Chữ “đễ” (悌) nghĩa gốc là thương yêu, gồm có chữ Tâm (心) và chữ Đệ (弟), nghĩa là “Tâm trung hữu đệ”, tức là trong lòng có anh em, biểu đạt tình yêu thương chân thành giữa anh em. Mà chữ “Đệ” (弟 – người em) có nghĩa là “thứ đệ” (đứng sau), cũng biểu thị ý nghĩa thuận theo. Anh yêu thương che chở em, em tôn kính anh, đó chính là đạo đễ (đạo anh em).

Trong lịch sử câu chuyện Triệu Hiếu tranh được chết, Vương Lãm tranh được uống thuốc độc, đều là những tấm gương mẫu mực về đạo đễ.

Triệu Hiếu tranh được chết

Triệu Hiếu, tự Trường Bình, cùng với người em là Triệu Lễ đều là con trai của Triệu Phổ, tướng quân triều Hán. Hai anh em rất yêu thương nhau. Sau khi Vương Mãng đoạt ngôi nhà Hán, thiên hạ đại loạn, khắp nơi xảy ra nạn đói, thậm chí nghiêm trọng đến mức người ăn thịt người.

Có một toán cướp chiếm núi làm trại, cướp người làm lương thực. Một hôm, bọn cướp bắt được Triệu Lễ đem đi, chuẩn bị đem luộc ăn.

Triệu Hiếu nghe được chuyện này, tự trói mình, chạy đến trại toán cướp, khổ sở khẩn cầu bọn cướp rằng: “Triệu Lễ em trai tôi đói lâu ngày lại nhiều bệnh, thân thể gầy yếu, thân thể Triệu Hiếu tôi tốt hơn, tôi nguyện chết thay em trai”.

Người em Triệu Lễ khóc nói: “Em bị bắt đến đây, vốn là mệnh đã định như vậy rồi, nhưng anh là người vô tội mà!”.

Hai anh em ôm lấy nhau khóc đau đớn. Bọn cướp kinh ngạc, cảm động bởi tình anh em của họ, bèn thả cả hai anh em đi. Bọn cướp nói với Triệu Hiếu rằng: “Sau khi các cậu đi về thì hãy đem chút lương thực đến cho chúng tôi”.

Triệu Hiếu về nhà, chạy vạy khắp nơi cũng không kiếm được lương thực, bèn tay không đến sơn trại bọn cướp, nói rõ sự tình, rồi nói mình cam tâm tình nguyện hy sinh. Bọn cướp càng kinh ngạc hơn, không muốn làm hại anh, để anh được trở về.

Chuyện này sau đó truyền đến tai hoàng đế. Những năm Vĩnh Bình, Hán Minh Đế cảm động vì tình cảm chân thành của anh em Triệu Hiếu, đã xuống chiếu thư phong quan chức cho hai anh em, còn mở yến tiệc cùng uống rượu mừng với họ.

Lũ cướp này vốn giết người cướp của, không tội ác nào mà không làm, do đói khát chịu không nổi, bần cùng bất đắc dĩ mới phải ăn thịt người. Nhưng vì tình nghĩa chân thành của hai anh em họ Triệu, trong lòng chúng cũng nảy sinh tâm thương xót, không muốn làm hại sinh mệnh người hiếu đễ.

Triệu Hiếu tranh được chết
Lũ cướp này vốn giết người cướp của, không tội ác nào mà không làm nhưng không lỡ làm hại sinh mệnh người hiếu đễ. (Ảnh: youtube.com)

Vương Lãm tranh uống rượu độc

Vương Lãm, tự Huyền Thông, sống vào thời Tây Tấn, là cụ tằng tổ của Thư thánh Vương Hy Chi. Ông có một người anh trai cùng cha khác mẹ tên là Vương Tường, tự là Hưu Chinh, chính là người con hiếu thảo nổi tiếng “Nằm trên băng chờ bắt cá chép” được chép trong sách “Nhị thập tứ hiếu”.

Vì mẹ mất sớm nên Vương Tường phải sống với người mẹ kế là Chu Thị, một người không được hiền từ. Trước mặt cha của Tường bà thường hay nói lời gièm pha khiến cho Tường không nhận được tình yêu thương của cha mẹ.

Vào độ tiết trời lạnh lẽo, nước đóng thành băng, Chu Thị lại thèm ăn cá tươi. Tường phải cởi trần, nằm trên băng để cầu cá. Bỗng dưng băng bị nứt ra rồi có hai con cá chép nhảy ra. Tường bắt lấy và mang về dâng lên mẹ.

Hai anh em đã để lại một giai thoại đẹp “Vương Lãm tranh uống rượu độc”. Tại sao hai anh em ông lại tranh nhau uống chén rượu độc vậy?

Câu chuyện phải kể từ chuyện mẹ đẻ của Vương Lãm là Chu Thị. Chu Thị thường ngược đãi con chồng là Vương Tường. Khi Vương Lãm còn nhỏ, thấy anh bị đánh, thường ôm lấy anh khóc. Khi Vương Lãm hơn 10 tuổi, thường khuyên mẹ ước thúc tính tình, đừng hung dữ quá. Chu Thị hay bày đặt chuyện thị phi, khiến Vương Tường mất sự yêu thương của cha. Để mẹ không ngược đãi Vương Tường, Vương Lãm thường xuyên ở bên anh.

Sau khi hai anh em lấy vợ, Chu Thị lại làm khó dễ, ngược đãi vợ của Vương Tường. Vợ của Vương Lãm cũng thường chạy ra bảo vệ chị dâu.

Sau khi người cha khuất thế, lòng hiếu thuận của Vương Tường đã nổi tiếng khắp vùng, rất có danh tiếng. Chu Thị lại đố kỵ danh tiếng của Vương Tường, bèn ngấm ngầm bỏ thuốc độc vào rượu, muốn đầu độc hại chết Vương Tường. Vương Lãm biết chuyện, vội vàng chạy đến giật chén rượu từ tay anh trai. Vương Tường cũng phát hiện ra rượu có vấn đề khả nghi, liền đoạt lại chén rượu, nhưng Vương Lãm không chịu buông.

Sau đó Chu Thị sợ con trai uống phải rượu độc, liền đoạt lấy chén rượu rồi đổ đi. Từ đó trở đi, hễ Chu Thị đem đồ ăn thức uống gì cho Vương Tường, Vương Lãm đều nếm trước. Chu Thị sợ đầu độc chết con trai mình, nên từ đó không dám hạ độc nữa.

Lã Kiền là tướng nước Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông có một con dao quý, trên có khắc mấy chữ. Có người giỏi xem tướng nói, người đeo con dao này tương lai sẽ làm đến chức Tam công. Lã Kiền khâm phục Vương Tường hiếu thuận, bèn đem con dao tặng Vương Tường, nói rằng: “Nếu con dao này vào nhầm người, thì sẽ thành hung khí hại nhân. Ông có tài đức phò tá Thiên tử, do đó tặng cho ông”.

Sau này, Vương Tường đem con dao tặng lại cho người em Vương Lãm. Quả nhiên, Vương Lãm và con cháu đều làm quan đến chức công khanh, quan cao hiển đạt 9 đời. Thư Thánh Vương Hy Chi chính là chắt nội của Vương Lãm.

Vương Lãm tranh uống rượu độc
Vương Tường biết đeo con dao tương lai sẽ làm đến chức Tam công nên mang tặng em. (Ảnh: youtube.com)

Đời sau có người đánh giá rằng, tình nghĩa anh em, chân thành đến mức có thể cảm hóa toán cướp, chí thành có thể cảm hóa được chấp niệm của mẹ, thì trên thế gian còn có người nào mà không thể cảm hóa được đây?

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nam Phương biên dịch