Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một người làm vườn tên là Sumana rất kính ngưỡng Phật Pháp. Tuy nhiên, vợ của anh lại là người chỉ tin vào lợi ích hiện thực.

Mỗi buổi sáng sớm, Sumana thường dâng lên vua Bình Sa vương tám bó hoa nhài và nhận tám tiền mỗi bó. Nhưng hôm đó, trên đường mang hoa vào thành, anh thấy Đức Phật đang khất thực với chúng tỳ kheo đông đảo, phóng hào quang sáu màu, đầy hùng lực của một vị Phật. Nhìn xuống những bó hoa, Sumana liền muốn dâng cúng Phật.

Tuy vậy, nguy hiểm đang chờ đợi anh phía trước. Nếu không dâng hoa cho vua, nhà vua có thể trục xuất Sumana ra khỏi nước, hoặc cầm tù, thậm chí giết anh. Sumana nghĩ: Nếu dâng hoa cho vua, bất quá chỉ nhận tiền đủ kéo dài mạng sống trong kiếp này; trong khi đó, dâng cúng Thế Tôn sẽ được an lạc, được cứu độ hằng triệu kiếp. Do đó, Sumana quyết định dâng mạng sống của mình cho Đức Phật.

Với niềm tin kiên cố và lòng hoan hỷ, Sumana tung hoa lên. Kỳ diệu thay, hai bó hoa đầu tiên lơ lửng trên đầu Phật như một bảo cái, hai bó tiếp bên phải, rồi phía sau, rồi bên trái, rủ xuống như một tấm màn. Tám bó hoa nhài vây bọc Thế Tôn bốn phía, cuống hoa hướng ra ngoài và cánh hoa hướng vào trong, trước mặt Đức Phật như có cổng chào, và chung quanh như những phiến bạc. Cứ thế, đi theo Đức Thế Tôn một khúc đường, Sumana lọt vào vùng hào quang của Phật, xưng tán Phật, đảnh lễ Ngài, và… xách chiếc giỏ không về nhà.

Về tới nhà, Sumana kể chuyện cho vợ nghe. Vợ anh không tin sự mầu nhiệm như thế, tru tréo lên mắng nhiếc chồng:

– Vua chúa thì cay nghiệt và tàn bạo. Bị chọc giận, thế nào cũng ra lệnh chặt tay, chặt chân hay xử hình phạt khác. Ông làm như thế thì bao nhiêu trừng phạt sẽ trút xuống cho tôi?!

Rồi cô ta mang con đến hoàng cung, gặp vua kể lể việc làm của chồng, và tuyên bố bỏ chồng.

Nhà vua giận dữ quát lên:

– Mụ kia! Hắn đã dâng hoa của ta cho Thế Tôn à! Mụ bỏ hắn là phải. Ta sẽ xử sự với hắn. Dám cả gan dâng hoa của ta cho Thế Tôn!

Vợ của Sumana nghe vậy liền bỏ đi ngay.

Nhà vua biết chuyện có vẻ giận dữ. (Ảnh minh họa: adsart.in)

***

Thế nhưng, có một chuyện cô ta không ngờ đến là, vua Bình Sa vương vốn là đệ tử của Phật. Ngay lần đầu gặp Phật, nhà vua đã chứng quả Dự lưu, đạt niềm tin kiên cố và tâm an bình. Nhà vua vờ quát tháo chỉ là để đuổi vợ Sumana ra khỏi hoàng cung; trong khi đó ông tức tốc đến gặp Phật, đảnh lễ Ngài và cùng đi.

Phật biết tâm vua đang an bình, nên đi tiếp vào thành, kinh hành qua đường phố theo nhịp trống định âm, và dừng trước cổng hoàng cung. Vua đỡ bình bát và thỉnh Phật vào. Phật tỏ ý ngồi trên sân hoàng cung chứ không vào trong điện, để dân chúng đều có thể trông thấy Ngài, từ đó biết được hành động từ thiện của người làm vườn Sumana. Bình Sa vương liền ra lệnh dựng cấp tốc một lều che, Đức Thế Tôn ngự giữa lều với chúng tỳ kheo chung quanh.

Bốn cụm hoa vẫn còn lơ lửng bốn phía. Dân chúng phụng sự Phật, còn nhà vua dâng lên Phật và tăng đoàn món ăn thượng vị. Thọ thực xong, Phật hồi hướng công đức và với bốn cụm hoa bao quanh như trước đây, Ngài bước về tinh xá.

Bình Sa vương tiễn Phật một đoạn đường rồi quay về gặp anh làm vườn Sumana. Nhà vua khen anh là một bậc đại nhân và thưởng tám voi, tám ngựa và tám gia nhân; tám nữ tỳ và tám bộ châu báu lộng lẫy; tám ngàn đồng tiền, tám cung nữ trong hậu cung trang điểm đầy đồ trang sức, và tám làng chọn lọc.

Trưởng lão A Nan nghe tiếng reo hò hân hoan suốt ngày từ sáng sớm, thắc mắc không biết anh làm vườn được phước báo gì, liền hỏi Đức Phật và được Ngài đáp rằng:

– Này A Nan! Hành động của người làm vườn không phải là việc nhỏ. Anh ta đã giao mạng sống cho Ta và xưng tán Ta. Vì đặt niềm tin nơi Phật, anh ta sẽ không rơi vào đường khổ suốt trăm ngàn kiếp, mà còn được quả phúc ở cõi Trời và cõi người, và sẽ thành vị Phật Độc Giác tên Sumana.

Đức Phật giải đáp cho thắc mắc của A Nan. (Ảnh minh họa: mettapage.org)

***

Vậy mới thấy, công đức của bố thí và cúng dường vốn không nằm ở bản thân giá trị vật chất, mà nằm ở cái tâm buông xả của người bố thí. Ngày nay, có một số người làm “từ thiện” tiền tỷ tiền triệu nhưng khua chuông gióng trống, ẩn sau đó là tâm truy cầu danh lợi chứ không thực sự xả bỏ được gì. Còn Sumana chỉ cúng dường Phật tám bó hoa, nhưng trong tâm anh đã buông xả cả sinh tử, vì thế mà có được công đức vô lượng.

Thanh Ngọc

Tham khảo:

Buddhist Legends, Eugène Watson Burlingame.