Bói mà biết được căn bệnh do ma quỷ làm ra, bói mà biết được vật đậy trong hộp kín trăm lần không sai, bói mà biết được thiên cơ và có khả năng “cải tử hoàn sinh”… Quản Lộ chính là người đã để lại nhiều câu chuyện ly kỳ, bí ẩn nhất thời Tam Quốc nhờ tài đoán mệnh nổi tiếng của mình.

Biết cả chuyện sống chết

Một hôm, Lộ ra ngoài đồng dạo chơi, thấy một thanh niên đang cày ruộng, ông dừng lại ngắm một chút rồi hỏi: “Anh kia! Có thể nào cho tôi biết tên được không và anh bao nhiêu tuổi rồi?”. Chàng kia đáp: “Tôi tên là Triệu Nhan, 19 tuổi, chẳng hay tiên sinh là ai?”. Quản Lộ nói: “Ta đây là Quản Lộ, ta thấy trên mặt anh hiện ra đường tử khí. Vì vậy, chỉ còn 3 ngày nữa là bỏ mạng”. Triệu Nhan nghe nói lòng kinh sợ vô cùng, vội chạy về nhà báo tin cho cha mẹ hay. Người cha lập tức đi tìm Quản Lộ cầu xin cứu mạng. Quản Lộ nói: “Số trời đã định, dù tôi có phép tiên cũng không thể nào cứu được”. Ông lão một mực quỳ lạy van nài: “Suốt đời tôi chỉ có một  đứa con này xin ngài thương hại mà cứu lấy nó”.

(Thời Tam Quốc. Ảnh minh họa: thông qua violet.vn)

Triệu Nhan lúc bấy giờ cũng phục xuống trước mặt Quản Lộ và khóc lóc. Quản Lộ nhìn thấy cảnh này bèn nói: “Thôi anh đừng khóc nữa. Hãy về kiếm lấy ít rượu ngon và thịt nai thơm. Ngày mai mang lên núi Nam Sơn, tìm đến một gốc cây cổ thụ, sẽ thấy một phiến đá có hai ông già đang ngồi đánh cờ. Một người quay mặt về hướng Nam, mặc áo trắng, mặt mày hung tợn. Một người quay mặt về hướng Bắc, mặc áo hồng, gương mặt hiền lành. Thừa lúc hai người mải đánh cờ, anh cứ bày rượu thịt ra mà dâng lên. Đợi khi họ ăn uống xong thì phục xuống mà khóc lóc xin thêm tuổi thọ. Nhưng tuyệt đối không được tiết lộ tên tôi đấy nhé!”. 

Y theo lời Quản Lộ, hôm sau Triệu Nhan đem rượu thịt lên núi Nam Sơn và quả nhiên thấy hai người đang ngồi đánh cờ dưới gốc cây, dáng dấp phi phàm. Chàng rón rén đến gần, nhưng hai người chẳng ai để ý đến, Triệu Nhan bày rượu thịt và cứ thế mà dâng lên, hai người vì mải mê đánh cờ nên cứ thế mà nâng chén.

Triệu Nhan mới quỳ xuống khóc lóc và lạy xin thêm tuổi thọ. Hai người lúc bấy giờ mới giật mình quay lại nhìn Triệu Nhan chằm chằm, rồi người mặc áo hồng mới nói với người mặc áo trắng: “Đây hẳn là Quản Lộ đã xúi nó đến đây, nhưng ta đã dùng lễ vật của nó, làm thế nào mà từ chối được”. Người mặc áo trắng lật sổ ra xem một lúc rồi nói: “Nhà ngươi năm nay mười chín tuổi đáng lẽ ra phải chết. Nay ta cho thêm chứ “Cửu” lên trên nên có thể thọ đến chín mươi chín. Nhưng về nói với Quản Lộ là từ nay không được tiết lộ thiên cơ nữa, nếu không trời sẽ khiển trách“.

(Nam Tào – Bắc Đẩu đánh cờ. Ảnh minh họa: theo Reds.vn)

Dứt lời, hai người biến thành 2 con hạc bay lên trời. Triệu Nhan hết sức mừng rỡ, vội về nhà thuật lại mọi chuyện cho Quản Lộ. Quản Lộ cho biết đó là Nam Tào và Bắc Đẩu – hai vị tiên chuyên lo việc sinh tử của nhân loại, từ đó ông cũng không dám tiết lộ thiên cơ nữa.

Nhà Tấn đắc tội, Quản Lộ báo thù

Mặc dù Lộ không làm quan, nhưng mỗi khi gặp chuyện gì khó khăn, Tào Tháo đều cho người đến hỏi để biết cát hung của sự việc. Khi nhà Tấn lên làm vua, những ai đã từng bày mưu hiến kế cho Tào Tháo đều bị bắt. Quản Lộ được coi là “cái túi khôn” của Tào Tháo nên cũng chịu chung số phận. Một buổi chiều, Lộ đang đi bỗng nhiên vấp chân một cái. Nhìn xuống đất thấy không có cái gì cả. Lộ “đánh tay” biết mạng mình sẽ bị tuyệt trong nay mai, nên tối hôm đó, ông đã thức suốt đêm, đem tất cả những cái sở học ra viết thành một “Tức cẩm nang” nhờ người trao lại 4 đời sau để báo thù.

Hôm sau, quả nhiên quân lính đến bắt Quản Lộ ra pháp trường xử trảm. Sắp đến Quản Lộ bị hành hình thì một trận cuồng phong nổi lên, cuốn cái mũ của vua Tấn bay lên trên không trung. Lộ nói: “Nếu cái mũ rơi xuống đất là điềm ta báo được thù.” Quái lạ thay, cái mũ đảo lộn trên không một lúc rồi rơi xuống úp vào đầu con ngựa mà vua Tấn đang cưỡi. Quản Lộ thấy thế thở dài cúi đầu xuống mà chịu chết.

Bốn đời sau, trong dòng họ của Quản Lộ lại có kỳ tài xuất hiện. Đó là Quản Bật, Bật có diện mạo giống Lộ như khuôn đúc, học rất giỏi, mắt rất tinh, có thể đếm được các vì sao trên trời. Và điều lạ lùng hơn nữa là Bật cũng giỏi về khoa lý số giống y như ông tổ bốn đời là Quản Lộ. Người ta không thể ngờ được rằng Bật chính là Lộ tái sinh để quyết giết cho được một người con cháu của Tư Mã Ý mà báo thù.

Theo đúng như cẩm nang mà Lộ truyền lại. Bật đã vào cung đoán mộng cho vua Tấn rồi khéo léo xui ông vua này lên Định Quân Sơn đào mả Khổng Minh để tìm “Thanh Thư cẩm nang”. Khổng Minh trước khi chết có làm một cái lăng giả ở trong chứa đầy các máy móc, cùng những ám khí hiểm độc, mục đích giết hại những kẻ tham lam dám xâm phạm mộ phần của mình… Còn mưu kế lần này của Quản Bật là “mượn gió bẻ măng”, sử dụng nó để nhắm vào vua nhà Tấn.

(Quản Bật. Ảnh minh họa: thông qua viedaily.com)

Đến khi ngôi lăng bị phát giác và không ngăn cản được ý muốn thám hiểm của nhà vua, có một vị sư già đã đi theo sát bên để hộ vệ. Cuối cùng, cũng chính nhà sư đã cho thuốc để cứu mạng khi vua hít phải khói độc từ trong cái hộp bằng đá tỏa ra… Còn Quản Bật trước đó đã viện cớ đau bụng xin lên địa huyệt để rời xa nơi nguy hiểm.

Vua Tấn về triều, đau một trận nặng nhưng rồi được nhà sư cứu khỏi và cho biết đầu đuôi câu chuyện. Như thế, sự báo thù của Quản Lộ đã không thành công đúng như cái điềm báo trước hôm chịu tội ở pháp trường. Sau đó, vua Tấn cho người về quê tìm Quản Bật, nhưng Bật đã không còn ở đó nữa. Người ta không rõ cuộc đời về sau của ông như thế nào.

***

Lời bình

Thời Tam Quốc đã cách nay cả ngàn năm. Vào thời đó, nếu có những người như Tả Từ, Khổng Minh, Bàng Thống… thì cũng phải có những người như Quản Lộ. Đã có người như Quản Lộ tất sẽ có hai ông tiên đánh cờ dưới gốc cây, để vai trò của nhà tiên tri được đầy đủ. Bói Dịch mà tài tình như Quản Lộ thì thật là hiếm có. Tài tình đến độ tiên trên trời cũng biết nữa thì thật là siêu đẳng, khó ai sánh được.

Kinh Dịch là sự phản ánh quy luật của vũ trụ lên Trái Đất, con người, là một bộ môn khoa học huyền học cao siêu. Quản Lộ nhờ học bói Dịch tới nơi tới chốn mà có thể hiểu được mọi chuyện xảy ra chung quanh mình, không sót chút gì từ việc lớn đến việc nhỏ. Thế nhưng muốn đạt đến mức đó, con người phải có một nội tâm trong sáng, không mưu cầu những điều tầm thường nơi thế gian. Từ đó, người ta mới có thể cảm ứng với thần linh, với vạn vật mà trí tuệ đại ngộ, có thể “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, không gì không biết, nhưng lại không hề kiêu ngạo, mà ngược lại thấy mình thật nhỏ bé trong vũ trụ bao la này.

Vậy mới hay những bậc đại nhân trong thiên hạ từ trước tới nay thường là những người thông thái nhưng vô cùng khiêm tốn. Quản Lộ từ chối bổng lộc của Tào Tháo và của những người khác hết lần này tới lần khác vì ông hiểu được đó không phải là điều ông cần. Điều ông cần là sự giải thoát, sự giác ngộ, thấu hiểu vạn vật vũ trụ từ đó có một cuộc sống tiêu diêu tự tại, hạnh phúc đích thực, hoà cùng gió trăng.

Người đời sau có làm thơ khen Quản Lộ rằng:

Bình Nguyên quân tử có kỳ tài

Bắc đẩu Nam tào tính đến nơi

Gieo quẻ lần tìm ra dấu quỷ

Bói kinh đoán trước cả cơ trời

Số người thọ yểu rành xem tướng

Bản mệnh hèn sang tự biết rồi

Diệu thuật linh khoa kia khá tiếu

Chẳng đem truyền lại được cho đời”.

Chân Phong

Xem thêm: