Trên đời có 3 điều có thể mang tới nguy hiểm: loại thứ nhất là người không có tâm đức nhưng lại được trọng dụng; loại thứ 2 là người bất tài nhưng lại ngồi ở vị trí cao; loại thứ 3 là người không có công lao to lớn gì nhưng lại được trọng thưởng hậu hĩnh.

Trong may có rủi, trong rủi có may

Có những việc xảy ra tưởng chừng là mất, nhưng rồi thực tế lại là được, hay có những việc tưởng là được nhưng hóa ra lại là mất.

Trước đây, khi Sở Trang Vương đánh thắng Tấn Quốc ở Tần Địa vùng Hà Ung, Trang Vương đã trọng thưởng cho Tôn Thúc Ngạo nhưng Tôn Thúc Ngạo từ chối không nhận. Sau đó, khi Tôn thúc Ngạo lâm trọng bệnh sắp qua đời, ông nói với con trai rằng: “Nếu ta chết, Sở Vương chắc chắn sẽ ban thưởng cho con đất đai, con nhất định phải từ chối phần đất màu mỡ, chỉ nhận phần đất khô cằn. Giữa Sở và Kinh có một nơi gọi là Tẩm Khâu, nơi này nghèo khó, nên cái tên nghe đã thấy khổ. Nơi đó, người Kinh và người Việt đều tin vào quỷ thần, nhiều phong tục mê tín, vì thế không ai thích nơi đây”.

Không lâu sau, Tôn Thúc Ngạo qua đời, Sở Trang Vương quả nhiên ban thưởng cho con trai Tôn Thúc Ngạo vùng đất màu mỡ, phì nhiêu. Người con trai đã từ chối, chỉ xin vùng đất ở Tẩm Khâu. Sở Quốc có quy định, bổng lộc của công thần sẽ bị thu lại ở đời thứ 2, nhưng chỉ có phần đất thưởng cho gia đình Tôn Thúc Ngạo là không bị ai tranh giành mất vì nó ở nơi quá xa xôi hẻo lánh, vì thế con cháu nhà Tôn Thúc Ngạo đời đời ăn ở sinh sống tại đây. Đây chính là cái chúng ta muốn nói, trong cái rủi ắt có cái may.

Vậy, trong cái may có cái rủi thì nghĩa là gì? Thời xưa, Tấn Lại Công là người ngang tàng, nổi tiếng khắp vùng Sở Quốc phía nam, Tề Quốc phía đông, Tần Quốc phía tây, Yến Quốc phía Bắc, không ai dám ngăn cản, làm khó hắn ta. Hắn tập hợp các chư hầu tại Gia Lăng ngông cuồng giết hại, hãm hiếp dân lành. Trong nước không có các đại thần dũng cảm lên tiếng, ngoài nước không ai dám can ngăn. Hắn ta giết hại nhiều trung thần, trọng dụng kẻ tiểu nhân.

Đến năm thứ hai, Lại Công trong một lần đi tới vùng đất Tượng Ly Thị thì bị bắt lại, bị cướp bóc, cuối cùng đã bị bắt nhốt lại. Lúc này, không có một chư hầu nào đứng ra cứu hắn, người dân cũng không ai thương xót. Sau ba tháng giam cầm thì không còn giữ được tính mạng

Mỗi trận đều thắng, chinh phạt muôn nơi, mở rộng lãnh thổ luôn là mong muốn của bất kì người nào trong thiên hạ. Nhưng, Tấn Lại Công đã vì những thứ này mà bỏ mạng, vong quốc. Đây chính là cái chúng ta thấy, trong cái may ắt có cái rủi.

Tôn Thúc Ngạo đã dặn dò con trai từ chối nhận phần đất màu mỡ, chỉ lấy phần đất khô cằn, vì thế dòng họ mới đời đời kiếp kiếp an lạc. Ngược lại, Tấn Lại Công tập hợp các chư hầu tưởng rằng sẽ làm bá chủ thiên hạ, nhưng kết quả thì đã chết tại vùng đất Tượng Ly Thị.

An Lộc Sơn thất đức nhưng được trọng dụng, Chu Dực Quân bất tài nhưng ngồi chỗ cao

Đời nhà Đường có An Lộc Sơn là người được trọng dụng nhưng lại vô cùng thất đức, hắn ta mưu mô xảo quyệt, giỏi nịnh bợ nên được lòng Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi nên có được quyền cao chức trọng. Sau này, do lòng tham vô đối, hắn đã khởi binh làm phản, cuối cùng bị chính thuộc hạ của mình đâm chết. Đây là điển hình của việc thiếu đức nhưng được trọng dụng.

Tranh vẽ chân dung An Lộc Sơn (ảnh: Wikipedia).

Minh Thần Tông Chu Dực Quân đắm chìm tửu sắc, không quan tâm việc triều chính. Lại tham lam vô đối, muốn chinh phạt tứ phương. Vạn lịch năm thứ 24, lệnh cho các quan thần thu thuế khoáng sản khắp nơi, cướp bóc, chiếm đoạt của người dân, liên tục làm dấy lên phong trào khởi nghĩa trong dân chúng và các cuộc nổi dậy của các tầng lớp nhân dân.

Minh Thần Tông ăn chơi xa đọa, tiêu pha hoang phí, sử gọi là “Truyền sách nô kim”, trọng dụng gian thần Trương Kình… Sau này hơn 30 năm không ra khỏi cung. Từ năm 1589, Thần Tông không tiếp kiến triều thần nữa, nội cung xuất hiện hiện tượng vua không xuất cung, triều chính bị bỏ mặc. Phạm nhân bị nhốt trong ngục hơn 20 năm vẫn chưa bị thẩm vấn 1 câu, phạm nhân chỉ còn cách dùng gạch đập đầu chảy máu rồi than trách số phận. Làm cho xã tắc bất an, ruộng đồng hoang hóa.

Ngô Lượng Tự đã viết trong bản tấu cuối năm Vạn Lịch là: “Hoàng Thượng tối nào cũng uống, lần nào uống cũng say, lần nào say cũng chửi, sau khi say sẽ chửi bới mọi người xung quanh, ra lệnh đánh phạt”. Minh Thần Tông Chu Dực Quân là điển hình cho người bất tài nhưng ngồi chỗ cao. Sử sách có ghi: Nhà Minh diệt vong là do Thần Tông”.

Ngụy Trung Hiền không có công lao nhưng được nhận bổng lộc hậu hĩnh

Ngụy Trung Hiền sinh ngày 30 tháng chạp năm Long Khánh (tức ngày 27/2/1568). Khi còn nhỏ, gia đình nghèo khó, lang thang khắp nơi, không biết chữ, nhưng rất giỏi bắn cung, biết cưỡi ngựa, thích đánh bạc, nghiện rượu chè, gái gú, bị nhiều người chê cười. Sau này vì thua bài bạc nên bị vợ bỏ. Hắn nhìn thấy thái giám phóng khoáng nơi chơi đùa thì quyết chí vào cung làm quan. Nghe nói, Ngụy Trung Hiền bị người ta đuổi đánh ở sới bạc, rút dao dọa lại. Dã sử có nói, Ngụy Trung Hiền tìm người dẫn mối, vào cung kết giao với Vương An, thái giám của thái tử, từ đó được nâng đỡ. Sau này nhờ vú em Khách thị nên kết thân được với Hoàng trưởng Tôn Chu, giúp Hoàng trưởng tôn nghĩ ra nhiều mưu, lại giúp gợi ý nhiều thú vui nên được trọng dụng.

Sau khi có quyền hành, hắn tự xưng Cửu Thiên Tuế, chuyên quyền, chiếm quyền quốc chính, làm cho mọi người chỉ biết đến Trung Hiền, không còn biết đến Hoàng Thượng. Sau khi Minh Sùng Trinh kế vị, đánh tan các thế lực bè phái, trị Ngụy Trung Hiền 10 tội lớn, xử theo đúng luật định, Ngụy Trung Hiền đã tự vẫn. Sùng Trinh Đế vẫn rất phẫn nộ, xử phanh thây hắn, những người thuộc đảng phái của hắn cũng bị thanh trừng. Ngụy Trung Hiền chính là một điển hình cho những kẻ không có công lao nhưng được hưởng bổng lộc hậu hĩnh.
Con người chết cũng là vì một chữ tham, nếu biết bỏ qua cái tham sẽ có thể sống thanh thản cả đời.

Theo Secretchina
Quỳnh Chi biên dịch

Video: 140.000 tia chớp chỉ trong 12 giờ: “Oán khí quá nhiều, trời thương khóc”

videoinfo__video3.dkn.tv||c47a492f3__