Những lời này của Lưu Dung vô cùng khéo léo và đi vào lòng người, Càn Long nghe xong lập tức nở nụ cười, không truy cứu Lưu Dung thêm nữa, còn ban thưởng cho ông.

Trong xã hội vương quyền thời cổ đại, đầu tiên cần phải có tài đức thì mới trở thành một vị quan đại thần nhận được sự tán thưởng và trọng dụng của hoàng đế. Tuy nhiên, “gần vua cũng giống như gần cọp”, quan đại thần nói sai một câu, làm sai một sự việc nhỏ đôi khi có thể dẫn tới đại họa ngút trời. Trong lịch sử Trung Hoa, những người chọc giận mà bị hoàng đế trừng phạt nghiêm trọng có rất nhiều, đến cả thái tử cũng không có quyền miễn tội, lệnh xử phạt được ban xuống đều phải được thi hành.

Trong triều đình nhà Thanh từng có một vị đại thần, chính là Lưu Dung, một người vô cùng quen thuộc với khán giả truyền hình nhờ bộ phim “Tể tướng Lưu gù”. Trong một lần đánh cờ với hoàng đế Càn Long, Lưu Dung đã đánh thắng ông. Vì vậy Càn Long tức giận nói: “Như vậy khiến trẫm không còn mặt mũi nào, không sợ trẫm giết ngươi sao?”. Còn Lưu Dung lại bình tĩnh như thường giải thích nguyên nhân, khiến vua không những không giết ông, còn rất thích thú với câu trả lời của ông.

Mặc dù đánh cờ chỉ là trò chơi, tuy nhiên khi người chơi hoàn toàn đặt tâm hòa nhập vào bàn cờ, mỗi quân cờ dường như đều trở thành máu thịt của họ, do vậy đều rất coi trọng chuyện thắng thua. Người thắng đương nhiên sẽ rất vui mừng, người thua sẽ vô cùng khó chịu. Lưu Dung và Càn Long đều là những người vô cùng yêu thích đánh cơ, do đó họ thường xuyên tỉ thí với nhau. 

Tranh vẽ Lưu Dung. (Ảnh: Wiki)

Tài hóa giải khéo léo của Lưu Dung

Đánh cờ với một người bề trên, đặc biệt là người có thể nắm giữ sinh tử của mình, Lưu Dung đương nhiên phải thận trọng. Trong “Thanh sử cảo” có ghi chép giải thích câu chuyện Lưu Dung đánh cờ với Càn Long như sau.

Kỹ năng chơi cờ vây của Lưu Dung phải nói rằng thực sự siêu phàm, ông luôn có thể điều khiển và xoay chuyển ván cờ trong ván đấu với Càn Long khiến cho vị thái thượng hoàng này đều có thể giành được thắng lợi một cách tự nhiên. Mỗi lần như vậy Càn Long đều cảm thấy rất thoải mái, vì thế những lần sau đều tìm ông để đánh cờ, đây không biết là điều may mắn hay xui xẻo cho Lưu Dung.

Tuy nhiên, Lưu Dung cũng khó tránh khỏi khi lỡ tay, ông đã có một lần tính toán sai lầm dẫn đến kết quả là đánh thắng Càn Long. Lúc này Càn Long đã phản ứng dữ dội, sa sầm mặt lại rồi lật ngược bàn cờ, tức giận hỏi Lưu Dung: “Nhà ngươi dám thắng ta sao, lẽ nào không sợ ta giết ngươi?”

Sinh mệnh nằm trong tay người khác, tình huống này thực sự khiến người khác cảm thấy bị đe dọa. Thế nhưng, Lưu Dung là một vị quan gia đã có nhiều năm kinh nghiệm quan trường, lại rất giỏi ứng biến, nên ông không hề lo sợ hay run rẩy. Ông quỳ trên mặt đất, bình tĩnh đưa ra lời giải thích:

“Kỹ năng đánh cờ của Thái thượng hoàng là tuyệt vời, lần này thần thắng là do gặp may mà thôi. Tầm mắt hạn hẹp của thần chỉ nhìn thấy ván cờ, còn trong mắt Thái thượng hoàng đều là vạn lý giang sơn, vạn vật đều ở trong tay, tại sao lại tính toán với thần một ván cờ này?”.

Những lời này của Lưu Dung vô cùng khéo léo và đi vào lòng người, Càn Long nghe xong lập tức nở nụ cười, không truy cứu Lưu Dung thêm nữa, còn ban thưởng cho ông. Đoạn đối đáp này của Lưu Dung vô cùng kinh điển, vì vậy vẫn được truyền tụng đến nay. Tuy nhiên, ông có thể khéo léo đối đáp trả lời như vậy cũng bởi những gì Lưu Dung đã trải qua và tài hoa của ông. 

Lưu Dung tài hoa xuất chúng

Quê hương của Lưu Dung ở Sơn Đông. Nơi đây thường xuyên xảy ra thảm họa, do đó để thoát khỏi cảnh khốn cùng, chỉ còn cách cố gắng học tập vươn lên làm quan để thay đổi vận mệnh. Ông cố của Lưu Dung thi đỗ tiến sĩ trong thời Thuận Trị, ông nội thậm chí còn giữ một chức vụ quan trọng trong triều, cha ông thì đúng là hậu sinh khả úy, trở thành cử nhân, làm đại quan qua hai triều đại Ung Chính, Càn Long. Với nền tảng giáo dục như vậy, Lưu Dung đương nhiên được kỳ vọng rất nhiều.

Sau này con đường quan lộ của Lưu Dung cũng rất suôn sẻ. Những năm đầu ông thăng tiến khá nhanh, tuy nhiên điều không may xảy đến khi vào năm thứ 4 Lưu Dung làm quan, cha ông bị mất chức vào tù. Phận làm con trai như ông cũng liên lụy, bị giáng chức xuống làm biên tu (sử quan thời xưa) ở viện Hàn Lâm.

Cuộc sống phẳng lặng bỗng xuất hiện những nốt trầm, rất nhiều người có thể vì thế mà không gượng nổi nhưng Lưu Dung không nằm trong số đó, thay vào đó, ông càng cố gắng rèn luyện và cải thiện bản thân mình hơn.

Trong thời gian làm quan ở địa phương, ông không hề buông thả bản thân, bằng sự cương nghị và chính trực của mình, ông đã thanh trừ mọi tệ nạn lâu ngày tại trường thi, đòi lại công bằng cho các sĩ tử. Ông là người có năng lực, sẵn sàng làm những việc thiết thực, được nhân dân hết lòng yêu mến. Dưới sự lãnh đạo của ông, chốn quan trường đã dần trở nên liêm khiết. Vị quan đại thần công chính liêm minh, nghiêm khắc như vậy, đương nhiên nhận được sự yêu mến của hoàng đế, cũng trở thành cánh tay phải của hoàng đế.

Theo Sound of Hope
Bình Nhi biên dịch