Khi bị đặt vào thế ‘không còn gì để mất’, con người sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ, bởi vì lúc ấy họ chỉ còn một cơ hội mà thôi…

phần 2 trong loạt Binh gia mạn đàm có đề cập đến vấn đề ‘giặc cùng chớ bách’, khi tấn công quân địch phải chừa lại cho quân địch ít nhất một đường rút lui, như vậy sẽ làm giảm ý chí chiến đấu của họ. 

Còn phần này đề cập đến mặt khác của vấn đề nêu ở phần 2, đó là để tăng ý chí chiến đấu của quân ta, phải tự đặt vào chỗ ‘không lối thoát’. 

Chương 11 – Thiên Cửu địa trong Binh pháp Tôn Tử viết rằng: “Ném vào đất mất rồi mới còn, hãm vào đất chết rồi mới sống”. Cuối nhà Tần đầu thời Hán – Sở tranh hùng có 2 trận chiến minh hoạ rõ nét cho câu nói trên. 

‘Phá phủ trầm chu’: đập nồi chìm thuyền

Năm 207 TCN, 20 vạn quân nước Tần bao vây Cự Lộc của nước Triệu. Khi đó nước Triệu mới xưng vương, nên thực lực còn non yếu. Triệu Vương liền cầu cứu Sở Hoài Vương. Sở Hoài Vương phái Tống Nghĩa làm Thượng tướng quân, Hạng Vũ làm phó tướng, lãnh 5 vạn quân Sở đi cứu Triệu (tỷ lệ 5/20, 1 chọi 4).

Quân Sở do Tống Nghĩa chỉ huy đi đến An Dương, ở lại 46 ngày không tiến quân. Hạng Vũ sốt ruột muốn tiến quân, nhưng Tống Nghĩa không nghe. Nghĩa nói với Hạng Vũ rằng, hãy để Tần – Triệu đánh nhau, dù Tần thắng hay thua thì quân họ đều mệt mỏi, lúc ấy chúng ta sẽ ‘ngư ông đắc lợi’.

Sau đó Tống Nghĩa sai con trai là Tống Tương… sang làm tướng ở nước Tề. Tống Nghĩa thân hành tiễn con, sau đó mở yến tiệc ăn thịt uống rượu linh đình. Lúc ấy trời lạnh, mưa to, quân sĩ nước Sở đều đói rét, vậy mà Nghĩa lại ăn uống xa xỉ như vậy. 

Hạng Vũ nghĩ tới trách nhiệm cứu Triệu và muốn báo thù cho người chú là Hạng Lương, Hạng Vũ bèn lấy cớ vào hầu Thượng tướng Tống Nghĩa. Vũ bước vào trướng chặt đầu Nghĩa và thông báo rằng Sở Vương đã ra lệnh cho ông giết Nghĩa. 

Sở Hoài Vương biết tin cũng đành phải phong Vũ làm Thượng tướng quân. Lúc này Vũ sai Bồ tướng quân phát động tấn công quân Tần. Sau một vài trận đánh quân Sở đạt được một chút thắng lợi. Lúc này Hạng Vũ hạ lệnh cho tất cả binh lính vượt sông Chương Hà để cứu Cự Lộc.  

Bản đồ hướng tiến quân của Hạng Vũ trong ‘Tiếu đàm phong vân’ tập 2, phần 8: Phá phủ trầm chu.

Sau khi vượt sông Chương Hà, Hạng Vũ đã làm một chuyện rất nổi tiếng, đó là ‘phá phủ trầm chu’ – 破釜沉舟. 

Phủ – 釜: là đồ dùng nấu ăn. Chu – 舟 là thuyền. ‘Phá phủ trầm chu’ là ‘đập vỡ nồi, làm đắm thuyền’. Hạng Vũ chỉ cho binh sĩ đem lương khô đủ trong 3 ngày.

Ở đây có hai dữ kiện quan trọng đáng để phân tích. 

Thứ nhất là ‘trầm chu’ – làm chìm thuyền. Nếu đã qua sông mà làm chìm thuyền thì… không còn đường lui nữa, cho nên trận này phải thắng. Thứ hai là ‘phá phủ’ – đập nồi. Đập nồi thì không còn dụng cụ nấu ăn, hơn nữa Hạng Vũ chỉ cho quân đem theo 3 ngày lương khô, số lương còn lại đốt hết. Cho nên 3 ngày chính là thời hạn. Quân sĩ đã vào bước đường cùng rồi, hơn nữa phải chiến thắng thật nhanh, nếu không sẽ chết đói, đằng nào thì cũng không còn đường lui. Do đó ‘phá phủ trầm chu’ có nghĩa là phải thắng càng sớm càng tốt.

Hạng Vũ cưỡi ngựa, cầm kích, tiên phong tấn công quân Tần. Độ dũng mãnh của Vũ tới đâu? Giáo sư Chương Thiên Lượng khi đọc đến đoạn này có ấn tượng như sau: “Tôi xem trong ‘Sử ký’ miêu tả Hạng Vũ xung phong, cảm giác giống như trong ‘Thánh Kinh’, Moses qua biển Hồng Hải. Moses giơ trượng lên, biển Hồng Hải tách ra làm đôi, sau đó dẫn người Do Thái đến Canaan ở Trung Đông”.

Sau đó quân Sở đánh Tần 9 trận thắng cả 9, cắt đứt đường vận lương của Chương Hàm cho Vương Ly (1).

Quân của chư hầu đến cứu Cự Lộc đóng ở gần đó hơn 10 doanh trại, nhưng không ai dám đem quân ra đánh. Khi quân Sở giao chiến với quân Tần, các tướng chư hầu đều đứng trên tường mà nhìn. Binh sĩ nước Sở khi ấy ai ai cũng đủ sức 1 chống 10, tiếng reo hò của quân Sở vang một góc trời. 

Quân Tần thua to, số còn lại tan vỡ bỏ chạy. Thành Cự Lộc được giải vây. Triệu Vương Yết và Trương Nhĩ ra khỏi thành Cự Lộc, cảm tạ Hạng Vũ và các quân chư hầu.

Hạng Vũ rất dũng mãnh, nhưng một mình ông địch lại 20 vạn quân Tần là điều không thể. Cho nên ông phải có ‘đồng lòng’ của quân sĩ. Nếu không ‘trầm chu’, quân lính sẽ nghĩ rằng mình vẫn còn lối thoát. Nhỡ đâu một toán lính lấy thuyền bỏ chạy là một tiền lệ xấu. Nếu không ‘phá phủ’ thì có thể kéo dài nỗi sợ của binh lính, họ tin còn lương thực là còn sống thêm, nếu nồi cũng mất thì nỗi sợ đó chính là động lực sống. Vậy nên ‘phá phủ trầm chu’ mới trở thành điển cố nổi tiếng như vậy. 

Hàn Tín phá Triệu: trận chiến Tỉnh Hình

Năm 205 TCN, Hán vương Lưu Bang sai tướng Hàn Tín đánh Triệu. Tương quan lực lượng: Hán có 4 vạn quân, còn Triệu có 10 vạn. 

Cách Tỉnh Hình 30 dặm, Tín lệnh cho quân đóng trại. Đến nửa đêm, Tín chọn 2000 quân khinh kỵ, mỗi người cầm một cây cờ Hán, men theo đường hẻm núi mà quan sát quân Triệu. Ông dặn: “Ngày mai, Triệu thấy ta chạy, ắt bỏ trống thành luỹ. Khi ấy các ngươi nên đi mau vào luỹ Triệu, hạ cờ Triệu xuống, dựng cờ Hán lên”. 

Đồng thời Hàn Tín ra lệnh cho viên tuỳ tướng trông coi việc cơm nước rằng: “Hôm nay phá Triệu xong rồi mới ăn cơm”. Điều này nghĩa là nếu không thắng thì sẽ chết đói. 

Tín sai một vạn người bày cái trận ‘quay lưng phía sông’. Bởi vì đằng sau lưng là sông, cho nên quân sĩ không còn đường lùi. 

Sáng sớm hôm sau, Tín dựng cờ trống Đại tướng, dẫn số binh còn lại ra cửa Tỉnh Hình, Triệu mở cửa luỹ ra đánh. Đại chiến hồi lâu, Tín kéo quân bỏ chạy. Triệu muốn nhân cơ hội quét sạch quân Hán nên dốc hết binh đuổi theo. 

Quân Hán rút lui về liền phối hợp với đội quân ‘quay lưng phía sông’ (Bối Thuỷ) bất ngờ quay lại phản kích mạnh mẽ. Trận đánh diễn ra giằng co quyết liệt.

Thừa lúc quân Triệu vừa rời ra khỏi hết thành lũy, 2000 khinh kỵ của Hàn Tín đã nhanh chóng ập vào đánh úp và cắm 2000 lá cờ quân Hán lên. Đồng thời khi ấy, trước sức chống trả ngoan cường và phản kích mãnh liệt của quân Hán ở ‘Bối Thuỷ’, quân Triệu thấy khó giành được thắng lợi và muốn lui quân về. Nhưng lúc này lại nhìn thấy cờ quân Hán tung bay đỏ rực cả thành lũy Tỉnh Hình. Quân Triệu mất tinh thần, đội hình hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy, không sao ngăn được.

Thấy quân Triệu hỗn loạn, bỏ chạy, không bỏ lỡ thời cơ, quân Hán liền tiến công mãnh liệt, diệt gần hết số quân Triệu. 

Sau khi thắng trận các tướng hỏi Tín rằng: “Tướng quân sai lũ chúng tôi bày trận xoay lưng phía sông và bảo thêm rằng ‘phá xong quân Triệu mới ăn cơm’, chúng tôi đều không phục, nhưng cuối cùng lại thắng. Đó là bởi thuật gì?”.

Lúc này Tín mới có câu trả lời xác đáng rằng: “Điều này có trong binh pháp, chẳng qua các tướng không xem xét đó thôi. Binh pháp nói: ‘Hãm vào đất chết rồi mới sống, ném vào đất mất rồi mới còn’. Tín tôi đây chưa luyện tập đám quân sĩ này, thật không khác chi một đám người phố chợ ra đánh trận. Đặt vào chỗ chết mới khiến ai nấy đều lo chiến đấu. Nếu đặt vào chỗ sống, ai nấy đều chạy thì còn có thể làm được gì!”. 
(Còn tiếp…)

Mạn Vũ 

Chú thích: (1) Chương Hàm và Vương Ly là tướng nước Tần.