Bối cảnh thời đại và sự hưng thịnh của chủ nghĩa tân cổ điển
Thuật ngữ “cổ điển” (classic, hay còn gọi là classism) hàm chứa ý nghĩa về truyền thống và sự mẫu mực, thường dùng để chỉ những giá trị hay phong cách thẩm mỹ về nghệ thuật bắt nguồn từ Hy Lạp và La Mã cổ đại. Đầu tiên thuật ngữ này được dùng trong văn học và phải đến sau thế kỷ 17 mới xuất hiện trong mỹ thuật hội họa, các học viện lúc bấy giờ phần lớn đều nhìn nhận rằng nghệ thuật của Hy Lạp và La Mã cổ đại là thước đo chuẩn mực cho tương lai, ví dụ như thời kỳ Phục Hưng cũng lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ đại, mới có thể từ lúc chưa hoàn thiện thời trung cổ mà từng bước phát triển đến mức hưng thịnh. Do đó, “Chủ nghĩa cổ điển” hay “Chủ nghĩa tân cổ điển” dùng để chỉ trào lưu tư tưởng, thẩm mỹ quan và phong cách nghệ thuật khi chịu ảnh hưởng của văn học, mỹ thuật, kiến trúc nghệ thuật Hy Lạp và La Mã cổ đại và được đặc trưng bởi việc theo đuổi sự hoàn hảo cùng giá trị vĩnh hằng khi nhấn mạnh tính hợp lý, trật tự và rõ ràng. Về hình thức, phong cách hội họa này thích cấu trúc đơn thuần, sự hài hòa trên tổng thể và sự cân đối về mặt tỷ lệ; trên phương diện tinh thần thì ủng hộ sự trang trọng, cao quý, hòa nhã cùng với nội hàm ẩn được chứa bên trong.
“Chủ nghĩa tân cổ điển” (Neoclassicism) hưng khởi ở Rome vào khoảng giữa thế kỷ 18, và xu hướng này bao trùm các lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, văn học, kịch và âm nhạc, thậm chí cả đồ gốm, đồ nội thất, dệt may và các nghề thủ công khác cũng bị ảnh hưởng.Tìm hiểu nguồn gốc của điều này thì có thể là do các điều kiện phù hợp như thiên thời, địa lợi và nhân hòa… Ví dụ, phong trào “phỏng theo cổ điển” được dẫn khởi bởi việc khai quật ra thành cổ Pompeii, sự ngưỡng mộ tinh thần cổ điển của nhà học giả mỹ thuật Winkelmann, sự kiên trì và kế thừa của quá trình đào tạo chuyên nghiệp và nghiêm khắc của hệ thống học viện, cùng với sự khởi xướng của Napoléon sau này, v.v., đều là những nhân tố chính thúc đẩy chủ nghĩa tân cổ điển phát triển đến mức cao độ.
Pompeii và các thành phố cổ khác khi được khai quật đã khiến giới nghiên cứu dậy sóng
Vào giữa thế kỷ XVIII, hai thành phố La Mã cổ đại ở Ý là Herculaneum (Herculaneum năm 1738) và Pompeii (Pompeii năm 1748) lần lượt được phát hiện đã tạo nên một làn sóng nghiên cứu về các nền văn hóa cổ đại.
Pompeii nằm ở phía Đông Nam của Napoli (Naples) – Italy, phía Tây giáp với Vịnh Naples và phía Bắc giáp với núi lửa Vesuvius. Thành phố bắt đầu được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, với sự khai phá của người Phoenicia. Vào thế kỷ thứ bảy trước công nguyên, người Hy Lạp đã đánh đuổi người Phoenicia và tiếp tục cai trị, sau đó nó được sáp nhập vào lãnh thổ La Mã và trở thành thành phố tự trị của La Mã vào năm 87 trước công nguyên(TCN), với dân số khoảng 20.000 người. Vào năm 63 sau công nguyên(SCN), một trận động đất mạnh đã tấn công núi lửa Vesuvius. Thời điểm người dân thành phố Pompeii đang dần khôi phục lại mọi thứ sau trận động đất thì núi lửa Vesuvius bất ngờ phun trào vào trưa ngày 24 tháng 8 năm 79 (SCN), dung nham tràn xuống liền đông cứng lại thành đá và bao phủ mặt đất vùng lân cận, nham thạch nóng chảy tuôn trào đã thiêu cháy mặt đất nó đi qua; sau đó là một trận mưa to, mang theo đá và tro bụi núi lửa, chôn vùi toàn bộ thành phố Pompeii…
Trong hơn một nghìn năm, thành phố Pompeii dần bị lãng quên dưới độ sâu năm đến sáu mét gần chân núi Vesuvius. Khi các nhà sử học tra cứu các tài liệu cổ về La Mã, họ biết đến sự tồn tại của một thành phố có tên là Pompeii, nhưng rất khó để biết vị trí cụ thể của nó. Năm 1599, kiến trúc sư Phông-ten-nơ (Fontana) đang thực hiện xây dựng công trình liên quan đến đường ống dẫn nước đã phát hiện ra tàn tích của thành phố Pompeii; vào đầu thế kỷ 18, khi xây dựng kênh mương dẫn nước cách núi Vesuvius 8 km về phía tây nam, những người nông dân Ý đã tìm thấy một số đồng xu La Mã cổ đại và những mảnh vụn đá cẩm thạch được chạm khắc; năm 1738, thành phố cổ gặp phải tình huống tương tự như Pompeii là Heklanen đã được khai quật; năm 1748, sau khi người ta đào được một hòn đá có chữ “Pompeii” ở khu vực gần đó, Pompeii một lần nữa lại được phát hiện, đồng thời chính thức bắt đầu quá trình khai quật. Kéo dài đến năm 1860, dưới sự chỉ huy của các nhà khảo cổ, quá trình khai quật thành cổ Pompeii được thực hiện một cách có hệ thống với quy mô rộng lớn, giúp cho toàn bộ thành phố cổ Pompeii một lần nữa lại có thể xuất hiện dưới ánh mặt trời.
Khu vực nội thành của Pompeii có diện tích là 1,8 km vuông, những bức tường thành bằng đá bao quanh bốn phía dài 4,8 km và có bảy cổng thành lớn. Các đồ vật được khai quật đều cho thấy chúng chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hy Lạp cổ đại. Thông qua những bức bích họa có thể biết được rằng các công trình phần lớn chịu ảnh hưởng về văn hóa do người Hy Lạp từng lưu lại tại đây. Những bức bích họa và di tích này, ngoài việc thể hiện sự thịnh vượng và giàu có của đế chế La Mã lúc bấy giờ, cùng với tay nghề thủ công tinh xảo và thuần thục, nhưng nó cũng phản ánh sâu sắc việc con người nơi đây thường xuyên đắm chìm trong tửu sắc, cũng như sự xa hoa, kiêu ngạo và phóng túng. Pompeii không phải là một thành phố đang dần suy tàn và hoang phế, mà là một thành phố hôm trước vẫn ồn ào hoa lệ bỗng nhiên bị phá hủy bởi một thảm họa thiên nhiên bộc phát trong nháy mắt. Các tàn tích thậm chí còn lưu giữ lại khung cảnh thực sự vào thời điểm đó, bao gồm cả tình cảnh con người cố gắng vùng vẫy trong tích tắc khi bị dung nham bao phủ … Cảnh tượng thê thảm như vậy dường như là lời cảnh tỉnh minh xác nhất rằng “khi đạo đức trượt dốc đến mức không thể vãn hồi thì sẽ dẫn đến sự trừng phạt của Thiên Thượng”
Trong quá trình khai quật tàn tích thành cổ Pompeii, những cổ vật lần lượt xuất hiện trước mắt con người một cách chân thực, sự kiện đã thu hút học giả khắp châu Âu tìm đến Ý. Họ cũng ghi lại những phát hiện thành một cuốn sách. Vào những năm 1750, khi các nước châu Âu bắt đầu chán ghét sự phô trương, phù phiếm và hào nhoáng của trường phái Rococo, thì phong cách đơn giản và lý tính trong nghệ thuật cổ đại này lại được ưa chuộng trở lại, và một làn sóng mô phỏng theo các văn vật được khai quật bắt đầu phát triển và lan rộng, đặc biệt là trong các tác phẩm thủ công mỹ nghệ và tranh vẽ, có thể thấy ở khắp mọi nơi.(1)

Sự ngưỡng mộ tinh thần cổ điển của Winkelmann
Học giả người Đức Winckelmann (Johann Joachim Winckelmann, 1717-1768) vào năm 1755 tại Dresden đã xuất bản cuốn “Những suy ngẫm về hội họa và điêu khắc khi phỏng theo các tác phẩm Hy Lạp” (Gedanken uber die Nachahmung der griechischen Werke in Dresden), chủ trương theo đuổi những lý tưởng của nghệ thuật Hy Lạp, vẻ đẹp của sự cao quý, giản dị và thanh thoát. Ông đến Rome để nghiên cứu về văn hóa cổ đại trong 8 năm, dành hết tâm huyết nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Hy Lạp và La Mã cổ đại, năm 1764, trong cuốn sách của mình là “Lịch sử nghệ thuật cổ đại” (Geschichte der Kunst des Altertums). Ông đã giải thích các đặc điểm và quá trình phát triển của văn hóa cổ đại, thúc đẩy giới mỹ thuật và xã hội chú ý nghiên cứu, cũng như coi trọng về nghệ thuật cổ đại cùng với những biểu hiện trên phương diện nghệ thuật. Ông tin rằng nghệ thuật cổ điển vốn thể hiện “sự đơn giản, trang trọng và cao quý”, đồng thời chủ trương rằng các nghệ thuật gia trên cả hai phương diện là phẩm hạnh và thẩm mỹ, thì đối với mọi tác phẩm đều phải giữ một thái độ trung thực. Năm 1784, họa sĩ người Pháp David (Jacques-Louis David, 1748-1825) đã tạo ra tác phẩm “Lời thề của anh em nhà Horatii”, kể về câu chuyện của ba anh em nhà Horatii khi đứng trước cha mình đã thề sẽ bảo vệ tòa thành vào thời kỳ đầu khi thành Rome được xây dựng. Đây dường như là một sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Winkelmann.

Chủ nghĩa Tân cổ điển ra đời gần như cùng thời với Phong trào khai sáng (chú thích 2) và chủ nghĩa lý tính, tất cả đã dung hợp lại thành một thời kỳ lâu dài về vận động văn hóa, những học giả có trí thức lúc bấy giờ luôn chủ trương logic, rõ ràng, đơn giản cùng với phẩm hạnh, họ tràn đầy hoài niệm về nghệ thuật của thời kỳ Hy Lạp và La Mã, cũng hy vọng có thể quay trở về con đường mỹ hảo của nghệ thuật cổ đại ở thời điểm đó, cùng với lý niệm của Chủ nghĩa Tân cổ điển đã không hẹn mà gặp và bước chung trên một con đường. (Còn tiếp)
Chú thích:
- Ngoài cảm hứng từ những thành phố cổ như Pompeii, còn có những phát hiện về di tích văn hóa cổ đại. Vào ngày 8 tháng 4 năm 1820, trên đảo Miro của Hy Lạp tại khu vực biển Ê-giê, một người nông dân tên là Yorgos Kentrotas và con trai của ông đã khai quật được một bức tượng tạc bằng đá cẩm thạch Baros cực kỳ quý giá của Hy Lạp ở gần cánh đồng, đó là tượng thần Vệ nữ hay còn gọi là Thần Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp, mặt trước của bức tượng này hơi nghiêng vào phía trong, kết hợp với phần y phục có xu hướng tách riêng và ôm lấy chân của bức tượng, thân tượng nhẹ nhàng, thanh thoát. Chân trái sải bước nhỏ về phía trước, trọng tâm rơi vào phía bên phải của cơ thể, ánh mắt nhìn về phía xa, để lộ ra phong thái nhu hòa, tự nhiên cùng hơi hướng cổ điển, biểu cảm vô cùng sống động.
- Năm 1863, Charles Champoiseau, lãnh sự Pháp tại Andre Knopper, đã phát hiện ra bức tượng “The Winged Victory” đằng sau đống đổ nát của một thánh đường trên đảo Samothrace của Hy Lạp trên biển Aegean. Bức tượng này, ban đầu được đặt ngoài trời, dựng thẳng ở điểm cao nhất của giảng đường, sau này cũng đã được gửi đến Bảo tàng Louvre để sưu tập. Nike là nữ thần chiến thắng trong tiếng Hy Lạp, tượng trưng cho “chiến thắng trên biển”. Bức tượng này đã mất đầu nhưng mặt chính diện hướng về phía trước đón gió, thân thể hiên ngang thẳng đứng và đôi cánh vươn lên cao của tượng không chỉ toát lên vẻ đẹp mỹ hảo, sự dũng mãnh mà còn có một phong thái thần thánh, trang nghiêm. Y phục xen kẽ với nếp gấp phấp phới lay động về phía sau, phản ánh vẻ mạnh mẽ của gió biển và mối liên hệ về không gian đối với môi trường xung quanh; những đường nét uyển chuyển tương phản rõ nét với tư thế trầm lặng và cao quí. Đã có nhiều phỏng đoán khác nhau về tuổi của bức tượng này. Một số người cho rằng nó có niên đại vào những năm 190 trước công nguyên; một số người cho rằng nó được chế tác dưới thời đại vua Macedon vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên để kỷ niệm chiến thắng trên biển hoặc cũng có thể để bảo hộ cho các thuyền bè khi qua lại trên biển. Tuy nhiên xét về chất liệu đá và dấu vết chạm khắc thì có thể sẽ lâu đời hơn.
- Tư tưởng trào lưu Khai sáng vào thế kỷ XVIII bao gồm: Trên phương diện tư tưởng có tư tưởng tam quyền phân lập cùng với quyền làm chủ của người dân, phê phán chế độ chuyên quyền, độc lập của nước Mỹ, bùng nổ Cách mạng tại Pháp; về khía cạnh kinh tế học, Adam Smith đề xuất kinh tế học laissez-faire (tự do kinh tế); về chính trị, một số quân chủ đã chuyển từ chuyên chế tuyệt đối sang chuyên chế khai sáng; về nghệ thuật, có các phong cách thể hiện Baroque, Rococo, Tân cổ điển và các phong cách khác.
Theo Epoch Times
Toàn Kan biên dịch