Những cuộc hội ngộ trong đời bạn, chất dinh dưỡng tinh thần mà bạn có thể cung cấp cho người khác là gì? Những tiểu tiết nhỏ bé bạn mang lại cho mọi người là sự ấm áp hay là đau thương? Là lòng tham không đáy chỉ muốn có được, hay vừa oán hận vừa phó xuất? Là sự tính toán chi li hay dáng bộ ra vẻ thiện lương nhưng lòng dạ đầy thận trọng? Đối với những người thân cận nhất, sự tồn tại của bạn là món quà trân quý hay là một thảm họa?
Trong hồi Bảo Ngọc bị đánh, Bảo Ngọc vì thương nhớ Đại Ngọc, muốn cử người đi xem thế nào, trong sách viết vô cùng thẳng thắn: “Trong bụng nhớ tới Đại Ngọc, Bảo Ngọc muốn sai người đi mời, nhưng lại sợ Tập Nhân ngăn lại, liền tìm cách sai Tập Nhân sang nhà Bảo Thoa mượn sách. Tập Nhân đi rồi, Bảo Ngọc liền gọi Tình Văn đến nhờ sang xem cô Lâm đang làm gì? Nếu cô ấy hỏi thì bảo tôi đã khá rồi.
– Chẳng có việc gì, tự nhiên trơ tráo sang đấy sao tiện? Phải có một chuyện gì cho có việc chứ?
– Chẳng có việc gì đáng nói cả.
– Hoặc bày cách sang cho cái gì, hay sang mượn cái gì, nếu không thì tôi đến đấy biết nói thế nào?
Bảo Ngọc nghĩ một lúc, rồi giơ tay lấy hai cái khăn lụa cũ đưa cho Tình Văn, cười nói:
– Được rồi, chị cứ bảo rằng tôi sai chị đưa cái này cho cô ấy.
– Thế mới lạ chứ. Cô ấy cần hai mảnh khăn lụa dung dúc này làm gì? Chỉ tổ làm cho cô ấy giận, lại bảo cậu đùa cô ấy thôi.
Bảo Ngọc cười nói:
– Chị cứ yên tâm, thế nào cô ấy cũng hiểu.
Tình Văn đành phải cầm lấy khăn lụa, đến quán Tiêu Tương, gặp Xuân Tiêm đương đứng phơi khăn mặt ở ngoài hiên. Thấy Tình Văn đến, Xuân Tiêm vội xua tay nói: “Cô ấy ngủ rồi”. Tình Văn đi vào nhà, tối như mực, vẫn chưa thắp đèn, Đại Ngọc nằm ở trên giường, hỏi “Ai đấy?” Tình Văn vội trả lời: “Tình Văn đây”. Đại Ngọc hỏi: “Sang làm gì đấy?”. Tình Văn nói: “Cậu Hai bảo mang khăn lụa sang cho cô đây”.
Đại Ngọc nghe nói, trong bụng đâm ra buồn bực, nghĩ một mình: “Đưa khăn lụa sang cho ta để làm gì đây?” Rồi hỏi:
– Khăn lụa này ai cho cậu ấy? Chắc đẹp lắm thì phải. Bảo cậu ấy để dành đưa cho người khác, chứ tôi không cần thứ ấy”.
Có thể suy ra – Đại Ngọc nằm trong phòng tối đen như mực không thắp đèn, đó lại là cảnh hoàng hôn tịch mịch nước mắt đầm đìa khuôn mặt. Nhận chiếc khăn tay cũ tay Tình Văn, Đại Ngọc vô cùng cảm động. “Đại Ngọc đã hiểu ý Bảo Ngọc cho đưa khăn lụa sang, đâm ra ngơ ngẩn say sưa, nghĩ bụng: bây giờ Bảo Ngọc đã biết thể tất nỗi đau khổ của ta, đã là điều làm cho ta đáng mừng; ta có ý nghĩ vậy, không biết sau này ra sao, đã là điều làm cho ta đáng thương; tự nhiên vô cớ, mang hai mảnh lụa cũ đến, nếu chỉ nhìn hai mảnh lụa mà không hiểu ý sâu xa của ta, đó là điều làm ta đáng cười; còn chuyện sai người lén lút tặng cho ta, đó là điều khiến cho ta đáng sợ; ta cứ hay khóc, nghĩ cũng vô ích, đó là điều làm cho ta đáng xấu hổ”. Giữa họ có một loại thấu hiểu không cần nói, mà chính việc kiểm soát Bảo Ngọc của Tập Nhân chính là đang phát huy tác dụng.
Tập Nhân là kiểu phụ nữ có tính cách khác biệt. Giống như đã nói trước đó, cô là mẫu người phàm tục, có bản năng của người mẹ, lương thiện, đồng thời cũng hẹp hòi, thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói. Tình Văn là người không để bụng, đôi khi không hề nghĩ ngợi hay cố ý mắng mỏ a hoàn. Còn Tập Nhân, trong nhà từ trên xuống dưới đều thích cách cư xử chu đáo của cô, trong Giả phủ, duy chỉ có hai vị lão phu nhân là thờ ơ lạnh nhạt quan sát và đôi khi đưa ra những lời nhận xét đáng ngạc nhiên. Một là vú nuôi của Bảo Ngọc, Lý ma ma, thứ hai là Giả mẫu. Cả hai đều nói cô là “Thác nhân”, nghĩa là bình thường làm thê thiếp, thân phận hèn mọn, ẩn nhẫn hiền huệ, hành sự tùy theo hoàn cảnh, đợi đầy đủ lông cánh, sẽ lộ ra sự tự cao tự đại. Tuy nhiên sự thay đổi khéo léo tế nhị này chỉ có Giả Mẫu và Lý ma ma, những người phu nữ hiểu đời, nhìn rõ nhân tình thế thái, họ có thể luyện ra đôi mắt “hỏa nhãn kim tinh”, mới có thể nhìn rõ manh mối trong đó. Dù cho là Vương phu nhân, cũng chỉ có thể nhìn thấy những lời khuyên răn thẳng thật của Tập Nhân với Bảo Ngọc. Vì vậy, cuốn Hồng Lâu Mộng này, bạn phải là người từng trải và hiểu việc đời, mới có thể nhìn thấy được lòng người ấm lạnh đằng sau những trò chơi, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời mới có thể dần hiểu được Tào Tuyết Cần, hiểu được thiện ác đồng thời tồn tại trong kiếp nhân sinh.
Mọi việc Tập Nhân đều thay Bảo Ngọc quyết định, làm chủ. Ví dụ như sau tiết Đoan Ngọ, khi Sử Tương Vân tới sống trong Giả phủ, cô ta sẽ đi nhờ Tương Vân thêu thùa may vá cho Bảo Ngọc, mượn cớ Bảo Ngọc không muốn mặc đồ người ngoài thêu thùa may vá, vì vậy chỉ có thể tự động tay, nhưng mình lại bận quá, nên đành tìm tới nhờ Tương Vân. Tuy nhiên chúng trong hồi 52 “Tình Văn đang ốm vùng dậy vá áo cừu” có thể thấy, khả năng thêu thùa may vá của Tình Văn rất xuất sắc. Tuy nhiên giữa sự may vá tinh xảo của cô và Bảo Ngọc, có sự ngăn cách chính là Tập Nhân. Vì vậy, dù cô không động tay động chân làm mấy việc thêu thùa may vá, dù cách sông cách núi, thì Tập Nhân vẫn đi thỉnh cầu Sử Tương Vân.
Cũng vì chuyện thêu thùa may vá này, Tập Nhân cũng có càng nhiều người để xoi mói, nói xấu. Ví dụ Sử Tương Vân từng tính toán, nàng từng làm túi thơm cho Bảo Ngọc, Đại Ngọc làm những bông tua có gắn miếng ngọc trên đầu túi. Lần nọ khi Đại Ngọc giận dỗi Bảo Ngọc liền lấy kéo cắt các bông tua đi, đương nhiên từ đó túi thơm cũng không may mắn tránh khỏi cảnh bị cắt. Sử Tương Vân liền nói – Nếu cô ấy là người cắt, thì để cô ấy tự đi thêu, sao lại để tôi làm? Đồ của tôi đâu phải đồ để cho hai người họ trút giận. Tập Nhân nghe Tương Vân nói vậy, vui vẻ ra mặt ca ngợi Tương Vân, nói rằng Sử cô nương là người nhanh mồm nhanh miệng, lại bổ thêm một dao, ra vẻ công bằng đánh giá cô Lâm mà nói, Lâm cô nương ấy à, năm trước cũng chỉ thấy thêu một cái túi tiền, còn năm nay không thấy cầm kim may vá thêu thùa gì.
Người ngoài cuộc tỉnh táo, người trong cuộc u mê. Bảo Thoa là người đứng xem bên ngoài, vì những việc thêu thùa may vá này, liền chỉ điểm Tập Nhân nói, “Chị là người sáng suốt, thế mà sao có lúc không thể tất cho người ta. Gần đây tôi xem thần sắc, cử chỉ và lời ăn tiếng nói nửa kín nửa hở của cô ấy, biết rằng ở nhà cô ấy không được tự chủ tý nào! Nhà cô ấy sợ tiêu pha tốn kém, nên không thuê người may vá, hầu hết mọi cái đều tự tay người dì cô ta làm lấy cả. Mấy lần sang đây, hễ vắng người là cô ta lại kể với tôi về việc cửa việc nhà, làm lụng mệt chết đi được. Tôi hỏi đến chuyện chi tiêu trong nhà thế nào, thì mắt cô ấy đỏ hoe lên, miệng ấp úng, nói không ra lời. Xem tình cảnh cô ấy mồ côi mẹ từ bé, tất nhiên là chịu khổ. Trông thấy cô ấy, tự nhiên bụng tôi lại thấy đau xót!
Tập Nhân nghe vậy, vỗ tay nói:
– Phải rồi! Phải rồi! Thảo nào tháng trước tôi nhờ cô ấy đánh hộ mười cái dây con bướm. Mấy hôm sau, cô ấy mới cho người mang sang, và nói: “Hãy dùng tạm những thứ dây thô này, chờ khi nào thong thả, tôi sang ở luôn bên ấy, sẽ làm thứ khác đẹp hơn”. Giờ nghe cô nói, tôi mới nghĩ ra những việc chúng tôi nhờ trước đây, cô ấy đều không tiện từ chối. Nhưng có biết đâu cô ấy ở nhà cũng phải làm lụng vất vả, thâu canh suốt sáng như thế! Thực là tôi hồ đồ thực, chứ biết thế này thì tôi không dám nhờ cô ấy mới phải.”
Tập Nhân nói: “- Khổ nỗi cậu bướng bỉnh nhà ta, bất cứ việc lớn hay nhỏ, nhất thiết không để cho người trong nhà làm, mà tôi thì lại không làm xuể”.
Bảo Thoa nói: “- Thôi, chị đừng ngại, để đấy tôi làm hộ cho một ít cũng được”.
Tập Nhân cảm kích nói: “- Thật thế chứ? Nếu vậy thì phúc cho tôi quá! Chiều hôm nay tôi sẽ mang đến nhờ cô”.
Vì vậy có thể thấy, đằng sau việc thêu thùa may vá hầu hạ cho Bảo Ngọc là rất nhiều tâm tư, tình cảm. Đó là sự kiểm soát thao túng độc chiếm của người hầu cận thân thiết hay là sự nhờ vả giúp đỡ trong cơn say rượu, giữa Tập Nhân và Tình Văn những người có cùng thân phận là nha hoàn, còn có bức tường ngăn cách thực sự, phòng hộ và bảo vệ lợi ích, và qua đây thấy được lập trường rõ ràng của Tình Văn, không nhúng tay vào những việc may vá này để nhượng bộ đối phương. Tới đây chúng ta lại hiểu được điểm tốt của Lâm Đại Ngọc, nàng hoàn toàn không dính vào những thứ này. Nàng ham đọc sách, trên hương án đều là sách, giống như sự ca ngợi của già Lưu, nhàng giống như công tử trong phòng. Mặc dù biết may vá thêu thùa, nhưng không động tay làm, cũng không muốn lấy đó để người khác khen mình hiền đức nữ tính. Dường như nhìn nàng lòng dạ hẹp hòi hơn bất kỳ ai, tuy nhiên, nàng chỉ hẹp hòi với Bảo Ngọc, điều nàng tính toán cũng chỉ là tâm chân tình của chàng, không bao giờ thực sự quan tâm chú ý tới lợi ích. Thái độ của nàng đối với cuộc sống giống như một con thuyền không ràng buộc, có một loại tự do thoải mái.
Chúng ta hãy cùng xem lại hồi thứ 32. “Bảo Ngọc nhìn một lúc rồi nói:
– Em hãy cứ yên tâm.
Đại Ngọc ngẩn người ra một lúc rồi nói:
– Có việc gì mà em không yên tâm? Em không hiểu câu nói của anh. Anh nói lại xem thế nào là yên tâm với không yên tâm?
Bảo Ngọc thở dài một cái hỏi:
– Quả thực em không hiểu câu nói ấy à? Không lẽ lòng anh gắn bó với em từ bấy lâu nay đều là nhầm cả hay sao? Ngay đến tính nết của em, anh cũng không biết chiều chuộng, chả trách ngày nào em cũng vì anh đâm ra bực tức.
Đại Ngọc nói:
– Quả thực em không hiểu câu nói yên tâm hay không yên tâm.
Bảo Ngọc lắc đầu thở dài:
– Thôi em đừng giấu anh nữa. Nếu quả thực em không hiểu câu nói ấy, thì không những uổng cả tấm lòng của anh bấy lâu nay, mà còn phụ cả tấm lòng của em đối với anh nữa. Chỉ vì em không yên tâm, thành ra đau ốm luôn. Nếu em được khoan khoái một chút, thì bệnh đến nỗi nào ngày càng nặng như thế.
Đại Ngọc nghe nói, người choáng lên như sấm ran sét đánh, ngẫm nghĩ từng ly từng tí, mới biết câu nói ấy rất thấm thía, tựa như dốc từ trong gan trong ruột mình ra, có hàng vạn câu muốn nói, nhưng không nói ra được nửa lời, chỉ cứ trừng trừng nhìn Bảo Ngọc. Bấy giờ trong bụng Bảo Ngọc cũng có hàng vạn câu muốn nói, nhưng không biết bắt đầu từ câu gì, nên cũng trừng trừng nhìn Đại Ngọc. Hai người đứng đờ người ra một lúc, rồi Đại Ngọc ho một tiếng, nước mắt ròng ròng, quay đầu chực chạy. Bảo Ngọc vội kéo lại nói:
– Em ơi, đứng lại một tí, để anh nói một câu đã rồi hãy đi.
Đại Ngọc gạt nước mắt, đẩy tay Bảo Ngọc ra nói:
– Còn có câu gì đáng nói nữa? Những câu anh muốn nói em biết cả rồi.
Nói xong cắm đầu chạy ngay.
Bảo Ngọc vẫn cứ đứng ngẩn người ra nhìn. Lúc ra đi, Bảo Ngọc vội quá, nên không mang quạt. Tập Nhân sợ trời nóng, cầm quạt đuổi theo, thấy Đại Ngọc đứng đấy một lúc; Đại Ngọc đi, còn trơ Bảo Ngọc ở đấy, Tập Nhân vội chạy lại nói:
– Cậu quên không mang quạt, may tôi trông thấy, mang lại cho cậu.
Bảo Ngọc đương thờ thẫn vẩn vơ, nghe tiếng Tập Nhân, cũng không nhận ra được là ai, chỉ đờ mặt ra nói: “Em ơi! Nỗi lòng của anh lâu nay không dám nói ra, bây giờ anh cả gan nói ra, dù chết anh cũng cam lòng! Vì em mà anh đeo bệnh, nhưng đành cứ chịu, không dám nói với ai. Chỉ khi nào em khỏi bệnh, thì may ra bệnh anh mới khỏi được. Cả trong giấc ngủ mơ màng, anh cũng không bao giờ quên được em!”
Kỳ thực khi đọc kỹ hồi này, chúng ta thực sự đồng tình với Tập Nhân. Đối với Bảo Ngọc và Đại Ngọc, đây là thời khắc chứng minh tâm ý của hai người. Tuy nhiên, đối với Tập Nhân lại là thời khắc cực kỳ tàn khốc. Mức độ tàn khốc này còn quá đáng, nặng nề hơn những ngày sau Tập Nhân rời xa Bảo Ngọc, bất đắc dĩ tái giá lấy người khác.
* * *
Trong tám mươi hồi đầu, Tập Nhân là người con gái duy nhất thực sự có sự thân mật thể xác với Bảo Ngọc, nàng cũng coi Bảo Ngọc là chỗ dựa chung thân cả đời. Nàng biết tương lai Bảo Ngọc sẽ muốn cưới một cô gái là con nhà khuê các chính thất, sau này nàng sẽ phải hầu hạ vợ chồng họ. Tuy nhiên, lẽ thường là một chuyện, sự thật là một chuyện khác. Hết lần này tới lần khác chính là nàng chứ không phải ai khác, nghe được những lời tâm huyết thề non hẹn biển của Bảo Ngọc dành cho Đại Ngọc – Đây chính là chỗ nghiệt ngã, tàn khốc của kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, ở đây Tập Nhân là người biết tự bảo vệ mình, việc vứt bỏ cảm giác đau khổ cũng như vậy, một chút cũng không phải vì nàng ấy là người chu đáo hơn, tinh tế hơn và khéo léo hơn những người khác, mà để giảm bớt tổn thương.
Giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc có một thế giới tinh thần hoàn chỉnh, săn sóc tỉ mỉ lẫn nhau, liên hệ tâm linh phù hợp khăng khít, cái trường không gian đó người ngoài không thể tiến nhập vào được. Tập Nhân là người theo sát lo lắng cho Bảo Ngọc từng bữa ăn giấc ngủ, giải quyết việc chung, nếu tiến tới chia rẽ Bảo Ngọc và Đại Ngọc, đưa Bảo Ngọc đi, nếu làm được như vậy cũng không thể nào chui vào thế giới tinh thần của Bảo Ngọc và Đại Ngọc. Sự can thiệp tinh tế của cô chưa bao giờ thay đổi được sự hiểu biết lẫn nhau và sự ăn ý giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc. Thế cho nên một người mẫn cảm, tinh tế tỉ mỉ như Đại Ngọc chưa bao giờ chú ý tới thái độ thù địch của Tập Nhân đối với nàng – vì trong lòng nàng không có những tranh đấu này.
Trong thời gian Tập Nhân về nhà chịu tang, có một lần Đại Ngọc gọi Bảo Ngọc lại nhưng lại không có lời nào để nói liền hỏi: Tập Nhân bao giờ trở lại? Có thể thấy Tập Nhân chưa bao giờ là kẻ địch của nàng. Đại Ngọc đối với cô, luôn là tình cảm thân thiết, không hề có tâm đố kỵ, ganh ghét.
Khí chất giữa Tập Nhân và Bảo Thoa tương hợp hơn nhiều so với Đại Ngọc. Họ cùng thuộc một kiểu phụ nữ, biết phán đoán tình hình, cẩn trọng trong lời nói và việc làm, giỏi bảo vệ bản thân, do vậy giữa họ là sự thăm dò lẫn nhau, từ từ quan sát nhau. Nếu để một người thích nắm giữ cục diện như Tập Nhân chọn lựa mợ hai tương lai – vợ của Bảo Ngọc, chắc chắn cô sẽ lựa chọn Bảo Thoa. Vì vậy, khi Bảo Ngọc cho rằng bản thân kiếp này nhất định sẽ cùng Đại Ngọc, Tập Nhân ở cùng nhau, đó là sự ngây thơ và vô tri, cậu ta căn bản không cảm nhận được, khoảng cách nội tâm giữa hai người xa xôi tới nhường nào.
Tập Nhân và Bảo Ngọc đều mang trinh tiết của mình trao gửi cho nhau, tuy nhiên trong thế giới tinh thần của Bảo Ngọc, cô chưa hề bước được vào, chỉ có thể đứng bên ngoài, quở trách chống lại đủ loại lề lối thế tục cũ; các loại khuyên nhủ can gián của cô chưa bao giờ đi ngược lại giá trị quan của Bảo Ngọc, cậu cũng chưa bao giờ thực sự nhập tâm những lời nói của cô. Chỉ vì tính cách Bảo Ngọc tốt đẹp, nên để tùy cho cô chỉ giáo, lải nhải. Hơn nữa lại chỉ có Tập Nhân chứ không phải cô gái nào khác nghe thấy những lời tâm sự rút ruột rút gan của Bảo Ngọc đối với Đại Ngọc, tôi nghĩ rằng bất cứ người con gái nào ở trong tình cảnh này, đều có thể cảm thấy tổn thương và bị kích động sâu sắc. Tuy nhiên có thể nói Tập Nhân là người vô tội không? Đau khổ của cô ấy nào phải là do Bảo Ngọc áp đặt lên, không phải do cô tự tìm lấy sao? Lẽ nào Bảo Ngọc là người mà dùng ngôn ngữ hiện đại miêu tả là loại “đàn ông cặn bã”?
* * *
Trong quá trình đọc bộ truyện này, đối với cá nhân tôi mà nói, đó chính là không ngừng loại bỏ những quan niệm hiện đại trong tâm, quan niệm nữ quyền cộng thêm quá trình gông cùm xiềng xích. Thân là nữ giới, nếu bạn kiềm giữ nhiều quan niệm nữ quyền, đọc bộ sách này, sẽ thường xuyên bị tức giận. Vì xem ra bên trong tràn ngập sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, quan niệm tình yêu và hôn nhân trong sách cũng không phù hợp với hình thức xã hội ngày nay. Tuy nhiên quan hệ giữa người với người bên trong, vấn đề nam nữ vẫn chưa từng lỗi thời trong xã hội hiện nay, vì nhân tình từ cổ chí kim là tương thông. Vì vậy bộ sách này, dùng ngôn ngữ hiện nay của chúng ta mà giảng, vẫn là có ý nghĩa tương ứng, đáng để thảo luận.
Trước tiên, điều chúng ta cần thực sự ý thức được: tâm hồn của con người là phong phú, mặc dù linh hồn của chúng ta trong mắt chư Thần là bình đẳng, tuy nhiên cuộc sống tinh thần chắc chắn có phân biệt tầng thứ. Đây cũng là nguyên nhân căn bản khiến Tập Nhân không thể bước vào thế giới của Đại Ngọc và Bảo Ngọc. Kỳ thực nói trắng ra, giữa Bảo Ngọc và Tập Nhân chẳng qua chỉ là sự thân thiết về xác thịt, sớm chiều ăn ở với nhau, cuộc sống hôn nhân phàm tục của chúng ta, cũng chỉ là như thế. Giữa bọn họ, cũng có sự trò chuyện. Ví dụ, khi Tập Nhân được Vương phu nhân phát thêm cho hai lượng bạc tiền tiêu dùng, cô không la lên, đợi tới đêm khuya tĩnh mịch, bốn bề vắng lặng mới nói cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc vui vẻ nói, bình thường chị động chút là nói muốn về nhà, lần này chị không về được rồi nhé?
Những việc nhà vụn vặt trong cuộc sống thường ngày kiểu như vậy, trong cuộc sống hôn nhân thời hiện đại ngày nay, đều là trách nhiệm của người phụ nữ trong nhà. Những chuyện nhỏ trong nhà như vậy, cũng có thể khiến Bảo Ngọc và Tập Nhân nói chuyện với nhau.
Tuy nhiên, trong thế giới tinh thần của Đại Ngọc và Bảo Ngọc, Tập Nhân hoàn toàn không thể vào được đó. Vì vậy, mỗi khi cô cố gắng thuyết phục Bảo Ngọc cố gắng học hành hay khi cậu nói tới vấn đề sống chết sinh tử, cô sẽ không nói tiếp được câu nào, cô không có hứng thú với mấy chủ đề này. Ví dụ, một lần Bảo Ngọc nói tới chuyện sống chết, lần này mình sẽ chết, nước mắt của các chị em khóc thành dòng, trôi thành sông. Ngược lại, Tập Nhân nghe những lời điên rồ này lập tức giả vờ đã ngủ, khiến Bảo Ngọc không hứng thú nói tiếp. Còn chủ đề này, Bảo Ngọc và Đại Ngọc có thể nói chuyện mãi, không có bất cứ sự cấm kỵ nào, họ luôn kề vai sát cánh trong việc khám phá những điều sâu thẳm về tinh thần.
Trong tiểu thuyết tự truyện “Tiểu đoàn viên” của Trương Ái Linh có một câu: người ta có thể có một vợ một chồng, người ta cũng có thể có một chồng nhiều vợ. Câu nói này có ý nghĩa sâu sắc, khắc họa được quan hệ nam nữ trong xã hội phụ quyền hàng nghìn năm. Một chồng một vợ, đại khái chính là cái mà chúng ta nói là bầu bạn về tâm hồn. Về mặt tinh thần, bạn có thể chia sẻ với một người, có tâm ý tương đồng, có sự định nghĩa tương đồng về sinh mệnh, cách tìm hiểu thăm dò tương đồng… Nếu hai người cùng giới tính có thể là tri âm, tri kỷ. Nếu là khác giới tính, hai người là vợ chồng, bạn đồng hành. Loại quan hệ này là thế giới vững chắc như đá, nói chung không thể thay đổi.
Tuy nhiên, thông thường ta không được may mắn như vậy, hoặc cũng không cần nhiều tinh thần như vậy. Chuyện ăn uống nam nữ, sắc tình, giữa Bảo Ngọc và Tập Nhân và nhân loại trong thế giới phàm tục này có lẽ đại đa số đều ở trên tầng diện này. Nhìn lại trong truyện, chúng ta có thể nói, Bảo Ngọc và Tập Nhân, những nha hoàn phục vụ trong chỗ ở của Bảo Ngọc, hay ví dụ như Giả Liễn và Vương Hy Phượng, Bình Nhi sau này thành mợ hai, là một chồng nhiều vợ, khi ở vào thời điểm phù hợp, rất dễ hình thành quan hệ nam nữ. Quan hệ này rất thân tình và sống động, có cuộc sống hàng ngày, lâu dần hình thành sự ăn ý, thấu hiểu. Nếu không hòa hợp về tinh thần, tới cuối cùng cũng chỉ như thế mà thôi. Giống như đến cuối cùng Tập Nhân sẽ rời xa Bảo Ngọc, bởi vì Bảo Ngọc ở bên cô, ưu điểm lớn nhất chính là sự dịu dàng, chu đáo mà cô vẫn luôn quen thuộc. Càng nhiều hơn nữa cô không hiểu và không vào được, cũng coi đó là dị đoan, không bao giờ có ý định bước vào. Vì vậy, cô ấy có thể rời xa và bước đi. Không có Đại Quan Viên, không có Di Hồng Viện, mất đi các điều kiện của công tử giàu có trẻ trung, con người Bảo Ngọc trong mắt Tập Nhân và những người thế tục là không có cái gì là độc nhất vô nhị, là thiên hạ vô song. Vì vậy, Tập Nhân đối với Bảo Ngọc, vĩnh viễn không thể đánh đồng như Đại Ngọc với Bảo Ngọc.
Đại Ngọc sẽ rơi nước mắt vì Bảo Ngọc, năm này qua năm khác, ngày này qua đêm khác, cho đến khi hết nước mắt và chết yểu. Họ hoàn toàn là đôi bạn tri kỷ, được kiểm chứng từ trên thiên thượng tới nhân gian. Khi một người chết đi, người kia không thể tiếp tục kiên trì ở lại thế gian này. Tất cả các hình thức của con người đều không thể khởi tác dụng giữa họ. Cái chết có thể chia cắt họ, tuy nhiên cái chết không thể thay đổi mối thâm tình của một người đối với người kia, một người cuối cùng đã chiếm vị trí tối thượng trong tâm hồn của người kia. Vì khi người kia còn sống, cô ấy đã để lại dấu ấn rõ rệt trên thế gian này – thiên địa vạn vật, tình thân và nhân luân, hoa nở rồi hoa tàn, trong mắt Bảo Ngọc tất cả đều đã hình thành. Thế nhưng nếu người đó không còn nữa, thế giới này trong mắt Bảo Ngọc, chính là một giấc mộng, giống như đi vào nhầm phòng, ở trong đó mà không có bất cứ sự vướng bận hay lưu luyến gì, từ đó tìm mọi cách thoát ly khỏi cõi hồng trần, siêu thoát khỏi tất cả.
Vì vậy, chúng ta thực sự không thể tập trung căm phẫn về việc rốt cuộc Bảo Ngọc xấu xa tới đâu, nơi nào cũng nể nang lưu giữ tình cảm tới đâu – Thân là phận nữ trong thế giới hiện đại, cần thực sự chân thành và lý trí, đối mặt với hiện thực cuộc sống, chứ không phải dùng một khuôn khổ về nữ quyền mà mình nghĩ rằng là đương nhiên để yêu cầu nhân tình thế thái nên là thế này hoặc thế kia. Nguyên nhân bởi nó phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều; sự thực và lý tưởng luôn mâu thuẫn với nhau, vì vậy nữ giới luôn bị xúc phạm, bị tổn thương, sẽ sinh lòng oán hận.
Ở đây chúng ta không đề cập tới việc triều đại nhà Thanh đã diệt vong hơn 100 năm, chúng ta giảng lại về vấn đề cha con và vua tôi, vợ cả và thê thiếp. Điều chúng tôi muốn đề cập là chúng ta cần thực sự hiểu được nhân tình thế thái – thuộc tính của nữ giới, thuộc tính của nam giới. Ở tầng diện tâm linh, người ta có khát khao với chân lý và trí huệ, con người có bản năng thất tình lục dục. Thân là nữ giới, là thể sinh mệnh độc lập, trong khi gặp phải các vấn đề quan hệ xã hội, nguồn chất dinh dưỡng mà bạn mang lại cho người khác là gì? Bạn mang lại cho họ sự tỉ mỉ tình tiết, là ấm áp hay đau thương? Là tham lam yêu cầu có được hay là vừa oán hận vừa phó xuất? Là tính toán cân đo lải nhải hay thận trọng giả bộ hiền lành lương thiện? Đối với người thân thiết nhất, sự tồn tại của bạn là món quà đáng trân quý hay là một bi kịch?
Đây cũng là một trong những thu hoạch của chúng tôi khi đọc “Hồng Lâu Mộng”, đó là cuối cùng chúng ta phải nhìn thấy chính mình, giữa trời và đất này, là sự thuần phục hay là phản nghịch, để từ đó quan sát ưu điểm, khuyết điểm của con người. Con người ta giống như hạt cải giữa Trời và Đất, khi bạn nhận ra mình nhỏ bé như thế nào, biển người nơi xã hội đông đúc đến mức nào và nhìn thấy được sự phong phú, đa dạng và rực rỡ chói lọi của cuộc sống, bạn sẽ có được sự khiêm tốn và dẻo dai thật sự để đối mặt với kiếp nhân sinh.
Theo Epoch Times
Kiên Định biên dịch