Mục lục bài viết
“Đây là một tấn bi kịch chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Trong một năm khí hậu bình thường, không chiến tranh, không dịch bệnh, vậy mà hàng chục triệu người đã chết vì đói, lại còn xảy ra thảm cảnh ‘ăn thịt người’ quy mô lớn. Điều này trong lịch sử nhân loại là tuyệt đối độc nhất vô nhị.”
Đoạn văn này là lời của cựu phóng viên Tân Hoa Xã Dương Kế Thằng tố cáo ĐCSTQ vì đã phát động cuộc vận động “Đại nhảy vọt”.
Quý vị độc giả, chào mừng quý vị đến với chuyên mục “Trăm Năm Chân Tướng“. Hôm nay, chúng tôi sẽ kể cho quý vị nghe về tấn thảm kịch nhân gian giết chết nhiều người nhất bởi chính sách cực tả của ĐCSTQ sau khi kiến lập chính quyền.
“Vệ tinh cao sản” bay khắp trời
Năm 1958, ĐCSTQ do Mao Trạch Đông đứng đầu, bỗng đột phát tư tưởng điên rồ là “đuổi Anh vượt Mỹ” (đuổi kịp Anh quốc, vượt qua Mỹ quốc) và “bước trên con đường tiến vào Chủ nghĩa Cộng sản”, nên từ trên xuống dưới phát động một trường vận động cực tả mang tên “Vận động Đại nhảy vọt”.
Vào thời điểm đó, tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã công khai tuyên truyền “người có gan lớn đến đâu, đất sinh sản lượng cao đến đó“, và thường đăng tải các báo cáo giả về sản lượng lương thực rất cao.
Ví dụ, vào ngày 8 tháng 6 năm 1958, tờ báo đã phát hành một báo cáo khoa trương rằng “năng suất lúa tẻ trung bình trên 5 mẫu của Hiệp hội nông nghiệp vệ tinh của huyện Toại Bình, tỉnh Hà Nam đạt tới 2.105 cân”, bắn đi phát súng đầu tiên gọi là “Vệ tinh cao sản”, bước vào vận động Đại nhảy vọt. Vào ngày 13 tháng 8 năm 1958, tiêu đề trên trang nhất của “Nhân dân Nhật báo” là: “Ma Thành Kiến Quốc xuất hiện sản lượng ngũ cốc sớm cao nhất thiên hạ, lên tới 3,69 vạn cân”. Theo đó, các phương tiện truyền thông lớn của ĐCSTQ tranh nhau tung ra “vệ tinh cao sản”, náo nhiệt tham gia vào vở kịch lịch sử hoang đường này.
“Kỷ lục” cao nhất của lúa tẻ là 8.586 cân mỗi mẫu của Đội sản xuất số 1 của Nông trường Trại Thập Khắc ở lưu vực Sài Đạt, tỉnh Thanh Hải; kỷ lục cao nhất về ngũ cốc là hơn 13 vạn cân của nhân dân xã Hồng Kỳ ở huyện Hoàn Giang, tỉnh Quảng Tây; một số người thậm chí còn phóng đại năng suất khoai tây trên mỗi mẫu là 56,8 vạn cân.
Bách tính hơn 40 triệu người chết đói
Đồng thời, ĐCSTQ cũng phát động cuộc vận động đại luyện thép trên quy mô toàn quốc. Theo hồ sơ của ĐCSTQ, từ ngày 17 đến ngày 30 tháng 8 năm 1958, Cục Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã triệu tập một đại hội mở rộng tại Bắc Đới Hà, quyết định sản lượng thép năm 1958 sẽ đạt tới 10,7 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm 1957. Nhưng sản lượng thép toàn quốc đương thời thực tế mới chỉ hoàn thành hơn 3,8 triệu tấn.
Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ trong 4 tháng còn lại? Mọi ngành mọi nghề toàn dân Trung Quốc đều tham gia vào vận động luyện thép ở địa phương, tựa hồ mọi đơn vị, mọi hợp tác xã và mọi lữ đoàn quân đội đều tham gia vào hoạt động luyện thép bằng lò cao ở địa phương.
Luyện thép cần có quặng sắt, than cốc, nhiên liệu và các vật liệu khác. Nếu không đủ quặng sắt thì sao? Mọi người không ra đồng làm ruộng, toàn bộ lên núi khai thác quặng sắt. Hết nhiên liệu thì làm thế nào? Lên núi chặt rừng, đốn trọc hết đồi xanh này đến đồi xanh khác. Thậm chí ngay cả những di tích văn hóa cũng bị phá bỏ để lấy gạch xây lò luyện thép, con dùng mỹ từ để tô vẽ: “di tích văn hóa cũng vì luyện thép mà phục vụ”. Vận động toàn dân đại luyện thép đã tạo thành lãng phí cực đại về nhân lực, vật lực, tài lực, làm suy yếu nghiêm trọng nền nông nghiệp.
Ngoài ra, đến cuối năm 1958, hơn 3,4 triệu căng-tin công cộng ở các hợp tác xã nhân dân “ăn không cần trả tiền” đã được thành lập ở nông thôn Trung Quốc. Chính phủ nói với người dân, “hãy ăn thả cửa”. Chẳng qua được vài tháng, lương thực trong nhà người dân bị thu sạch, lương thực ở căng-tin cũng nhanh chóng cạn kiệt.
Bằng cách này, năm ngọn cuồng phong gồm “cộng sản phong”, “huênh hoang phong”, “chỉ huy mù quáng phong”, “mệnh lệnh cưỡng bức phong”, “cán bộ đặc thù hóa phong” đã giật mạnh. Một bên thì phóng “vệ tinh cao sản” lương thực, một bên thì nông nghiệp suy yếu. Rất nhanh chóng, hậu quả nghiêm trọng đã xuất hiện.
Hãy lấy một ví dụ. Năm 1959, sản lượng lương thực ở Tín Dương, tỉnh Hà Nam thấp hơn 50% so với năm 1958, chỉ hơn 2 tỷ cân, nhưng nó đã bị báo cáo sai lên thượng cấp là đạt 7,2 tỷ cân. Kết quả là, lượng trưng cầu lương thực đã tăng 18% so với năm trước. Nhiều lương thực trưng thu và cái gọi là “lương thực dư thừa” đã bị quan viên và dân binh các cấp đánh đập, cưỡng bức, lục soát mà cướp đi, khiến hơn 10 ngàn người bị bắt, và hơn 700 người chết trong trại giam.
Sau đó, hiện tượng người chết đói xuất hiện quy mô lớn ở Tín Dương. Theo bài báo “Tìm kiếm những ngôi làng người chết hết ở Thương Thành, Hà Nam năm 1959”, hơn 5 vạn hộ gia đình đã chết ở toàn quận Tín Dương, hơn 1 vạn thôn trang bị hủy diệt; riêng 639 ngôi làng ở huyện Tức người chết hết, ở huyện Cố Thủy, nơi có hơn 400 thôn trang, không còn ai sống sót, còn ở huyện Thương Thành, hơn 453 ngôi làng tuyệt tử.
Ngày 12 tháng 11 năm 1960, Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm và Đào Chú, Bí thư thứ nhất của Cục Trung Nam ĐCSTQ, đã đến Tín Dương để điều tra. Năm tháng sau, Đào Chú nói, “Tôi nghĩ rằng số người tử vong không cần thống kê nữa, đã hơn 1 triệu rồi”.
Dương Kế Thằng, cựu phóng viên cấp cao của Tân Hoa xã, đã mất gần 20 năm để viết cuốn “Bia mộ: Ghi chép thực về nạn đói lớn ở Trung Quốc những năm 1960“, ghi lại cuộc Đại nhảy vọt. Theo nghiên cứu của Dương Kế Thằng, 36 triệu người đã chết đói trên toàn quốc.
Ông viết: “Con số này tương đương với 450 lần số người thiệt mạng do quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki (Nhật Bản) vào ngày 9 tháng 8 năm 1945. Tức là, nạn đói lớn tương đương với việc thả 450 quả bom nguyên tử xuống vùng nông thôn Trung Quốc….. tương đương 150 lần số người chết vì trận động đất ở Đường Sơn năm 1976,…. vượt qua số người chết vì Thế chiến thứ nhất,…. mức độ thảm khốc vượt qua Thế chiến thứ hai. 40 đến 50 triệu người chết trong Thế chiến hai là xảy ra trên các vùng đất rộng lớn của châu Âu, châu Á và châu Phi trong bảy hoặc tám năm, còn 36 triệu người đã tử vong tại Trung Quốc chỉ trong ba hoặc bốn năm.”
Năm 1996, Trần Nhất Tư, cố vấn của cựu Tổng bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương và là Sở trưởng Sở cải cách thể chế kinh tế Trung Quốc, căn cứ trên một báo cáo bí mật được viết trong các văn kiện nội bộ đảng, sở này nhận định con số người chết những năm đó là từ 43 triệu đến 46 triệu người.
Cuộc sống xa hoa của Mao Trạch Đông
Nhân dân nhiều người chết đói như vậy, Mao Trạch Đông có chịu khổ ngày nào với họ không?
Hà Phương, một chuyên gia về lịch sử ĐCSTQ, tiết lộ rằng các phương tiện truyền thông của đảng Cộng sản đã tuyên truyền rằng Mao Trạch Đông đã không ăn thịt trong vài tháng trong “thời kỳ ba năm khó khăn”, sự thực là, bác sĩ khuyên ông ta nên ăn thịt bò và thịt cừu thay thế do hàm lượng cholesterol cao trong thịt lợn.
Cuốn sách “Mao Trạch Đông di vật sự điển” (Chuyện cũ của Mao Trạch Đông) ghi lại rằng vào đầu những năm 1960, khi các nhân viên xây dựng công thức món ăn phương Tây, riêng thịt gà đã liệt kê ra nhiều tên món ăn mà người Trung Quốc chưa từng nghe đến, chẳng hạn như gà cuộn bơ, sườn gà rán mềm, bánh gà, gà nguyên thịt, gà hầm sành, gà hầm đỏ, gà bọc giấy, gà hấp dừa, v.v.
Năm 1959, vợ của Mao là Giang Thanh tổ chức yến tiệc ở Thượng Hải. Nữ diễn viên Hoàng Tông Anh có mặt nhớ lại: “Chúng tôi vừa được mở rộng tầm mắt, vừa cảm thấy kinh dị… Rất nhiều nông thôn đã xảy ra những cái chết thương tâm và bất thường vào thời điểm này, nhưng bữa tối của gia đình họ vẫn rất xa hoa.”
Trong những năm nạn đói, nhiều biệt phủ cũng được xây dựng cho Mao ở nhiều nơi khác nhau. Ví dụ, khách sạn Tây Giao Thượng Hải, có diện tích 1.160 mẫu, được xây dựng vào khoảng năm 1960; khách sạn Thiều Sơn Tích Thủy Động bắt đầu xây dựng vào nửa cuối năm 1960 và hoàn thành vào cuối năm 1962. Mao chỉ ở lại đây 12 ngày vào năm 1966, và nó đã bị bỏ trống trong một thời gian dài, một đại đội lính canh giữ nó trong suốt thời gian này.
Bành Đức Hoài bị đả đảo vì nói sự thật
Ngày 14 tháng 7 năm 1959, trong Hội nghị Lộc Sơn, Nguyên soái ĐCSTQ Bành Đức Hoài đã viết một bức thư nói lời thật cho Mao Trạch Đông, nói về một số vấn đề trong Đại nhảy vọt.
Không những Mao không nghe lời Bành mà còn nổi trận lôi đình, phát động đại phê bình đối với Bành.
Ngày 16 tháng 8 năm 1959, Hội nghị toàn thể lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa VIII đã thông qua các văn kiện như “Nghị quyết về những sai sót của nhóm phản đảng do Bành Đức Hoài đứng đầu”, “Đấu tranh bảo vệ đường lối chung của đảng và phản đối chủ nghĩa cơ hội hữu huynh”, kết luận rằng Bành đã phạm tội “sai lầm theo đường lối chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh phản đảng, phản nhân dân, phản chủ nghĩa xã hội”.
Sau hội nghị, cuộc đấu tranh chống hữu khuynh “đấu tranh tàn bạo, đả kích vô tình” đã được phát động trên cả nước, hơn 3,8 triệu đảng viên và cán bộ bị dán nhãn phần tử chủ nghĩa cơ hội cực hữu.
Nghịch lý “Viện trợ nước ngoài lớn” và “Xuất khẩu lớn” trong nạn đói lớn
Vào thời điểm đó, không ai có thể tưởng tượng được rằng ĐCSTQ đang viện trợ nước ngoài ồ ạt trong khi đất nước đang chịu nạn đói.
Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm của ĐCSTQ tuyên bố trong “Báo cáo Quyết toán Nhà nước năm 1961 và 1962” rằng từ năm 1958 đến năm 1962, ĐCSTQ đã viện trợ nước ngoài 2,362 tỷ nhân dân tệ cho Albania, Triều Tiên, Việt Nam, Cuba, Mông Cổ. và một số nước châu Phi.
Tiền Lý Quần, một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đã viết trong cuốn “Thời đại Mao Trạch Đông và thời đại hậu Mao Trạch Đông” rằng: “Đó đúng là vào năm 1960, khi nạn đói tồi tệ nhất, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan đặc biệt về viện trợ nước ngoài. Trong năm đó, ĐCSTQ đã viện trợ Guinea 10 ngàn tấn gạo, 5 ngàn đến 10 ngàn tấn lúa mì và gạo ở Congo, 50 ngàn tấn ngũ cốc ở Albania.”
Căn cứ theo số liệu của Niên giám thống kê Trung Quốc, 415,75 vạn tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu vào năm 1959 và 265,41 vạn tấn vào năm 1960, tổng cộng là 6,8 triệu tấn, tương đương 13,6 tỷ cân (1 cân TQ = 0,5kg). Theo khẩu phần nông thôn 1960 do ĐCSTQ đặt ra vào năm 1960, khẩu phần lương thực tối đa hàng năm cho mỗi người không được vượt quá 400 cân. 13,6 tỷ cân ngũ cốc xuất khẩu, tương đương với khẩu phần hàng năm của 34 triệu người.
Chương 8 của “Quốc sử của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949-1965)” viết: “Điều đáng ngạc nhiên nhất là ngay cả vào năm 1959, khi tỷ lệ tử vong tăng cao, sản lượng lương thực của Trung Quốc đạt mức bình quân cao nhất trong lịch sử.”
“Bao nhiêu người chết không quan trọng”
Văn hóa truyền thống Trung Hoa giảng, “nhân mệnh quan Thiên” (mệnh người liên quan tới Trời), nhưng Lý Duệ, người từng là thư ký của Mao Trạch Đông, nói: “Trong tính cách của Mao, bao nhiêu người chết không quan trọng.”
Năm 1961, khi Mao gặp nhà lãnh đạo đảng Xã hội Pháp Mitterrand, trước những lời đồn đại của thế giới phương Tây về nạn đói lớn ở Trung Quốc, ông ta nói: “Tôi xin nhắc lại, không có nạn đói ở Trung Quốc.”
Năm 1962, Lưu Thiếu Kỳ nói với Mao: “Rất nhiều người chết đói, và lịch sử sẽ quy cho tôi và anh. Mọi người ăn thịt lẫn nhau, và điều đó nên được viết trong sách!” Mao đáp:“Tôi đã đi khắp nơi toàn quốc, từ Trung Nam đến Tây Nam, tìm khắp các vùng miền, đồng chí nào cũng nói, tỉnh nói năm trước tốt hơn năm trước đó, năm nay tốt hơn năm ngoái.”
Cho đến ngày nay, ĐCSTQ đối với giai đoạn lịch sử này có một thái độ hư vô chủ nghĩa. Trong ấn bản mới của “Lược sử ĐCSTQ”, thậm chí không đề cập đến “Nạn đói lớn”.
Nhà sử học người Hà Lan Frank Dikotter tin rằng nạn đói lớn do Đại nhảy vọt của ĐCSTQ gây ra có thể được liệt vào danh sách ba đại thảm sát của thế kỷ 20, cùng với thảm sát quần đảo Gulag ở Liên Xô và thảm sát người Do Thái của Đức Quốc xã.
- Nữ anh hùng kiên trinh và “tình sử” khiến nhiều người ớn lạnh
- Bí ẩn cái chết của 23 vạn người trong vụ vỡ đập Bản Kiều năm 1975 ở Trung Quốc.
Ông Dương Kế Thằng đã viết trong cuốn “Bia mộ”: “Dưới chế độ cực quyền, những kẻ đương quyền luôn che đậy mặt ác, trưng ra mặt thiện, cưỡng chế người dân xóa bỏ ký ức tội ác và hắc ám về nhân họa. Vì vậy, người Trung Quốc thường mắc chứng mất trí nhớ lịch sử. Đây là chứng mất trí nhớ do cưỡng chế bằng quyền lực tạo thành. Tấm “Bia mộ” tôi dựng lên chính là để mọi người ghi nhớ về nhân họa – tội ác và hắc ám do chính con người gây ra, đồng thời giúp con người tránh xa nhân họa, hắc ám và tội ác trong tương lai.”
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Xem trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch