Dưới ảnh hưởng của những thói quen không tốt trong xã hội hiện đại, xây dựng quan niệm đạo đức đúng đắn cho các bạn nhỏ là điều vô cùng cấp bách, đặc biệt là khi trẻ đến trường, thường có những học sinh hay phá phách, khiêu khích và quấy rầy những bạn khác….
Những bạn nhỏ thường xuyên phá rối này thường có tâm lý không ổn định, dẫn đến lấy việc giễu cợt, vũ nhục người khác làm trò vui, không nghe theo lời dạy bảo của thầy cô giáo.
Còn những bạn nhỏ bị bắt nạt kia thì sao? Chúng sẽ cảm thấy bực bội, ủy khuất, tức giận, bất bình… Khi không có cách nào bộc lộ sự bất mãn, trẻ sẽ nghĩ tới biện pháp gậy ông đập lưng ông để tranh đấu với những học sinh phá phách kia; từ đó gây nên một bầu không khí ngột ngạt, kéo bè kết phái cãi lộn, tranh luận. Khi trong lớp học có tình trạng như vậy, giáo viên nên làm thế nào để khuyên bảo học sinh của mình?
Chuyện của Lan
Một tối nọ, tôi nhận được tin nhắn của Lan, cô học trò trong lớp của tôi. Cô bé nói rằng mình đang rất chán nản và không muốn tiếp tục đi học. Tôi lập tức gọi lại cho cô bé hỏi xem có chuyện gì. Lan kể trong lớp có một cậu học sinh nam ngày nào cũng ức hiếp bắt nạt mình, còn đặt cho cô bé biệt danh là “vòng ngực 81” khiến nhiều bạn trong lớp giễu cợt. Cô bé không dám ngẩng cao đầu khi tới lớp, học cũng không vào. Cô bé nói: “Kỳ thực con cũng có thể đặt cho cậu ta biệt danh để giễu cợt lại, trong lớp cũng có bạn chơi thân với con, con cũng có thể cùng các bạn ấy đối phó với cậu bạn kia”.

Tôi biết cậu nhóc đó là một đứa trẻ rất thích bày trò quậy phá, dù tôi có bảo thế nào nó cũng không nghe. Sau khi nghe Lan nói xong, tôi hỏi cô bé: “Nếu con làm như vậy, rất có thể cậu bạn kia sẽ tìm thêm mấy tên bạn thân để đối phó với con, rồi các con sẽ đánh nhau phải không?” Cô bé bất lực nói: “Cũng chỉ còn cách này cô ạ, nếu không con không thể nuốt nổi cơn giận này! Mỗi ngày cậu ấy đều ở trước mặt con diễu võ dương oai, giống như một tên lưu manh vậy. Con muốn lưu manh hơn cậu ta, chọc tức cậu ta!”. Nhìn thấy tâm lý của bé Lan, tôi tự nhủ mình phải làm thế nào để khuyên bảo con bé. Làm thế nào có thể thay đổi suy nghĩ muốn ăn miếng trả miếng của Lan đây? Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Hàn Tín bị làm nhục chui háng trong điển tích cổ của Trung Quốc, bèn kể cho cô bé nghe:
“Hàn Tín là một vị danh tướng nổi tiếng thời Tây Hán, cùng với Tiêu Hà, Trương Lương được liệt vào ba vị anh hùng kiệt xuất đầu thời nhà Hán. Thuở nhỏ Hàn Tín thích luyện võ, bởi sớm mồ cô cha mẹ nên ông sống trong cảnh bần hàn nghèo khó và bị mọi người kỳ thị, phân biệt đối xử. Ông là người luyện võ nên luôn khoác bảo kiếm bên mình. Lần nọ, khi đang đi giữa đường, ông bị một kẻ lưu manh chặn lại và nói: “Ta thấy ngươi suốt ngày khoác bảo kiếm, có gan thì rút kiếm chém đầu ta đi; nếu không dám thì hãy chui qua háng ta”.
Nói đến đây, tôi dừng lại và hỏi cô bé: “Nếu là con, con sẽ làm gì?” Cô trò nhỏ của tôi nói: “Nếu là con, con sẽ đánh lại tên vô lại kia bởi hắn đã làm nhục và cười nhạo con”.
Tôi cười nói tiếp: “Trong khi những người đi đường xúm lại vây quanh đợi xem trò cười thì Hàn Tín không nói một lời, cúi đầu chui qua háng tên vô lại. Những người đứng xem đều cười nhạo nói Hàn Tín là một kẻ hèn nhát nhưng Hàn Tín đã bỏ đi mà không giải thích gì. Con biết không? Trong lịch sử Trung Quốc, đối với một người đàn ông, chui qua háng người khác là một hành động vô cùng nhục nhã, là hành động của một kẻ hèn nhát. Nhưng Hàn Tín lại có thể trợ giúp Lưu Bang đánh bại “Chiến thần” Hạng Vũ, là đại công thần trong xây dựng vương triều Đại Hán. Con nói xem sao có thể nói ông là một người hèn nhát chứ?”
Bé Lan nghi ngờ hỏi: “Nếu Hàn Tín dũng cảm như vậy, tại sao lúc đó lại không dám đâm tên lưu manh kia?”
Tôi giải thích cho cô bé: Trong cuốn “Lưu hầu luận” cư sĩ Tô Đông Pha từng nói: “Cổ chi sở vị hào kiệt chi sĩ, tất hữu quá nhân chi tiết, nhân tình hữu sở bất năng nhẫn giả. Thất phu kiến nhục, bạt kiếm nhi khởi, đĩnh thân nhi đấu, thử bất túc vi dũng dã; thiên hạ hữu đại dũng giả, tốt nhiên lâm chi nhi bất kinh, vô cố gia chi nhi bất nộ, thử kỳ sở hiệp trì giả thậm đại, nhi kỳ chí thậm viễn dã“. Ý nghĩa là: Một dũng sĩ chân chính là người có thể nhẫn chịu được những việc mà người bình thường không thể nhẫn chịu. Họ không vì bị làm nhục mà đi tranh đấu với người khác. Chí hướng của họ xa hơn và cảnh giới cũng cao hơn người bình thường, họ là người không nổi giận vì những việc nhỏ nhoi, tầm thường.
Sau đó tôi hỏi Lan: “Vậy theo con, khi bản thân bị nhục mạ, bị chửi bới, có nhất định phải vứt bỏ đạo đức của mình để trở thành người đi bắt nạt người khác giống họ không? Con cũng muốn trở thành kiểu người như vậy sao?“
Lan trầm giọng nói: “Không ạ, thưa cô con không muốn trở thành người chuyên đi bắt nạt người khác như vậy”. Tôi cười nói: “Đúng rồi, khi đi trên đường gặp phải người phụ nữ đanh đá, chua ngoa chửi bới mình lẽ nào con cũng muốn chửi nhau với họ? Cô tin rằng con không thể. Nguyên nhân vì họ không cùng cảnh giới đạo đức với con, sao cần phải chấp nhặt đôi co với họ, đúng không nào”.
Cô học trò nhỏ ở đầu dây điện thoại bên kia im lặng một lát, đột nhiên vui vẻ nói: “Cô ơi, con hiểu rồi, con biết phải làm gì rồi ạ. Cậu ấy thích nói thì để cậu ta nói đi! Con cần gì phải tính toán so đo với cậu ta, tầm thường như cậu ta chứ”. Cổ nhân giảng: “Vật hợp theo loài, người phân theo nhóm”, con và cậu ta vốn không cùng một nhóm người, cảnh giới của con cao hơn cậu ấy. Nếu cậu ấy đứng trước mặt con buông lời chửi mắng nhục mạ, con sẽ mặc kệ và đi làm bài tập.” Nghe thấy tiếng cười sảng khoái của cô bé, tôi biết rằng nút thắt trong tâm em đã được cởi ra, và tôi thực sự rất vui mừng.

Trong quá trình trưởng thành của con trẻ, sẽ gặp phải nhiều mâu thuẫn và đấu tranh. Nếu không được kiểm soát, nhiều trẻ sẽ nảy sinh tâm lý trả thù hoặc khuynh hướng bạo lực ngay từ nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Chúng ta có thể thông qua văn hóa truyền thống để giáo dục hướng dẫn con, giúp con có thể hiểu rằng “Nhẫn” không phải là hèn nhát, mà là biểu hiện của ý chí kiên cường và cảnh giới đạo đức của một người.
Tất nhiên, đối với những đứa trẻ hay bắt nạt, ức hiếp người khác thì càng phải kiên nhẫn dạy dỗ, giúp đỡ con sửa sai, để chúng có thể nâng cao đạo đức, biết cảm thông với người khác, không vì những lời nói, việc làm sai trái mà làm tổn thương người khác, gây ra bóng tối tâm lý, hay oán hận cho người khác.
Theo Epoch Times
Bảo Hân biên dịch
