oán giận bắt đầu vang lên trong ngôi nhà nhỏ, bởi lẽ cả hai đều đang mong muốn thay đổi đối phương?

Khi bạn yêu và muốn kết hôn với một cô gái, bạn sẽ lập tức muốn thay đổi cô ấy, bạn sẽ cho rằng cô ấy nên là thế này thế kia. Ví như cô ấy là một người hướng nội, trầm mặc ít nói. Nhưng bạn lại cứ nhất quyết muốn cô ấy phải cười nói đon đả khi gặp bạn bè và người nhà mình? Cô ấy muốn để tóc ngắn nhưng bạn lại thích mái tóc dài tha thướt, sóng sánh?

Đương nhiên, ngược lại cô ấy cũng sẽ muốn thay đổi bạn, muốn bạn làm một người thế này thế khác: “Nói năng với vợ phải nhẹ nhàng, tinh tế, nhưng im lặng khi ở cạnh những cô gái khác”, “Ra ngoài phải mặc áo sơ mi đóng thùng tươm tất cho đẹp mặt vợ, cử chỉ phải nho nhã, nhưng lạnh lùng khi có mặt phái đẹp!”. Khi người bạn đời không “thế này hoặc thế kia” như mình mong muốn hai người sẽ bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn và những lời ong tiếng ve.

Cuối cùng, thậm chí họ còn không nói chuyện với nhau nữa, phải làm thế sao đây? Bởi vì hễ mở miệng là họ lại bắt đầu những cuộc tranh cãi triền miên không có hồi kết, lại bắt đầu nhai đi nhai lại những điệp khúc cũ rích. Trong tâm trí hai người dường như chẳng còn chỗ trống cho vài chữ “thay đổi bản thân”. Vô số lần tranh luận như vậy vẫn cứ diễn ra dẫu kết cục của chúng đều như nhau. Họ đã thất vọng về nhau đến cực điểm.

Yêu một người, không thể chỉ yêu một nửa, không thể chỉ yêu phần mà bạn thích, mà phải yêu toàn bộ con người họ. Yêu cả phần đẹp và cả phần xấu của họ, yêu cả hiện tại và quá khứ, yêu cả ưu điểm và khuyết điểm. Bởi lẽ khuyết điểm đó cũng là một phần trong con người họ. Nếu bạn nỗ lực thay đổi đối phương sẽ chỉ thể hiện là bạn không thực sự yêu họ. Điều bạn yêu chỉ là bản thân mình.

Muốn thay đổi người khác, trước tiên hãy thay đổi chính mình. Muốn sự tình trở nên tốt hơn trước tiên hãy tu tâm dưỡng tính, luôn biết nghĩ tới người khác, khiến bản thân mình trở nên tốt hơn. Từ bỏ mong muốn thay đổi người khác được gọi là “hiểu đời”, hiểu được cách thay đổi bản thân thì gọi là “trưởng thành”.

Nếu bạn thực sự biết yêu thì hãy biến mình trở thành một người lý tưởng như vậy, chứ không phải là thay đổi người khác để phù hợp với lý tưởng của bạn. Sau khi kết hôn đôi bên chỉ có thể nỗ lực sống hòa hợp với nhau. Đây chính là ý nghĩa chân chính của hôn nhân.

Nguyên tắc thứ 3: Không phải là trở nên hoàn thiện, mà là trở nên hoàn chỉnh hơn

Tạo hóa cũng thật kỳ lạ khi ghép đôi một người đàn ông vô cùng lý tính và một người phụ nữ rất cảm tính chung dưới một mái nhà.

Tạo hóa cũng thật kỳ lạ khi ghép đôi một người đàn ông vô cùng lý tính và một người phụ nữ rất cảm tính chung dưới một mái nhà. (Ảnh: webster.com)

Nhưng như vậy, đối với người đàn ông mà nói, sự có mặt của cô ấy sẽ khơi dậy phía tình cảm của anh ấy. Điều này sẽ khiến anh ấy trở nên hoàn chỉnh hơn. Đối với phụ nữ mà nói, sự kết hợp với một người đàn ông khác sẽ bồi đắp thái độ lý trí, giúp cô ấy có thể cân bằng tâm lý và sống thực tế hơn.

Nếu hai người không kết hợp, san sẻ năng lượng đối nghịch của mình, mà chỉ toan tính thay đổi người khác thì họ sẽ mất cân bằng và dễ cách xa. Người nam sẽ trở nên càng lý tính hơn, thích nói lý lẽ, còn người nữ sẽ trở nên càng cảm tính hơn, càng dễ “cảm xúc hóa” mọi chuyện. Trong hoàn cảnh, họ sẽ ngày càng không thể hiểu và chung sống bình yên bên nhau.

Bạn tìm một nửa khác là vì để mình trở nên hoàn chỉnh hơn, chứ không phải là tìm được một người hoàn mỹ không tỳ vết. Vàng không có vàng mười, người không có người hoàn thiện. Hai hình tròn chẳng thể xếp chung thành hình. Nhưng hai mảnh ghép lại có thể ăn khớp những chiếc răng cưa và trở thành một vòng tròn hoàn thiện.

Vậy nên trong hôn nhân không chỉ cần khiến mình trở nên hoàn thiện hơn, điều quan trọng là sống hài hòa dưới một mái nhà.

Nguyên tắc thứ 4: Không phải là cầu xin tình yêu của người khác mà là học cách yêu người khác

Đa số con người thường tiến vào ngưỡng cửa tình yêu bởi một lý do sai lầm nào đó: Vì để chấm dứt nỗi cô đơn, vì để lấp đầy sự trống trải, vì để thỏa mãn những nhu cầu như cảm giác được an toàn, tình yêu, tình cảm, tiền bạc…

Mỗi người đều có một nhu cầu của riêng mình, bạn cần thứ này tôi cần thứ khác. Nếu bạn cho tôi thứ của bạn, tôi sẽ cho bạn thứ của tôi. Mọi người gọi mối giao kèo này là “tình yêu”.

Còn nếu đối phương không thể cho bạn những thứ có giá trị với bạn thì bạn rất khó tiếp tục hẹn hò, yêu đương hay còn gọi là “không yêu”. Bạn đời nhìn thấy ở nhau những cơ hội có thể thỏa mãn nhu cầu của mình, thế là hai người bắt đầu giao kèo tiến tới mối quan hệ bền chặt bằng những lời hứa hẹn và một đám cưới tưng bừng.

Rất nhiều cặp vợ chồng oán giận nhau, họ thường cảm thấy không cam lòng. Họ đều cảm thấy mình đã cho đi quá nhiều nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu. “Mình lăn lộn với công việc đêm ngày, phải e dè xếp, chịu bao áp lực chỉ để có được một công việc tốt, một sự nghiệp mà nuôi sống cái gia đình này.

Vậy mà hễ đặt chân về đến cửa nhà đã nghe thấy những lời càm ràm này nọ”. “Mình vất vả với công việc ở cơ quan, về đến nhà lại ngập đầu ngập cổ với con cái, cơm nước, nhà cửa. Mình chẳng khi nào có thời gian nghỉ ngơi và không gian dành riêng cho bản thân mình. Còn anh ấy thì bù khú với đám bạn, sểnh ra là xách xe đi chơi mất tiêu”.

Rất nhiều người thất tình hoặc ly hôn đều sẽ chìm trong đau khổ, họ cũng chẳng cam lòng. Bởi vì tôi luôn phó xuất vì bạn, thì bạn không nên phụ lòng tôi, bạn nên báo đáp cho tôi. Tình yêu như vậy có khác gì với “chuyện làm ăn” đâu?

Bởi lẽ hai người đều đang theo đuổi dục vọng của bản thân mình, đều vì muốn thỏa mãn bản thân mà yêu cầu người khác. Mối quan hệ như vậy đâu có thể có tình yêu?

Chúng ta thường đối xử với người khác theo cách mà mình muốn người khác đối đãi với mình, làm những việc mà mình hy vọng người khác sẽ làm vì mình. Đó đều là hữu cầu, gốc rễ sâu sa là sự ích kỷ của bản thân.

Kỳ thực Thần may mắn và hạnh phúc chỉ mỉm cười với bạn khi nhìn thấy tấm chân tình và tấm lòng thơm thảo của bạn. Nếu bạn thi không đủ điểm thì chẳng thể bước vào ngưỡng cửa đại học. Nếu tâm mình chưa đủ sáng trong thì cánh cửa hạnh phúc đâu có thể mở ra trước mắt.

Vậy nên muốn nhận được nụ cười trước tiên hãy trao đi nụ cười, muốn tình yêu trước tiên hãy cho đi tình yêu. Hãy quên những gì bạn có thể nhận được từ người ấy. Bởi lẽ đó chỉ là cái cớ để thắt chặt sợi tơ hồng mà ông tơ bà nguyệt đã se cho hai người từ bao kiếp trước. Con người dẫu toan tính gì cũng chẳng thể giấu được Trời cao và tránh khỏi mối nhân duyên tiền định.

Thần may mắn và hạnh phúc chỉ mỉm cười với bạn khi nhìn thấy tấm chân tình và tấm lòng thơm thảo của bạn. (Ảnh: tumblr.com)

Nguyên tắc thứ 5: Đừng phẫn nộ hãy cảm kích nhiều hơn

Con người có đôi mắt có thể nhìn thấy người khác, nhưng chẳng thể nhìn thấy bản thân mình. Nhưng đôi tai lại vừa có thể lắng nghe người khác và lắng nghe chính tiếng lòng của mình. Vậy nên Thượng đế mới an bài cho một nửa kia xuất hiện trong cuộc đời bạn như hình với bóng. Họ chính là chiếc gương giúp bạn nhận thức được bản thân mình.

Nếu không có người khác chọc giận bạn, thì bạn không thể biết được nhược điểm của bản thân là gì. Nếu không có người khác khiến bạn phẫn uất bạn cũng sẽ không thể nào biết được sức dung chứa trong trái tim mình lớn bao nhiêu. Nếu không có người làm bạn nổi cơn tam bành với bạn thì bạn sẽ không thể biết được khí chất của mình đang ở mức độ nào.

Đáng tiếc là rất ít người biết tận dụng mối quan hệ chiếc gương này. Khi mọi người phát hiện ra bản thân mình trong tấm gương là người khác, nếu không xoay người lại nhìn mình thì sẽ phủ nhận hoặc phá hoại nó.

Nguyên nhân rất đơn giản: Bởi lẽ chiếc gương này khiến tôi trở nên xấu xí hơn, cho nên tôi sẽ phá hủy chiếc gương này. Như vậy tôi sẽ không còn xấu xí nữa. Bởi lẽ người này khiến tôi trở nên ích kỷ, hẹp hòi, tự ti và vô dụng nên tôi muốn bới móc những khiếm khuyết của họ, “lành làm gáo, vỡ làm muôi”…

Nhưng làm vậy có ích gì? Đương nhiên là vô ích. Dẫu bạn phá vỡ nhiều chiếc gương hơn nữa thì cũng chẳng thể nào thay đổi được dung nhan của mình.

Nếu cả đời này chúng ta chưa từng gặp qua những người làm bạn bị tổn thương, phê bình bạn, chỉ trích bạn thì e rằng bạn sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ trưởng thành, phải vậy không?

Bạn có tức giận với vị bác sỹ đã chẩn đoán ra căn bệnh của bạn không? Dẫu cho bác sỹ phẫu thuật làm tổn thương bạn, nhưng khi bạn được chữa chạy chẳng phải là bạn cần cảm kích họ hay sao?

Bạn đời là chiếc gương đáng quý nhất… Nhờ họ bạn có thể tìm ra những thứ ẩn sâu phía sau phản ứng của bạn là gì. Hoặc bạn sẽ phát hiện ra xưa nay mình luôn mang theo những vết thương và bóng đen nơi sâu thẳm tâm hồn mà mình không hay biết.

Đó có thể là những ký ức đau thương thuở ấu thơ hay tuổi thanh xuân của bạn, nào ai biết? Trong hôn nhân bạn cũng có thể phải đối diện với kinh nghiệm này. Đó chính là cơ hội tốt nhất để tự nhìn lại mình và suy ngẫm về bản thân.

Nhưng điều đáng tiếc là đa số mọi người đều không thích “bị vạch trần” như vậy. Do đó họ cứ một mực phủ nhận và bài xích chiếc gương vốn luôn chiếu rọi cái tôi chân thật nhất của mình. Đó chính là nguyên nhân khiến những cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Dẫu sao thì hai người cũng đã kết hôn, không thể “đổi người như thay áo”, “thích thì lấy không thích thì bỏ”. Cũng không thể giống như đổi công việc hay sau bữa tiệc rượu đề huề đường ai nấy đi. Hai bên chỉ có thể nỗ lực “trùng tu lại cái cũ cho tốt hơn”. Nhưng chính trong quá trình “trùng tu gắn kết” này hai người không hợp nhau sẽ dần dần tạo thành một chỉnh thể. Đây chính là ý nghĩa chân chính của hôn nhân.

Vậy nên hôn nhân trên bề mặt là chuyện của hai người, nhưng kỳ thực đó chỉ là nơi để bạn tu tâm dưỡng tính. Muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì thay đổi người khác chỉ là hạ sách, hoàn thiện bản thân và trân trọng người bạn đời của mình mới là chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cửa hạnh phúc.

Nếu gặp những hạt sạn trong hôn nhân hãy học theo ngọc trai, dùng tâm huyết của mình biến hạt sạn sắc nhọn, gai góc thành viên ngọc sáng lung linh. Nếu cuộc sống hôn nhân như một ly nước chanh hãy cho thêm một chút đường để được một ly nước chanh ngon tuyệt!

Đào Viên