Mục lục bài viết
Năm 763, tuy rằng ‘An Sử chi loạn’ được bình định, nhưng vì Đại Đường dung túng cho bè đảng của An Sử, nên lại rơi vào cục diện khó khăn là ‘phiên trấn cát cứ’, rất nhiều phiên trấn trở thành địch thủ với trung ương.
Đến thời Đường Hiến Tông, phiên trấn tạm thời quy thuận triều đình, nhưng sau loạn cục lại khởi, dẫn đến Đại Đường diệt vong. Vậy thì ‘phiên trấn chi loạn’ có những đặc điểm gì?
- Loạt bài Lưỡng Tống phồn hoa
Đặc điểm phiên trấn thời Đường
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng sau ‘An Sử chi loạn’, những phiền phức do phiên trấn mang lại chủ yếu đến từ phiên trấn vùng Hà Sóc, tức vùng Hà Bắc và Sơn Tây. Những phiên trấn này có 3 đặc điểm nổi bật:
Đặc điểm thứ nhất là quyền về ‘quân chính tài’ (quân sự, chính trị, tài chính) hoàn toàn là tự vận hành. Điều này nghĩa là trong quản hạt, Tiết độ sứ của phiên trấn có thể bổ nhiệm quan viên các cấp, đồng thời nắm giữ quân đội trong tay. Tiết độ sứ còn có thể trưng thu thuế của lão bách tính nơi đó.
Đặc điểm thứ hai là trước khi Tiết độ sứ của phiên trấn qua đời, ông có thể chỉ định người kế nhiệm, thời đó gọi là ‘Lưu hậu’ (留後: lưu lại người kế nhiệm sau này). Cũng tức là có lúc Tiết độ sứ của phiên trấn chỉ định con trai hoặc cháu trai, hoặc thân thuộc trong gia đình để làm người kế nhiệm, cũng có lúc chỉ định một bộ tướng; sau đó người kế nhiệm đến triều đình để hành lễ mang tính thủ tục. Do đó triều đình đối đãi với phiên trấn không khác gì quan hệ giữa mẫu quốc và thuộc quốc, chỉ hành lễ mang tính thủ tục.
Đặc điểm thứ ba là phiên trấn vùng Hà Sóc đã nói ở trên chủ yếu do ‘người tộc Hồ hoặc người Hán bị Hồ hoá’ giữ chức Tiết độ sứ, cho nên văn hoá của địa khu này trở nên suy yếu. Bởi vì địa bàn của những nơi này không quá lớn, nó không to lớn như Đại Hán hay Đại Đường, một quốc gia sau khi to lớn phải thiết lập một chế độ chính trị hoàn thiện và một thể hệ văn hoá để chống đỡ thể chế chính trị ấy. Còn phiên trấn ở Hà Sóc chỉ thống trị địa khu của vài châu, họ xem nhẹ văn hoá, nên hoàn toàn dựa vào vũ lực để duy trì sự ổn định của phiên trấn.
Ví như phiên trấn Nguỵ Bác là một phiên trấn điển hình. Họ đem toàn bộ thanh niên trai tráng biên chế vào quân đội, để phụ trách duy trì ổn định của chính quyền hoặc là phát động phản loạn để khuếch trương lãnh thổ.
Còn những người cao tuổi thì phụ trách cày bừa trồng trọt, như thế sức sản xuất nhất định không phát triển. Hơn nữa họ lại lựa ra những người tinh nhuệ cường tráng nhất trong nhóm thanh niên trai tráng để làm ‘nha binh’ (牙兵: binh sắc như răng, binh tinh nhuệ) để làm quân đội tinh nhuệ hơn nữa nhằm bảo vệ chính quyền.
Hơn nữa từ trong ‘nha binh’ lại chọn ra những người tinh tráng hơn nữa, tức quân tinh nhuệ của tinh nhuệ để làm ‘dưỡng tử’ (養子: con nuôi), coi giống như là con trai của Tiết độ sứ. ‘Dưỡng tử’ đồng thời cũng là người Tiết độ sứ tín nhiệm nhất. Do đó phiên trấn là ‘kiêu binh hãn tướng’ (驕兵悍將: binh hùng tướng mạnh).
Bản thân Tiết độ sứ không trung thành, không tôn kính, không phục tùng đối với Hoàng đế, cho nên đương nhiên binh sĩ và tướng quân bên dưới cũng học theo như thế. Họ tiệt nhiên có thể không trung thành đối với Hoàng đế ở trên, vậy vì sao họ phải thể trung thành với Tiết độ sứ? Cho nên trong phiên trấn không ngừng phát sinh tình huống ‘dĩ hạ phạm thượng’.
Ban đầu thế lực của phiên trấn rất mạnh, nhưng sau này do mâu thuẫn nội bộ, đến thời Đường Mục Tông (tức sau thời Đường Hiến Tông) do tranh quyền trong nội bộ của phiên trấn, nên không còn tinh lực gây khó cho trung ương. Do đó đến Trung Đường và Vãn Đường (giữa và cuối thời Đường) thì phiên trấn không ngừng tiêu trầm.
Sau này đến năm 874, khi Vương Tiên Chi và Hoàng Sào tác loạn, thì thế lực của phiên trấn mới ngóc đầu dậy. Bởi vì Vương Tiên Chi và Hoàng Sào thuộc về bọn thảo khấu (giặc cỏ) chạy khắp toàn quốc, cho nên các nơi vì để bình định phản loạn, thì phiên trấn cũng lần lượt mở rộng bổ sung binh lính, khuếch trương địa bàn. Lúc này đã xuất hiện ‘cường phiên’ (phiên trấn mạnh), giống như Chu Ôn, Lý Khắc Dụng. Sau này ‘cường phiên’, hoặc là thay thế triều Đường, hoặc là tự xưng Hoàng đế.
‘Phiên trấn chi loạn’ trăm đầu nghìn mối, xảy ra rất nhiều, còn loạn hơn cả thời Chiến Quốc, và vì để chương trình liên tục, Giáo sư Chương vẫn phải giảng một chút về sự kiện chủ yếu của ‘Phiên trấn chi loạn’.
Phiên trấn chi loạn
Giáo sư Chương giảng về tình huống của phiên trấn thời Đường Đại Tông, tức sau khi bình định được ‘An Sử chi loạn’.
Sau khi bình định ‘An Sử chi loạn’, khi ấy Đường Đại Tông muốn nhân nhượng cho khỏi phiền, đã cho phép bè đảng còn lại của An Sử tiếp tục làm Tiết độ sứ của phiên trấn. Trong đó phiên trấn lớn mạnh nhất chính là Nguỵ Bác Tiết độ sứ tên là Điền Thừa Tự.
Đường Đại Tông vì để dàn xếp tốt quan hệ với Điền Thừa Tự, vào năm 774, vua Đường đã gả con gái của mình cho con trai của Điền Thừa Tự, nhưng đến năm thứ hai thì xuất hiện vấn đề.
Vào năm thứ hai, phía tây của Nguỵ Bác Tiết độ sứ là Chiêu Nghĩa Tiết độ sứ – Tiết Tung bệnh chết. Sau khi Tiết Tung mất, Điền Thừa Tự đã thôn tính địa bàn Chiêu Nghĩa. Như thế, ban đầu cùng Hà Bắc có 4 phiên trấn, nay chỉ còn 3 phiên trấn.
Loại thôn tính này không được chính phủ trung ương thừa nhận, cho nên trung ương đã hạ chiếu khiển trách Điền Thừa Tự. Khi đó Đường Đại Tông tức giận đã giáng chức Điền Thừa Tự xuống còn Châu trưởng vùng Vĩnh Châu, nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Điền Thừa Tự đương nhiên từ chối nhận mệnh, cho nên Đường Đại Tông lệnh cho 8 phiên trấn xung quanh liên hiệp tấn công Điền Thừa Tự. Điền Thừa Tự thất bại, thấy tình huống không tốt cho nên đã nhận lỗi với chính phủ trung ương, sau đó Đường Đại Tông miễn xá tha tội cho Điền Thừa Tự. Nhưng bản thân Điền Thừa Tự không những không nhận trừng phạt, mà ông ta còn thôn tính địa bàn của Chiêu Nghĩa Tiết độ sứ mà không trả.
Sau này đến năm Đại Lịch thứ 14, tức tháng 3 năm 779, Điền Thừa Tự bệnh chết, trước đó ông đã định cháu trai là Điền Duyệt làm Lưu Hậu (Tiết độ sứ kế nhiệm), trung ương không dám không đáp ứng. Điều này chính là bắt đầu cho một tiền lệ xấu ‘phiên trấn thế tập’ (藩鎮世襲: phiên trấn đời đời nối tiếp chức tước).
Cùng năm đó, Hoài Tây Tiết độ sứ Lý Trung Thành bị Đô ngu hầu (tương đương với quan chấp pháp trong quân) tên là Lý Hi Liệt đuổi đi, triều đình cũng không dám xử phạt, mà là thuận nước đẩy thuyền, bổ nhiệm Lý Hi Liệt làm Hoài Tây Tiết độ sứ. Điều này tương đương với việc ‘dĩ hạ phạm thượng’ được triều đình công nhận, điểm này có chút giống với ‘Tam gia phân Tấn’, ‘Điền thị đại Tề’ (họ Điền thay Tề) thời Chiến Quốc. Cho nên từ đây có thể thấy sự yếu kém của chính phủ trung ương nhà Đường.
- Xem thêm về Tam gia phân Tấn, Chu Thiên tử thừa nhận ‘dĩ hạ phạm thượng’, Đại phu thay thế chư hầu: Phong vân mạn đàm (Kỳ 27): Ỷ thế mạnh Trí Bá tiếm quyền, lấn ngôi vua ba nhà chia Tấn
Đến tháng 5 năm 779, Đường Đại Tông băng hà, người kế vị là Đường Đức Tông.
Kết quả khi dùng biện pháp cứng rắn đối với phiên trấn
Tứ trấn chi loạn
Lời bạch: Vì Đường Đại Tông nhân nhượng dung túng đối với một số phiên trấn, khiến họ coi thường thậm chí đối kháng với chính phủ trung ương Đại Đường. Đường Đức Tông kế vị hiểu rõ vấn đề của phiên trấn, cho nên đã quyết định chỉnh trị cứng rắn. Vậy cách làm và kết quả như thế nào?

Giáo sư Chương giảng, sau khi Đường Đức Tông kế vị 2 năm, tức năm 781 đã phát sinh 2 sự kiện, một là Thành Đức Tiết độ sứ – Lý Bảo Thần uống nhầm thuốc của một thuật sĩ nên qua đời. Sau khi chết, con trai của ông là Lý Duy Nhạc kế vị. Lý Duy Nhạc muốn mình làm Lưu Hậu, tức Tiết độ sứ tiếp theo, nhưng triều đình không đáp ứng. Một sự kiện nữa là Truy Thanh Tiết độ sứ Lý Chính Kỷ cũng trong năm đó bệnh chết, con trai của ông là Lý Nạp cũng muốn kế vị làm Lưu Hậu, nhưng triều đình cũng không đáp ứng.
Do đó Thành Đức Tiết độ sứ Lý Duy Nhạc liên hợp với Truy Thanh Tiết độ sứ Lý Nạp, cộng thêm Nguỵ Bác Tiết độ sứ Điền Duyệt và Sơn Nam Đông Đạo Tiết độ sứ Lương Sùng Nghĩa, 4 trấn này liên kết phát động phản loạn, lịch sử gọi đây là ‘Tứ Trấn chi loạn’.
Mối thù gia tộc giữa Chu Thao và Lý Duy Nhạc
Sau khi phản loạn bạo phát, đương nhiên Hoàng đế muốn bình định, phía bắc của Thành Đức Tiết độ sứ là U Châu Tiết độ sứ Chu Thao được Hoàng đế hạ lệnh bình định phản loạn.
Giữa U Châu Tiết độ sứ Chu Thao và Thành Đức Tiết độ sứ Lý Duy Nhạc có mối thù gia tộc. Vì sao? Bởi vì năm đó Nguỵ Bác Tiết độ sứ đã thôn tính Chiêu Nghĩa Tiết độ sứ, Hoàng đế đã hạ chiếu trách tội Nguỵ Bác Tiết độ sứ Điền Thừa Tự, khi đó U Châu Tiết độ sứ Chu Thao và Thành Đức Tiết độ sứ Lý Bảo Thần đã liên hợp nam tiến đánh Nguỵ Bác Tiết độ sứ Điền Thừa Tự. Địa phương mà 2 người này liên kết để tấn công Điền Thừa Tự là Thương Châu.
Điền Thừa Tự bắt đầu làm ‘hợp tung liên hoành’ giống như thời Chiến Quốc, Điền Thừa Tự chạy đến nói với Lý Bảo Thần: ‘Nếu đánh hạ Thương Châu, thì Thương Châu cũng quy về triều đình, nhưng nếu ông liên hợp với tôi để đánh Chu Thao ở phía bắc, tôi có thể đưa Thương Châu cho ông, đồng thời tôi sẽ giúp ông để cùng đánh U Châu. Như thế ông tương đương có được một miếng đất ở phía nam, một miếng đất ở phía bắc’.

Lý Bảo Thần nghe xong vô cùng cao hứng, liền đồng ý, sau đó ông viết cho Chu Thao một phong thư (trước đó Lý Bảo Thần chưa thấy Chu Thao), nội dung nói rằng: ‘Nghe nói tướng mạo của Chu Công (Chu Thao) vô cùng uy vũ, muốn thấy một lần. Ông có thể gửi cho tôi bức hoạ của ông không?’. Chu Thao vô cùng cao hứng, đã đưa bức hoạ cho Lý Bảo Thần.
Lý Bảo Thần nhận được liền treo bức hoạ tại địa phương tên là Xạ Đường, để cho tất cả tướng quân đến xem, vừa xem vừa tán dương rằng: ‘Mọi người xem Tướng quân Chu Thao thật sự trông như Thần nhân vậy’. Sau đó sứ giả của Chu Thao trở về.
Kết quả ngay trong đêm đó, Lý Bảo Thần mang 2000 binh sĩ vượt 300 dặm đánh úp thần tốc. Khi đó Chu Thao đang đóng quân ở một nơi là Ngoã Kiều, đột nhiên bị Lý Bảo Thần tập kích, căn bản không có bất cứ chuẩn bị gì nên chật vật chạy trốn. Khi đó Lý Bảo Thần nói với binh sĩ thủ hạ của mình rằng: ‘Hãy tập trung tìm người trong bức hoạ mà ta treo ở Xạ Đường, thấy ai giống thì hãy hạ kẻ đó’. Chu Thao phải hoá trang, đổi y phục mới có thể đào thoát. Do đó Chu Thao và Lý Bảo Thần có kết thù với nhau.
Lần này Lý Bảo Thần uống nhầm thuốc chết, con trai của ông là Lý Duy Nhạc kế vị, sau đó phản loạn; cho nên Chu Thao cảm thấy đây là một cơ hội báo thù. Chu Thao đánh bại Lý Duy Nhạc. Sau đó Lý Duy Nhạc bị bộ tướng của mình là Vương Vũ Tuấn hạ sát.
Đường Đức Tông vẫn không giải quyết được vấn đề phiên trấn
‘Tứ Trấn chi loạn’ còn có một người là Điền Duyệt tham gia, Điền Duyệt cũng bị quân Đường đánh bại. Do đó toàn bộ hình thế trong thiên hạ là không tệ đối với Đường Đức Tông.
Đường Đức Tông muốn luận công ban thưởng, Chu Thao đã lập công, Vương Vũ Tuấn cũng đã giết thượng cấp phản loạn là Lý Duy Nhạc… nhưng ban thưởng của triều đình đều không làm 2 người hài lòng.
Chu Thao muốn khuếch đại địa bàn của phiên trấn, còn Vương Vũ Tuấn sau khi giết Tiết độ sứ Lý Duy Nhạc cũng muốn làm Tiết độ sứ. Kết quả yêu cầu của 2 người đó không đạt được mong muốn, cho nên 2 người đã liên hợp với Nguỵ Bác Tiết độ sứ (vốn bị Đại Đường đánh bại) và một số phiên trấn ở Hoài Tây để cùng phát động phản loạn, họ cũng đồng thời xưng vương.
Đường Đức Tông không có biện pháp nào khác, đành phải nhờ những nhà quân phiệt ở phía tây là Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật vốn có quân đội rất mạnh (từng bình định ‘An Sử chi loạn’, phòng ngự Thổ Phồn ở biên cương tây bắc).
Địa phương Kính Châu ở tây bắc có một Kính Nguyên Tiết độ sứ tên là Diêu Lệnh Ngôn đã nhận được chiếu mệnh của Đường Đức Tông để bình định phản loạn.
Diêu Lệnh Ngôn mang binh Kính Nguyên đi về phía đông, giữa đường có đi qua đô thành Trường An. Đến vùng phụ cận của Trường An, thì lúc ấy thu nhập tài chính của Đường Đức Tông đã rất ít, quốc khố không có tiền, cho nên không có tiền để thưởng cho binh sĩ bình định phản loạn, đồng thời đồ ăn cho binh sĩ cũng rất kém, cho nên binh sĩ làm ầm ĩ nói rằng: ‘Trong quốc khố của Trường An có rất nhiều tiền, chúng ta hãy đi cướp đi’.

Kết quả binh sĩ nhận lệnh bình định phản loạn lại phát động binh biến, lịch sử gọi đây là ‘Kính Nguyên binh biến’ (涇源兵變). Nhóm binh sĩ này đã xông vào Trường An, Đường Đức Tông thấy tình huống không tốt bèn hoảng loạn bỏ chạy. Sau khi loạn quân tiến nhập Trường An tìm thấy một người tên là Chu Thử.
Chu Thử chính là anh trai của Chu Thao làm phản loạn. Chu Thử từng làm Tư lệnh của Kính Nguyên, nên rất quen thuộc với những binh sĩ phản loạn, do đó binh sĩ tìm đến nhà để tỉnh Chu Thử lên làm Hoàng đế. Như thế Chu Thử xưng đế ở Trường An, lấy quốc hiệu là Tần, sau đó bắt đầu đại sát tông thất Đại Đường, rồi mang binh truy kích Đường Đức Tông.
May thay phía sau Đường Đức Tông còn có một số tướng quân từng bình định ‘An Sử chi loạn’, có người tên là Hồn Hàm vốn là cấp dưới của Lý Quang Bật. Hồn Hàm huyết chiến, đánh bại Chu Thử. Chu Thử chạy về Trường An, đổi quốc hiệu thành Hán, sau đó Chu Thử lại bị đánh bại.
Chu Thử binh bại bị giết, nhưng phía hạ lưu Hoàng Hà vốn dĩ là người của ‘Tứ Trấn chi loạn’ như Chu Thao, Vương Vũ Tuấn, Lý Nạp, Điền Duyệt vẫn chưa giải quyết. Đường Đức Tông thực không còn cách nào, binh sĩ đi bình định phản loạn không còn nữa, thế là ông nghe và làm theo kiến nghị của một người tên là Lục Chí, bèn hạ một ‘Tội kỷ chiếu’ (罪己詔: chiếu trách tội bản thân) nói rằng: ‘Các ngươi phản loạn là do ta không tốt, cho nên triều đình miễn xá, các ngươi không được phản loạn nữa’. Như thế cuộc phản loạn này lại chưa giải quyết triệt để, Vương Vũ Tuấn đạt được mong ước là được bổ nhiệm làm Thành Đức Tiết độ sứ.
Sau ‘An Sử chi loạn’, Đại Đường có 4 vấn đề lớn, trong tập này Giáo sư Chương chỉ giảng về vấn đề phiên trấn. Trên thực tế, bên ngoài Đại Đường còn có một một cái hoạ biên giới, trong triều đình Đại Đường thời cuối còn có cuộc đấu tranh giữa 2 băng đảng là ‘Ngưu Đảng’ và ‘Lý Đảng’, trong nội bộ cung đình còn có ‘hoạn quan chuyên quyền’. Cho nên từ trong cung, đến triều đình, đến quốc nội, đến quốc ngoại, thì không có nơi nào không xuất hiện vấn đề.
Vậy thì Đại Đường có mối hoạ bên ngoài nào, Giáo sư Chương sẽ giảng trong tập tiếp theo ‘Nội ưu ngoại hoạn’ (內憂外患: lo lắng bên trong, tai hoạ bên ngoài). Quý độc quả nào quan tâm có thể đăng ký thành viên trang mạng ‘Thành trì hy vọng‘ để tiếp tục xem loạt bài này và các sản phẩm văn hoá của Giáo sư Chương.
Trong ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 4 ‘Lưỡng Tống phồn hoa’, còn có một video mà Giáo sư Chương cho xem miễn phí đó là tập 41 ‘Hạo nhiên chính khí’ (浩然正氣: chính khí ngút trời), chúng tôi sẽ sớm gửi đến quý độc giả.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 4 tập 1: Phiên trấn cát cứ.
(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 4 tập 1.