Một cậu thiếu niên dẫn theo người cha mù đến tiệm mì. Cậu lớn tiếng gọi 2 bát mì bò, sau đó lại chỉ vào thực đơn, ra hiệu để chủ quán đổi một bát mì bò thành mì suông. Bát mì bò còn lại cậu nhường cho cha, nhưng hành động sau đó mới thực sự khiến ai nấy đều suy ngẫm. 

Người cha chẳng may mắc chứng mù lòa. Cậu con trai hiếu thảo cẩn thận hướng dẫn cha từng chút một dò dẫm bước đi. Cậu mặc bộ quần áo giản dị, cha cậu cũng vậy. Có lẽ cuộc sống của họ cũng không lấy làm khá giả gì cho lắm. Lúc mới bước vào quán, cậu gọi to: “Bác chủ tiệm, cho cháu hai bát mì bò!”. 

Khi chủ tiệm mì đang lúi húi viết vào hóa đơn thì cậu mau chóng ra dấu hiệu. Cậu chỉ tay lên bảng giá treo tường rồi nói nhỏ rằng mình chỉ mua 1 bát mì bò, bát còn lại là mì suông, không có thịt. Chủ tiệm nhìn cậu ngạc nhiên, còn cậu thì chỉ biết cười áy náy. Thì ra, cậu gọi lớn tiếng hai tô mì bò là để cha nghe thấy, nhưng thực tế cậu lại sắp hết tiền mà không muốn để cha lo lắng. Chủ tiệm lúc này mới nở nụ cười, rồi sai người phục vụ mang đến hai bát mì nóng hổi. Cậu đưa bát mì bò tới trước mặt cha rồi kính cẩn mời: “Cha, bát mì bò đang ở trước mặt, cha từ từ ăn kẻo bỏng.” Còn cậu bưng bát mì suông đến gần phía mình. 

Người cha cũng chưa vội ăn, ông lấy đũa rồi tìm thịt bò trong bát, sau đó liên tục gắp vào bát của cậu con trai. Người cha nói: “Ăn đi, ăn đi con. Con học hành vất vả, ăn nhiều một chút còn có sức mà học. Cố gắng lên đại học, tương lai làm nhiều việc tốt cho xã hội.” Người cha nói với con bằng giọng rất hiền từ, mặc dù đôi mắt của ông không còn nhìn được nữa. Gương mặt ông hằn lên nhiều nếp nhăn nhưng vẫn không che nổi nụ cười ấm áp của người cha đối với con mình.

(Ảnh minh họa: Internet)

Cậu con trai không hề ngăn cha lại mà vẫn giữ im lặng. Khi cha gắp thịt bỏ vào bát của cậu thì cậu lại lặng lẽ gắp trở lại bát của cha. Cứ như thế, thịt bò trong bát của cha giống như là có rất nhiều vậy. Người cha rất ngạc nhiên, không giấu nổi xúc động nói: “Tiệm mì này thật tốt, trong bát mì họ làm có rất nhiều thịt bò con ạ.”

Chủ quán đứng bên cạnh không khỏi ái ngại. Mấy miếng thịt ấy chỉ mỏng tang, vốn rất ít ỏi, chỉ vừa đủ vài gắp mà thôi. Lúc này cậu con trai mới lên tiếng: “Cha à, cha ăn đi, bát mì của con không chứa nổi nữa rồi.”

Người cha đáp lại: “Tốt, tốt, con cũng mau ăn đi, thịt bò thật sự có rất nhiều dinh dưỡng đấy!”

Một người phụ nữ không quen biết lúc đó đang đứng ở bàn bên cạnh, lặng lẽ quan sát hai cha con. Vừa lúc đó, người phục vụ nhà bếp bưng ra cho cô một đĩa thịt bò. Cô liền bảo anh ta chuyển đĩa thịt bò đến bàn của hai cha con. Cậu con trai nhìn quanh rồi nhắc ông chủ: “Anh đầu bếp ơi, hình như anh nhầm tôi với ai đó, tôi không gọi thêm thịt bò mà”. 

Lúc này người phụ nữ mới mỉm cười đi qua nói: “Hôm nay công ty chúng tôi làm lễ kỷ niệm ăn mừng hàng năm. Đĩa thịt bò kia là tặng cho cậu đấy”. Cậu con trai cười tỏ vẻ không có vấn đề gì. Rồi cậu gắp mấy miếng thịt bò để vào bát cho cha. Chỗ thịt còn lại cậu cho vào túi mang về. 

Mọi người lặng lẽ nhìn hai cha con ăn xong cho đến khi rời đi. Mãi đến khi thu dọn bàn, người phục vụ bất ngờ phát hiện cậu học sinh kia đã để lại một ít tiền kẹp dưới đế bát. Số tiền có lẽ cũng bằng với số tiền mua chỗ thịt bò đó. Mọi người đều lặng đi vì cảm động và không ai nói thêm lời nào nữa… 

1493

Người xưa dạy “Bách thiện hiếu vi tiên“, nghĩa là “Chữ hiếu đứng đầu trăm nết tốt”. Hàng nghìn năm qua, người phương Đông đã rất coi trọng đức hiếu thảo. Người Việt cũng có câu: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cậu thiếu niên đã để lại một bài học quý giá về lòng hiếu thuận cũng như sự tự trọng. Hoàn cảnh hai cha con rất đáng thương, người cha lại còn mù lòa. Nhưng cuộc sống nghèo khó không thể đánh gục họ. Cậu con vẫn rất hiếu thảo với cha còn người cha cũng cực kỳ chăm chút cho con trai. Cũng không phải vì nghèo khổ mà họ tự tiện nhận đồ, nhận sự bố thí của người khác. Họ rất tự trọng, sống một đời đạm bạc nhưng rất cao khiết.

Trong cuộc đời không phải lúc nào may mắn cũng ở bên cạnh bạn. Những đêm bão tố, những ngày sóng gió vẫn luôn ập đến không ngờ. Đương nhiên bạn không thể thay đổi, cải biến những khó khăn trong đời mình. Nhưng bạn hoàn toàn có thể chọn cách đối diện với chúng tích cực hơn. Chỉ khi ấy bạn mới nhận ra đâu mới chính là giá trị chân chính của đời mình.

San San – Hữu Bằng 

Xem thêm: