Vận mệnh của mỗi người là vô cùng thần kỳ cũng đầy sự ngẫu nhiên. Trong cuộc sống thực tại, rất khó để có thể dự đoán trước tương lai, tuy nhiên tất cả những sự việc xảy ra ở tương lai đôi khi đều dựa vào quyết định hiện tại của chúng ta. Hôm nay có thể chỉ là quyết định nhỏ, nhưng nhiều năm sau quay đầu nhìn lại ta sẽ phát hiện, cái quyết định nhìn có vẻ như không có gì đáng kể kia lại thay đổi cả cuộc đời mình. 

Vào triều nhà Minh, vùng ngoại ô kinh thành có một người thợ xây tên Lý Vỹ. Tổ tiên ông ba đời là bần nông, chỉ là một người dân bình hường dựa vào lao động chân tay để kiếm ăn qua ngày. Vốn tưởng rằng, thế hệ kế tiếp của ông cũng sẽ tiếp tục số phận khốn cùng như vậy, tuy nhiên chỉ vì bước đường cùng đưa ra một quyết định bất đắc dĩ, cuối cùng sau này con gái ông lại có thể sinh ra một người trở thành hoàng đế, cả nhà họ từ đó trở thành hoàng thân quốc thích, từ biệt cuộc sống khổ cực trước đó. 

Theo ghi chép trong các tư liệu lịch sử, con gái của Lý Vỹ vốn tên Lý Thái Phượng. Vào cuối năm Gia Khánh, vì hạn hán lũ lụt mất mùa, rơi vào bước đường cùng, Lý Vỹ chỉ có thể đưa gia đình vào thành tìm kế sinh nhai, năm đó Lý Thái Phượng mới 12 tuổi. Ba năm sau, để giảm bớt gánh nặng gia đình, ông cho con gái vào Dụ Vương Phủ làm nha hoàn. Ông Lý năm mơ cũng không ngờ rằng, hành động này đã thành tựu vinh hoa phú quý nửa đời còn lại của chính mình. Sau khi con gái ông vào vương phủ, một lần ngẫu nhiên chung phòng cùng Dụ Vương Chu Tài Hậu và sinh được một người con trai tên Chu Dực Quân, sau này chính là hoàng đế Vạn Lịch. Địa vị của Lý Thái Phượng từ nha hoàn trở thành tài nhân. Năm 1566 sau công nguyên, hoàng đế Gia Tĩnh băng hà, Dụ Vương Chu Tài Hậu kế vị trở thành Long Khánh hoàng đế.

Sau đó Lý Thái Phượng được phong làm Hoàng quý phi. Năm Long Khánh thứ hai (1568), Hoàng quý phi Lý thị sinh hạ con trai thứ, chính là Chu Dực Lưu Lộ Vương. Hoàng đế Long Khánh tại vị 6 năm thì qua đời, con trai trưởng 9 tuổi Chu Dực Quân kế vị. Lý Thái Phượng với thân phận là mẹ của hoàng đế được tôn là Hoàng thái hậu, năm đó mới chỉ 27 tuổi. Sử sách có ghi chép lại câu chuyện Lý thái hậu vì xuất thân thấp hèn khiển trách hoàng đế Vạn Lịch khi coi thường người khác: Sau khi Vạn Lịch đăng cơ, không muốn lập con trai trưởng là Chu Thường Lạc làm thái tử. Lý thái hậu hỏi lý do tại sao? Không ngờ hoàng đế Vạn Lịch thờ ơ đáp: Vì đó là con trai của cung nữ”. Sau khi Lý thái hậu nghe được liền vô cùng giận dữ và mắng: “Đừng quên rằng con cũng là con của cung nữ”. Hoàng đế thấy thái hậu tức giận lập tức quỳ xuống nhận tội mới được tha thứ. Cuối cùng đành chỉ có thể lập Chu Thường Lạc làm thái tử.

Năm 1614 Lý thái hậu lâm bệnh qua đời, tuy nhiên truyền kỳ về bà vẫn chưa kết thúc. Ba mươi năm sau khi bà mất, Minh triều bị diệt vong. Người Bát Kỳ Mãn Châu ở quan ngoại vào Trung Nguyên lập nên triều Thanh. Sau khi hoàng đế Thuận Trị vào Tử Cấm Thành đặc biệt cho xây dựng một căn phòng nhỏ ở góc hướng Đông Bắc của cổng Đông Hoa Môn, hàng ngày bên trong giữ bí mật không cho ai biết, mỗi năm mở cửa một lần. Bên trong căn phòng chính là thờ bài vị của Lý thái hậu. Tại sao hoàng đế nhà Thanh lại thờ cúng một vị hoàng thái hậu nhà Minh? Việc này phải kế từ thời Thanh thái tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Năm đó khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích dựa vào 13 bộ khôi giáp khởi binh chống lại nhà Minh, trong một lần giao chiến cùng Lý Thành Lương bị bắt. Để cứu được Nỗ Nhĩ Cáp Xích đại tướng Mãn Châu dùng một khoản tiền lớn tiến vào kinh thành, mua chuộc thái giám và liên lạc được với Lý Thái hậu. Vì vậy, Lý thái hậu khuyên hoàng đế Vạn Lịch thả Nỗ Nhĩ Cáp Xích về Đông Bắc.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích biết rằng chính là Lý thái hậu đã cứu giúp  mình nên lưu lại lời dặn dò cho con cháu thế hệ sau phải thờ cúng bài vị Lý thái hậu. Mỗi năm vào dịp tế bái sẽ do một nữ thầy cúng đánh một chiếc xe kéo mang theo hai con lợn sống từ cổng Đông Hoa đi vào hoàng thành. Sau khi lợn được thịt chỉ dùng nước để nấu không thêm bất cứ gia vị nào, và cắt thịt lợn thành bốn miếng cúng tế trước bàn thờ của Lý thái hậu. Đợi đến tờ mờ sáng, thịt lợn cúng sẽ được phân phát nấu cho các thị vệ trong cung. Từ khi người Mãn Thanh bắt đầu vào kinh thành cho tới khi hoàng đế Tuyên Thống thoái vị, hoàng thái hậu Lý thị triều Minh luôn được cung kính thờ phụng như vậy, chưa bao giờ gián đoạn trong thời gian liên tục 200 năm. Trong dân gian luôn lưu truyền câu truyện truyền thuyết “Mẹ của hoàng đế Vạn Lịch”, và các sách sử đều ghi lại sự việc này. Có sách sử còn ghi chép, những người có cơ hội được ăn thịt cúng này đều nói hương vị rất ngon miệng, nhưng không ai biết tại sao món thịt không dùng bất cứ gia vị gì chế biến lại ngon như vậy. 

Theo Sound of hope
Bình Nhi biên dịch

Từ Khóa: