Trải qua hàng ngàn năm, mọi người đều tin rằng A Đẩu – con trai Lưu Bị, vị vua thứ hai của nhà Thục Hán là một vị quân vương bất tài, vô năng. A Đẩu bị gán tội đem cơ nghiệp lẫy lừng của cha mình và Thừa tướng kiệt xuất Gia Cát Lượng tan vào hư không. Nhưng sự thật có phải như vậy?

Sau khi Tào Tháo, Lưu Bị, Gia Cát Lượng mất đi, thế cục “chân vạc” vững chắc thời Tam Quốc bắt đầu chuyển biến. Do sự biến hoá của thời thế mà nhà Tào Nguỵ càng ngày càng mạnh, còn nhà Thục Hán cũng như Đông Ngô càng ngày càng suy yếu. Chỉ ít lâu sau đó hoàng đế nhà Thục Hán, Lưu Thiện (tức A Đẩu) xin hàng nhà Tào Nguỵ, đánh dấu cho một thời kỳ mới.

A Đẩu, một đứa trẻ “thiểu năng”?

d
Lưu Thiện, vị hoàng đế mà mấy nghìn năm nay ai cũng nói rằng ông là kẻ ‘bất tài’. (Ảnh: Internet)

Năm 221, Lưu Bị vì nóng lòng trả thù cho Quan Vũ, Trương Phi cất 70 vạn đại quân Thục tiến đánh Đông Ngô. Nhưng do sơ suất trong dùng binh, quân Thục bị đại tướng Đông Ngô là Lục Tốn đánh cho đại bại. Thua trận, Lưu Bị rút về thành Bạch Đế, u uất mà đổ bệnh. Lưu Bị cho mời Gia Cát Lượng đến phó thác con trai Lưu Thiện và đại sự quốc gia rồi nhắm mắt xuôi tay.

Lâu nay, nhắc tới Lưu Thiện, còn gọi là A Đẩu, người ta đều nghĩ tới một đứa trẻ ham chơi, thiểu năng, một vị quân vương bất tài, vô dụng và nhát gan. Người Trung Quốc thậm chí còn dùng tên A Đẩu để chỉ những đứa trẻ kém cỏi, hay dùng thay thế cho tính từ “thiểu năng”.

Trên thực tế, nói Lưu Thiện thiểu năng, ham chơi, bất tài, vô dụng là cực kỳ oan uổng. Bởi lẽ, cũng giống như cha mình, Lưu Thiện là một “cao thủ” về sử dụng những đòn tâm lý. Lưu Thiện ngồi trên ngôi Hoàng đế nhà Thục Hán hơn 40 năm. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian này, gần như Lưu Thiện không có chút dấu ấn nào trong việc trị nước, không công trạng đáng kể.

m

Nhiều người cho rằng Lưu Thiện bất tài vô năng nhưng sự tồn tại hơn 40 năm của nhà Thục Hán dưới quyền cai trị của ông đã chứng minh rằng những lời nói đó là hoàn toàn thiếu cơ sở.

Khi Gia Cát Lượng mang quân 6 lần ra Kỳ Sơn, Lưu Thiện đã không vì mình là hoàng đế mà cản trở Gia Cát Lượng thực hiện di nguyện của tiên đế Lưu Bị đã giao phó. Ngược lại, Lưu Thiện còn rất nghe lời thừa tướng, giao cho ông mọi quyền điều động binh mã và điều hành đất nước trong thời chiến.

Khả năng nhìn người, dùng người của Lưu Thiện không thua kém gì người cha Lưu Bị của mình. Lưu Thiện rất biết nghe lời Khổng Minh nên tránh được rất nhiều tai hoạ.

Sự “nghe lời” của Lưu Thiện không phải là cái nghe của một đứa trẻ “chẳng biết gì”. Ngược lại, ông có trí tuệ, biết cân nhắc, thấu tỏ rõ giang sơn nhà Thục Hán có được ngày hôm nay là do một tay Khổng Minh gây dựng mà thành. Lưu Thiện hiểu nếu muốn hoàn thành di nguyện của tiên đế, thì nhất định phải nghe lời Gia Cát Lượng.

Vẫn trị vì vững vàng suốt 30 năm sau khi Khổng Minh đã ra đi

v
Để tìm được một người ‘thầy’ xuất chúng mà đi theo, đó là điều mà bất cứ một ai cùng hằng ao ước, Lưu Thiện thật may mắn được Khổng Minh phò tá đến trọn đời. (Ảnh: Internet)

Sử sách chép lại rằng, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện lập tức phế bỏ chế độ thừa tướng. Ông đem quyền lực ban đầu về cả hành chính lẫn quân sự của Gia Cát Lượng phân chia làm 2 phần và giao cho Tưởng Uyển, Phí Y. Sau khi Tưởng Uyển mất, Lưu Thiện tự mình nắm quyền.

Ngoài ra, sử sách cũng không ghi lại bất kỳ một vụ sát hại trung thần nào của Hậu Chủ Lưu Thiện, vốn là dấu hiệu của một hôn quân. Lưu Thiện có thể là một trong số những hoàng đế giết người ít nhất trong suốt các triều đại lịch sử Trung Quốc.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện vẫn có thể tiếp tục lãnh đạo Thục Hán trong 30 năm, nghỉ ngơi lấy sức, dùng đạo vô vi mà trị nước. Chỉ riêng việc có thể duy trì vương quyền trong suốt thời gian dài như vậy mà không xảy ra đại loạn gì lớn, có thể thấy Lưu Thiện vốn không phải hồ đồ như người ta vẫn tưởng.

Đầu hàng – “khổ nhục kế” vì xã tắc mà cúi mình

g
Sở hữu tính cách giống cha mình, yêu dân như con, luôn đặt quốc gia bá tánh lên đầu, Lưu Thiện không đành lòng vì mình mà dân chúng rơi vào cảnh lầm than, chiến tranh liên miên nên đã đầu hàng. (Ảnh: Internet)

Năm 263, khi tám lộ đại binh nhà Ngụy đến bao vây dưới thành, Lưu Thiện đã chọn đầu hàng. Hành động đó của Lưu Thiện bị người đời chê cười là hèn yếu, nhu nhược. Nhưng ở một góc độ khác phải thừa nhận rằng, Lưu Thiện đã tránh cho dân Thục Hán một trận can qua đẫm máu.

Sách “Tam Quốc chí” của Trần Thọ viết rằng, khi đầu hàng, Lưu Thiện vẫn giữ cốt cách của một ông vua, ngồi trên xe chỉ tay xuống tướng Ngụy là Đặng Ngải chứ không hề sợ sệt, khúm núm.

Do “thức thời”, Lưu Thiện nhận được rất nhiều ưu đãi từ phía quân Ngụy. Ngay trong buổi Lưu Thiện dẫn triều thần nhà Thục Hán ra đầu hàng, Đặng Ngải đã thay mặt hoàng đế nhà Ngụy phong cho Lưu Thiện làm Phiêu Kỵ tướng quân.

Sau này, Tư Mã Chiêu (lúc ấy là Tấn Vương, đang nắm thực quyền) đã cho gọi Lưu Thiện và gia quyến về Lạc Dương, phong làm An Lạc Công, thực ấp một vạn hộ. Ngoài ra, con cái của Lưu Thiện cùng hơn 50 đại thần nước Thục theo Lưu Thiện tới Lạc Dương đều được phong hầu.


Tư Mã Chiêu đã không còn nghi ngờ gì vị “hậu chủ” của nhà Thục Hán trước sự trả lời ngây ngô đến buồn cười của Lưu Thiện.

Sau khi tới Lạc Dương, dù được tấn phong là An Lạc Công nhưng Lưu Thiện không ngày nào yên giấc vì Tư Mã Chiêu vẫn còn đề phòng ông. Một hôm, Tư Mã Chiêu mời Lưu Thiện đến phủ dự tiệc. Trong tiệc, Tư Mã Chiêu cho cung nữ múa điệu múa ở nước Thục làm rất nhiều quan lại nước Thục trước đây cảm động phát khóc.

Đương nhiên, trước cảnh tượng ấy, Lưu Thiện cũng rất thương cảm. Dù vậy, trước mặt Tư Mã Chiêu, Lưu Thiện hiểu mình không thể bộc lộ cảm xúc thật của mình. Vì vậy, ông vẫn cười nói, uống rượu như bình thường.

Lúc đó, Tư Mã Chiêu đã nói thầm với bộ hạ thân tín Giả Sung của mình rằng: “Một kẻ vô lo vô nghĩ đến như vậy, dù cho Gia Cát Lượng còn sống cũng khó mà phò trợ được, huống hồ là Khương Duy!”. Giả Sung nói: “Không hẳn như vậy, chúa công nên cẩn thận!”. Sau khi màn biểu diễn kết thúc, Tư Mã Chiêu quay sang hỏi Lưu Thiện: “Màn biểu diễn có làm ông nhớ nước Thục không?”. Lưu Thiện giật mình rồi đáp: “Ở đây vui, không còn nhớ nước Thục nữa”.

Câu nói này của Lưu Thiện đã lừa được Tư Mã Chiêu, thậm chí lừa được cả một triều thần thân tín của Lưu Thiện là Khích Chính. Sau khi bữa tiệc kết thúc, Khích Chính nói với Lưu Thiện: “Chủ công trả lời như vậy là không thích hợp. Nếu như lần sau, Tư Mã Chiêu hỏi như vậy, chủ công nên chảy nước mắt, buồn rầu trả lời rằng: “Mộ của tổ tiên đều ở nước Thục, tôi làm sao không nhớ cho được?”.

Suy nghĩ một lúc, Lưu Thiện gật đầu. Vài ngày sau, vẫn còn nghi ngờ Lưu Thiện, Tư Mã Chiêu lại hỏi Thiện có nhớ nước Thục không. Nghe theo lời của Khích Chính, Lưu Thiện nói lại y như những gì Khích Chính đã nói, đồng thời khuôn mặt tỏ ra vô cùng bi thương.

Tư Mã Chiêu nghe xong, đột nhiên nói: “Lời của ông sao giống với Khích Chính vậy?”. Lưu Thiện giả vờ kinh ngạc rồi nói: “Ngài làm sao biết được? Những lời này chính là do Khích Chính dạy tôi”. Tư Mã Chiêu nghe xong, cười ha hả rồi bỏ đi, từ đó hoàn toàn yên tâm, không còn lo lắng gì về Lưu Thiện nữa.

Câu chuyện của Lưu Thiện đã trở thành một điển tích nổi tiếng lịch sử: “Lạc bất tư Thục” (vui quên nước Thục).

Đối đầu với một kẻ cơ trí như Tư Mã Chiêu, Lưu Thiện đã “giả ngốc” rất thành công, bảo toàn được sự an toàn của mình. Sách “Tam Quốc tập giải” của Chu Thọ Xương đánh giá rất cao Hậu chủ A Đẩu, cho rằng: “Những lời đồn đại (về Lưu Thiện) là hoàn toàn sai sự thực. Chẳng qua, A Đẩu tự ẩn mình đi để bảo toàn chính mình trong hoàn cảnh hiểm nghèo mà thôi”.

Tháng 12 năm 271, Lưu Thiện mắc bệnh rồi qua đời ở Lạc Dương, kinh đô nước Ngụy, thọ 64 tuổi. Trong số tất cả những ông vua mất nước trong lịch sử Trung Quốc, kết cục của Lưu Thiện có thể nói là “có hậu” nhất. Điều đó hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.

Video: Trí huệ người xưa: Nói là một năng lực, nhưng im lặng mới là cách hành xử của bậc cao nhân

videoinfo__video3.dkn.tv||149278959__