Mục lục bài viết
Câu thành ngữ “Đầu tiên đoạn lưu” (Ném roi ngựa ngăn sông), hiểu theo nghĩa bề mặt chữ chính là: Nếu đem toàn bộ roi ngựa ném xuống sông liền có thể chặn đứng dòng chảy của con sông đó. Đây là phép ví von biểu thị cho lực lượng quân đội hùng hậu, binh lực lớn mạnh. Đằng sau nó là một câu chuyện lịch sử khiến hậu nhân cảm khái.
Câu thành ngữ “Ném roi ngựa ngăn sông” bắt nguồn từ cuốn sách “Tấn thư – Phù Kiên tái ký”. Chuyện xảy ra dưới bối cảnh của thời kỳ “Thập lục quốc”.
Bối cảnh tao loạn thời Thập lục quốc
Vào những năm cuối thời Tây Tấn, người Hung Nô đánh vào Lạc Dương. Lưu Uyên, Lưu Thông, Lưu Diệu – thuộc khu vực phía Bắc và Trung Nguyên Trung Quốc – người sau nối tiếp người trước lật đổ triều Tây Hán, kiến lập nên chính quyền Hán Triệu (còn gọi là Tiền Triệu). Nước Tây Tấn diệt vong.
Năm 317 sau Công Nguyên, Lang Gia vương Tư Mã Duệ trốn chạy sang phía nam. Nhận được sự ủng hộ từ quần thần, Tư Mã Duệ lập vị tại Kiến Khang (nay là Nam Kinh) ở phía Nam Trung Quốc, xưng là Tấn Nguyên Đế. Lịch sử gọi đó là thời Đông Tấn, là thời kỳ kéo dài của chính quyền Tây Tấn thuộc dòng họ Tư Mã. Triều Đông Tấn cùng với triều Đông Ngô trước thời Tam Quốc và các triều Tống, Tề, Lương, Trần sau này được gọi là “Lục triều”.
Cùng thời gian đó ở phía Bắc, một số dân tộc du mục thành lập chính quyền và tiến hành chinh chiến khắp nơi trong nhiều năm liên tiếp. Lịch sử gọi giai đoạn này là “Ngũ hồ thập lục quốc”, cũng gọi là “Ngũ hồ loạn Hoa”. “Ngũ hồ” là để chỉ năm dân tộc thiểu số, bao gồm: Hung Nô, Tiên Ti, Yết, Đê, Khương.
Ngũ hồ thập lục quốc (304 – 439) là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ này bắt đầu từ năm 304 khi Lưu Uyên cùng Lý Hùng chia nhau lập nên nhà Hán Triệu và Thành Hán, cuối cùng kết thúc vào năm 439 khi Thác Bạt Đảo (Thái Vũ Đế) của Bắc Ngụy tiêu diệt Bắc Lương. Trên cơ bản, phạm vi ảnh hưởng của thời kỳ này bao gồm: Hoa Bắc, đất Thục, Liêu Đông, xa nhất có thể tới Mạc Bắc, Giang Hoài cùng Tây Vực. Trong số rất nhiều dân tộc vùng Trung Nguyên, các dân tộc: Hung Nô, Yết, Tiên Ti, Khương và Đê đóng vai trò chủ đạo và được gọi là “Ngũ Hồ”. Họ lần lượt dựng lập nên rất nhiều quốc gia tại khu vực này.
Nhà sử học người Bắc Ngụy – Thôi Hồng đã lựa chọn ra 16 quốc gia trong số rất nhiều quốc gia được thành lập đó để viết cuốn “Thập lục quốc Xuân Thu” (16 quốc gia đó bao gồm: ngũ Lương, tứ Yên, tam Tần, nhị Triệu, Thành Hán, Hồ Hạ). Vì thế, các nhà sử học sau này liền gọi thời kỳ này là “Ngũ hồ thập lục quốc”.
Thạch Lặc ở phía bắc lập nên nhà Hậu Triệu, thống nhất khu vực trung và hạ lưu sông Hoàng Hà. Tuy nhiên, trải qua sự tranh đoạt quyền lực giữa Thạch Hổ và Nhiễm Mẫn, Trung Nguyên lại một lần nữa rơi vào trạng thái hỗn loạn không có chính phủ. Sau này, dân tộc Đê lập nên chính quyền Tiền Tần. Dưới sự hỗ trợ của Vương Mãnh và những thuộc hạ khác, Phù Kiên (nhà Tiền Tần) thống nhất toàn bộ phương bắc Trung Quốc. Không chỉ lưu vực sông Hoàng Hà, quân đội của ông còn đánh tới Tây Vực, chiếm lĩnh vùng Hán Trung, Tứ Xuyên cùng khu vực sông Trường Giang. Mục tiêu tiếp theo của Phù Kiên chính là nước Đông Tấn.
Thiên vương nước Đại Tần – Phù Kiên quyết tâm đánh Đông Tấn
Phù Kiên – người dân tộc Đê – là vị quốc chủ thứ ba của chính quyền Tiền Tần trong thời kỳ Thập lục quốc. Ông vừa là một nhà chính trị vừa là một nhà quân sự. Phù Kiên cho rằng sự nghiệp của bản thân không đủ để được gọi là “đế”. Vậy nên ông đã tự hạ phong hiệu “đế” của mình xuống và xưng là “thiên vương”, gọi là “Đại Tần thiên vương”. Phù Kiên tán thành và lựa chọn sử dụng thể chế cùng văn hóa của Đại Hán để cai trị. Ông trọng dụng nhiều người Hán, một trong số đó là Vương Mãnh – người đã có đóng góp lớn trong việc thống nhất toàn bộ phía bắc Trung Quốc của triều Tiền Tần.
Lịch sử ghi chép: Vương Mãnh mất vào năm Kiến Nguyên thứ 11 (năm 375). Theo cuốn “Tấn thư – Vương Mãnh truyện”, trước khi Vương Mãnh qua đời từng để lại di ngôn nhắn nhủ với Phù Kiên rằng: nước Tấn tuy là định cư ở đất Ngô Việt nhưng vẫn là dòng dõi chính thống của Hoa Hạ. Thêm vào đó, nước Tấn áp dụng chính trị nhân ái, đối xử ôn hòa với các nước láng giềng. Đây chính là bảo vật trị nước. Sau khi thần chết, bệ hạ ngàn vạn lần không thể mưu toan diệt nước Tấn. Ngược lại, dân tộc Tiên Ti và Tây Khương mặc dù đã đầu hàng quý tộc nhưng tặc tâm không đổi. Đây chính là kẻ địch của nước ta, sớm muộn gì cũng sẽ trở thành tai họa. Vậy nên ngài cần từ từ diệt trừ tận gốc 2 mối hiểm họa này, như vậy mới có lợi cho quốc gia.
Lúc lâm chung, Vương Mãnh còn nói: “Nhà Tấn hiện tại mặc dù định cư ở khu vực Giang Nam xa xôi nhưng lại kế thừa văn hóa dân tộc Trung Hoa chính thống. Điều quý giá nhất của một quốc gia bây giờ là thân cận với người nhân đức, thiết lập mỗi quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng. Sau khi thần chết, hy vọng bệ hạ sẽ không có bất cứ mưu đồ gì với Đông Tấn. Tiên Ti, Tây Khương mới là kẻ địch của chúng ta, cuối cùng chắc chắn sẽ trở thành tai họa. Vì thế, mong bệ hạ nên dần dần loại bỏ họ, làm lợi cho xã tắc.”
Lời di ngôn nhắn nhủ của Vương Mãnh đã cho thấy hai phương diện. Một là ông đã nhìn thấy nội bộ chính trị bất ổn của Tiền Tần. Vấn đề an định các dân tộc thiểu số khác vẫn chưa được giải quyết. Đây là một tai họa ngầm vô cùng nguy hiểm. Phương diện thứ hai chính là: Vương Mãnh dù sao cũng vẫn là người Hán. Khí tiết của người Hán và tình cảm dành cho cố quốc vẫn luôn tồn tại trong ông. Có thể tận sâu trong nội tâm, ông vẫn hy vọng chính quyền người Hán nhà Đông Tấn có thể tiếp tục duy trì.
Vương Mãnh hy vọng Phù Kiên trước hết giải quyết vấn đề trong nước đến từ âm mưu ngầm đối với chính quyền Tiền Tần của tộc Tiên Ti, tộc Khương và các dân tộc thiểu số khác. Thế nhưng, sau khi Phù Kiên thống nhất phương Bắc lại không hề nghe theo lời khuyên của Vương Mãnh lúc lâm chung. Phù Kiên trước tiên dốc sức giải quyết vấn đề trong nước đến từ các dân tộc thiểu số nhưng sau đó vẫn một lòng muốn hoàn thành kế hoạch thống nhất Nam – Bắc. Nói cách khác, Phù Kiên vẫn quyết định tiến đánh Đông Tấn.
Phù Kiên ngoan cố đi ngược ý Trời và lòng người
Đối với quyết định này của Phù Kiên, nội bộ Tiền Tần xuất hiện bất đồng rất lớn.
Tầng lớp cấp cao của dân tộc Tiên Ti và dân tộc Khương sau khi đầu hàng Tiền Tần đã được giao đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong chính phủ Tiền Tần. Đại biểu cho nhóm người này là Mộ Dung Thùy của tộc Tiên Ti và Diêu Trường của tộc Khương. Ngoài ra còn có các thủ lĩnh Vũ Lâm lang thuộc tổ chức cấm vệ quân của hoàng đế. Những người này đều tán đồng với việc Tiền Tần công kích Đông Tấn.
Năm Kiến Nguyên thứ 18 (năm 382), Phù Kiên triệu tập quần thần, dựa vào việc có thể huy động hơn 90 vạn binh lực để đề xuất ra kế hoạch thân chinh Đông Tấn, thống nhất toàn quốc. Khi đó có Chu Dung biểu thị ủng hộ. Thượng thư tả phó xạ Quyền Dực và Thái tử tả vệ suất Thạch Việt đều chủ trương giao hảo với quân thần nước Đông Tấn. Khi đó, hai trọng thần nhân tài trong triều là Tạ An và Hoàn Xung cũng đều phản đối quyết định tiến công của Phù Kiên. Bấy giờ, quần thần trong triều mỗi người một ý, không thể đi đến thống nhất.
Phù Kiên thấy vậy bèn nói: giống như xây nhà ở bên đường mà đi hỏi ý kiến của người khác, vì nghe quá nhiều những lý luận bất đồng mà việc không thể thành, trong lòng ta tự có quyết định.
Sau khi tất cả quần thần lui xuống, Phù Kiên giữ lại em trai của mình là Phù Dung cùng nhau thảo luận. Song, Phù Dung lại lấy việc thiên tượng bất lợi, nhà Tấn trên dưới đồng lòng cùng với tình trạng binh lính Tiền Tần khi ấy đang mệt mỏi chán chường làm lý do để phản đối quyết định tấn công. Điều này khiến cho Phù Kiên vô cùng tức giận. Phù Dung thấy vậy, khóc mà khuyên can, thậm chí còn nhắc lại lời Vương Mãnh đã nói trước lúc qua đời nhưng cũng không cách nào làm dao động quyết tâm của Phù Kiên.
Sau Phù Dung, vị tăng nhân nổi tiếng Thích Đạo An, thái tử Phù Hồng, đứa con nhỏ Phù Sân, cho đến vị sủng phi Trương phu nhân của Phù Kiên đều phản đối kế hoạch thảo phạt nhà Tấn của ông. Bản thân nhóm người Phù Dung cũng nhiều lần dâng tấu phản đối nhưng Phù Kiên vẫn kiên quyết không từ bỏ kế hoạch xuất binh tấn công Đông Tấn. Có thể thấy, thực chất Phù Kiên đã sớm hạ quyết tâm thực hiện việc này.
Tóm lại, những lý do khi đó được sử dụng để phản đối việc Phù Kiên tiến công Đông Tấn chủ yếu gồm ba điều sau: Thứ nhất, Tinh tượng bất lợi – không có thiên thời. Khi ấy, vị trí sắp xếp của các vì sao trên trời đang ở vào thế thiên vị cho nhà Đông Tấn, cũng chính là bất lợi cho việc Phù Kiên phát động tiến quân đánh Đông Tấn; Thứ hai: Địa thế Trường Giang hiểm trở – không có địa lợi. Đông Tấn có vùng Trường Giang địa thế hiểm trở làm ưu thế. Đây chính là địa lợi đối với Đông Tấn; Thứ ba: Binh lính mỏi mệt – không có nhân hòa.
Quân sĩ của Tiền Tần lúc đó đang ở vào trạng thái suy kiệt. Ngược lại, nhà Đông Tấn lại được lòng dân quy phục. Kỳ thực vào thời điểm đó, quân đội Tiền Tần đã vô cùng chán ghét chiến tranh và không muốn tiếp tục giao chiến nữa. Vậy nên phương diện con người cũng là một trong số những thiếu sót của Tiền Tần.
Lại nói, vị danh tăng Thích Đạo An cũng không tán đồng việc Phù Kiên dẫn quân thảo phạt Đông Tấn. Ông nói với Phù Kiên: nếu như ngài muốn xuất binh, ngài không cần đích thân ra tiền tuyến tác chiến. Tốt nhất là ngài hãy ở lại Lạc Dương. Thế nhưng, Phù Kiên cũng không nghe theo khuyên bảo của nhà sư. Phù Kiên cho rằng ông có binh cường tướng mạnh hơn trăm vạn, của cải binh khí nhiều như núi – “Dĩ ngô chi chúng lữ, đầu tiên vu giang, túc đoạn kỳ lưu” (quân của ta người đông thế mạnh, ném roi ngựa xuống sông cũng có thể chặn đứt dòng chảy của nó).
Phù Kiên “ném roi ngựa ngăn sông”
Cuốn “Tấn thư – Phù Kiên tái ký” viết: Phù Kiên muốn thảo phạt Đông Tấn, có người khuyên ông nói: nước Tấn có Trường Giang với địa thế hiểm trở thuộc vào hạng đứng đầu, ngài vẫn là không nên tiến đánh thì hơn. Nghe xong, vị Đại Tần Thiên vương Phù Kiên này đã đáp trả lại một cách hùng hồn: “Ân trạch của Tôn Quyền trải dài khắp Ngô quốc. Tôn Hạo kế thừa cơ nghiệp truyền thừa ba đời. Vậy mà Long Tương tướng quân Vương Tuấn vừa hô to một tiếng, quân thần Ngô quốc toàn bộ liền bị bắt làm tù binh. Mặc dù có Trường Giang hiểm trở, nhưng bọn họ có thể thủ vững được không?! Đối với quân đội của ta mà nói, (nếu tất cả) đều ném roi ngựa xuống sông Trường Giang thì cũng có thể ngăn chặn dòng chảy của nó.”
Đoạn này đại ý là: Tôn Quyền ở nước Đông Ngô đóng vai trò bảo vệ cho toàn bộ nước Ngô, nhờ đó mà dựng lập nên được một chính quyền vững chắc. Nhưng truyền vị đến thời Tôn Hạo (Tôn Hạo là vị hoàng đế thứ tư của chính quyền Tôn Ngô), khi Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm lệnh cho Vương Tuấn dẫn đầu một đội chiến thuyền cao lớn gọi là “Lâu thuyền” hợp thành một đội thủy quân, thuận theo dòng sông đi xuống thảo phạt Đông Ngô, thì vương khí Kim Lăng hiển hách không gì sánh được đột nhiên mờ nhạt suy yếu. Lửa lớn nhấn chìm toàn bộ binh khí, xiềng xích trong vòng trăm trượng xuống đáy sông. Trên đầu thành đá giơ lên cờ đầu hàng, Đông Ngô diệt vong. Cho dù có Trường Giang địa thế hiểm ác, chẳng lẽ như vậy đã là phòng thủ kiên cố rồi sao? Với số lượng lớn nhân mã của ta, mỗi người đều ném tất cả roi ngựa của mình xuống sông Trường Giang thì liền có thể cắt đứt dòng chảy của nó!
Câu nói “Dĩ ngô chi chúng lữ, đầu tiên vu giang, túc đoạn kỳ lưu” của Phù Kiên sau này đã trở thành câu thành ngữ “đầu tiên đoạn lưu” được người đời sau sử dụng để chỉ lực lượng quân sự vô cùng hùng mạnh.
Quần thần và các thành viên khác trong hoàng thất đều khổ sở khuyên can Phù Kiên không nên thảo phạt Tấn, nhưng Phù Kiên không nghe. Ông tự mình dẫn quân ồ ạt tiến công thảo phạt Đông Tấn. Cuối cùng, Phù Kiên phát động một trận đánh lớn ở Phì Thủy và bị quân Đông Tấn đánh bại.
Nhắc đến thành ngữ “Đầu tiên đoạn lưu” thì không thể không nhắc đến “Trận Phì Thủy” nổi danh trong lịch sử Trung Quốc. Thông qua cuộc chiến tranh này, ngoài “đầu tiên đoạn lưu” còn có hai câu thành ngữ khác ra đời, đó là: “phong thanh hạc lệ” và “thảo mộc giai binh”. Nguồn gốc của hai câu thành ngữ này cùng trận chiến Phì Thủy sẽ được giới thiệu tới độc giả trong các bài tiếp theo.
Theo Secret China
Trường Lạc biên dịch