Vận mệnh thăng trầm, thế sự rối ren, nàng không chút hoang mang mà tháo gỡ từng nút thắt trói buộc của thế tục, không chút vấy bẩn, hoặc là được đưa lên cành cao, hoặc là bị ném xuống ao bùn, nàng đều tin rằng “trước thềm xuân biết múa may, mây xanh lên vút ta chờ gió đông”.

Gian phòng của Bảo Thoa, giản dị và thanh tĩnh như động tuyết

Khuê phòng của Đại Ngọc sách chất thành đống, còn tốt hơn thư phòng thượng đặng; Thư Sảng Trai của Thám Xuân đầy những bức tranh thư pháp nổi tiếng, bút lông nhiều không đếm xuể; Am Lũng Thúy của Diệu Ngọc đến cả những chiếc tách dùng để thưởng trà đều mang đậm giá trị văn hóa lịch sử, đều là những món đồ cổ hiếm có.

Gian phòng Bảo Thoa nơi Hành Vu Uyển, giản dị, thanh tĩnh như cái động tuyết vậy, không có vật dụng gì, chỉ có một chiếc giường, hai bộ sách, còn có bàn trà với vài chiếc tách giản đơn. Vật trang trí chỉ là mấy cành hoa cúc cắm trong một chiếc bình đất thô.

Giả Mẫu không chịu nổi khi nhìn thấy tấm chăn và màn trướng của Bảo Thoa, nó đơn sơ và tầm thường chẳng khác chi mấy món đồ của người nhà quê, vội nhờ người tìm tấm màn trướng bằng lụa có tranh chữ thủy mặc thay cho tấm màn bằng vải xanh trong phòng nàng.

Kỳ thực, trong số các chị em trong vườn Đại Quan, Bảo Thoa học rộng nhiều tài, không ra khuê phòng, nàng từ sớm đã đọc hết các trước tác cổ kim. Chỉ là thơ và sách đã gói gọn trong tâm trí nàng, và nàng không thể hiện ra bên ngoài mà thôi.

Bảo Thoa dành phần lớn thời gian vào việc thêu thùa. “Nàng mặc đồ thường, trên đầu búi tóc trần, ngồi cạnh bục, cúi xuống bàn cùng a hoàn là Anh Nhi đang vẽ hoa. Thấy bà Chu đến, Bảo Thoa bỏ bút xuống, quay người lại, đon đả cười nói: “Mời chị Chu ngồi” (Hồi 7 – Hồng Lâu Mộng).

Đây chính là tu dưỡng của Bảo Thoa, với một người dưới có địa vị thấp hơn mình, nàng vẫn lấy lễ mà đối đãi.

Giả Bảo Ngọc kỳ duyên thức Kim Tỏa, Tiết Bảo Thoa xảo hợp nhận thông linh (tranh vẽ của “Hồng Lâu Mộng” toàn bản được vẽ bởi họa sư Tôn Ôn đời nhà Thanh).

Tu dưỡng của Bảo Thoa ẩn chứa trong những cuốn sách mà nàng xem qua

Tu dưỡng của Bảo Thoa ẩn chứa trong những cuốn sách mà nàng đã đọc qua, nàng đọc sách chỉ là vì để “hiểu lễ”, cái lễ của nàng không phải ở dạng lễ nghi rườm rà, mà thông qua việc tự giác tu chính bản thân, lấy sự dịu dàng, khiêm nhường để hòa hợp với mọi người chung quanh. 

360 ngày của một năm, đối với Đại Ngọc thì là “gươm sương đao gió những chờ đâu đây”, cùng là người dè dặt cẩn thận, biết phận biết thân sống trong Giả phủ, nhưng Bảo Thoa lại như cá gặp nước, tung tăng bơi lội, ai gặp nàng cũng dễ chịu như được gió xuân tưới mát tâm hồn.

Đối với Giả Hoàn vốn bị mọi người xem thường, nàng vẫn có thể đối đãi cậu ta như đối với Bảo Ngọc vậy, khi Giả Hoàn khóc lóc ăn vạ, nàng lựa lời khuyên răn. Sợ Bảo Ngọc mắng Giả Hoàn, nàng lại vội vàng giúp Giả Hoàn che đậy; đưa tặng lễ vật cũng không quên phần dì Triệu là người bị mọi người trong phủ coi khinh; với người mà Giả mẫu không ưa, nàng cũng sẽ không lãnh đạm, nhất nhất đều giữ trong tâm. 

Nàng luôn cân nhắc đến cảm xúc của người khác, chọn kịch hát náo nhiệt để khiến Giả mẫu cảm thấy thoải mái; cái đáng quý của nàng không chỉ ở lấy việc giúp người làm niềm vui, mà nàng giúp người khác cũng cần khiến người ấy cảm thấy thoải mái trong tâm. Khảng khái trao quyền làm chủ cho Sử Tương Vân, nàng sẽ cân nhắc có làm tổn hại đến lòng tự trọng của Tương Vân hay không; chuộc lại áo bông cho Tụ Yên, nàng cũng tính đến thể diện của người ta, căn dặn người hầu nhớ lấy phiếu cầm đồ ra, buổi tối lặng lẽ đưa áo cho người ta.

Nàng phối hợp cùng Thám Xuân và Lý Hoàn quản lý Vinh Quốc phủ, tuyệt sẽ không làm lu mờ ánh sáng của hai người đó, sáng nhưng không chói, khiêm tốn đặt mình ở chỗ thấp, phối hợp cùng mọi người mà hoàn thành các việc.

Hình tượng Tiết Bảo Thoa (tranh vẽ của họa sư Cải Kỳ đời nhà Thanh).

Nguyên Xuân cử người trao câu đố hoa đăng, Bảo Thoa cố tình giả vờ như không đoán ra được; không hiển lộ thông tuệ của mình, nàng “đại trí giả khờ”, chỉ vì không muốn làm mất thú vui của mọi người mà thôi.

Nàng không so đo những lời chế giễu bóng gió của Đại Ngọc, thay vào đó nàng còn nghĩ cho Đại Ngọc bản tính nhỏ nhen, cố gắng tránh một mình tiếp xúc với Bảo Ngọc để không khiến Đại Ngọc ghen tuông nghi ngờ. Nàng không vạch trần chỗ khó xử của Đại Ngọc, cuối cùng đến cả Đại Ngọc cũng khen con người nàng thật tốt, thừa nhận rằng, “tôi đã quá đa nghi”, “ngày trước tôi luôn cho rằng trong lòng chị ắt có tâm cơ gì, tôi đã sai thật rồi”.

Vườn Đại Quan bị lục soát, mặc dù sóng gió lần này không ảnh hưởng chút gì đến Bảo Thoa, nhưng nàng lại có quyết đoán tỉnh táo “tránh xa chốn nguy hiểm, không ở nơi hỗn loạn”. Ngày hôm sau nàng đã chuyển ra ngoài, kiên quyết tránh xa nơi thị phi này. Nàng sống có nguyên tắc, tuyệt không giảng hòa vô nguyên tắc, càng không ăn ở theo cách khéo đưa đẩy, mà khi đó có ai nguyện ý chủ động rời khỏi vườn Đại Quan đây?

Thân không xuất gia, nhưng lĩnh hội được đại nghĩa sâu sắc của Phật học

Bảo Thoa không ăn chay niệm Phật, cũng không đề cập đến việc xuất gia, nhưng người lĩnh hội đại nghĩa Phật học sâu sắc nhất lại chính là nàng. 

Vị thiên kim xuất thân từ phú gia coi “trân châu như sắt, vàng như đất” này, quần áo nửa mới nửa cũ, không thoa son phấn, không đeo trang sức lộng lẫy, những gì cần giảm  bớt đều giảm bớt cả, lấy giới “tham, sân, si”, “đoạn, xả, ly” tự nghiêm khắc chính mình. Nàng chẳng những không màng đến những vật ngoài thân, mà cũng có thể nhìn thấu sinh tử hợp tan của đời người.

Nàng cho rằng cái chết của Kim Xuyến chỉ là “mệnh đã định sẵn từ kiếp trước”, điều quan trọng là khuyên giải Vương phu nhân đừng quá day dứt trong lòng, quan trọng là giải quyết hậu quả thỏa đáng với gia đình người ta, ngân lượng nhất định phải bồi thường cho đủ, nàng lấy bộ quần áo mình mới may xong khâm liệm cho Kim Xuyến mà không chút đắn đo.

Mối tình sinh tử giữa Vưu Tam Thư và Liễu Tương Liên chấn động cả khu phố, nhưng nàng lại hờ hững như không, “trời có giông bão không đoán trước, người có họa phúc sớm chiều chẳng ai hay. Đây cũng là vận mệnh đã định của họ”. Việc thành không khoe, chuyện cũ không nhắc, nàng khuyên người mẹ đang đau buồn rằng: “Giờ người chết cũng đã chết rồi, người đi cũng đã đi rồi”, “cũng đành tùy họ mà thôi”.

Nàng bị dùng kế tráo hôn mà hoàn thành hôn sự với Bảo Ngọc, cũng chỉ cúi đầu không nói gì, tự gạt lệ thuyền quyên. Nàng kết hôn theo lệnh của mẹ mình, bản thân nàng nghĩ gì cũng không quan trọng, nếu đối tượng kết hôn không phải là Bảo Ngọc, nàng cũng sẽ vâng lời theo lễ giáo, cũng như năm xưa vào kinh ứng tuyển phi tần, nàng cũng tuyệt không phản kháng.

Tiết Bảo Thoa bị dùng kế tráo hôn hoàn thành hôn sự với Bảo Ngọc (tranh vẽ của “Hồng Lâu Mộng” toàn bản được vẽ bởi họa sư Tôn Ôn đời nhà Thanh).

Hôn nhân khó xử, nàng gặp sao yên vậy. Biết tâm tư của Bảo Ngọc không ở chỗ mình, nàng thản nhiên xử trí, chịu mệt chịu khó hầu hạ và khuyên giải Bảo Ngọc. Khi biết Bảo Ngọc xuất gia, dù khóc lóc thảm thiết nhưng không vì thế mà mất đi vẻ đoan trang. Nàng là người rất hiểu lẽ, biết suy trước nghĩ sau, nói rằng: “Bảo Ngọc là hạng người kỳ dị. Kiếp trước duyên xưa, đã sẵn như thế. Không thể oán trách ai được”. Nàng lại đem việc đạo lý ra nói một lượt. Mọi người đều yên lòng. Vương phu nhân gật đầu than: “Nếu bảo là tôi không có đức, thì không đáng được người con dâu đứng đắn như thế” (Hồi 120 – Hồng Lâu Mộng).

Bảo Thoa “từ nhỏ đã có tính trầm tĩnh, ít ham muốn, rất thích giản dị mộc mạc, lớn lên không thích son phấn”, hồng nhan dù có già đi, nàng cũng sẽ bình thản ung dung mà đối diện, không chút buồn đau.

Vận mệnh thăng trầm, thế sự rối ren, nàng không chút hoang mang mà tháo gỡ từng nút thắt trói buộc của thế tục, không chút vấy bẩn, hoặc là được đưa lên cành cao, hoặc là bị ném xuống ao bùn, nàng đều tin rằng “trước thềm xuân biết múa may, gió đông cuốn rải hoa này khắp nơi”, vậy nên “muôn dây nghìn sợi vẹn toàn, cũng dành khi hợp khi tan tha hồ! Đừng cười là giống chơ vơ, mây xanh lên vút ta chờ gió đông”.

Mà “Muôn dây nghìn sợi trước sau không biến đổi”, là định lực vốn đã cắm rễ thâm sâu trong nàng, sự tu dưỡng trong văn thơ và lễ giáo đã quyết định rằng nàng tuyệt sẽ không trôi theo thói đời xuống dốc, càng sẽ không chôn vùi phẩm hạnh khuôn vàng thước ngọc.

Kẻ phàm trần mà muốn “lên vút mây xanh”, cũng chính là cảnh giới cao trong thế giới trần tục này, chỉ muốn sống cảnh vinh hoa phú quý, nhung lụa gấm hoa, đó chắc chắn không phải là “tầng mây xanh” của Bảo Thoa. Tào Tuyết Cần khen nàng là”cao nhân trong núi”, ngồi vững trên đỉnh núi, nhìn xuống cõi hồng trần vạn trượng, giữ được phú quý, chịu được cảnh tẻ nhạt, dù cho Giả phủ có đổ sập, phải một mình nuôi dạy con thơ nơi hang cùng ngõ hẻm, nàng cũng có thể trân trọng cốt cách, bình lặng như không. Không cần xuất gia, cũng có ý cảnh “chân đi giày cỏ, tay cầm bát vỡ tùy duyên hóa độ” rồi. 

Hình tượng nàng Tiết Bảo Thoa (tranh vẽ được lưu giữ ở trung tâm Carnegie Mellon University, Hoa Kỳ).

Phụ lục: Thơ của Tiết Bảo Thoa trong “Hồng Lâu Mộng”.

“Vịnh Bạch Hải Đường”

Cửa khép vì hoa khép suốt ngày,
Tưới hoa bình nước sẵn cầm tay.
Phấn son rửa sạch thềm thu nọ,
Băng tuyết vời về bực móc đây.
Lạt thếch hoa càng thêm được vẻ,
Buồn tênh ngọc cũng phải chau mày.
Muốn dâng Bạch Đế màu trong trắng,
Lẳng lặng chờ đây lúc xế tây.

“Liễu Nhứ Từ”

Trước thềm xuân biết múa may
Gió đông cuốn rải hoa này khắp nơi
Bướm ong nhao nhác bay hoài,
Đâu theo dòng nước? Đâu vùi bụi thơm?
Muôn dây nghìn sợi vẹn toàn,
Cũng dành khi hợp khi tan tha hồ!
Đừng cười là giống chơ vơ
Mây xanh lên vút ta chờ gió đông.

Bàng giải vịnh

Chén mời dưới bóng quế đồng,
Trùng dương khao hát, khắp vùng Trường An,
Trên đường nào thấy dọc ngang,
Khen chê chỉ thấy đen vàng trông ra.
Rửa tanh rượu với cúc xoa,
Muốn phòng chứng lạnh thì ta thêm gừng,
Vò dốc cạn mùi còn chăng?
Bến trăng kia những lúa lừng mùi thơm.

Theo Tần Thuận Thiên, Epoch TImes
Vũ Dương biên dịch

Từ Khóa: