Ở bài viết trước, khi nói về việc Elon Musk gỡ phong sát tài khoản Twitter của một số phóng viên các tờ CNN, Washington Post, New York Times, chúng ta đã tìm hiểu về dân chủ.

Dân chủ là ‘đa số nói mới được tính’, nhưng đa số không hẳn vĩnh viễn đúng, do đó dân chủ cần phải có pháp trị, nếu không sẽ trở thành bạo dân. Chúa Giê-su và triết gia Socrates đã chết vì dân chủ bạo dân ấy.

Cho nên nhìn vào điều này, chúng ta thấy rằng: dân chủ chưa phải là chế độ chính trị tối ưu. Vậy thì có chế độ nào còn tốt hơn dân chủ?

Trong chương trình ‘Thiên Lượng luận chính‘ đăng ngày 25/4/2022, nhân câu chuyện ĐCSTQ có cuốn sách ‘Đại quốc chiến dịch’ (大國戰疫: Đại quốc chiến đấu với dịch bệnh) nhằm tuyên truyền ưu thế của chủ nghĩa chuyên chế, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã chia sẻ góc nhìn cá nhân về chế độ chính trị, từ đó hé mở câu trả lời như sau.

‘Lý tưởng quốc’ chia chế độ chính trị thành 3 nhóm 6 loại

Giáo sư Chương nói rằng, ĐCSTQ thường nói ‘tập trung tinh lực làm đại sự, tôi nói phong thành là phong thành, tôi tốt hơn dân thủ rất nhiều v.v.’. Nhưng kỳ thực, về chính trị, trong cuốn ‘Lý tưởng quốc’ (理想國: quốc gia lý tưởng) của Plato có một cách nói rằng, chính trị châu Âu có thể chia làm 3 nhóm:

  • Thứ nhất là một người thống trị, trong đó gồm Chế độ Quân chủ – Monarchy và Chế độ Tiếm chủ (僭主制: Chế độ Bạo chúa). 
  • Thứ hai là thiểu số thống trị, trong đó gồm Chế độ Quý tộc và Chế độ Quả đầu (寡頭制: Chế độ Đầu sỏ).
  • Thứ ba là đa số thống trị, trong đó gồm Chế độ Cộng hoà và Chế độ Dân chủ. 

Nói cách khác, triết gia Plato phân thành 3 nhóm là: Một người nói mới được tính, một vài người nói mới được tính, và đa số mọi người nói mới được tính.

Ưu điểm của Chế độ Quân chủ và Chế độ Quý tộc

Mỗi nhóm trên được phân thành 2 loại, đối với ‘một người thống trị’ thì có quốc vương tốt và quốc vương xấu, đối ứng với Chế độ Quân chủ và Chế độ Tiếm chủ. ‘Thiểu số thống trị’ cũng có nhóm tốt, nhóm xấu; nhóm tốt là Chế độ Quý tộc, nhóm xấu là Chế độ Quả đầu. ‘Đa số thống trị’ thì có Chế độ Cộng hoà (như của nước Mỹ) và Chế độ Dân chủ. Theo Plato thì Dân chủ tương đối xấu.

Chúng ta thấy rằng trong ‘Lý tưởng quốc’, Plato đã phân thể chế chính trị thành 6 loại, xếp theo thứ tự ưu – nhược, ông cho rằng Chế độ Quân chủ là tốt nhất, tức ‘một người nói mới được tính’, nhưng yêu cầu phải là quốc vương tốt.

Kém hơn một chút là Chế độ Quý tộc, tức ‘thiếu số nói mới được tính’, mọi người có thể thương lượng với nhau. Dưới tình huống như vậy, sau khi mọi người thương lượng, vẫn có quyền chế ước lẫn nhau. Và Plato cho rằng Chế độ Quý tộc kém hơn Chế độ Quân chủ? Vì sao? 

Bởi vì nếu là một quốc vương tốt, họ là người rất thông minh, ưu tú, điều gì họ đều suy nghĩ rõ ràng hơn người khác, nên khi họ quyết định là tốt nhất. Thêm nữa, vị quân vương đó còn có tâm thiện lương, thì họ sẽ làm càng tốt hơn nữa. Đây là khái niệm mà triết gia Socrates gọi là ‘Triết nhân vương’ (哲人王: quân vương là người hiền triết), trong Nho gia gọi là ‘Nội Thánh ngoại vương’ (bên trong tu dưỡng như Thánh nhân, mà bên ngoài là một vị quân chủ).

Nếu một người không được, thì một số người có trí lực và đạo đức kém hơn ‘Triết nhân vương’ một chút, họ có thể cùng thương lượng với nhau để đưa ra quyết định. Điều này cũng không tệ.

Tiếp đến mới là Chế độ Cộng hoà giống như của nước Mỹ. Khi chúng ta thấy sự thay đổi chế độ chính trị ở châu Âu, trên cơ bản là trải qua quá trình: từ Chế độ Quân chủ do quốc vương thống trị, đến Chế độ Quý tộc, sau đó đến Chế độ Cộng hoà. Đến ngày hôm nay, lấy ví dụ về Anh Quốc vẫn còn Chế độ Quân chủ, họ còn có nữ hoàng (lúc làm chương trình thì Nữ hoàng Anh chưa mất, vua Charles III lên thay), nhưng quyền lực bị hạn chế. Nhưng trong Nghị viện vẫn có Thượng viện và Hạ viện, Thượng viện chính là do quý tộc tổ chức thành lập. 

Trong cuốn ‘Trung Hoa văn minh sử’, Giáo sư Chương có đưa ra một khái niệm là: Trong tình huống sức sản xuất không phát triển lắm, thì Chế độ Quý tộc có chỗ vô cùng tốt. Chế độ Quý tộc có thể giữ được việc truyền thừa văn hoá truyền thống, trong tình huống sức sản xuất không tốt, nhiều người rất nghèo, mọi người đều muốn lao động, vậy thì những phương diện văn hoá như âm nhạc, mỹ thuật, thơ ca… sẽ không có ai đủ tinh lực để làm. Do đó đối với việc truyền thừa văn hóa truyền thống, thì cần đến quý tộc.

Thêm vào đó, chế độ quý tộc từ khi bắt đầu, họ có đất phong riêng (giống như chế độ phong kiến thời Tây Chu), mỗi quý tộc có trang viên, lâu đài, họ tương đương với ‘lãnh chúa phong kiến’. Giữa các quý tộc thường có thông hôn. Kết quả của việc thông hôn đem đến việc: sẽ rất ít chiến tranh ‘một nước diệt một nước’, bởi vì thông hôn nên các nước là thông gia với nhau. 

Trong thời kỳ thống trị của quý tộc, dù vẫn có chiến tranh, nhưng loại chiến tranh rất có tính ước chế. Cho nên chúng ta thấy trong thời kỳ Tây Chu, chiến tranh là ‘nói tội chứ không chiếm đất, trách phạt chứ không trọng thương’, trước khi chiến tranh, mọi người hẹn trước, không tập kích bất ngờ, đồng thời tuân thủ lễ tiết của quý tộc.

Chế độ Cộng hoà và Chế độ Dân chủ

Tiếp sau Chế độ Quý tộc là Chế độ Cộng hoà giống như chế độ của nước Mỹ bây giờ. Chế độ Cộng hoà, ngoài việc tuyển cử, còn có pháp luật, sau đó phải đạt được ‘đại đa số’ – Supermajority ở Thượng viện mới thông qua đạo luật v.v. nhằm để cân bằng quyền lực các bên. Đây gọi là Chế độ Cộng hoà.

Trên thực tế, nếu chiểu theo cách nhìn của Plato, thì Chế độ Dân chủ là chế độ tương đối tồi tệ. Vì sao? Bởi vì nếu không có pháp trị, thì Chế độ Dân chủ dễ diễn biến thành ‘bạo dân’, hoặc là ‘bạo chính’ của đa số. Đạo đức của mọi người tồi tệ, sẽ cùng nhau làm những việc rất tồi tệ. Ví như triết gia Socrates chính là chết bởi dân chủ, bị người Athens bỏ phiếu xử tử. Chúa Giê-su cũng chết vì dân chủ. Khi đó người Do Thái cũng làm giống như dân chủ, mọi người cùng hét lớn rằng: ‘Hãy thả kẻ sát nhân và giết Giê-su’.

Do đó, nếu so sánh giữa Dân chủ và Quân chủ thì không chuẩn xác lắm, phải so sánh ‘Dân chủ nào’ hoặc là ‘Quân chủ nào’ thì mới chính xác. Nếu Chế độ Quân chủ với ‘Triết nhân vương’ như Plato đề cập trong Lý tưởng quốc, so sánh với Chế độ Dân chủ mà giết Socrates và Giê-su, thì Chế độ Quân chủ tốt hơn.

Giáo sư Chương có góc nhìn như vậy, còn quý độc giả nhìn nhận như thế nào, hãy để lại bình luận bên dưới. Hẹn quý độc giả ở những bài viết tiếp theo.

Mạn Vũ