“Muốn biết một người thực sự tốt hay xấu hãy nhìn cách họ ứng xử với những người có vẻ như không quan trọng với mình. Hãy nhìn vào những tiểu tiết mà con người thường dễ bỏ qua nhất. Những điều người khác không để tâm thường lại tiết lộ chuẩn nhất về con người thật của họ”.

Bác bảo vệ lặng lẽ nơi góc hầm gửi xe

Hàng ngày bước vào cổng trường, nhìn ngôi trường khang trang sừng sững mà lòng Mai không khỏi cảm thấy tự hào. Mai đưa mắt nhìn những em bé ríu rít như bầy chim non đang trò chuyện nơi sân trường. Các anh chị lớn hơn cũng túm năm tụm ba trò chuyện rôm rả. Khi bóng các thầy cô thấp thoáng đi ngang qua, những tiếng chào hỏi rộn ràng nghe mà ấm lòng: Con chào cô ạ! Con chào thầy ạ! Thầy cô gật đầu, ánh mắt sáng lấp lánh nhìn đám học trò nhỏ hồn nhiên, ngây thơ và rất mực lễ phép.

Ấy thế mà khi bước vào hầm gửi xe, Mai lại thấy một điều rất lạ, mà hình như đa số mọi người đều cho đó là chuyện quá đỗi bình thường. Những chiếc xe từ từ lăn bánh trên con dốc thẳng tuồn tuột xuống cái bàn làm việc của mấy bác bảo vệ. Dường như ai nấy đều quá quen thuộc rằng mình sẽ dừng xe ở cái bàn uống nước ấy và lấy vé rồi mới để xe vào trong hầm. Công việc của các bác bảo vệ là ghi vé xe cho mọi người, đó cũng là chuyện đương nhiên. Có lẽ vậy nên đa phần các em phóng thẳng xe đến nơi mà chẳng cất tiếng chào hỏi một câu.

Mai còn kinh ngạc hơn nữa, khi các bạn dừng xe mà vẫn ngồi chễm chệ trên yên, chẳng buồn nhấc mông xuống. Bác bảo vệ cũng chẳng ý kiến gì, cứ lặng lẽ cầm viên phấn trắng miệt mài viết số vé lên yên xe. Vô tình cái mông của người đi xe với cái mặt của bác bảo vệ dường như ở trên cùng một đường thẳng, hay nói ngoa ngoắt hơn một chút là “chổng mông vào mặt người ta”.

Sao lạ vậy nhỉ? Mai nhớ tới dòng chữ đỏ ối ngay trước cổng trường: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Mai hiểu rằng đến trường học tri thức chỉ là chuyện thứ yếu, điều quan trọng hơn là học chữ Lễ, học cách làm người. Ấy vậy mà, ngay trong môi trường giáo dục như thế này, dường như điều ấy lại bị lãng quên. Có lẽ các bậc phụ huynh chỉ nhớ dạy con mình chào hỏi, lễ phép với thầy cô, mà quên mất bác bảo vệ lặng lẽ nơi góc hầm gửi xe cũng cần được tôn trọng như vậy. Mai thầm nghĩ, nếu ngại mở miệng chào hỏi thì chí ít các bạn cũng nên xuống xe và nói cảm ơn khi nhận lại chiếc vé xe mới phải chứ nhỉ? Dẫu sao thì bác bảo vệ cũng vào hàng cha chú của mình.

Mẹ thường dặn dò Mai: “Lời chào cao hơn mâm cỗ. Nó thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người xung quanh, cũng là sự tôn trọng với bản thân mình. Con thử tưởng tượng xem nếu một người bạn gặp con, nhưng chẳng bao giờ thèm liếc nhìn con một cái, không cười, không nói, rồi lạnh lùng bước qua, con sẽ có cảm giác như thế nào?” “Con sẽ thấy hơi buồn vì bạn ấy không thèm để tâm đến mình ạ”. “Ừ, đúng rồi con ạ, nếu đó là một người lớn tuổi hơn, thì đó là sự bất kính đấy”.

Mai chợt nhớ đến Ngọc Anh, cô bạn xinh đẹp và học giỏi cùng lớp cấp 2. Dẫu học cùng nhau suốt cả học kỳ, nhưng chẳng bao giờ Ngọc Anh nhìn Mai lấy một cái khi lướt ngang qua cô. Nhưng với những cô bạn khác Ngọc Anh lại cười nói rất vui vẻ, như một thông điệp rằng: “Không xinh không chơi, không giàu không chơi, không học giỏi không chơi”. Ban đầu Mai cũng thấy mến mến cô bạn xinh đẹp và học giỏi ấy, nhưng sự lạnh lùng và kiêu ngạo của cô bé khiến Mai không còn thấy Ngọc Anh đáng yêu nữa.

Lời chào cao hơn mâm cỗ. Nó thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người xung quanh, cũng là sự tôn trọng với bản thân mình. (Ảnh: soha)

Cô con gái út cưng nhà cô bạn

Mai rất thích Yến Nhi, con gái út của cô bạn. Yến Nhi là một cô bé mũm mĩn, xinh xắn, đáng yêu và rất điệu đà. Thi thoảng gặp nhau hai cô cháu lại cùng nhau đi ăn phở gà, Mai dẫn Yến Nhi đi chọn váy chọn áo, hay chiếc bờm gắn nơ xinh xắn. Tình cờ trong một dịp công tác đến nhà thăm bạn vài ngày Mai đã thấy thật kinh ngạc trước cách hành xử của bọn trẻ. Trẻ nhỏ có thể chưa hiểu chuyện, nhưng điều này chứng tỏ cách giáo dục của người lớn chưa đủ vẹn toàn.

Yến Nhi là con gái út trong nhà nên được cha mẹ rất mực cưng chiều. Có lẽ biết được vị thế của mình trong lòng mọi người nên động một chút là cô bé mách mẹ rằng anh trai bắt nạt em gái. Nhưng Mai thấy lạ là, cậu anh trai một câu xưng anh, hai câu xưng Yến Nhi, rất mực ôn tồn, hiền hòa và lễ phép. Chỉ có cô em gái nói năng chỏn lỏn, lanh chanh, giọng lè nhè, nghe chẳng rõ chữ, chỉ biết là cô bé đang giận dỗi. Thế mà mẹ và bố lại quay sang mắng cậu anh: “Cứ trêu em để nó khóc”. Mai chợt nghĩ: “Dường như vợ chồng cô bạn quá yêu mến con gái út mà quên cả dạy cô bé rằng em gái đối với anh trai cũng phải biết giữ gìn chữ “Lễ”, thái độ và cách nói năng cần đúng mực hơn”.

Còn nhớ, hồi nhỏ mẹ đang cắm cúi chất rơm lên thành đống ngay trước sân nhà, dưới cái nắng vàng rực rỡ của mùa hè. Hai anh em Mai đang chơi đùa ngoài hiên. Không hiểu chòng ghẹo nhau thế nào, Mai bỗng lớn tiếng nạt nộ anh trai và xưng “ông” rất “oách”. Nhưng lời vừa ra khỏi miệng, mẹ đã lao từ trên ngọn đống rơm xuống đứng ngay trước mặt Mai tự lúc nào, nghiêm mặt nhìn thẳng vào mắt cô bé và hỏi: “Con vừa xưng hô gì với anh vậy?” Mai thoáng rùng mình sợ hãi, rối rít xin lỗi mẹ: “Con xin lỗi mẹ, sau này con không dám thế nữa ạ!” Từ đó về sau dẫu giận dỗi anh trai, Mai cũng chẳng bao giờ dám ăn nói trống không hay “cá mè một lứa” với anh. Hai anh em lúc nào cũng xưng hô “anh anh em em”, ai nấy nhìn vào đều thấy rất hòa thuận và tấm tắc khen mẹ khéo dạy dỗ hai anh em.

Những lúc nô đùa, trẻ em hay buột miệng những lời nói không đúng mực, sự can thiệp và chỉ bảo điều sai của người lớn lúc này là rất cần thiết. (Ảnh: Danviet)

Sáng tỉnh giấc, nhìn thấy Yến Nhi, Mai cất tiếng hỏi han nhưng cô bé chẳng nói chẳng rằng, chỉ lẳng lặng làm những việc của mình. Đến khi cô bé đi học về trông thấy Yến Nhi, Mai mỉm cười chào cô bé, cô bé cũng chẳng đáp lại. Mai nhìn cô bé nửa đùa nửa thật hỏi: “Cô chào Yến Nhi mà sao Yến Nhi không chào cô?” Cô bạn bối rối vội nói chữa: “Chào cô Mai đi con!” Lúc này Yến Nhi mới lí nhí cất tiếng chào.

Hai đứa trẻ nhà cô bạn đều khá ngoan, nhưng lạ là chúng không có thói quen mời người lớn trước khi ăn như thói quen của người Bắc. Nên dẫu có mặt người lớn ở đó thì dù là ăn cơm hay ăn bánh cũng chỉ thấy tụi trẻ cắm cúi ăn ngon lành như chốn không người.

Trong mắt Mai, tụi trẻ vẫn là những đứa bé hồn nhiên, vô tư và đáng yêu, chỉ là chúng thiếu một chút khái niệm về chữ Lễ và chưa được cha mẹ nhắc nhở kịp thời để dưỡng thành thói quen tốt mà thôi.

Mai còn nhớ một người bạn lớn tuổi từng nói với cô rằng: “Muốn biết một người thực sự tốt hay xấu hãy nhìn cách họ ứng xử với những người có vẻ như không quan trọng với mình. Hãy nhìn vào những tiểu tiết mà con người thường dễ bỏ qua nhất. Những điều người khác không để tâm thường lại tiết lộ chuẩn nhất về con người thật của họ.” Có lẽ với trẻ nhỏ khi chưa hoàn thiện về nhân cách thì câu này chưa hẳn đã chuẩn xác, nhưng lại có thể thấy được những điều cần hoàn thiện ở cha mẹ, các bậc phụ huynh và cả bản thân Mai nữa.

Những đứa trẻ hồn nhiên giống như tờ giấy trắng, nếu biết cách gấp sao cho lề lối gọn gẽ thì sẽ trở thành những đứa trẻ được giáo dục, uốn nắn thành tài. (Ảnh: Pinterest)

Đối với các bậc cha mẹ, những đứa con đều đáng trân quý như những viên ngọc minh châu vậy, chẳng nỡ để nó phải chịu khổ hay nhắc nhở quá nhiều. Nhưng con bé rồi cũng sẽ lớn lên, cha mẹ khỏe rồi cũng già yếu, chẳng thể mãi đi theo mà chở che cho chúng. Khi trưởng thành trẻ vẫn phải tự mình hòa nhập vào môi trường xã hội và học cách chung sống với mọi người, mà người yêu nên phúc, người ghét nên họa. Nên chăng người lớn chúng ta cần để tâm hơn vào những tiểu tiết để hoàn thiện chính mình và kịp thời uốn nắn, chỉ dạy cho con trẻ, giúp chúng trở thành những đứa trẻ hiểu lễ nghĩa và toàn vẹn hơn.

Đỗ Quyên