Cao Bá Quát nhân tài kiệt xuất trời Nam, một con người nổi tiếng văn hay chữ tốt được dân gian tôn xưng là “Thánh Quát”. Quá tài giỏi nhưng vì khí khái kiêu căng, ngạo nghễ nên cuộc đời ông gặp đầy gian truân…

Cao Bá Quát (1809 – 1854) tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Thiên, là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông là văn tài xuất chúng của nước ta vào thế kỷ XIX. Ngay từ thuở nhỏ, Bá Quát đã nổi tiếng học giỏi nên được mọi người coi như thần đồng.

Tự buộc tóc lên trần nhà, cùm chân vào án thư để luyện chữ

Là người thông minh từ nhỏ, năm 12 tuổi, Cao Bá Quát đã theo các bậc đàn anh lều chõng đi thi. Khi còn đi học ở Bắc Ninh, Cao Bá Quát nổi tiếng về tài văn thơ đối đáp thông minh và tài họa, nhưng lại viết chữ rất xấu. Xấu hổ với chữ viết như gà bới, đêm đến, ông thường thức khuya miệt mài tập viết chữ. Buồn ngủ quá, ông tự buộc tóc mình lên mái nhà để mỗi lần ngủ gật bị giật tóc đau, phải tỉnh lại.

Ông còn buộc chân vào án thư để không thể “chạy đi chơi” được. Nhờ sự quyết tâm, kiên nhẫn, một thời gian sau, từ viết chữ xấu, Cao Bá Quát nổi tiếng khắp vùng về biệt tài viết chữ đẹp.

Tương truyền, chữ viết của ông như “rồng bay phượng múa”, bút tích còn lại hiện nay được lưu lại trong bài đề tựa cuối cùng của “Mai Am thi tập” của công chúa Lại Đức, con gái vua Minh Mạng.

Không những viết chữ đẹp, Cao Bá Quát còn nổi tiếng về tài văn thơ. Ông có thể “xuất khẩu thành thơ”, làm vế đối mọi lúc mọi nơi, ý tứ rất chuẩn mực, sắc sảo. Tài năng văn chương của ông khiến ngay cả ông vua hay chữ Tự Đức cũng phải thán phục. Vua trực tiếp ca ngợi ông và người bạn vong niên của ông là Nguyễn Văn Siêu rằng: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”, nghĩa là: Văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát, đời tiền Hán không có ai bằng.

Tuy vậy, Cao Bá Quát là người không mấy may mắn trên con đường công danh khoa cử. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), ông thi Hương ở trường Hà Nội, đậu Á nguyên Cử nhân, tức là đỗ thứ nhì trong kỳ thi đó. Nhưng khi bài thi bị duyệt lại vì có lỗi, ông bị đánh tụt xuống cuối bảng. Vào kinh để thi Hội nhiều lần, ông đều bị đánh trượt.

Hội thi hương ở trường Hà Nội. (Ảnh: Wikipedia)

Chuyện cá nuốt cá, người trói người

Chuyện kể rằng khi còn bé, Cao Bá Quát ra tắm ở Hồ Tây. Đúng vào lúc vua Minh Mệnh tuần du ở ngoài bắc, nhà vua cũng đến Hồ Tây xem phong cảnh. Đạo ngự đi qua, tàn lọng rợp trời, gươm đao sáng quắc, ai cũng phải tránh xa, riêng cậu Quát cứ tự do vùng vẫy. Lính đến bắt lôi lên bờ, cậu cứ trần truồng đến trước mặt vua, tự khai là học trò, vì trời nực ra hồ tắm mát. Vua nhìn xuống hồ thấy có con cá lớn đang đuổi đàn cá con, liền đọc một câu đối, bảo nếu đúng Quát là học trò thì phải đối được, sẽ tha không đánh đòn; vua đọc:

“Nước trong leo lẻo, cá đớp cá”.

Bá Quát bèn ứng khẩu đối ngay:

“Trời nắng chang chang, người trói người”

Vua và đoàn tùy tùng nghe xong đều khen hay và tha cho Bá Quát.

Một góc Hồ Tây cạnh chùa Trấn Quốc ngày xưa. (Ảnh: Ashui.com)

Chơi khăm “ngài” lý trưởng

Ở làng Cao Bá Quát có viên lý trưởng có tiếng là hay nhũng lạm. Dân làng chê trách nhưng không ai dám chỉ trích công khai. Cao Bá Quát tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cũng biết chung mối bất bình với dân chúng. Nhân có hội làng, dân làng cho đắp đôi con voi thờ dựng trước cửa đình, mà tiền đắp voi chủ yếu là do vị lý trưởng kia bỏ ra lấy tiếng là làm công đức nhưng thực chất là mua danh. Bá Quát liền rủ chúng bạn ra xem rồi lựa lúc vắng vẻ lấy bút viết luôn vào lưng voi bài thơ như sau:

“Khen ai rõ khéo đắp đôi voi
Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi
Chỉ có cái kia sao chẳng đắp
Hay là thầy Lý bớt đi rồi?”

Ước đời như Nghiêu, Thuấn

Một lần Cao Bá Quát đến nghe bình văn ở một trường Đốc. Nghe đọc những câu văn tầm thường, ông cứ lắc đầu và còn bịt mũi tỏ ra khó chịu. Lính bắt vào nộp quan đốc học. Quát xưng là học trò, hỏi học với ai, ông trả lời:

– Tôi học với ông Trình ông Chu.

Trình, Chu là hai vị học giả vào hàng tôn sư trong đạo Nho. Trả lời như vậy là tỏ ra mình học với các bậc thánh hiền, học từ gốc chứ không thèm học ngọn! Quan đốc giận lắm, ra câu đối bắt Quát phải đối ngay:

– “Nhĩ tiểu sinh hà xứ đáo lai, cảm thuyết Trình Chu sự nghiệp”?

(Tạm dịch là: Chú bé này ở đâu đến đây, dám nói đến sự nghiệp ông Trình, ông Chu to lớn?)

Thời kỳ Nghiêu Thuấn là thười kỳ thịnh vượng coi trọng đạo đức, tôn kính trời đất là thời kỳ đặt định văn hóa cho con người. (Ảnh: read01.com)

Cậu Quát bèn lập tức đối lại:

– “Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu Thuấn quân dân”.

(Tạm dịch: Người quân tử gặp thời làm việc, muốn quân dân đều được như đời Thuấn, đời Nghiêu).

Quan đốc phục tài, nhất là cảm cái chí hướng lớn lao của người trẻ tuổi này. Ông đã không giận mà còn thưởng cho Cao Bá Quát.

Kết bạn vong niên với Nguyễn Siêu

Thời bấy giờ có ông Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng là hay chữ. Được biết ông Siêu dạy học ở Hà Nội, Cao Bá Quát liền từ Bắc Ninh sang Hà Nội, tìm đến trường của ông Siêu dạy để nghe giảng bài. Bá Quát tới nơi, đứng cửa sổ dòm vào, thấy một ông đồ khoảng 25, 26 tuổi, ngồi trên một cái chõng cũ siêu vẹo, học trò thì ngồi lê la dưới đất, chứng tỏ là một lớp học nghèo. Thầy đồ Siêu nhìn thấy một anh chàng trẻ tuổi chừng mười lăm, mười sáu, thơ thẩn đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, thầy đồ hỏi:

– Anh đi đâu mà đứng ở đây?

Bá Quát trả lời:

– Tôi là học trò đi qua trường, thấy thầy giảng văn muốn xin thầy cho vào nhập học.

Ông Siêu muốn thử tài học của Bá Quát, bèn nói:

– Nếu thật anh là học trò, thì anh đối thử vế đối này:

“Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két”.

(Tạm dịch là: Ông thầy ngồi trên chõng, kêu cót két, két cót, cót cót két két).

Bá Quát liền đối lại:

“Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ”

(Tạm dịch: trò nhỏ vào sân trường, đi thẩn thơ, thơ thẩn, thẩn thẩn thơ thơ).

Nguyễn Văn Siêu nghe thấy vế đối tài tình rất phục, mời vào trong ngồi, hỏi tên tuổi và lai lịch mới biết là Cao Bá Quát ở Bắc Ninh, là người mà ông đã nghe tiếng đồn là thần đồng. Về sau hai người đi lại thăm nhau luôn và trở thành đôi bạn vong niên thân thiết.

Bá Quát tới nơi, đứng cửa sổ dòm vào, thấy một ông đồ khoảng 25, 26 tuổi, ngồi trên một cái chõng cũ siêu vẹo, học trò thì ngồi lê la dưới đất. (Ảnh: THTG)

Đèn nhà ai nhà nấy rạng

Chuyện kể rằng Cao Bá Quát có dịp vào Quảng Nam, đến thăm nhà một cụ đồ (sau này là thân sinh ông Nguyễn Hiển Dĩnh). Nhiều người nghe tiếng ông giỏi thơ văn đã đến xin chữ. Một người làm đôi đèn lồng để thờ mẹ, xin ông cho một đôi câu đối chữ Nôm. Ông Quát viết luôn vào đôi đèn lồng hai câu rất tài tình như sau:

“Trước mẹ dạy con: gió chiều nào che chiều ấy, con dạ.
Giờ con thờ mẹ: đèn nhà ai rạng nhà nấy, mẹ ơi!”

Người đời đều khen tụng là cặp câu đối rất hay, dùng toàn thành ngữ dân gian mà lại rất tương hợp với hoàn cảnh của chủ nhân cũng như ý nghĩa và công dụng của cái đôi đèn thờ.

Bản tấu trình hiểm hóc

Nhờ có tài văn chương, tuy chức phận thấp, Cao Bá Quát vẫn thường được nhiều người coi trọng, kể cả nhà vua. Chuyện kể rằng một hôm có hai vị quan trong triều là Phan Văn Nhã và Võ Văn Khải đánh nhau vì chuyện văn chương. Ông Khải xem bài văn của ông Nhã, chê kém và nói: “Văn như thế chó nó cũng làm được”. Thế là hai bên sinh sự. Cao Bá Quát vì có chứng kiến việc này nên vua Tự Đức bắt viết tờ tấu trình cho vua rõ đầu đuôi. Quát cứ “sự thực tường khai” như sau:

“Quát quá Nhã gia
Nhã hô: Quát! Quát!
Quát lai ẩm
Thủ bất tri

Vĩ bất tri
Bất tri như hà
Chỉ kiến lưỡng tương đấu khẩu
Bỉ viết: cẩu

Thử diệc viết: cẩu
Thượng hạ giai cẩu
Lưỡng tương đấu ẩu
Thần kiến thế nguy
Thần cụ thần tẩu”.

Mấy câu thơ trong bản tấu trình trên tạm dịch là:

“Quát qua nhà Nhã
Nhã gọi Quát! Quát!
Quát đến uống
Đầu không biết

Cuối không biết
Chẳng biết vì sao
Chỉ thấy: hai bên cãi cọ…
Bên này rằng: chó

Bên kia cũng: chó
Trên dưới đều chó
Hai bên đấu võ
Thần thấy thế nguy
Thần sợ thần chạy!”

Vua Tự Đức đọc tới câu “Thượng hạ giai cẩu”, biết là Cao Bá Quát lợi dụng lời khai để chơi khăm cả nhà vua, nhưng vì lời khai hay và đúng sự thực quá nên cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Quát viết tấu chương kể lại sự việc có pha chút chơi khăm nhà vua. (Ảnh: Spiderum)

Cả gan mà vuốt râu hùm

Thời Bá Quát còn làm quan đương triều, Vua Tự Đức thường cứ nghĩ ra những trò văn chương độc đáo để khoe tài với các quan. Một lần, ông nói với họ:
– Đêm qua, trẫm nằm mơ thấy hai câu thơ thật đặc biệt:

“Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai”

(Ý tứ là: Trong vườn chim oanh hót giọng “khề khà”; Ngoài đồng hoa đào nở “lấm tấm”).

– Các khanh thấy thế nào?

Các quan đều nức nở khen thơ hay và lạ, có chữ Hán kèm tiếng Nôm, rõ nghĩa mà có hình ảnh tân kỳ, chắc là tiên thánh nào ban cho, hoặc nhà vua nghĩ được câu thần cú. Chỉ có Cao Bá Quát quỳ tâu:

– Tâu bệ hạ, câu thơ ấy là thơ cũ đấy ạ! Nguyên là hai câu 3, 4 ở một bài thơ thần đã được nghe.

Vua ngạc nhiên lắm, thơ mình nghĩ ra kia mà! viên quan họ Cao này sao dám nói là thơ cũ? Nhưng vua cũng bình tĩnh bảo:

– Nếu khanh đã nghe cả bài thì đọc thử xem:

Cao Bá Quát bèn đọc tức thì:

“Bảo mã tây phong huếch hoác lai
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai

Xuân nhật bất văn sương lộp bộp
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân thức
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài”

Tạm dịch là:

“Gió tây ngựa huếch hoác về
Huênh hoang người cũng tự đi theo vào
Khề khà oanh hót vườn nao
Đồng quê lấm tấm muôn đào nở hoa

Xuân không lộp bộp sương sa
Ngày thu chỉ thấy trời mưa bài nhài
Khù khờ thơ đã cũ rồi
Ông còn khệnh khạng hỏi người hay thơ”

Đức vua bị một “đòn” đau quá. Ông biết rõ Cao Bá Quát bịa ra, mà lại ngang nhiên trêu chọc ông: “Khù khờ thơ đã cũ rồi, ông còn khệnh khạng hỏi người hay thơ”. Nhưng ngoài mặt nhà Vua vẫn phải khen hay – vì đúng là thơ của Bá Quát hay thật, và sai lính mang trà tặng thưởng Cao Bá Quát.

Vua bị chơi khăm nhưng vẫn nể phục Quát. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Tiếc cho một nhân tài

Cao Bá Quát là người rất bản lĩnh. Ông dù sống một đời thanh bần nhưng luôn coi thường những kẻ khom lưng, luồn cúi để được giàu sang, và là người thường tự tin rằng có thể thay đổi được vận mệnh của đời mình. Khi ra làm quan, ông muốn đem tài năng giúp đời, nhưng rồi sớm nhận ra có những vấn đề không thể thay đổi được.

Những lúc cảm thấy như bất lực trước thời cuộc ấy, ông muốn hưởng an nhàn. Nhưng khi chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân ông lại không thể. Cuối cùng, con đường ông lựa chọn là tham gia khởi nghĩa nông dân.

Triều Nguyễn càng về cuối càng suy tàn. Năm 1850, Cao Bá Quát được triều đình cử đi giữ chức Giáo Thụ ở Quốc Oai (Sơn Tây). Năm 1853 các tỉnh Sơn Tây, Kinh Bắc bị nạn châu chấu cắn lúa, dân đói khổ, nổi loạn. Ông từ chức, lấy cớ nuôi mẹ già rồi liên lạc với các nhóm nghĩa quân, lại bầu Lê Duy Cự (tức Duy Đồng, tự xưng là cháu bốn đời của Lê Hiển Tông) lên làm Minh chủ, còn mình thì làm Quốc sư. Nghĩa quân phát động khởi nghĩa ở Mỹ Lương, tức Chương Mỹ và Lương Sơn, Bắc Ninh, tiến đánh vùng Hà Nội, Sài Sơn (Sơn Tây) nhưng mấy tháng sau thua trận phải rút về Mỹ Lương. Tháng 11 năm 1854 ông mất.

Về cái chết của Cao Bá Quát có nhiều thuyết khác nhau. Một số người tin rằng ông bị bắt, giải về Hà Nội rồi đưa vào giam ở Huế trước khi đem ra chém đầu, Trong thời gian bị giam trong ngục ông có làm đôi câu đối nổi tiếng :

“Một chiếc cùm lim chân có đế,
Ba vòng dây xích bước còn vương”.

Dựa vào văn phong, người ta có thể tin đôi câu đối trên là do ông sáng tác. Song theo cuốn chính sử của nhà Nguyễn – “Đại Nam Thực lục chính biên” thì cho hay: “Năm 1854 ông bị suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Vua Tự Đức hạ lệnh bêu đầu ông khắp các tỉnh miền Bắc rồi bổ ra ném xuống sông. Sau Quang được thăng lên Cai đội”.

Như vậy là ông chết trận chứ không hề bị giam cầm. Cũng có thuyết nói ông bị bắt và tự sát trên đường giải về Kinh. Có lẽ người ta đã nhầm ông với người anh song sinh của ông là Cao Bá Đạt khi ấy đang làm Tri huyện Nông Cống (Thanh Hóa), vì em làm phản mà bị vạ lây, bị bắt giải về kinh đô, giữa đường Bá Đạt cắn ngón tay viết bản trần tình rồi tự tử.

Sau khi Cao Bá Quát qua đời, các tác phẩm của ông bị triều đình tiêu hủy khá nhiều. Hiện nay còn giữ lại được khoảng 1.353 bài thơ và 21 bài văn xuôi.

Đường Phong