Học viện nghệ thuật thông qua phương thức học thuật tiếp nối truyền thống

Phần 1

Mỹ thuật tạo hình nước Pháp trước thế kỷ thứ 18 chưa đạt đến vị thế tiên phong dẫn đầu. Năm 1648, dưới thời kỳ tại vị của vua Louis XIV (Louis XIV, 1638-1715), tể tướng lúc bấy giờ là Mazarino (Giulio Raimondo Mazzarino, 1602-1661) nắm giữ quyền hành, đã vận dụng mô hình tương tự như Học viện San Luca (1), đặt nền móng sáng lập lên học viện hội họa và điêu khắc hoàng gia Pháp (Académie royale de peinture et de sculpture) (2), bổ nhiệm Le Brun (Charles Le Brun, 1619-1690) nhậm chức Hiệu trưởng Học viện nghệ thuật, giữ vai trò xây dựng quy chế điều lệ, đặt định phương hướng phát triển mục tiêu cho Học viện nghệ thuật quốc gia Pháp (3).

Thông thường sinh viên học viện nghệ thuật phải vượt qua một kỳ thi tuyển sát hạch hoặc được giáo viên mỹ thuật đề cử giới thiệu thì mới có thể bước vào học viện, họ cần trải qua nhiều năm nghiêm túc rèn luyện hoàn tất các khóa tập huấn cơ sở. Từ đó, học viện quốc gia Pháp trở thành một khuôn mẫu chuẩn mực, mở đường cho các học viện khác mô phỏng theo phong cách sáng lập và phương pháp đào tạo mà phổ biến rộng khắp toàn bộ Châu Âu, đơn cử như Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh chính là một trong số đó. Học viện nghệ thuật truyền thừa những tiêu chuẩn nghệ thuật cơ bản nhấn mạnh vào nguyên tắc tuân theo lý tính, nhằm mục đích mô tả chính xác, khắc họa chân thật như nguyên bản, do đó phương pháp thấu thị, tỉ lệ nhân thể theo dạng thức số học, phác họa bố cục hình học ổn định, kết cấu chuẩn xác, mô phỏng tương phản sáng tối, vv… tất cả đều là những kiến thức đào tạo học thuật cơ sở vô cùng trọng yếu. (4).

Năm 1661, Vua Louis XIV chủ trương cơ cấu lại học viện hội họa và điêu khắc hoàng gia Pháp, đồng thời chỉ thị phía chính phủ đứng ra tổ chức triển lãm tranh, kể từ khi diễn ra buổi triển lãm đầu tiên vào năm 1667, tiếp tục thực hiện đều đặn hai năm một lần, cho tới khi chuyển địa điểm triển lãm đến Cung điện Louvre, đồng thời ông còn đưa toàn bộ vật phẩm quý giá mà vương thất sưu tầm trưng bày công khai nhằm phục vụ toàn thể quần chúng đến tham quan. Những cuộc triển lãm do chính phủ chủ trương này vì được tiến hành tại “sảnh vuông” trong cung điện Louvre, nên sau này còn được gọi là “Salon”. Vua Louis XIV vào năm 1666 tiếp tục thành lập học viện Pháp tại Rome (French Academy in Rome), tổ chức cơ cấu “Giải thưởng Rome” (Prix de Rome), nhằm tuyển chọn tiến cử những nghệ thuật gia ưu tú của nước Pháp đến Rome học tập và nghiên cứu (5), chẳng hạn như họa sĩ người Pháp Boucher (François Boucher, 1703-1770, được cử đi vào năm 1720), Vien (Joseph Marie Vien, 1716-1809, năm 1745), David (Jacques-Louis David, 1748-1825, năm 1774), Ingres (Jean Auguste Dominique Ingres, 1780-1867, năm 1801), vv…Họ đều là những nhân vật giành được “Giải thưởng Rome” và đến Ý du học, sau khi quay về Pháp, họ trở thành hội viên nòng cốt của học viện, cũng là thế hệ họa sĩ có tầm ảnh hưởng to lớn. Trong tiến trình truyền thừa và phát triển nghệ thuật Tây phương, học viện nghệ thuật đã vận dụng việc nghiên cứu phương thức học thuật, quy chế huấn luyện, hướng về đề tài, kỹ thuật và phong cách sáng tác nghệ thuật làm trọng điểm nhằm phát huy mở rộng tầm ảnh hưởng. Kiểu mẫu về ngôi trường đào tạo chính quy nhấn mạnh đến học thuật và lý luận như vậy, chính là nguồn lực mạnh mẽ tiếp nối nghệ thuật truyền thống, đồng thời đặt định nền tảng vững chắc thúc đẩy sự ra đời và phát triển của trường phái họa sĩ gia theo chủ nghĩa tân cổ điển.

Hoàng đế Pháp Napoléon khởi xướng, mở ra bối cảnh thuận lợi cho nghệ thuật chính thống nhân rộng và phát triển 

Napoléon (Napoleon Bonaparte, 1769-1821) lên ngôi hoàng đế vào đầu thế kỷ XIX đã khởi xướng phong cách nghệ thuật vĩ đại cao quý kiểu La Mã cổ đại. Năm 1803, Napoléon cho xây dựng “Viện bảo tàng Napoléon” trong khuôn viên cung điện Louvre – nơi cho phép quần chúng cho thể tham quan những vật phẩm quý giá mà hoàng thất sưu tầm lưu trữ, đây là công trình đánh dấu mốc son Viện bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia chính thức được thành lập, đồng thời cũng là thánh địa nghệ thuật trong lý tưởng của công dân các đại đế quốc Châu Âu.

Quân đội Napoléon tung hoành khắp châu Âu, mỗi khi chinh phục được một quốc gia, ông lại thu thập những tác phẩm nghệ thuật quý giá nơi bản xứ (chú thích 6). Thí dụ như từ năm 1796 đến năm 1807, một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật được mang về từ Hà Lan, Ý và Đức đã làm phong phú thêm bộ sưu tập tại viện bảo tàng Louvre; Hay “Nghi lễ khải hoàn tác phẩm khoa học và nghệ thuật” được tổ chức vào tháng 7 năm 1798. Ngoài ra, trong chuyến viễn chinh đến Ai Cập, ông còn huy động hơn 100 học giả và họa sĩ cùng đồng hành, tham gia phục vụ cho công tác ghi chép và khảo cổ, sáng lập ra mỹ thuật tạo hình khảo cổ học đặt định nền móng nghiên cứu học thuật Ai Cập, đồng thời góp phần làm phong phú thêm kho tàng cổ vật Ai Cập được lưu trữ trong viện bảo tàng Louvre. Napoléon tiếp tục mở rộng quy mô xây dựng viện bảo tàng Louvre, tăng cường số phòng triển lãm các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ và La Mã cổ, Ông bổ nhiệm họa sĩ cung đình – David giữ vai trò quản lý, đồng thời mỗi năm thu xếp khoản ngân quỹ 10 vạn Franc nhằm phục vụ công tác thu mua sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật.

Cung điện Louvre kể từ khi được khởi công xây dựng vào cuối thế kỷ XII đến nay, từ một pháo đài ngăn trở kẻ địch, dưới bàn tay trùng tu xây dựng của hoàng đế Francis I đã trở thành một cung điện mang đậm sắc thái văn hóa phục hưng, sau này tiếp tục được cải tạo mở rộng, vua Louis XIV đã chỉ thị cho kiến ​​trúc sư Claude Perrault và Louis le Vau chiểu theo phong cách văn hóa phục hưng kiến thiết lại mặt chính phía đông; Đến thời Napoléon, với phương châm kế thừa cái sẵn có sáng tạo thêm cái mới, ông lệnh cho Percier (Charles Percier, 1764-1638) và Pierre François Léonard Fontaine (1762-1843) xây dựng thêm một tòa nhà ở phía bắc dọc theo Rue de Rivoli (7), khiến Louvre trở thành một cung điện với kết cấu cân đối hoàn chỉnh, mang đậm phong cách cổ điển vây quanh bởi những hoa viên mỹ lệ.
Cung điện Louvre là một tòa kiến trúc điêu khắc đá kiên cố nghiêm mật, với các tầng lầu cân đối hài hòa, thoạt nhìn mang hơi hướng cổ điển và trang nghiêm, càng ngước nhìn càng thêm cảm giác hùng vĩ tráng lệ. Cột trụ hành lang giữa phòng được trang trí bằng những đường nét chạm khắc tinh xảo và trang nhã, bản thân nó có thể được coi là một tác phẩm nghệ thuật cổ điển tinh mỹ vô song. Viện bảo tàng trong khuôn viên cung điện Louvre vốn là nơi sưu tầm cất giữ số lượng vật phẩm phong phú đa dạng và toàn tiện, được mệnh danh là kho tàng nghệ thuật, chính là nơi khơi dậy niềm khao khát hướng tới nghệ thuật của con người, trở thành một hình mẫu điển hình để xây dựng các viện bảo tàng nghệ thuật khác, cũng là cơ cấu trọng yếu tạo động lực thúc đẩy ngành giáo dục mỹ thuật tạo hình (8).

Cổng vào Bảo tàng Louvre trên đường Rivoli (ảnh do Tạ Xuân Hoa cung cấp)

Ngoài việc kiến thiết và mở cửa cung điện Louvre, Napoléon còn xây dựng Khải hoàn môn (Arc de triomphe de l’Étoile) (9) và nhà thờ Madeleine (nay là nhà thờ Madeleine Église de la Madeleine) cùng nhiều công trình kiến trúc ghi dấu ấn lịch sử tiêu biểu khác theo phong cách phục hưng cổ điển. Ví dụ như mười hai đại lộ ở Paris đều lấy Quảng trường Charles de Gaulle của Khải hoàn môn làm trung tâm, tỏa ra bốn phía xung quanh, tạo lên khung cảnh tráng lệ, khí thế hào hùng; trong đó, đại lộ Champs-Élysées (Avenue des Champs-Élysées hay les Champs-Élysées) giữ vai trò cầu nối giữa Khải hoàn môn và quảng trường Concorde (Place de la Concorde), đồng thời cũng là tuyến đường liên kết hoa viên Duleli và Khải hoàn môn Carrousel (Arc de Triumph du Carrousel) (10), Cung điện Louvre hình thành một lộ tuyến thẳng tắp, phối hợp chặt chẽ với nhau; Thiết kế nguy nga tráng lệ của nó đủ để có thể ngạo mạn với tất cả các thành phố khác trên toàn thế giới. Napoléon từng nói muốn xây dựng Paris trở thành một thành phố đẹp nhất hành tinh, và quả thực điều này không chỉ là hư ngôn, hữu danh vô thực. Phong cách kiến trúc cùng chế độ chính trị xã hội nơi đây đã tạo động lực thúc đẩy nghệ thuật tân cổ điển phát triển phồn vinh, đồng thời góp phần củng cố vị thế tiên phong dẫn đầu trên phương diện nghệ thuật của nước Pháp tại phương Tây lúc bấy giờ.

Một phần lối vào của bảo tàng Louvre trên đường Rivoli, có thể thấy rằng phần trung tâm ở giữa mái vòm được ghi chú rõ để công chúng ra vào. (ảnh do Tạ Xuân Hoa cung cấp)
Ngai vàng của Napoléon tại bảo tàng Louvre. (Intersofia/Wikimedia Commons)
Khải Hoàn Môn, Chargland, 1806-1836, Paris. (ảnh do Tạ Xuân Hoa cung cấp)
Bên trong nhà thờ Madeleine, Paris. (Chris O/Wikimedia Commons)
Khải Hoàn Môn của Carrousel, Persier và Fontaine, 1806-1808, Paris. (ảnh do Tạ Xuân Hoa cung cấp)

Chú thích:

  1. Trường nghệ thuật truyền thống xuất hiện sớm nhất là Học viện nghệ thuật (Accademia dell’ Arte del Disegno), được xây dựng vào năm 1562, do Giorgio Vasari (1511-1574) thành lập tại Florence, học sinh trong học viện sẽ được đào tạo các kỹ năng về hội họa, bao gồm cả giải phẫu học và hình học. Mười năm sau, một học viện khác là San Luca (Accademia di San Luca) được thành lập ở Rome. So với trường hội họa và nghệ thuật ở Florence mà nói thì học viện San Luca tập trung hơn vào giáo dục và lý luận nghệ thuật.
  2. Mục đích ban đầu của Trường Hội họa và điêu khắc Hoàng gia Pháp là phân biệt giới nghệ sĩ với tầng lớp thợ thủ công bình thường, giải phóng nghệ thuật gia khỏi sự ràng buộc của công đoàn và các quy tắc trong ngành, bảo đảm quyền tự do hoạt động nghệ thuật và quyền lợi của nghệ sĩ. Trường Hội họa và điêu khắc Hoàng gia Pháp được thành lập năm 1648, Học viện Âm nhạc Pháp năm 1669 và Học viện Kiến trúc Pháp năm 1671, cả ba được sáp nhập vào Học viện Nghệ thuật Pháp năm 1803 khi Napoléon nắm quyền.
  3. Vào thế kỷ XVII, họa sĩ hoàng gia của hoàng đế Pháp Louis XIV là Le Bouillon, đã theo Poussin đến Rome vào năm 1642, và dành bốn năm để nghiên cứu lý thuyết và kỹ thuật hội họa ở Rome. Họa sĩ người Pháp Poussin (Nicolas Poussin, 1594-1665) đến Rome năm 1624 để nghiên cứu lý luận và tác phẩm của các bậc thầy thời văn hóa phục hưng của Ý, đặc biệt là Raphael. Theo Poussin, một bức tranh phải chứa đựng nội hàm và chuẩn mực về đạo đức, và phải được biểu hiện trong một cấu trúc có thể chuyển tải nội dung về trí tuệ. Ông đã sử dụng một bối cảnh sân khấu nhỏ giống như mô hình bằng sáp để nghiên cứu và thực hành cách bày trí bố cục và ánh sáng, sau đó vẽ vô số phác thảo theo hiệu ứng của mô hình này để hoàn thành bản thảo cuối cùng; Poussin muốn làm cho hội họa có phương thức thể hiện rõ ràng mạch lạc, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.
  4. Lấy các chương trình đào tạo của học viện mỹ thuật Pháp (École des Beaux-Arts) làm ví dụ: các bài tập phác thảo và hội họa lõa thể được gọi là “académies”, đây là khóa học nghệ thuật cơ bản trong học viện, đồng thời cũng là một bước trong quá trình học tập. Học sinh trước tiên phải mô phỏng lại tranh vẽ của các bức tượng trong số các kiệt tác cổ điển, thành thạo với nguyên tắc phác thảo các đường nét và độ tương phản sáng tối, tiếp thu  kỹ năng của lớp người đi trước thông qua loại hình phác thảo này; khi quá trình mô phỏng được đánh giá và nhận được sự đồng ý, học sinh mới có thể bắt đầu phác họa các pho tượng cổ điển; và chỉ sau khi kỹ năng mô phỏng lại các bức tượng đạt đến mức thuần thục thì mới có thể bước vào giai đoạn phác họa trực tiếp với người mẫu.
  5. Cuộc thi vẽ tranh nổi tiếng nhất là “Prix de Rome”, người đoạt giải thưởng Prix de Rome sẽ có thể nhận được học bổng lên đến 5 năm và có cơ hội theo học tại Học viện Pháp ở Rome. Người tham gia phải là công dân quốc tịch Pháp, là nam giới, dưới 30 tuổi và còn độc thân, họ trước hết phải vượt qua một cuộc khảo thí tương tự như tiêu chuẩn đầu vào của Học viện Mỹ thuật Pháp, hơn nữa còn phải được sự giới thiệu từ một giáo sư mỹ thuật nổi tiếng. Quá trình thi đấu trải qua nhiều bước sàng lọc mới đến giai đoạn cuối cùng, nơi mười người còn lại sẽ ở một mình trong phòng vẽ tranh trong suốt bảy mươi hai ngày để hoàn thiện bức vẽ cuối cùng. Người chiến thắng trong cuộc thi sẽ có một sự bảo đảm chắc chắn trong tương lai với tư cách và địa vị của một họa sĩ chuyên nghiệp.
  6. Sau khi Napoléon thoái vị lần thứ hai vào năm 1815, ngoại trừ 100 bức tranh còn được lưu lại ở bảo tàng Louvre, thì hơn 5.000 tác phẩm nghệ thuật trong bộ sưu tập đã được trả về nước.
  7. Rue de Rivoli, được mệnh danh là “phố thương mại mang hơi hướng thượng lưu”, là một trong những con phố nổi tiếng nhất Paris, được đặt tên theo chiến thắng của Napoléon tại Rivoli năm 1797 trước đế quốc Áo-Hung.
  8. Sảnh Apollo triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ, ngoài việc trưng bày những món đồ trên, còn có những báu vật quý hiếm bao gồm vương miện bảo thạch khi Louis XV và Napoléon đăng cơ, trên bốn bức tường còn có chân dung của các thánh nhân trong quá khứ: Trong số đó có vua Philip II. Bốn vị quân vương bao gồm Augustus, Francis I, Henry IV và Louis XIV, chân dung của các nghệ thuật gia mẫu mực và mười kiến trúc sư bao gồm Lesque, bảy nhà điêu khắc nổi tiếng, cùng với chân dung của Poussin và bảy họa sĩ khác, qua đó có thể thấy được sự tôn trọng của nước Pháp đối với các nghệ sĩ và đồng thời khẳng định những đóng góp của họ.
  9. Khải hoàn môn ở Paris, còn được gọi là “Arc de triomphe de l’Étoile”, được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của Napoléon vào năm 1805 trong trận Austerlitz trước liên quân Nga-Áo, danh tiếng của nước Pháp vào lúc này đã lên tới đỉnh cao. Napoléon đã ra lệnh xây dựng vào năm 1806 để kỷ niệm cho chiến thắng và sự trở về của những người lính Pháp sau này. Khải hoàn môn được xây dựng theo thiết kế của kiến ​​trúc sư Jean Chalgrin (Jean Chalgrin, 1739-1811), nhưng công trình bị gián đoạn do sự thoái vị của Napoléon, mãi đến năm 1836 mới được hoàn thành. Khải hoàn môn cao 49,54m, rộng 44,82m, dày 22,21m, vòm trung tâm cao 36,6m, rộng 14,6m. Trên hai trụ cổng Khải hoàn môn có khắc bốn cụm phù điêu khổ lớn liên quan đến các cuộc viễn chinh: “Xuất quân”, “Khải hoàn”, “Hòa bình” và “Kháng chiến”. Xung quanh Khải hoàn môn có khắc tên của 386 vị danh tướng đã sát cánh cùng Napoléon trong các trận đánh lớn nhỏ, cùng với những ghi chép về 96 chiến thắng, trong khi lịch sử các cuộc chiến tranh của Pháp từ 1792 đến 1815 được khắc trên các cổng. Khách tham quan có thể đi thang máy hoặc leo lên 273 bậc thang bằng đá để lên phía trên Khải hoàn môn, trên đó có một phòng triển lãm lịch sử, nơi trưng bày các văn vật lịch sử của Khải hoàn môn, các bức tranh về cuộc đời của Napoléon và các loại huân chương, huy chương của Pháp, ngoài ra còn có hai phòng chiếu phim chiếu những thước phim tư liệu về những thay đổi trong lịch sử của Paris. Trên đỉnh Khải hoàn môn có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh Paris. Cho đến nay, người dân Paris vẫn giữ truyền thống này: cứ mỗi dịp lễ trọng đại, một chiến binh tay cầm lưỡi lê và mặc áo giáp thời Napoléon sẽ đứng canh giữ trước tượng đài “Xuất chinh”, biểu tượng và niềm tự hào của người dân Pháp, truyền cảm hứng cho nhân dân Pháp đấu tranh vì tự do, bình đẳng và bác ái.
  10. Để kỷ niệm chiến thắng của Napoléon từ 1806 đến 1808, Persier và Fonton đã xây dựng Khải hoàn môn Carrousel theo phong cách La Mã. Cái tên “Kỵ binh Carrousel” được lấy từ lễ kỷ niệm nổi tiếng do Louis XIV tổ chức vào năm 1662 để chào mừng sự ra đời của thái tử. Bốn con ngựa bằng đồng đặt trên đỉnh Khải hoàn môn ở Carrousel được Napoléon suất lĩnh quân viễn chinh Pháp mang về từ nhà thờ Thánh Mark ở Venice. Bức tượng ngựa bằng đồng được hoàn thành vào thời đại của Alexander đại đế ở Hy Lạp, những con ngựa này ban đầu được dùng vàng lá dán lên, chúng chia thành từng cặp tiến bước cùng nhau, trông vô cùng uy vũ và sống động, sau đó được Nero mang đến La Mã, người Constantine đã mang nó đến Constantinople, thủ đô mới của Thổ Nhĩ Kỳ, sau cùng thì người Venice đã mang nó trở lại nhà thờ Thánh Mark. Napoléon chinh phục Venice vào năm 1797, mang bức tượng ngựa đồng rời khỏi Venice và đặt ở trên đỉnh Khải hoàn môn Carrousel ở quảng trường Louvre, cho đến khi Napoléon thoái vị, bức tượng ngựa đồng đã được đưa trở lại Vương cung thánh đường San Marco (nhà thờ Thánh Mark) tại Venice. Vốn dĩ trong thời đệ nhất đế chế thì ở bên trên xe ngựa không có người, bởi vì Napoléon từ chối đặt bức tượng của chính mình lên đó. Bốn con ngựa bằng đồng trên Khải hoàn môn Carrousel trong thời gian trùng tu đã được thay thế bằng một bản sao khác do Bosio thực hiện, hiện tại bức tượng cỗ xe ngựa đã trở thành biểu tượng cho nước Pháp.

Theo Epoch Times
Toàn Kan biên dịch