Cổ nhân giảng: “Bách thiện hiếu vi tiên” ý nghĩa là: Trong trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu. Bởi vậy văn hóa truyền thống từ bao đời nay vẫn luôn đề cao chữ “hiếu”. Những người lương thiện hiếu thuận với song thân ắt sẽ được Trời xanh bảo hộ.  

Là người làm cha làm mẹ, điều hy vọng nhất không phải hy vọng con cái thành công tới đâu, mà có thể nuôi dạy được một đứa con rộng lượng, hiếu lễ, nhân hậu, có thể hiểu và thiện đãi chính mình. 

Tuy nhiên thử hỏi có bao nhiêu bậc cha mẹ hết lòng hết sức vì con nhưng đổi lại không nhận được sự biết ơn của chúng.

Có người nhìn nhận đó là do số mệnh. Tuy nhiên họ không hiểu rằng, một người con có hiếu thuận hay không thường ngay từ khi còn nhỏ đã có một vài biểu hiện.

Những đứa trẻ lớn lên không hiếu thuận, khi còn nhỏ thường có 4 đặc trưng này. Nếu các bạn nhỏ ở nhà bạn cũng có, hãy sớm chú ý uốn nắn chỉ dẫn con.

1. ích kỷ tự tư, không biết cách chia sẻ

Trong “Siêu cấp dục nhi sư” có một cậu bé tên Đinh Đinh khiến mọi người có ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Mặc dù năm nay mới ba tuổi, nhưng lại có tham vọng chiếm hữu làm của riêng vô cùng mạnh mẽ.

Khi ở khu trò chơi lúc chơi đùa với bạn cậu bé thường tranh giành đồ với bạn thậm chí còn động chân động tay đánh nhau. 

Khi chơi cầu trượt, nhìn thấy bạn khác leo lên, cậu bé liền đẩy họ xuống, không cho phép bạn cùng chơi.

Khi đang chơi trò xếp gỗ mình yêu thích, các bạn khác chỉ cần lấy đi một mảnh ghép, cậu bé cũng sẽ chạy theo cướp lại bằng được.

Khi cướp không được, thì dùng miệng cắn bạn để lấy lại.

Cha mẹ cậu bé cũng cảm thấy đau đầu mệt mỏi vì tính cách này của con. Ngay cả khi ở nhà cậu bé cũng có những cử chỉ như vậy, chưa bao giờ cậu muốn chia sẻ với người khác. 

Trong cuộc sống thường ngày, những đứa trẻ như Đinh Đinh thực ra không phải số ít. 

Các bé thường có biểu hiện đôi chút ngang ngược, luôn muốn giữ chặt đồ của mình. 

Cho dù là cha mẹ khi đụng vào đồ của chúng, chúng cũng đều khóc lóc ăn vạ, thậm chí có nhiều hành động quá khích. 

Có lẽ nhiều bậc phụ huynh chỉ cho đó là cá tính tự do nhất thời của con nên không hề chú ý coi trọng, luôn nghĩ rằng sau khi con lớn lên sẽ có thể hiểu chuyện không còn như vậy. 

Tuy nhiên thực sự không phải vậy. Đằng sau ham muốn sở hữu mạnh mẽ không biết cách chia sẻ với bạn bè đó, là ẩn chứa tính cách tự tư ích kỷ của con.

Hơn nữa khi một hạt giống ích kỷ được chôn vùi, sẽ nhanh chóng nảy mầm mọc rễ trong lòng con trẻ. 

Nếu không chú ý uốn nắn dạy bảo, khi con càng lớn càng biểu hiện tệ hại hơn. 

Điều này cũng giống như câu giảng của người xưa: “Khi nhỏ ăn trộm kim khâu, lớn lên ăn trộm vàng”.

Trong bộ phim truyền hình  “Con cái oan gia”, diễn viên Trương Khải Lệ đóng vai người mẹ hao tâm khổ tứ chuẩn bị một bàn ăn cho con cái. 

Để chăm sóc và nấu món ăn hợp với khẩu vị con dâu đang mang bầu, bà bận rộn chạy qua chạy lại trong bếp cho dù con cái đã bắt đầu ngồi ăn cơm. 

Khi bà sắp đặt mọi việc trong bếp ngay ngắn, các con đã sớm ăn uống no say, không cất phần đồ ăn cho mẹ nên trên bàn còn chút ít thức ăn thừa.

Bà chỉ đành ăn cơm không với nước sôi để no bụng qua ngày. 

Cảnh tượng này thực sự khiến ta cảm thấy chua sót, nhìn thấy sự lạnh lùng nhẫn tâm của lòng người. Nếu có một ngày khi cha mẹ già  yếu, đi lại bất tiện sao có thể hy vọng con cái tận hiếu tận tâm chăm sóc?

Dạy con học cách chia sẻ, thấu hiểu được khó khăn của cha mẹ, mới có thể giúp con tránh xa sự ích kỷ, tự tư. 

2. Không biết cảm ơn

Chúng ta thường xuyên nhìn thấy một bức tranh như thế này:

Sau khi ăn cơm xong, trẻ đẩy bát cơm ra và bỏ đi xem ti vi hoặc đi chơi, để mặc bố mẹ bận rộn thu dọn bát đũa.

Trong nhà có đồ ăn ngon, bố mẹ đều dành cho con thưởng thức, nhưng con rất ít khi mời bố mẹ ăn trước.

Con ốm, bố mẹ lo lắng quan tâm không rời mắt. Nhưng khi bố mẹ không khỏe, con rất ít khi hỏi thăm hoặc coi như không thấy…

Những đứa trẻ lớn lên trong bầu không khí như vậy, sẽ quen với việc đón nhận tình yêu thương, chăm sóc mà mọi người dành cho mình và sẽ cho rằng tình yêu mà mọi người dành cho mình là nghĩa vụ. 

Theo lối suy nghĩ đó, trẻ không biết cách làm thế nào để chia sẻ yêu thương, hiếu thuận với những người sống bên mình.

Hãy dạy trẻ lối sống biết tri ân, cảm ơn, trân trọng những gì nhận được từ bố mẹ và người khác. Thái độ sống biết ơn sẽ hình thành nên đức tính tốt đẹp trong suốt cuộc đời trẻ.

Là bố mẹ, chúng ta nên dạy trẻ học cách biết ơn và việc này, cần phải uốn nắn ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Hãy bắt đầu từ những việc như:

Đừng hi sinh cho trẻ quá nhiều, cũng đừng can dự quá nhiều, tốt nhất là không nên giúp trẻ làm tất cả mọi việc.

Không cho trẻ “ăn độc”, không duy trì kiểu trẻ “đòi là được”, càng không nên để trẻ “chưa đòi đã được đáp ứng”. Các bậc phụ huynh không nên để trẻ có được mọi thứ một cách dễ dàng.

Bố mẹ có thể thường xuyên nói chuyện với con, kể cho con nghe những vất vả trong công việc. Song song với đó, bố mẹ cũng cần là tấm gương cho con, để cho trẻ có cơ hội “báo đáp” mình.

3.  Vô cớ cãi lời bố mẹ, khiến bố mẹ giận

Dùng những lời lẽ khó nghe phản bác lại, khiến bố mẹ giận, đó chính là biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ chưa hiếu thuận với người sinh thành.

Hiện nay, không ít trẻ là con một. Các gia đình cũng không đông con nên người lớn thường nuông chiều, luôn cố gắng đáp ứng những mong muốn của trẻ, đặc biệt là ông bà nội ngoại. Đôi lúc không thỏa mãn yêu cầu của trẻ, các bé sẽ lập tức vùng vằng, giận dỗi để đòi cho bằng được.

Có những trẻ không hiểu chuyện, về mặt nói năng, giao tiếp, chúng thậm chí không dành cho bố mẹ sự tôn trọng tối thiểu, cố tình làm trái lại ý người lớn, bố mẹ nói một đằng, con nhất định làm một nẻo, mục đích duy nhất là khiến bố mẹ tức giận.

Đương nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những đứa trẻ hiếu thuận nghe lời bố mẹ răm rắp.

Khi trẻ bắt đầu cãi lời, tỏ thái độ giận dữ với mình, các bậc phụ huynh cũng nên tự suy nghĩ lại, liệu bản thân mình đã sai ở điểm nào đó.

Nếu đúng là trẻ bắt đầu nóng nảy, tỏ thái độ chống đối, bố mẹ nên nhanh chóng hướng dẫn, dẫn dắt trẻ.

Khi bình tĩnh trở lại, cần nói chuyện nhẹ nhàng với con, hỏi con tại sao không vui, tại sao lại cãi lời người lớn. Hãy nhẫn nại để bảo ban con, giúp con điều chỉnh lối ứng xử, suy nghĩ đúng đắn hơn.

4. Trẻ không biết nhận lỗi

Rất nhiều việc, trẻ biết rõ mình đã sai nhưng khi bị bố mẹ nói, trẻ lạnh lùng thoái thác, phủi sạch trách nhiệm, thậm chí còn đổ lỗi sai lên người lớn. Nói thêm câu nữa, trẻ sẽ lăn đùng ngã ngửa ra nhà khiến người lớn… hết cách.

Những đứa trẻ này đã quen với việc coi mình là trung tâm và điều này đến từ sự nuông chiều của bố mẹ. Nếu không kịp thời sửa đổi, sau này trưởng thành trẻ sẽ khó có thể trở nên đĩnh đạc, sống chuẩn mực.

Thói quen từ nhỏ có ý nghĩa quyết định đến cuộc đời của trẻ sau này. Tục ngữ Trung Quốc có câu: “3 tuổi nhìn nhỏ, 7 tuổi nhìn già” nghĩa là từ thói quen của nhỏ có thể đoán được tương lai sau này khi trẻ trưởng thành.

Có nhiều lúc, người làm bố mẹ chỉ nghĩ được rằng phải làm thế nào để con xuất sắc mà vô tình quên đi việc phải dạy trẻ hiếu thuận. Một đứa bé từ nhỏ đã hiếu thuận với người sinh thành, may mắn nhất định sẽ đến, tương lai nhất định sẽ tốt đẹp.  

Theo Aboluowang
Bảo Hân biên dịch