Mục lục bài viết
Huyền Trang rời nước Cao Xương tiếp tục đi về tây, đi qua Yên Kỳ, Khố Xa rồi tiến nhập vào Lăng Sơn. Núi Lăng Sơn ‘cao nhập mây trời’, băng tuyết tan chảy, leo lên không dễ, ban đêm chỉ có thể ngủ trên băng.
Sau đó Huyền Trang lại trèo qua rồi đến Đại Tuyết Sơn còn cao hơn cả Lăng Sơn, cuối cùng sau khi rời Trường An hơn một năm thì đến được phía bắc Ấn Độ.
Ở đây du học một năm, ông chuẩn bị đi tiếp đến chùa Na Lan Đà của nước Thiên Trúc, nhưng đến giữa đường đã gặp một kiếp nạn sinh tử. Đây là kiếp nạn gì?
- Loạt bài Tuỳ Đường thịnh thế
Nguyện từ bi khiến Pháp sư Huyền Trang vượt kiếp nạn
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, tên của quốc gia Ấn Độ là do Huyền Trang phiên dịch, còn trước đây vào thời Hán gọi là Thân Độc (身毒), triều Đường gọi là Thiên Trúc (天竺).
Thời đó Ấn Độ phân thành 5 bộ phận, đông tây nam bắc trung, gọi là ‘ngũ Thiên Trúc, trong mỗi Thiên Trúc còn có vài quốc gia. Quốc gia có thế lực lớn nhất thời đó chính là quốc gia Trung Thiên Trúc do Giới Nhật Vương kiến lập.

Sau khi Huyền Trang đến Bắc Thiên Trúc một đoạn thời gian, ông liền đến Trung Thiên Trúc bởi vì Na Lan Đà tự ở Trung Thiên Trúc. Giữa đường ông có đến nước A Da Mục Khư.
Khi ấy Huyền Trang đi thuyền, xuôi dòng Hằng hà mà đi. Đang đi giữa đường, thì đột nhiên từ trong rừng cây hai bên xông ra 10 đội cường đạo cướp thuyền. Những người bên cạnh trông thấy nhóm cường đạo thì vô cùng sợ hãi, lần lượt nhảy xuống nước, thà chết nước chứ không muốn bị cường đạo bắt bớ. Thuyền của cường đạo liền vây thuyền của Huyền Trang lại, sau đó yêu cầu mỗi người phải cởi y phục xem xem có tài vật gì không.
Huyền Trang là tăng nhân, không có tài vật gì cả, nhưng bọn cường đạo thấy Huyền Trang thì vô cùng vui sướng, bởi vì Huyền Trang rất khôi ngô tuấn tú. Bọn cường đạo tin một điều có thể nói là tà giáo, đó là: Mỗi năm vào mùa thu, phải tìm được một trang nam tử để giết rồi cúng tế thần của họ. Cho nên bọn cướp thấy Huyền Trang thì vô cùng vui sướng, trước giờ chưa tìm được một người có khí độ tốt như vậy. Thế là cường đạo chuẩn bị giết Huyền Trang.
Lúc ấy Huyền Trang nói với họ rằng: ‘Tôi là một tăng nhân đến Tây Thiên cầu pháp, không thể giết tôi’. Khi đó trên thuyền còn có người nguyện ý chết thay cho Huyền Trang, nhưng cường đạo không đồng ý. Bọn cường đạo dùng nước sông Hằng đắp thành một cái đàn ở bên bờ sông để tế Huyền Trang.
Huyền Trang bắt đầu đả toạ nhập định, cử chỉ vô cùng an tường (安詳: khoan thai), cường đạo hễ thấy khí độ ấy thì rất tôn kính, tuy muốn giết nhưng vẫn tôn kính. Sau khi Huyền Trang nhập định thì nguyên thần ly thể, những điều này đều ghi chép trong ‘Từ ân truyện’ (qua lời kể của Huyền Trang).
Lúc đó Huyền Trang đã phát một nguyện rằng: ‘Hy vọng lần này, nếu đệ tử cầu pháp không thành công, có thể vãng sinh Phật quốc nghe pháp. Sau khi nghe pháp xong, vẫn có thể chuyển sinh lại nhân gian để độ những cường đạo sát nhân này’.
Sau khi phát nguyện, ông đến tầng tầng thiên gặp được Bồ Tát, tâm sinh hoan hỷ. Lúc nguyên thần của ông đến thế giới Phật quốc, mặt đất chịu không nổi, đột nhiên gió đen nổi tứ bề, làm đại thụ bật gốc, cát bụi đầy trời, rất nhiều thuyền bên bờ đều bị lật. Khi đó bọn cường đạo vốn dĩ cúng tà thần, họ cảm thấy việc này đã làm trời đất phẫn nộ, mới hỏi rằng: ‘Việc này là thế nào?’, người khác mới nói rằng: ‘Vị tăng nhân này không thể giết, ông ấy là người từ Đông Thổ Đại Đường đến Tây Thiên thỉnh kinh’.
Thế là bọn cường đạo vứt đao bên bờ rồi quỳ xuống, sau đó Huyền Trang xuất định. Sau khi Huyền Trang xuất định xuất định, ông thuyết pháp cho cường đạo, cường đạo đem tất cả dụng cụ cướp bóc vứt xuống sông Hằng. Sau đó cường đạo thụ ngũ giới (thụ 5 giới luật của Phật gia), đảnh lễ Huyền Trang rồi mới rời đi. Như thế Huyền Trang tiếp tục đi và đến được Na Lan Đà tự.
Huyền Trang ở Na Lan Đà tự
Na Lan Đà tự là tự viện lớn nhất của Ấn Độ thời đó, xây dựng hơn 700 năm, tăng nhân trên vạn người, là trung tâm học thuật của Ấn Độ được chính phủ cúng dường, cũng là trung tâm Phật học.
Khi đó trong các quốc gia của Ngũ Thiên Trúc, thì rất nhiều tăng lữ đều học tập ở Na Lan Đà tự. Người chủ trì Na Lan Đà tự được tôn xưng là Giới Hiền pháp sư. Lúc này Giới Hiền pháp sư đã 100 tuổi, rất lâu rồi không giảng pháp, nhưng khi nghe những điều Huyền Trang trải qua, ông vô cùng cảm động, nên phá lệ mà giảng pháp cho Huyền Trang.
Khi đó người nghe pháp khoảng trên ngàn người, điều Giới Hiền pháp sư giảng là Phật Kinh Đại thừa ‘Du Già sư địa luận’. Như thế mục đích Huyền Trang đến lấy kinh cuối cùng cũng đạt được rồi.
Huyền Trang nhận được đãi ngộ thượng khách ở Na Lan Đà tự, mà thời đó nhận được đãi ngộ như vậy chỉ có 10 người. Sau khi Huyền Trang du học ở Na Lan Đà tự 5 năm, ông lại đi về nam Ấn Độ để tiếp tục học tập Bà La Môn văn (chữ Bà La Môn), Phạn văn. Ông ở nam Ấn Độ du học 6 năm, sau đó lại quay về Na Lan Đà tự.
Sau khi trở lại Na Lan Đà tự, Huyền Trang lấy thân phận lưu học sinh để chủ trì giảng toạ, thời đó có rất nhiều người nghe ông giảng pháp, danh tiếng của ông đã truyền khắp nước Thiên Trúc.
Thời đó ở Đông Thiên Trúc có một quốc vương gọi là Cưu Ma La. Vị này sau khi nghe nói đại danh của Huyền Trang, liền muốn nghênh tiếp Huyền Trang đến Đông Thiên Trúc để giảng pháp. Kết quả Huyền Trang nói: ‘Không được rồi, tôi đã ở đây mười mấy, tôi phải đem Phật Kinh về lại đông thổ’. Điều này làm quốc vương rất tức giận nói: ‘Nếu ông không đến, ta sẽ chuẩn bị tượng quân (quân voi) giẫm đạp Na Lan Đà tự thành cát bụi’.
Chủ trì của Na Lan Đà tự không còn cách nào khác phải nhờ Huyền Trang đến Đông Thiên Trúc. Khi Huyền Trang còn chưa di chuyển, lại được nghe nói Giới Nhật Vương cũng muốn thỉnh Huyền Trang đến Trung Thiên Trúc giảng pháp. Kết quả hai quốc vương của hai quốc gia suýt chút nữa phát sinh chiến tranh vì điều này. Sau này hai bên thảo luận, đã đạt được một hiệp ước, quyết định rằng: Tại địa phương tên là Khúc Nữ thành để Huyền Trang đến giảng kinh.

Cống hiến của Pháp sư Huyền Trang khi ‘Tây hành cầu pháp’
Thịnh hội ở Na Lan Đà tự
Lời bạch: Huyền Trang trải qua ‘thiên tân vạn khổ’ (千辛萬苦: trăm cay ngàn đắng) cuối cùng cũng đến được thánh địa Na Lan Đà tự mà ông từng mong mỏi. Ông ở Na Lan Đà tự học tập trong 5 năm, sau đó lại đi về nam Ấn Độ du học vài năm, trình độ Phật học của Huyền Trang được người dân toàn Ấn Độ ngưỡng mộ.
Vì để tránh việc tranh mời Huyền Trang giảng pháp mà phát sinh chiến tranh, các quốc gia Ấn Độ đã thương lượng quyết định rằng: Huyền Trang sẽ giảng pháp ở Khúc Nữ thành. Sự long trọng của pháp hội này như thế nào?
Giáo sư Chương giảng, đại pháp hội ở Khúc Nữ thành kéo dài 18 ngày, rất nhiều tăng nhân có thắc mắc sẽ hỏi Huyền Trang, những vấn đề khó Huyền Trang sẽ giải đáp cho hộ cho họ. Sau đó Huyền Trang đem nội dung ông giảng (tương đương với lý giải của ông về Phật học) dán ở bên ngoài để cho mọi người xem, không ai bác bỏ được một chữ nào.
Sau khi pháp hội 18 ngày kết thúc, khi đó là thịnh hội 5000 người, 18 quốc vương, họ đều rất bội phục Huyền Trang, cuối cùng họ thỉnh Huyền Trang ngồi trên đại tượng (voi lớn) có gắn cờ lọng bằng lụa để diễu hành. Trong quá khứ khi đỗ Trạng nguyên thì cưỡi ngựa diễu hành, ở đây Huyền Trang cưỡi voi. Khi đó rất nhiều tín chúng ở hai bên đường đốt hương lễ bái.
Danh tiếng của Huyền Trang ở Ấn Độ đã đạt đến đỉnh điểm, hơn nữa các quốc vương đều không muốn ông đi, nên đã cấp cho ông rất nhiều điều kiện trọng đãi. Nhưng Huyền Trang ‘quy tâm tự tiễn’ (歸心似箭: cái tâm quay về thẳng như tên), ông vì muốn lấy kinh về đông thổ nên mới đến Thiên Trúc, do đó ông cự tuyệt tất cả hảo ý và an bài của quốc vương.
Khi ấy Giới Nhật Vương thưởng tặng ông rất trọng, Huyền Trang nói: ‘Tôi chỉ muốn một ít tiền đủ để đi đường, những cái khác tôi đều không cần’. Sau đó Huyền Trang đã mang 657 bộ Phật Kinh đặt lên 20 con ngựa, bắt đầu đi về đông thổ.
Vì có văn thư của Giới Nhật Vương của nước Thiên Trúc, cộng thêm Tây Đột Quyết đã được bình định, cho nên con đường về đông thổ của Huyền Trang vô cùng thuận lợi. Khi đến Vu Điền, thì chiếu thư của Đường Thái Tông cũng đến. Vua Đường muốn gặp Huyền Trang, cho nên đến mùa xuân năm 648, trải qua 19 năm từ năm Trinh Quán thứ ba là năm 629, cuối cùng Huyền Trang cũng trở về Đại Đường.
Vua Đường Thái Tông ở Lạc Dương tiếp kiến Huyền Trang, thăm hỏi thậm tình, vô cùng khẳng định công lao của Pháp sư Huyền Trang.
Phiên dịch lượng lớn Kinh Phật sang Hán ngữ
Khi Huyền Trang trở về, danh tiếng của ông quá lớn, cho nên rất nhiều người đều muốn tìm ông hỏi vấn đề hoặc kết giao, điều này khiến sự nghiệp dịch kinh (譯經: phiên dịch kinh) của ông gặp phải can nhiễu nghiêm trọng. Do đó ông thỉnh cầu Đường Thái Tông cho mình dịch kinh ở Thiếu Lâm Tự, nhưng vua Đường không đáp ứng.
Vua Đường Thái Tông đã xây cho mẫu thân của mình một ngôi chùa gọi là Hoằng Phúc tự, để làm nơi dịch kinh, để Huyền Trang đến nơi đó. Đồng thời vua Đường còn phái hơn 50 sa môn, tức những tăng nhân có trình độ trong Phật học để giúp Huyền Trang. Ngoài sa môn ra, vua Đường còn phái những học sĩ như là Phòng Huyền Linh, Vu Chí Ninh… những người có tu dưỡng văn học vô cùng cao để tổ chức một nhóm người giúp Huyền Trang phiên dịch Phật Kinh. Huyền Trang phiên dịch Phật Kinh tổng cộng 19 năm, đã dịch được 74 bộ.
Huyền Trang khác với những tăng nhân dịch kinh trong quá khứ. Trung Quốc có ‘Tứ đại dịch kinh sư’ (四大譯經師: 4 bậc thầy dịch kinh Phật) gồm:
- Cưu Ma La Thập.
- Bất Không.
- Chân Đế.
- Huyền Trang.
Huyền Trang dịch kinh vượt quá số lượng 3 người kia cộng lại. 3 người khác kia, hoặc là không tinh thông Phạn ngữ, hoặc là không tinh thông Hán ngữ. Còn Huyền Trang thì tinh thông cả Hán ngữ và Phạn ngữ, ông có thể xuất khẩu thành thơ, hạ bút liền viết; nếu một người niệm Phạn ngữ, ông có thể thuận khẩu mà phiên dịch ngay, thuận khẩu mà nói được những văn tự rất đẹp đẽ, nhưng ở giữa còn có 10 quy trình để đảm bảo chất lượng bản dịch.
Sau này vào năm Trinh Quán thứ 22, tức 1 năm trước khi vua Đường Thái Tông băng hà (vào năm Trinh Quán thứ 23), Huyền Trang đã dịch được Đại thừa Phật Kinh ‘Du Già sư địa luận’ để đưa cho Hoàng đế Đường Thái Tông. Hoàng đế Đường Thái Tông khi đó sắp băng hà, ông đã dành thời gian hơn một tháng để thông đọc 100 quyển ‘Du Già sư địa luận’. Sau khi thông đọc, Hoàng đế Đường Thái Tông đích thân viết bài tự cho sự nghiệp dịch kinh. Đây là ‘Đại Đường Tam Tạng Thánh giáo tự’ lưu truyền đến nay.
Hoàng đế Đường Thái Tông rất thích chữ của Vương Hy Chi, cho nên ông đã cho người đi đến khắp nơi tìm chữ của Vương Hy Chi, tìm từng chữ từng chữ để làm khuôn mà khắc lên bia đá. Tấm bia đá này đã bị huỷ trong cách mạng văn hoá, vô cùng đáng tiếc.
Trong ‘Thánh giáo tự’, Hoàng đế Đường Thái Tông đã bình giá cực cao về Huyền Trang, ông viết:
Có Huyền Trang pháp sư
Là lãnh tụ pháp môn
Tùng phong thuỷ nguyệt (gió thổi qua rặng thông, trăng dưới nước; ý chỉ khí tiết của người quân tử)
Chưa đủ sánh tinh hoa (của Huyền Trang)
Tiên lộ minh châu (nước tiên, minh châu, ý chỉ thứ quý)
Mới sáng rỡ bằng

Ngoài đó ra, Huyền Trang còn có một cống hiến rất to lớn, đó là: đáp ứng yêu cầu của Hoàng đế Đường Thái Tông, Huyền Trang đã nhờ một đệ tử tên là Biện Cơ chỉnh lý những khẩu thuật (thuật bằng lời) của ông, đem toàn bộ những tình huống ông trải qua khi Tây hành cầu pháp qua 110 quốc gia và địa khu, cho đến những gì nghe được từ 28 quốc gia và địa khu, toàn bộ ghi chép lại. Đây là ‘Đại Đường Tây Vực ký’, đem toàn tình huống của địa khu như núi sông, phong thổ, nhân tình (lòng người), tôn giáo, ngôn ngữ, quốc gia rộng bao nhiêu v.v. toàn bộ ghi chép lại. Đây là sử liệu vô cùng quan trọng khi nghiên cứu Phật học, nghiên cứu thời kỳ trung cổ ở vùng Trung Á và Nam Á.
Đồng thời Huyền Trang còn đem ‘Đạo đức kinh’ (kinh điển của Đạo gia) phiên dịch thành tiếng Phạn, giới thiệu cho Thiên Trúc.
Vào năm Vĩnh Huy thứ ba thời Đường Cao Tông, ở chùa Từ Ân, Huyền Trang đã xây 5 tầng bảo tháp để tồn trữ Phật tượng và Phật Kinh đem mà ông đem từ Thiên Trúc khi lấy kinh. Đây là một đại bảo tháp mà hiện nay chúng ta có thể thấy ở Tây An.
Vào năm Lân Đức thứ nhất, tức năm 664, Huyền Trang pháp sư viên tịch. Vì trình độ Phật học của ông rất cao, cho nên xưng hiệu của ông là ‘Tam Tạng pháp sư’.
Hiệu ứng phụ khi Huyền Trang ‘Tây hành cầu pháp’: Nước Thiên Trúc phạm thượng nên ‘tự diệt’
Lần Tây hành cầu pháp này của Huyền Trang còn có một hiệu ứng phụ đó câu chuyện ‘Vương Huyền Sách một người diệt một nước’.
Giáo sư Chương giảng một chút về Giới Nhật Vương. Thời đó ở Ấn Độ có rất nhiều bộ lạc nhỏ, sau này trên cơ bản được thống nhất bởi một người tên là Thi La Dật Đa, đây chính Giới Nhật Vương, và vương triều của ông ta được gọi là ‘Giới Nhật vương triều’.
Khi Giới Nhật Vương gặp Huyền Trang đã hỏi một vấn đề, trong ‘Cựu Đường thư’ và ‘Tân Đường thư’ đều ghi chép lại. Giới Nhật Vương nói: ‘Ta thấy bất ngờ, nghe nói đông thổ có Tần Vương (Đường Thái Tông), đây là một Thánh nhân, ông ấy có khúc ‘Tần Vương phá trận nhạc’. Ngài có thể giảng một chút cho ta không?’.
Khi đó uy danh của Đường Thái Tông đã lan đến tận Thiên Trúc, đến tai của Giới Nhật Vương. Huyền Trang bèn giảng những phong công vĩ nghiệp của Đường Thái Tông cho Giới Nhật Vương. Giới Nhật Vương vô cùng sùng bái Đường Thái Tông, nói: ‘Ta sẽ đi về đông triều bái’. Thế là Giới Nhật Vương phái người đến triều Đường, tiến cống cho Đường Thái Tông.
Vào năm Trinh Quán thứ 15, lần đầu tiên sứ giả của Thiên Trúc đến đô thành Trường An. Vua Đường Thái Tông rất bất ngờ, sau đó phái Đô uý vùng Vân Kỵ là Lương Hoài Kính đi Thiên Trúc để báo đáp.
Khi đó Giới Nhật Vương đích thân ra khỏi thành rất xa để nghênh đón chiếu thư của vua Đường Thái Tông. Sau đó còn có qua lại chiếu thư hai lần giữa hai bên.
Đến năm Trinh Quán thứ 22, có một người là Vương Huyền Sách được phong làm Hữu vệ soái phủ trưởng sử, tương đương với người đứng đầu nhóm bảo vệ Thái tử. Vương Huyền Sách nhận lệnh làm sứ giả đến Thiên Trúc.
Kết quả khi ông đến nước Thiên Trúc, Giới Nhật Vương đã băng hà rồi, đại quyền rơi vào tay một quyền thần tên là A La Na Thuận. A La Na Thuận lập mình làm vua. Khi sứ thần của Đại Đường đến, ông ấy không những không tiếp chiếu thư, mà còn phái binh chặn Vương Huyền Sách.
Vương Huyền Sách chỉ là đi sứ hoà bình, cho nên không mang binh, chỉ có mang theo mấy chục người, những người ấy đều bị A La Na Thuận bắt. Không những không nhận chiếu thư, A La Na Thuận còn cướp lấy tất cả những cống vật mà các quốc gia khác tiến cống cho Đại Đường.
Vương Huyền Sách phẫn nộ, tìm cơ hội thoát khỏi ngục. Ông đơn thương độc mã chạy đến Thổ Phồn (吐蕃, có bản dịch là Thổ Phiên), tức Tây Tạng (Tibet). Lúc đó Tùng Tán Cán Bố đã làm Tạng Vương, sau khi nghe việc ấy, ông đã cho Vương Huyền Sách mượn 1200 binh. Vương Huyền Sách lại đến Nepal mượn thêm 7000 binh, tổng cộng là 8200 binh, chỉ dựa vào số binh này mà lấy công phá được thành, bắt sống được A La Na Thuận. Sau đó áp giải A La Na Thuận về Đại Đường.
Câu chuyện này lưu lại một kỳ tích, ‘không động một binh một tốt’ của Đại Đường mà có thể diệt được Thiên Trúc.
***
Tổng quan về ‘Trinh Quán thịnh thế’, chúng ta thấy được võ công thời đó vô cùng hiền hách, xuất hiện cảnh ‘vạn quốc lai triều’, kinh tế phát triển, văn hoá phồn vinh, xã hội an định, dân sinh hạnh phúc. Hoàng đế Đường Thái Tông làm thế nào có thể đạt được điểm này, trong tập sau Giáo sư Chương sẽ giảng. Nhưng những tập tiếp theo đó không còn là tập miễn phí, cho nên nếu quý độc quả nào quan tâm có thể đăng ký thành viên trang mạng ‘Thành trì hy vọng‘ để tiếp tục xem loạt bài này và các sản phẩm văn hoá của Giáo sư Chương.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 tập 26: Tây hành cầu pháp.
(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 tập 26.