Hồng Lâu Mộng, tên gốc là Thạch Đầu Ký, là một trong bốn kiệt tác (tứ đại kỳ thư) của văn học cổ điển Trung Hoa. Ba kiệt tác kia là Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân và Thủy Hử truyện của Thi Nại Am. Hồng Lâu Mộng được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 triều đại nhà Thanh.

Đã có rất nhiều người nghiên cứu tìm hiểu về Hồng Lâu Mộng từ khi nó ra đời. Cùng với việc nghiên cứu và tìm hiểu mỗi người đều xuất phát từ lập trường và cách nhìn nhận riêng của mình để nhận thức, đánh giá và giải thích ý nghĩa của tác phẩm.

Có người cho rằng hình tượng người phụ nữ được miêu tả trong bộ tác phẩm này đều có tính cách trong sáng, rực rỡ nên đây chính là tác phẩm ca ngợi nữ giới. Có người lại nhận định đó chính là sự tái hiện quá trình từ hưng thịnh đến suy vong của một dòng tộc trong xã hội phong kiến, nó là sự dự báo cho sự diệt vong của xã hội phong kiến.

Có người lại nghĩ tác phẩm đã miêu tả rất chân thực hình tượng của một kẻ phản bội của xã hội phong kiến, trên người anh ta đã nảy sinh tử tưởng dân chủ…

Nhìn nhận từ góc độ của người làm về văn hóa, bộ sách này kỳ thực chính là miêu tả lại một câu chuyện nhân duyên đầy chân thực và sống động. (Ảnh: wattpad.com)

Nhìn nhận từ góc độ của người làm về văn hóa, bộ sách này kỳ thực chính là miêu tả lại một câu chuyện nhân duyên đầy chân thực và sống động.

Tiểu thuyết mở đầu bằng một huyền thoại: Bên bờ sông Linh Bà ở Tây phương, bên cạnh hòn đá Tam Sinh có một cây tiên Giáng Châu được hòn đá Thần Anh ở cung Xích Hà ngày ngày lấy nước cam lộ tưới bón nên nó mới được tươi tốt và sống lâu.

Cây đã hấp thụ tinh hoa của trời đất, lại được nước cam lộ chăm bón, nên cây Giáng Châu thoát được hình cây, hóa thành hình người, tu luyện thành người con gái. Giáng Châu tiên tử suốt ngày rong chơi ngoài cõi trời viễn ly hận thù, đói thì ăn quả “mật thanh” khát thì uống nước bể “quán sầu”.

Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới cho đá Thần Anh, cho nên trong lòng nó vẫn mắc míu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương một mối tình gì đây. Thần Anh bị lửa trần rực cháy trong lòng, nhân gặp trời đất thái bình thịnh vượng muốn xuống cõi trần để qua kiếp “ảo duyên”, nên đã đến trước mặt vị tiên Cảnh Ảo ghi sổ.

Cảnh Ảo liền hỏi đến mối tình bón tưới, biết chưa trả xong, muốn nhân đó để giải quyết mối duyên nợ của đá thần và cây thần. Giáng Châu tiên tử nói: “Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta sẽ lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới nguyện tâm ý!”. Vì thế phải xuống trần để kết thúc mối nợ duyên đó.

Các nhân vật trong bộ tiểu thuyết mặc dù rất nhiều, nhưng nhân vật chính chỉ gồm hai nhân vật Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc. Những nhân vật khác cũng chỉ là đến để cùng phối hợp để họ hoàn trả nhân duyên đó. Sự tình trong tác phẩm mặc dù rất phức tạp, nhưng xuyên suốt toàn bộ tác phẩm từ đầu tới cuối chính là câu chuyện tình yêu, hoàn trả nước mắt của Đại Ngọc và Bảo Ngọc.

Nàng Lâm Đại Ngọc dùng nước mắt để trả mối duyên nợ. (Ảnh: Pinterest)

1. Thần an bài vận mệnh cho nhân vật trong truyện

Trong chuyện có nhiều lần nhắc tới một tăng nhân và một đạo sĩ, nếu như coi “Hồng Lâu Mộng” là một màn kịch trên sân khấu, thì tăng nhân và đạo sĩ kia chính là đạo diễn của màn kịch sân khấu đó.

Vị “tăng nhân” đó chính là một Đại sư, còn vị “đạo sĩ” kia chính là một Chân Nhân. Chính là hai vị thần tiên đã đưa họ xuống nhân gian, sắp xếp cho họ chuyển sinh.

Trong tiểu thuyết có kể, có hai vị thần tiên nọ kết giao du ngoạn sơn thủy, một ngày kia dạo chơi tới núi Thanh Ngạnh, thì gặp một viên ngọc rất đẹp đang ngày đêm kêu khóc buồn rầu. Hóa ra đây là hòn đá lẻ thừa ra trong ba vạn sáu nghìn năm trăm linh một viên đá ngũ sắc ngày xưa Nữ Oa luyện ra để vá trời.

Hòn đá này sau khi được tôi luyện, đã có linh tính, có thể biến thành to hóa thành nhỏ. Cho rằng mình không đủ tài để bổ khuyết trời xanh, nên muốn hạ xuống cõi trần một phen. Tảng đá biến thành khối ngọc thạch đi theo vị thị giả tên Thần Anh, ở cung Xích Hà trên thượng giới, giáng hạ trần gian đầu thai thành Giả Bảo Ngọc.

Còn cây tiên Giáng Châu thì được an bài đầu thai trong một gia đình dòng dõi nhà Nho ở Giang Nam, tên Lâm Đại Ngọc. Mẹ của Đại Ngọc là cô của Bảo Ngọc, hai người là anh em họ. Đại Ngọc mồ côi mất mẹ từ nhỏ, sau đó cha cũng bị bệnh qua đời, phải tới nương nhờ bà ngoại, và từ đó mới gặp được Bảo Ngọc.

Trong Vinh quốc phủ còn có gia đình của Tiết phu nhân, vốn là em gái Vương phu nhân, cùng con trai cả Tiết Bàn và con gái Tiết Bảo Thoa vừa vào Kinh cùng đến ở. Cuộc hội ngộ giữa ba nhân vật Đại Ngọc, Bảo Ngọc và Bảo Thoa đã diễn ra một câu chuyện rung động đến tận tâm can và đẫm lệ.

Thần tiên không những an bài cho họ chuyển sinh, mà còn an bài cả tính cách từng nhân vật. Bởi Giáng Châu tiên tử phải “hoàn trả nước mắt”, do vậy Đại Ngọc khi sinh ra đã là một cô gái dễ xúc động dễ khóc.

Do vậy mới sắp đặt hoàn cảnh gia đình cô song thân đều qua đời, lại không có anh chị em, lẻ loi cô quạnh một mình, thể chất yếu ớt đầy bệnh tật, đây đều là môi trường hoàn cảnh làm cô dễ khóc dễ xúc động. Đại Ngọc là người con gái dung mạo tuyệt sắc, ẩn chứa một tâm hồn thi phú đích thực nhưng vô cùng nhạy cảm, mong manh.

Vì buồn tủi mình chỉ là người ăn nhờ ở đậu nên tính tình càng thêm sầu bi, cô độc. Trong khi đó, Tiết Bảo Thoa ngược lại, là người con gái đài các, sắc sảo, đức hạnh theo đúng khuôn phép chuẩn mực của xã hội phong kiến.

Thần tiên còn tạo ra mâu thuẫn giữa các nhân vật một cách rất hấp dẫn. Khi Bảo Thoa còn nhỏ, có một lão hòa thượng điên tới nhà, tặng cho một cái khóa vàng, trên đó có khắc tám chữ “Bất khí bất li, phương linh vĩnh kế” (Nghĩa là: Không được vứt bỏ không được để rời thân, phúc đức lưu truyền mãi mãi).

Tám chữ này kết hợp với tám chữ trên miếng ngọc của Giả Bảo Ngọc: “Mạc thất mạc vong, tiên thọ hằng xương” (Nghĩa là: Đừng để mất cũng đừng quên, tiên thọ lâu dài mãi mãi) vừa khéo là một cặp câu đối.

Và lão hòa thượng khi tặng cái khóa cho Bảo Thoa còn nhấn mạnh cái khóa này cũng giống như bùa hộ thân của cô, luôn phải mang nó bên người đợi sau này sẽ có thể kết duyên với người ngọc ở phương xa. Đây cũng là mối lương duyên được gắn kết qua nét bút.

2. Mộc thạch tiền minh và lương duyên kim ngọc

Giáng Châu tiên tử vốn là một cây tiên. Bảo Ngọc năm xưa chính là hòn đá ngũ sắc được Nữ Oa luyện ra, “mộc thạch tiền minh” chính là chỉ tình yêu giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc.

Cuộc gặp gỡ lần đầu của họ đã được miêu tả một cách rất đặc sắc: Đại Ngọc khi vừa nhìn thấy Bảo Ngọc, đã giật mình ngạc nhiên, trong lòng thầm nghĩ: “Thật là kỳ lạ, hình ảnh này như đã thân thuộc từng gặp ở đâu, mà sao lại thấy vô cùng quen mắt đến thế”.

Đồng thời Bảo Ngọc thì kêu lên: “Người em họ này ta đã từng gặp rồi”. Từ đó hai người tình cảm như anh em, sau đó hai người cùng ăn cùng chơi luôn bên nhau rất vui vẻ chia sẻ mọi cay đắng ngọt bùi.

Nhưng tình cảnh đó không được lâu thì xuất hiện một Tiết Bảo Thoa, lớn hơn Bảo Ngọc một tuổi, là người có tính cách đoan trang, dung mạo xinh đẹp, lại luôn đoán biết được ý của người khác, làm việc gì cũng được mọi người trong phủ yêu mến.

Cộng thêm khi mới tới phủ mẹ Bảo Thoa có kể lại những lời hòa thượng nói khi đưa tặng cô cái khóa ngầm ám chỉ: Bảo Ngọc và Bảo Thoa mới là một cặp trời sinh, hôn nhân của họ mới là lương duyên vàng ngọc.

Đại Ngọc và Bảo Ngọc luôn bên nhau rất vui vẻ. (Ảnh: quwenge.com)

Thế nhưng, mộc thạch tiền minh không thể tương hợp với kim ngọc lương duyên.

Từ nhỏ Bảo Ngọc đã không thích miếng ngọc khi sinh ra đã có trong miệng mình nên nhiều lần cố ý quăng đi. Có lần Bảo Ngọc đang ngủ trưa, Bảo Thoa vô tình qua chơi thấy trên gối có thêu hoa rất đẹp, tiện tay cầm lên ngắm thì bỗng giật mình nghe thấy tiếng Bảo Ngọc quát trong mơ: “Lời hòa thượng đạo sĩ thì có gì đáng tin chứ? Cái gì mà kim ngọc lương duyên, ta đây chỉ muốn mộc thạch nhân duyên!” làm Bảo Thoa vô cùng sửng sốt.

Lại có lần người hầu của Đại Ngọc nói với Bảo Ngọc: “Mùa thu năm nay và mùa xuân sang năm Lâm cô nương phải về quê ở Tô Châu”. Bảo Ngọc nghe xong “như sấm đánh bên tai, mồ hôi vã ra như tắm, sắc mặt tím ngắt, ngẩn ngơ như người mất hồn, ngây người như một bức tượng gỗ”, làm cả Giả phủ một phen hết hồn.

Sau đó nói với Tử Quyên – người hầu của Đại Ngọc trước mặt mọi người: “Nếu có đi thì mang cả ta đi theo”, “Nếu có sống thì ta và cô ấy sẽ cùng sống, nếu có chết thì chúng ta sẽ cùng thành tro thành khói”.

Việc gây rối này của Bảo Ngọc đã vô tình để lộ cho tất cả mọi người trong phủ biết tình cảm của bọn họ. Anh cho rằng mình là viên minh châu của Giả mẫu, nên bà sẽ đáp ứng nguyện vọng của anh. Nhưng ngược lại sau khi biết rõ tình cảm của Đại Ngọc và Bảo Ngọc bà lại càng âm thầm phản đối, và tìm mọi cách để có thể chia rẽ được hai người.

3. “Dùng nước mắt của cả đời tôi để trả nợ anh ấy!”

Đại Ngọc là cô gái yếu ớt nhiều bệnh tật, một cô gái mồ côi ăn nhờ ở đậu, cộng thêm cô là người rất thông minh và mẫn cảm. Tận mắt thấy được tình yêu vô vọng của mình, tâm sự cứ tích tụ trong lòng, không thể nói ra vì vậy lâu dần nước mắt tuôn nhiều như mưa, cơ hồ như có thể dùng nước mắt để rửa mặt. Trong sách có viết về những lần khóc của Đại Ngọc, và những lần khóc đó của cô đều có liên quan đến Bảo Ngọc.

Ngày đầu tiên khi Đại Ngọc tới Giả phủ đã dâng trào một cơn sóng lớn. Lúc đó những nhân vật chính trong Giả Phủ đều có mặt, Đại Ngọc đang nói chuyện với mọi người. Có người thông báo: “Bảo Ngọc đến”.

Bảo Ngọc nhìn thấy một người con gái thướt tha, nên tới gần hơn để chào hỏi và quan sát được kỹ. Trong lòng thầm nghĩ, một người con gái tuyệt sắc thế này, chắc chắn trong người phải có ngọc bội, liền tới hỏi Đại Ngọc: “Có ngọc bội hay không?”.

Khi nghe Đại Ngọc nói không có liền nổi xung lên, vứt mảnh ngọc trên người mình đi và mắng: “Cái gì mà báu vật quý hiếm chứ? Ta cũng không thèm cái đồ vứt đi này! Mọi người trong nhà không ai có, chỉ mình ta có, hôm nay đến người em gái xinh như thần tiên này cũng không có, thì có thể hiểu được nó chẳng phải là đồ gì tốt đẹp”.

Lúc này mẹ của Bảo Ngọc vội vàng nói: “Nghiệp chướng! Con tức giận muốn đánh muốn mắng ai thì cứ mắng, sao lại vứt đi gốc rễ vận mệnh của mình thế!”. Tối đó, khi mọi người đã đi nghỉ, Đại Ngọc ngồi một mình và tủi thân rơi lệ. Và càng ở lâu trong phủ, hết lần này tới lần khác cô đều vì anh mà rơi lệ rất nhiều.

Đại Ngọc tủi thân rơi lệ. (Ảnh: read01.com)

Điều càng ngày càng làm người đọc cảm thấy dư vị sâu xa, đó là càng về sau khi bệnh tình của Đại Ngọc càng nghiêm trọng, thì nước mắt cô phải khóc vì anh dường như ngược lại càng ít đi.

Trong sách có một đoạn như sau, có một lần Bảo Ngọc lại nhìn thấy Đại Ngọc khóc, liền vội vàng khuyên nhủ: “Em lại tự tìm lấy muộn phiền đấy à! Em xem này, năm nay em gầy hơn năm ngoái nhiều quá, còn không biết tự chăm sóc, mỗi ngày cứ ít nhất phải khóc một trận mới xong một ngày hay sao!”.

Đại Ngọc lau nước mắt trả lời: “Gần đây em chỉ cảm thấy đau lòng, nước mắt dường như ít hơn năm ngoái. Trong lòng chỉ thấy chua xót, đau đớn, còn nước mắt dường như đã cạn rồi”.

Ngày Đại Ngọc mất, cũng chính là ngày tổ chức hôn lễ của Bảo Ngọc và Bảo Thoa, trong Giả phủ mọi người đều ở nơi tổ chức hôn lễ. Trong Tiêu Tương quán lạnh lẽo, chỉ có một nha hoàn ở cạnh chăm sóc cho cô.

Đại Ngọc đau thương căm phẫn đan xen, nhưng lúc đó ngược lại không nói lời nào, nước mắt cũng không rơi nữa. Tại sao?

Chính bởi cũng giống như trong truyện đã miêu tả: “Nợ mạng đã trả lại mạng, nợ nước mắt nước mắt đã trả đủ rồi. Oan oan tương báo quả là không thể xem nhẹ, chia ly hay tụ hợp đều đã có tiền định”.

Hay cho câu “Lệ đã tận”, đầy sâu sắc ý nghĩa. Món nợ nước mắt này đã được hoàn trả xong, đương nhiên cũng không cần rơi lệ nữa. Giáng Châu tiên tử hoàn trả xong món nợ nước mắt, nợ ân tình đã không còn lời nào cần nói trên thế gian này, điều cần làm là cần trở về nơi vốn thuộc về cô.

Nhìn tổng quát toàn bộ câu chuyện nhân duyên này, đã được tác giả phân tích theo chiều ngang, để người đọc vừa có thể hiểu được “nhân” từ kiếp trước của họ, lại vừa nhìn thấy duyên của kiếp này. Một câu chuyện nhân duyên đầy sống động được triển hiện sâu sắc đẫm nước mắt với người đọc.

Kiên Định biên dịch