“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.

Đọc “Tây Du Ký”, người ta đều đã quá quen thuộc với hình ảnh một Lão Trư tham ăn tục uống, biếng lười trốn việc, không ra thể thống người tu hành. Nhưng cũng có lúc chú ngốc ấy thể hiện ra một quyết tâm tu luyện sắt đá vô cùng. Như ở trong câu chuyện dưới đây…

Trong “Tây Du Ký”, tâm cầu đạo của Đường Tăng là rất lớn. Nó cũng chính là kim chỉ nam cho mọi quyết định, hành động của ông trên đường lấy kinh, dù là yêu ma quỷ quái, dù là nữ sắc bạc tiền cũng không lay chuyển được. Còn Bát Giới lại có vẻ như là một mẫu hình đối nghịch hoàn toàn: lười biếng, háo sắc, ý chí rất kém, thường đòi “chia hành lý” mỗi khi gặp quan nạn. Thế nhưng ít người biết rằng, từ trong sâu thẳm của mình, Bát Giới cũng là kẻ có tâm cầu đạo không hề nhỏ.

Bát Giới vốn được coi là hình tượng của kẻ háo sắc tham ăn trong Tây Du Ký. (Ảnh minh họa: Youtube)

Bát Giới xuất hiện từ hồi thứ 18, dưới hình dạng yêu ma tác quái ở Cao lão trang. Ngộ Không phải thân chinh đi hàng phục, trải qua một trận chiến lở đất long trời, từ đêm đến sáng, Bát Giới liệu chừng không địch nổi, bỏ chạy vào trong động chẳng dám ra ngoài. Tôn Hành Giả thấy Bát Giới cố thủ bên trong động Vân Sạn nên tạm lui về Cao lão trang trình báo với sư phụ. Hồi thứ 19 “Tây Du Ký” kể rằng:

“Hai bên đánh nhau từ canh hai cho mãi tới khi phương Đông trời sáng bạch. Yêu quái không địch nổi bỏ chạy, lại biến thành một trận cuồng phong vào thẳng hang động, đóng chặt cửa, không ra nữa. Hành Giả đứng ngoài cửa động nhìn thấy có tấm bia đề ba chữ “Động Vân Sạn”, lại thấy yêu quái không ra, mà trời đã sáng rõ, trong bụng nghĩ thầm rằng:

– E sư phụ đợi lâu, phải trở về báo cho sư phụ biết đã, rồi quay lại bắt nó cũng không muộn.

Đoạn nhảy lên mây, trong giây lát, đã về tới thôn Cao lão.

Lại nói chuyện Tam Tạng trò chuyện cổ kim với mấy cụ già suốt đêm chẳng ngủ, đang mong Hành Giả thì đã thấy Hành Giả từ trên không hạ xuống, đứng ngay ngoài sân, Hành giả cất gậy sắt, sửa lại quần áo bước vào nói:

– Thưa sư phụ con đã về.

Mấy cụ già sợ hãi, đứng cả dậy cúi chào, nói:

– Ngài vất vả, khó nhọc quá!

Tam Tạng hỏi:

– Ngộ Không, con đi suốt đêm, bắt được yêu quái ở đâu rồi?

Hành giả đáp:

– Thưa sư phụ, yêu quái không phải là ma quỷ dưới trần, cũng không phải là yêu tinh trong núi. Hắn nguyên là Thiên Bồng nguyên soái giáng trần, chỉ vì đầu thai lầm, nên mặt mũi hình thù giống loài lợn, song linh tính vẫn còn. Hắn nói hắn lấy hình dạng mà đặt họ tên là Trư Cương Liệp. Bị lão Tôn rút gậy sắt đánh ngay ở nhà sau, hắn biến thành một trận cuồng phong trốn đi, Lão Tôn nhắm ngọn gió đánh một gậy, hắn lại biến thành những tia lửa hồng, chạy lọt vào động, vác cây đinh ba chín răng ra đánh nhau với lão Tôn suốt đêm. Khi trời sáng rõ, hắn khiếp đảm bỏ chạy vào động đóng chặt cửa không ra nữa. Lão Tôn định phá vỡ cửa, quyết cùng hắn một phen sống mái, nhưng sợ sư phụ thắc thỏm mong chờ, nên quay về báo tin đã.

Tôn Ngộ Không giao đấu với Chư Bát Giới. (Ảnh minh họa: Youtube)

Trong câu chuyện của Ngộ Không với sư phụ đã thể hiện mấy điểm này. Một là Bát Giới không phải loại yêu tinh quỷ quái, lang trùng hổ báo tầm thường chỉ chuyên hại người. Hắn vốn là Tiên trên Trời vì mắc tội mà bị đày xuống trần, chính là trích Tiên. Hai là dẫu phải đầu thai thành loài súc sinh (mặt lợn) nhưng chân ngã và linh tính của một vị Tiên thì vẫn còn. Quả thực, Bát Giới ở Cao lão trang tuy có manh động bắt giam con gái nhà lành nhưng chưa từng ra tay hại người. Hắn ăn khỏe, tốn chút cơm gạo nhưng bù lại rất chăm chỉ làm lụng, giúp nhà Cao lão trở thành giàu có trong vùng.

Chính Bát Giới cũng từng có lần phân trần thế này với người vợ hờ của mình (khi ấy là Hành Giả biến hóa thành để dụ): “Nàng bực gì vậy? Tại sao lại chán đời? Từ khi tôi về nhà nàng, tuy có tốn ít cơm ăn trà uống, nhưng có ăn không bao giờ! Tôi từng quét nhà, thông cống, xới vườn, trồng ruộng cấy lúa, gây dựng cơ nghiệp. Ngày nay nàng được mặc gấm đeo vàng, bốn mùa hoa quả đầy đủ, tám tiết rau dưa ngon lành, thế mà nàng còn bực mình, lại thở ngắn than dài, kêu chán đời nữa là cớ sao?”. Thế mới biết chú ngốc quả cũng là tay thật thà, chất phác vậy.

Khi Ngộ Không đại náo động Vân Sạn lần thứ hai, phá vỡ cửa động, Bát Giới liền ra mắng nhiếc không thôi. Lời qua tiếng lại một hồi, Bát Giới mới vỡ lẽ ra rằng Ngộ Không đã không còn là con khỉ đá ngang tàng đại náo Thiên Cung năm nào, giờ theo Đường Tăng sang Tây Trúc lễ Phật cầu kinh. Chà, bạn bảo chú ngốc nghe xong mới bàng hoàng thế nào! 

Yêu quái nghe nói như vậy, vội vàng vứt đinh ba, dạ một tiếng thật to, rồi nói:

– Người lấy kinh ở đâu? Phiền anh đưa tôi đến gặp mặt.

Hành giả nói:

– Nhà ngươi định gặp làm gì? 

Yêu quái nói:

– Tôi vốn được đức Quan Âm Bồ Tát khuyến thiện, nhận giới hạnh của người, dặn tôi ở đây ăn chay giữ giới để sau này theo người lấy kinh sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, lập công chuộc tội trở về với chính quả. Tôi đã đợi ở đây mấy năm ròng mà chẳng thấy tin tức gì. Hôm nay mới biết anh là đồ đệ của ngài, thế sao anh không nói sớm, chỉ cậy hung bạo đến đây đánh tôi!

Hành giả nói:

– Nhà ngươi chớ có trí trá lừa dối ta hòng tìm kế thoát thân. Nếu nhà ngươi thực lòng muốn bảo vệ Đường Tăng, không chút dối trá thì hãy ngẩng mặt lên trời mà thề thì ta mới dẫn đi gặp sư phụ ta.

Yêu quái vội vàng quỳ xuống, dập đầu lia lịa như giã gạo, nói:

– Nam mô A Di Đà Phật, nếu tôi không thành tâm thực ý, phạm vào tội trời, thì thân này bị băm làm muôn mảnh.

Hành Giả thấy hắn khấn vái thề nguyền, bèn nói:

– Đã như vậy, nhà ngươi hãy châm lửa đốt cháy hang động nhà ngươi ở thì ta mới dẫn đi. 

Yêu quái liền nhặt ngay những cây lau sậy, gai góc, châm lửa đốt trụi động Vân Sạn như một lò ngói vỡ, rồi nói với Hành Giả:

– Bây giờ tôi không còn vướng vít gì nữa nhé, anh dẫn tôi đi thôi!

Chư Bát Giới vui mừng khi gặp được sư phụ. (Ảnh minh họa: Youtube)

Đọc đoạn này, nhiều người dễ bỏ qua những chi tiết đắt giá về ngộ tính của Bát Giới. Thứ nhất, mới nghe tên người lấy kinh là Đường Tăng, hắn đã quăng ngay binh khí, đổi giận làm vui, ngoan ngoãn, thành tâm muốn gặp sư phụ. Thứ hai, Bát Giới nhận giới hạnh của Quan Âm Bồ Tát và được dặn dò là phải chờ bằng được người lấy kinh đi qua. Suốt mấy năm trời mịt mùng không một tin tức, Bát Giới vẫn ăn chay giữ giới, không phạm giới luật, vẫn đợi người lấy kinh để mong theo sang phương Tây lập công chuộc tội. Thứ ba, khi Hành Giả vẫn còn nghi hoặc bắt Bát Giới phải thể hiện lòng thành, chú ngốc đã vô cùng thành tâm quỳ gối phát lời thề độc, thậm chí còn phóng hỏa đốt cháy cả động Vân Sạn chẳng khác gì tự tay châm lửa đốt nhà.

Ấy là tỏ ý dứt khoát bỏ chỗ tối về với chỗ sáng, một lòng một dạ theo Đường Tăng sang Tây. Chưa kể sau đó, vì muốn thể hiện sự ăn năn hối lỗi, Bát Giới còn mặc cho Hành Giả tước lấy binh khí, trói quặt tay lại và giải về Cao lão trang. Sau khi về đến Cao lão trang, lạy tạ sư phụ và nhận pháp danh Bát Giới, chú ngốc bèn từ tạ “nhạc phụ” và cô vợ hờ quyết chí lên đường thỉnh kinh. Kể từ đây, trên dặm dài thỉnh kinh Tây Trúc, đoàn người lại có thêm một hộ vệ được việc ra trò nữa!

Ảnh minh họa: Youtube.

Câu chuyện Bát Giới mấy năm đằng đẵng chờ Đường Tăng đến nhận làm đệ tử thực ra không có gì lạ. Chính Ngộ Không cũng từng phải trải qua 500 năm bãi bể nương dâu, sương tuyết phôi pha, chịu đè dưới Ngũ Hành Sơn mà chờ sư phụ đến giải cứu. Rồi sau này, Sa Ngộ Tĩnh cũng mòn mỏi chờ Đường Tăng ở sông Lưu Sa đến độ đã ăn thịt cả thảy 9 người lấy kinh (cũng là 9 kiếp trước của sư phụ), đến người lấy kinh thứ 10 mới gặp được cơ duyên.

Như vậy, có thể nói rằng muốn đắc được chính Pháp, chính Đạo người ta đều phải trải qua một quá trình tu luyện trường kỳ gian khổ, nhiều lúc là nhìn không thấy hy vọng, đợi chờ mòn mỏi cũng chẳng biết con đường đang đi là đúng hay sai. Điều này, đối với một người tu hành mà nói quả thực là khó khăn phi thường, thử thách phi thường.

Lại mới thấy tín tâm của Bát Giới thực cũng không hề nhỏ, bên trong bộ dạng ma chê quỷ hờn kia là sự kiên định phi thường. Trước khi cùng Ngộ Không và Đường Tăng sang Tây lấy kinh, Bát Giới nào có biết trên đường đi sẽ gặp nguy hiểm gì, cũng nào có biết tới Linh Sơn phải mất bao nhiêu năm. Ấy vậy mà chú ngốc vẫn quyết tâm rời Cao lão trang, bỏ lại nhạc phụ và cô vợ hờ, bỏ lại những ngày tháng ăn sung mặc sướng để xông pha trên đường gió bụi.

Người ta thường nói: “Tin trước thấy sau”. Bát Giới đã tin rằng chỉ cần sang Tây lễ Phật cầu kinh là có thể thành chính quả, xóa được tội lỗi cũ. Dù trên đường thỉnh kinh không phải lúc nào Bát Giới cũng giữ được sự tỉnh táo trước những cám dỗ về sắc tình, danh lợi hay sự ngáng trở của quỷ quái yêu ma nhưng trước sau chú ngốc vẫn là một mực tin tưởng, chưa từng rời bỏ đoàn lấy kinh. Ngược lại, ta thú vị nhận ra một điều rằng chính Ngộ Không, người được coi là có chính kiến kiên định nhất lại mấy lần rời đoàn lấy kinh mà bỏ đi vì mâu thuẫn với Đường Tăng. Tất nhiên, trên đường đi, Ngộ Không và Đường Tăng làm được tốt hơn Bát Giới nên liền được thăng thượng làm Phật. Còn Bát Giới tuy rằng có bản tính lương thiện nhưng tu tập không tinh tấn, đành chỉ làm Tịnh đàn sứ giả mà thôi.

Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của các dịch giả: Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội – 1988

Bạn đang đọc bài viết: “Cảm ngộ Tây Du (Kỳ 17): Trư Bát Giới hoàn toàn không phải kẻ phàm phu tục tử” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||407e4b412__