Đối với mỗi cá nhân, du lịch ngày nay là một hoạt động thiên về giải trí hưởng thụ; còn ở tầm quốc gia, nó là một ngành công nghiệp không khói mang lại nhiều lợi nhuận và sự phát triển của cơ sở hạ tầng và giao lưu văn hóa. Nhưng ít ai ngờ rằng, du lịch ban đầu có ý nghĩa khác xa ngày nay. Phân tích về sự khác biệt này có thể đem lại cho chúng ta những nhận thức thú vị.
Du lịch thời nay
Đầu tiên hãy nói về du lịch thời mới bỏ bao cấp với những kỷ niệm còn lưu lại trong ký ức nhiều người tuổi trung niên và cao niên. Du lịch thời ấy có những nỗi vất vả, nhưng lại có những giá trị mà ngày nay không thể mua được bằng tiền.
Vất vả chỗ nào? Nhắc đến du lịch thời đó, người ta nghĩ đến cơm nắm muối vừng, đi đêm về hôm, ăn ngủ vạ vật, xe cộ lọc xọc, đường xá long đong. Nguyễn Du từng viết “vó câu khấp khểnh, ngựa xe gập ghềnh” để miêu tả chiếc xe chở nàng Kiều đi xa dần ngôi nhà yêu dấu, rồi từ đó dấn thân vào quãng đời gian truân… du lịch thời mới mở cửa cũng có nỗi gian truân như vậy, ít ra là về điều kiện vật chất.
Nhưng dịch vụ nghèo nàn lại có cái sự bù đắp của khung cảnh hoang sơ, con người chất phác, chân thật, vậy là trong cái khổ có cái sướng.
Du lịch thời đó xin đừng nghĩ tới hai từ “tiện nghi”, nhưng nói nhiều về hai từ “khám phá”, và có thêm chút màu sắc mùi vị cho đời sống vật chất hàng ngày vốn đơn điệu kham khổ. Ra biển có tôm khô cá mực, lên núi có thuốc quý rau rừng, về miệt vườn có trái chín hoa thơm v.v. người đi vui mà người ở nhà cũng ngóng, hồi hộp mong chờ chuyện đường xa, quà xứ lạ.
Ngày nay đi du lịch khác hẳn, nhấn mạnh vào từ “tiện nghi” và có chút “sống ảo”.
“Tiện nghi” như thế nào? Xa lộ rộng rãi, phương tiện đủ loại, khách sạn năm sao, resort đẳng cấp, phục vụ tận nơi, ăn chơi khép kín, ăn có buffet thịnh soạn, chơi có hồ bơi vô cực, lên Bà Nà có cáp treo, leo Fansipan không cần cuốc bộ v.v.
Thật khác hẳn du lịch thời mới mở cửa, kham khổ nhưng dẻo dai, mạnh mẽ và khám phá được nhiều điều thú vị.
Còn “sống ảo”? Tức là nói đến việc khoe hình ảnh trên các mạng xã hội để ai ai cũng biết mình đi du lịch. Người ta ăn vận thật đẹp chỉ để lên hình, thậm chí ăn vận đồ bơi rất đẹp nhưng không xuống tắm biển, e rằng nước da chuyển màu sắc khó coi. Đã có thời con người hào hứng hòa mình với thiên nhiên, nhưng thiên nhiên ngày nay dường như chỉ cung cấp một cái phông nền để con người diễn xuất, không còn là nơi mà con người tìm lại sự kết nối Thiên – địa – nhân vốn đã phai nhạt nơi cuộc sống thị thành nhiều tiện nghi nhân tạo.
Nhưng nếu hỏi rằng nơi bạn đến có đặc điểm gì? Lịch sử, văn hóa, phong thổ vùng miền đó, lối sống người dân tại địa phương ấy ra sao? Thì không có nhiều người có thể giải đáp.
Du lịch ngày nay thỏa mãn con người tối đa về mặt vật chất nhưng tối thiểu về mặt tinh thần. Hai từ “tinh thần” này không phải muốn nói đến niềm vui thông thường khi được ăn ngon, mặc đẹp, nghỉ ngơi thư giãn và có chút hãnh diện với xung quanh.
Tinh thần ấy ra sao? Thì lại phải quay lại với du lịch thời xưa. Và trước tiên cần hiểu về nguyên nghĩa của từ “du lịch”, là một từ Hán Việt.
Du lịch thời xưa và ý nghĩa ban đầu của nó
“Du” có nhiều nghĩa nhưng “游” nghĩa là “đi chơi, đi xa”, ví như “Du sơn ngoạn thủy” là đi ngắm cảnh đẹp sông núi thiên nhiên; “du học” là đi học xa; “du thuyết” là đi nhiều nơi để thuyết phục người khác như những Tô Tần, Trương Nghi, Tử Cống, Lục Giả… thời xưa; “du mục” là đi chăn thả gia súc ở nhiều bãi chăn khác nhau v.v.
Còn “du lịch” là gì?
“Du lịch” tức là đi nhiều nơi để khiến mình thêm phần từng trải, học hỏi được thêm nhiều điều về nhân tình thế thái, vì “Lịch” cũng có nhiều nghĩa nhưng “历 ở đây là “trải qua”, giống như “kinh lịch” hay “lịch duyệt”. “Lịch duyệt giang hồ” là cụm từ thường được dùng trong văn chương.
Cái học hỏi cao hơn cả nhân tình thế thái, là học hỏi về Đạo.
Trong sách Luận Ngữ, đức Khổng Tử có câu: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ; Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?”
Tạm dịch là: “Khi học đã tấn tới rồi có bạn (cùng chí hướng) ở xa nghe tiếng mà tìm lại (để bàn về đạo lí với nhau) chẳng cũng vui ư? Nhưng nếu không ai biết tới mình mà mình không hờn giận thì chẳng cũng quân tử ư?” (1)
Thời xưa người ta không chỉ học từ thầy, ở trường lớp, mà còn học từ đời, từ người khác. Bởi vậy, người quân tử đi du lịch, là để gặp gỡ, trao đổi về Đạo thánh hiền với những người quân tử ở địa phương khác, từ đó mà đều được thụ ích, đều đề cao lên trong tu dưỡng, tu luyện.
Như Thi tiên Lý Bạch dạo bước khắp đất Thần châu, để gặp gỡ kết giao và học cùng với các anh tài trong thiên hạ, nào Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Hạ Tri Chương, Sầm Tham, Cao Thích, nhóm “Trúc Khê lục dật”, “Tửu trung Bát tiên” v.v. chính là vừa “du” vừa “lịch” đó. Thực ra, hoạt động ấy chính là tiếp nối truyền thống xê dịch để “tầm sư học Đạo”, “hữu bằng tự viễn phương lai”, của những Khổng tử, Mạnh tử, Tuân tử, Mặc tử… nói chung là Bách gia chư tử thời trước.
Như vậy thì du lịch không phải là một việc chỉ để thưởng ngoạn, hưởng thụ của cá nhân, mà là văn hóa học tập. Cái gì đã là văn hóa, thì là phong khí chung của cả xã hội, ở đây là xã hội thu nhỏ của những người quân tử, những bậc Thánh hiền.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, có một người như thế tên là Liệt Tử, hay Liệt Ngự Khấu. Và ông Liệt tử cũng nói về du lịch. Truyện như sau:
Mới đầu, Liệt tử thích du lịch. Thầy của Liệt tử là Hồ Khâu tử mới hỏi ông rằng: “Du lịch có gì đâu mà thích?” Liệt tử đáp đại khái rằng: “Du lịch là để được coi những cái mới. Với con du lịch là để xem xét sự biến đổi. Còn ai mà biết du lịch thực sự phải ra sao?”
Hồ Khâu tử trả lời: “Cách anh du lịch với cách người khác du lịch thì cũng vẫn như nhau, mà sao bảo là khác? Ai nhìn cảnh thì cũng thấy sự biến đổi của nó. Anh thích ngắm vật mới mà không biết rằng cái bản ngã của ta cũng thay đổi hoài.
Người nào chỉ nghĩ du lịch là ngắm cảnh ngoài thì không biết chú trọng tới nội tâm mình. Ngắm cảnh ngoài là muốn cho vạn vật hoàn toàn, xét nội tâm mình là muốn thỏa mãn ở trong lòng. Thoả mãn ở trong lòng là đạt cái mức cao nhất của du lịch, cầu cho vạn vật hoàn toàn thì không đạt được mức đó.”
Từ đó, Liệt tử suốt đời không đi du lịch nữa, tự cho rằng mình không biết cách du lịch. (2)
Ý Hồ Khâu tử nói rằng: du lịch mà chỉ để ngắm cảnh vật cho vui sướng, là xem trọng bên ngoài, xem nhẹ nội tâm, là hướng ngoại mà cầu không phải hướng nội mà tìm. Khi con người hướng nội, sẽ dần dần đề cao tư tưởng, chính là tu dưỡng để đạt đến hoàn thiện, lúc đó thì mọi thứ đều biết, nội tâm viên mãn tròn đầy, cần gì phải trông vào cảnh vật bên ngoài (ngoại vật) nữa.
Tất nhiên, người xưa khi đang còn trong tu luyện, vẫn mượn ngoại vật để diễn tả lòng mình, như Lý Bạch dạo khắp trăm núi ngàn khe, núi cao hùng vĩ, sông dài miên man, thảo nguyên bát ngát, đi suốt từ đông sang hạ, từ hạ sang đông… thì đều mượn ngoại vật để gợi thi hứng và diễn tả cái tâm cảnh hướng thượng, hướng Đạo của mình mà thôi. “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương” – mượn ánh trăng của ngoại vật để diễn tả chuyến du hành bằng tâm về cố hương thượng giới.
Du lịch khiến trí tuệ, tâm cảnh trưởng thành, còn gợi hứng sáng tác, giống như học rồi thì hành vậy. Và từ đó những danh nhân này góp phần đặt định văn hóa.
Nhiều tác giả Đông và Tây thời cận/hiện đại cũng vậy, lên đến vùng đất Tây Tạng, bỗng nhiên nảy sinh lòng sùng kính với Thần Phật, tín ngưỡng được gia cường, cuối cùng trở thành người tu Đạo, như Lạt ma người Đức Anagarika Govinda tác giả cuốn sách “Đường mây qua xứ tuyết” được Nguyên Phong (giáo sư John Vũ) dịch. Đó là một tỷ dụ, còn có nhiều trường hợp khác nữa, không giới hạn ở địa danh hay tôn giáo cụ thể.
Tựu trung lại, nếu như đã thấy rằng: du lịch là để học hỏi, học hỏi để tu dưỡng, tu luyện, tu luyện viên mãn thì thành Thần, Phật, khi ấy phạm vi đã bao trùm một không gian vô cùng lớn. Như đức Thích Ca Mâu Ni mà thân thể đã chiếm phần mênh mang trong vũ trụ, đến nỗi Tôn Ngộ Không dùng cân đẩu vân mười vạn tám nghìn dặm mà bay mãi không thoát khỏi lòng bàn tay ngài. Như thế còn cần du lịch ở đâu nữa?
Nhưng thôi, đến đây xin dừng viết, bởi vì nói theo phong cách du lịch thì, khi con thuyền giong buồm ngày càng xa bờ, có thể gây nên hoang mang cho những người chưa được chuẩn bị tâm lý để vượt trùng khơi.
Hồi Hương
Chú thích:
(1): “Khổng tử và Luận ngữ” – Nguyễn Hiến Lê dịch
(2): “Liệt tử, Dương tử” – Nguyễn Hiến Lê dịch