Những ai từng đến thăm Dunhuang Mogao Grottoes (Động Ngàn Phật) sẽ nhìn thấy bức tranh Phật hai đầu được vẽ vào thời Trung Đường trong Hang 237. Dù trải qua hơn nghìn năm nhưng bức họa Phật tại đây vẫn rực rỡ sắc màu, sống động như thật, khiến người người kính ngưỡng…
Dưới đây là câu chuyện vô cùng xúc động đằng sau sự ra đời của bức vẽ Phật hai đầu.
Vào thời Ấn Độ cổ đại có hai chàng thanh niên vô cùng nghèo khó nhưng lại rất tin vào Phật Pháp. Mỗi ngày hai chàng trai trẻ đều cố gắng làm thêm để có tiền thực hiện ý nguyện lớn nhất của cuộc đời mình – đó là dùng toàn bộ số tiền kiếm được thuê vẽ một bức họa Phật trong một ngôi đền để tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật. Hai người họ đi sớm về muộn, một người làm việc bằng hai, ăn mặc tiết kiệm, làm lụng vất vả như vậy qua vài năm, hai người cũng tích cóp được một số tiền nho nhỏ.
Vào một ngày, hai chàng trai vui vẻ đến chùa và thỉnh mời một họa sĩ vẽ giúp bức họa hình ảnh Phật bằng mực màu. Hai tay họ run run nâng lên số tiền ít ỏi được đổi bằng mồ hôi và máu của mình, thành tâm thành ý nói với họa sĩ: “Thưa ngài họa sĩ tốt bụng! Từ lâu chúng tôi đã có nguyện vọng muốn vẽ một bức họa màu chân dung Phật, tuy nhiên vì hoàn cảnh quá nghèo, trên thân mặc quần áo rách, bụng ăn chẳng được no, mấy năm nay chúng tôi dựa vào sức lực của mình đi làm thuê làm mướn cũng tích cóp được số tiền nho nhỏ. Nhận thấy rằng, cả đời chúng tôi cũng không tích cóp được số tiền nhiều hơn như vậy, do đó muốn dùng số tiền này nhờ ngài họa sĩ vẽ giúp bức họa chân dung Phật”.
Người họa sĩ nghĩ, số tiền ít ỏi này, ngay cả dùng để mua màu mực vẽ cũng không đủ, sao có thể vẽ hai bức họa chân dung Phật chứ? Tuy nhiên, tấm chân thành của hai chàng thanh niên nghèo đã khiến người họa sĩ vô cùng cảm động, nên anh cũng không cò kè mặc cả và lập tức đáp ứng yêu cầu của họ.
Người họa sĩ đã tự bỏ tiền túi để mua màu mực xanh đỏ loại tốt nhất, lên ý tưởng và dùng hết khả năng của mình để truyền tải chân tâm thành ý của hai chàng trai nghèo trong suốt quá trình vẽ chân dung Đức Phật. Với suy nghĩ này, nét vẽ của anh cảm thấy chưa bao giờ bút vẽ lại thể hiện ý tưởng được trơn tru như hiện tại.
Người họa sĩ tập trung hết tinh lực vào bức vẽ, sau vài ngày công việc đã hoàn thành. Nhìn bức vẽ chân dung Đức Phật thù thắng trang nghiêm, anh còn không tin được đó là nét vẽ của chính mình. Anh cảm thấy vô cùng hài lòng khi có thể vẽ được một bức chân dung Phật tuyệt vời như vậy cho hai người anh em tội nghiệp.

Hơn 10 ngày sau, hai chàng trai nghèo vui mừng cùng nhau đến xem bức vẽ và lễ Phật. Người họa sĩ chỉ vào tác phẩm đáng tự hào của mình và nói: “Người anh em, đây là bức họa về Đức Phật mà tôi đã vẽ cho người anh em. Hai người nhất định sẽ hài lòng”. Hai chàng trai nghèo nhìn bức vẽ rồi nhìn nhau mà không nói được lời nào. Người họa sĩ nhìn ra tâm ý của hai chàng trai nghèo liền vội giải thích: “Chúng ta đều là anh em, tôi cũng không tham tiền của hai người. Nói thật, số tiền của hai người góp lại cũng không đủ dùng mua mực màu vẽ chứ chưa nói đến tiền công. Tôi là dùng toàn bộ tâm ý cùng kỹ năng hòa quyện vào nhau mà vẽ nên bức họa chân dung Phật này”.
Lời còn chưa dứt thì kỳ tích đã xuất hiện. Bức họa chân dung Đức Phật phóng ra ánh sáng chói lòa tạo thành vầng hào quang màu vàng chiếu sáng cả ngôi đền. Họ còn ngạc nhiên hơn khi thấy hình ảnh Phật trên bức họa từ từ di động, phân thành hai đầu Phật giống nhau như đúc, hòa lẫn rồi tách ra khiến người xem cảm thấy hoa mắt. Một lúc sau, cả hai dần dần hòa vào làm một rồi định lại thành bức họa Phật hai đầu sống động, kỳ diệu và thù thắng vô cùng. Họa sĩ cùng hai chàng trai nghèo đều quỳ rạp xuống đất bái lạy. Sau đó cả ba người đều quy y cửa Phật và tinh tấn tu hành trong ngôi đền này.
Kể từ đó, rất nhiều thiện nam tín nữ đã đến chiêm bái bức họa Đức Phật hai đầu tại ngôi đền này, hương khói quanh năm không ngớt.
Theo Vision Times
San San biên dịch