Quỷ Cốc Tử chính là một trong những nhân vật thần bí nhất lịch sử Trung Hoa. Tương truyền ông là thầy của Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần và Trương Nghi, ông tài năng xuất chúng nhưng thích ẩn cư nơi hoang vắng, không màng thế sự. Giống như cái tên của ông, cuộc đời Quỷ Cốc Tử cũng nhuốm một màu huyền thoại. 

Quỷ Cốc Tử tên thật là Vương Lợi, tự là Hủ, người đời Tấn Bình Công thời Chiến Quốc, bởi ẩn cư trong núi Quỷ Cốc nên người đời thường lấy hai chữ Quỷ Cốc làm hiệu gọi ông. Tương truyền, ông rất tài giỏi lại giản dị, chất phác, chưa từng để lộ tài năng ra ngoài. Các bậc quân vương thường cử người đến mời Quỷ Cốc tiên sinh xuống núi giúp nước nhưng ông vẫn luôn từ chối, chỉ một lòng tu Đạo.

Ông vốn là người có tư chất thông minh thiên bẩm. Từ năm 2 tuổi, Quỷ Cốc Tử đã bắt đầu đọc sách, 5 tuổi bắt đầu học tập toán quái, hơn 10 tuổi đã trở thành thầy xem bói, xa gần đều biết tiếng. Vì vậy, dân gian cũng cho rằng ông là ông tổ của thuật lý số, phong thủy. Ngoài ra, về các môn như y dược, binh pháp, lý luận… Quỷ Cốc Tử đều thông thạo cả.

Vào thời Tần Thủy Hoàng, nước Đại Uyên nơi Tây Vực có rất nhiều người hàm oan mà chết, thi thể nằm ngổn ngang bên đường nơi cánh đồng hoang. Có loại chim ngậm đến một loại cỏ lạ, đắp lên trên mặt của người chết, người chết liền sống lại. Quan phủ bẩm báo việc này lên Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng liền sai người đem loại cỏ đó đi thỉnh giáo Quỷ Cốc Tử tiên sinh.

Quỷ Cốc Tử tiên sinh nói: “Trong biển cả có 10 đảo tiên, chúng là Tổ châu, Doanh châu, Huyền châu, Diêm châu, Trường châu, Nguyên châu, Lưu châu, Quang Sinh châu, Phụng Lân châu, Tụ Quật châu, loại cỏ này là cỏ bất tử ở Tổ châu. Cỏ này sinh trưởng ở ruộng Quỳnh Ngọc, cũng gọi là Dưỡng Thần Chi. Lá của loại cỏ này giống như củ con của cây niễng, chỉ sinh trưởng một mình, không phải mọc thành từng khóm. Một cây cỏ bất tử này có thể cứu sống được hơn cả nghìn người“.

Quỷ Cốc Tử có 4 đồ đệ nổi danh là Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần và Trương Nghi. Cả bốn người đều làm nên công danh lớn, lưu danh sử sách. Tôn Tẫn – Bàng Quyên nổi tiếng trong những cuộc so tài trên chiến địa, bày mưu tính kế, vương giả trị quốc. Còn Tô Tần – Trương Nghi thì thể hiện bản lĩnh trên bàn ngoại giao, chu du lục quốc làm nghề du thuyết, có lúc nắm được ấn tướng của cả một quốc gia.

Tô Tần, Trương Nghi đều là môn sinh đắc ý của ông nhưng trong mắt Quỷ Cốc Tử, họ chỉ là những kẻ nóng vội lập công danh, không thể theo Đạo đến cùng. Họ hoàn toàn đủ căn cơ để có thể tu luyện đắc Đạo thành Tiên nhưng rồi lại mê lạc trong chốn hồng trần. Tô Tần, Trương Nghi đều đã từng học tập sách lược “hợp tung liên hoành” từ ông.

Hai người họ dự tính đi du thuyết chư hầu các nước, dùng gian trá và mưu trí mà tranh đoạt, loại trừ lẫn nhau, chứ không dùng chủ trương của Đạo gia để cảm hóa chư hầu, xóa bỏ chinh chiến và phân tranh. Đây là bởi vì lý luận của Đạo gia vô cùng cao thâm sâu huyền diệu, những người nông cạn tầm thường vốn không thể nhận được chân truyền của Đạo gia.

Quỷ Cốc tiên sinh bởi Đạo học mà ông tôn sùng ngày càng không được người đời lý giải tiếp nhận, vô cùng đau lòng, thường vừa thở dài vừa giảng giải lý luận của Đạo gia cho Tô Tần, Trương Nghi. Nhưng Tô Tần, Trương Nghi trước sau vẫn không thông hiểu được.

Dù biết Tô Tần, Trương Nghi đều không thể đắc Đạo thành Tiên, nhưng vì sao ngay từ đầu Quỷ Cốc Tử vẫn thu họ làm đồ đệ và truyền thừa những tinh hoa trong môn của mình?

Lý do là bởi ông đã nhìn thấy được số trời an bài hai con người này trong một thời đại loạn lạc, chiến tranh liên miên, để họ trở thành một phần tử trong cuộc biến hóa ấy.

Tương truyền rằng, một hôm, Quỷ Cốc Tử đang ngồi đả tọa trong động, chợt nghe thấy tiếng gió lớn thổi qua. Khi đưa tay lên bấm quyết, Quỷ Cốc Tử khẽ cười thầm, đoán định được rằng các nước chư hầu phân liệt khi ấy chắc chắn sẽ giao phó toàn vận mệnh cho hai người kiệt xuất (là Tô Tần và Trương Nghi). Ông bèn xuống núi tìm đồ đệ, muốn đem sở học của mình trao truyền lại.

Trương Nghi ở An ấp (nước Ngụy) và Tô Tần ở Lạc Dương, đều là những người ôm chí lớn trong lòng, muốn dựng lập sự nghiệp vĩ đại. Vì vậy, họ thường cùng nhau đàm luận, miệt mài đọc sách thánh hiền, lại đi chu du bốn phương, bái phỏng bậc hiền đức.

Hôm ấy, hai người cùng ngồi nghỉ dưới một gốc cây. Trong bóng tối mờ ảo, Tô Tần nhìn thấy một lão nhân có diện mạo kỳ lạ tiến lại về phía mình. Ông lão hỏi hai người họ vì sao phải vất vả như vậy? Sau đó ông nói mình chính là Quỷ Cốc Tử đến từ Quỷ Cốc. Đồng thời, ông cũng lấy từ ngực ra hai cuốn “Âm Phù” và “Sủy Ma” đưa cho Tô Tần đọc. Tô Tần lướt qua xem thử mấy dòng thì chợt hiểu ra đây là cuốn sách mà mình đang cần tìm.

Đúng lúc này, đột nhiên ông lão có tên Quỷ Cốc Tử ấy thu hồi cuốn sách và chỉ để lại một câu: “Muốn lấy sách thì đến Quỷ Cốc!”. Ngay sau câu nói ấy thì ông lão kia cũng biến mất. Tô Tần thất thanh la lớn và chợt tỉnh giấc, lúc này ông mới phát hiện là mình vừa gặp mộng. Đang lúc trong lòng buồn bực thì lại nghe thấy Trương Nghi đang nằm ngủ say bên cạnh nói câu: “Lão trượng! Ngài đi thong thả…

Tô Tần kinh ngạc, lập tức gọi Trương Nghi dậy hỏi: “Vừa rồi có phải huynh mơ thấy một ông lão tên là Quỷ Cốc Tử không? Ông lão ấy có phải đã đưa cho huynh hai cuốn sách để đọc qua không?”.

Hai người sau khi đối chiếu thì phát hiện quả nhiên đều trải qua cùng một giấc mơ giống hệt như nhau. Hai người vui mừng đến cực điểm, thầm nghĩ trong lòng rằng thành tâm thành ý của họ đã làm ông trời cảm động mà phái Thần Tiên đến báo mộng điểm hóa. Thế là, Tô Tần và Trương Nghi cùng trải qua nhiều ngày tháng cay đắng khổ sở để đến Quỷ Cốc tìm ông già có tên Quỷ Cốc Tử.

Hai người họ đi vào Quỷ Cốc tưởng chừng như đang đi giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Họ bị hấp dẫn bởi núi xanh nước biếc, hoa thơm cỏ lạ ở hai bên đường. Đang lúc mắt họ còn nhìn cảnh vật xung quanh thì ông lão trong mộng hiện ra trước mặt họ. Tô Tần và Trương Nghi lập tức quỳ xụp xuống lễ bái vị Tiên mà họ gặp trong mộng và cũng lên tiếng xin được ông thu nhận làm đồ đệ.

Thấy hai người họ sớm đến như vậy lại khẩn thiết xin làm đồ đệ, Quỷ Cốc Tử lòng tràn đầy vui mừng mà thu nhận. Sau đó, hai người đồ đệ này của Quỷ Cốc Tử lại viết tiếp ra những trang sử và truyền thuyết mới.

Vũ Dương 

Xem thêm: